Trang chủ Dưỡng Linh Cây Vả Không Trái

Cây Vả Không Trái

bởi admin

   Câu chuyện xảy ra trong buổi sáng lúc Chúa Jesus cùng các sứ đồ rời khỏi Bê-tha-ni đến thành Giê-ru-sa-lem. Trên đường đi Chúa Jesus thấy một cây vả, Mác tường thuật như sau:

Mác 11:12-14,20-21:

“Sáng ngày, khi đã lìa làng Bê-tha-ni rồi, thì Ngài đói. Từ xa, Ngài thấy một cây vả đầy lá nên đến xem có tìm được gì trên cây không; nhưng khi đến gần, chỉ thấy có lá mà thôi, vì bấy giờ không phải mùa vả. Ngài bèn cất tiếng phán cùng cây vả rằng: Chẳng hề có ai ăn trái của mầy nữa! Các môn đồ đều nghe lời ấy.

Sáng hôm sau, khi đi ngang qua, thấy cây vả đã khô cho tới rễ; bấy giờ Phi-e-rơ nhớ lại chuyện đã qua, thưa cùng Ngài rằng: Thầy, coi kìa! Cây vả thầy đã rủa nay khô đi rồi.”

Chúng ta chú ý đến câu 13:

“Từ xa, Ngài thấy một cây vả đầy lá nên đến xem có tìm được gì trên cây không; nhưng khi đến gần, chỉ thấy có lá mà thôi, vì bấy giờ không phải mùa vả.”

Câu chuyện gợi lên một số vấn đề:

+ Tại sao Chúa Jesus rủa cây vả cho nó khô héo, mà Kinh Thánh cho biết rõ vào thời điểm đó “chưa phải là mùa vả”?

+ Cây vả chỉ là một loài cây, nếu vì lý do nào đó không kết trái, thì nó có tội gì để bị Chúa rủa.

 


                                            Lá cây vả và trái vả

 

Đặc điểm của cây vả:

Lá của cây vả có kích thước lớn hơn nhiều so với trái vả, do đó, khi nhìn cây vả có nhiều lá từ đàng xa, người ta có thể không nhìn thấy trái của nó. Câu chuyện của Chúa Jesus cũng vậy, Chúa thấy cây vả từ đàng xa với nhiều lá, nhưng Chúa Jesus phải đến gần để tìm thấy trái của nó.
Cây vả còn có một điểm đặc biệt là ra trái trước khi ra lá. Cây cho trái trước rồi tiếp tục ra lá sau đó. Như vậy, khi thấy một cây vả có nhiều lá, thì chắc chắn nó phải có trái. Tuy nhiên, khi Chúa Jesus và các môn đồ đến gần kiểm tra thì không thấy có trái vả nào cả, chỉ toàn lá mà thôi.

Mùa trái vả khác với mùa thu hoạch trái vả:

Tại sao cây vả chỉ có lá mà không có trái như đáng lẽ phải có? Phần cuối của câu Kinh Thánh Mác 11:13 có vẻ như nêu lên nguyên do: “vì bấy giờ không phải mùa trái vả.” Đối chiếu cụm từ đó với các bản Kinh Thánh tiếng Anh như sau: because it was not the season for figs” hay for the time of figs was not yet.”

Chúng ta thấy cụm từ “mùa trái vả” được dịch đúng theo cụm từ tiếng Anh “the season for figs” hay “the time of figs”. Tuy nhiên, cụm từ “mùa trái vả” nếu đối chiếu với nguyên bản tiếng Hy-lạp “καιρος των καρπων”, có nghĩa là “mùa thu hoạch trái vả”(the season of gathering the fruits), tức là thời điểm mà người ta hái trái vả, chứ không phải mùa cây vả ra trái. Chính vì chúng ta hiểu sở dĩ cây vả không có trái là vì không phải mùa nó ra trái, nên chúng ta dễ nhận định rằng cây vả bị “oan ức” khi Chúa Jesus rủa nó. Nhưng sự thật không phải như vậy, cây vả không có trái không phải vì chưa đến mùa ra trái, cũng không phải vì nó có trái trước đó nhưng người ta đã thu hoạch trái rồi nên Chúa không thấy. Chỉ đơn giản là nó không có trái như đáng lẽ nó phải có.

Xin trưng dẫn bằng chứng về cách giải thích từ ngữ Kinh Thánh nêu trên: Trong ẩn dụ “ngươi trồng nho” (Ma-thi-ơ 21:33-44), Chúa Jesus kể về một người chủ có một vườn nho, vườn nho có rào chung quanh, có hầm ép nước nho, và người chủ cho người khác thuê vườn nho. Đến mùa thu hoạch, người chủ sai đầy tớ đến vườn nho để thu hoa lợi. Câu 34 chép: Đến mùa hái trái, người chủ sai đầy tớ đến cùng bọn trồng nho, đặng thâu hoa lợi.” Cụm từ “đến mùa hái trái” theo nguyên bản Hy-lạp là“καιρος των καρπων”(“the season for fruit” hoặc “the time of the fruit”), cụm từ nầy giống với cụm từ “mùa vả” trong câu chuyện Chúa Jesus rủa cây vả.

Như vậy, khi Kinh Thánh nói “bấy giờ không phải là mùa vả” có nghĩa là “bấy giờ chưa phải là thời điểm thu hoạch trái vả” để loại trừ trường hợp cây vả đó có ra trái nhưng người ta đã hái đi rồi. Cây vả có lá mà không trái là hiện tượng bất thường.

Bài học từ cây vả:

Sự kiện Chúa Jesus rủa cho cây vả chết khô không phải vì nó không cho trái để ăn vào lúc Chúa đang đói, nhưng chắn chắn Chúa Jesus muốn dạy cho các môn đồ thời đó cũng như cho nhân loại ngày nay một bài học nào đó. Chúa Jesus thường dùng câu chuyện thật trong đời sống để dạy các môn đồ và chúng ta ngày nay những lẽ thật.

1. Cây vả làm hình bóng về dân Do Thái.

Cây nho làm hình bóng về dân Do Thái theo ý nghĩa tổng quát (Ê-sai 5:7), cây vả hay trái vả cũng được dùng làm hình bóng về dân Do Thái nhưng theo ý nghĩa đặc biệt. Giê-rê-mi được Chúa cho thấy khải tượng về hai giỏ đựng trái vả: một giỏ đựng trái vả rất tốt và một giỏ đựng trái vả rất xấu không thể ăn được (Giê-rê-mi 24:2). Trái vả tốt chỉ về dân Do Thái biết kính sợ Chúa và giữ điều răn Chúa; Trái vả xấu chỉ về dân Do Thái không kính sợ Chúa và không giữ điều răn Chúa (câu 4-10).

Trong câu chuyện của Chúa Jesus, hình ảnh cây vả nhiều lá nhưng có không trái hàm ý:

+ Nhìn từ xa thấy có nhiều lá:

Lá cây xum xuê chỉ về hình thức bên ngoài, điều nầy chính xác với tình trạng thuộc linh của dân Do Thái thời Chúa Jesus, đặc biệt là giới lãnh đạo Do Thái là người Pha-ri-si, họ là các thầy tế lễ, các thầy thông giáo kể cả các trưởng lão. Họ chỉ chú tâm đến lớp áo tôn giáo bên ngoài.
Chúa Jesus gọi họ là những người giả hình (đạo đức giả), Chúa mô tả sự giả hình của họ như sau: Họ làm việc gì cũng cố để cho người ta thấy, mang cái thẻ bài da cho rộng, xủ cái tua áo cho dài; ưa ngồi đầu trong đám tiệc, thích ngôi cao nhất trong nhà hội; muốn người ta chào mình giữa chợ, và ưng người ta gọi mình bằng thầy!” (Ma-thi-ơ 23:5-7).

“Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi nộp một phần mười bạc hà, hồi hương, và rau cần, mà bỏ điều hệ trọng hơn hết trong luật pháp, là sự công bình, thương xót và trung tín.” (Ma-thi-ơ 23:23)

+ Có lá mà không có trái:

Nhìn từ xa thấy có lá rất tốt nhưng đến gần không có trái nào hàm ý giới lãnh đạo Do Thái chỉ khoe khoang vẻ đạo đức bên ngoài cho người khác nhìn thấy nhưng bên trong thì rỗng tuếch.

“Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy. Các ngươi cũng vậy, bề ngoài ra dáng công bình, nhưng ở trong thì chan chứa sự giả hình và tội lỗi.” (Ma-thi-ơ 23:27,28)

“Hỡi kẻ giả hình! Ê-sai đã nói tiên tri về các ngươi phải lắm, mà rằng: Dân nầy lấy môi miếng thờ kính ta; Nhưng lòng chúng nó xa ta lắm. Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích. Vì chúng nó dạy những giáo lý bởi người ta đặt ra.” (Ma-thi-ơ 15:7-9)

+ Chẳng hề có ai ăn trái của mầy nữa!

Khi Chúa Jesus đến gần cây vả, Ngài tìm trái nhưng không thấy, Chúa liền quở cây vả: “Ngài bèn cất tiếng phán cùng cây vả rằng: Chẳng hề có ai ăn trái của mầy nữa!” Cây vả có lá mà không trái thì hoàn toàn vô ích, chỉ đáng đốn bỏ đi:

   “Đức Giê-hô-va phán: Thật, ta sẽ diệt hết chúng nó. Chẳng còn trái nho trên cây nho; chẳng còn trái vả trên cây vả; lá sẽ khô rụng; những điều ta đã ban cho, sẽ bị cất lấy!” (Giê-rê-mi 8:13)

Như vậy, chúng ta đã hiểu được nguyên do tại sao Chúa Jesus rủa cây vả không trái.

2. Bài học cho Cơ-đốc nhân ngày nay:

Tân Ước cho thấy có nhiều loại tội, nhưng tội bị Chúa Jesus lên án là một trong những tội nặng: Tội giả hình.

Giống như cây vả nhìn thấy bên ngoài có lá xanh tốt nhưng thật sự thì không trái như đáng phải có. Cơ-đốc nhân sinh hoạt trong Hội Thánh ngày nay có thể rơi vào tình trạng thuộc linh giống như người Pha-ri-si khi xưa. Chúng ta có thể tỏ ra bên ngoài là một đầy tớ Chúa hay một tín đồ đạo mạo, kỉnh kiền nhằm mục đích cho người khác thấy, nhưng trong nếp sống thật lại không có những trái tương xứng. Cơ-đốc nhân phải bày tỏ trái hay kết quả của một nếp sống vâng giữ Lời Chúa, bước đi theo Thánh Linh như Phao-lô đã dạy trong thư Ga-la-ti 5:16 “Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt.” và các bông trái của Thánh Linh gồm: “Tình yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” (câu 22).
Sự thờ phượng Chúa của mỗi cá nhân trong Hội Thánh phải phát xuất từ tấm lòng chân thật bên trong, chứ không cố ý bày tỏ ra cho người khác thấy qua diện mạo bên ngoài hay qua các nghi thức: “Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” (Giăng 4:24)

Trong Ma-thi-ơ chương 6, Chúa Jesus cho biết có 3 hoạt động thuộc linh mà người tin Chúa rất dễ khoe khoang cho người khác thấy giống như người Pha-ri-si, đó là: Sự dâng hiến, sự cầu nguyện và sự kiêng ăn.

Về sự dâng hiến hay hiến tặng (giving), Chúa Jesus dạy: “Vậy, khi ngươi bố thí (giving), đừng thổi kèn trước mặt mình, như bọn giả hình làm trong nhà hội và ngoài đường, để được người ta tôn kính.” (Ma-thi-ơ 6:2)

Về sự cầu nguyện, Chúa Jesus dạy: “Khi các ngươi cầu nguyện, đừng làm như bọn giả hình; vì họ ưa đứng cầu nguyện nơi nhà hội và góc đường, để cho thiên hạ đều thấy.” (Ma-thi-ơ 6:5)

Về sự kiêng ăn, Chúa Jesus dạy: “Khi các ngươi kiêng ăn, chớ làm bộ buồn rầu như bọn giả hình; vì họ nhăn mặt, cho mọi người biết họ kiêng ăn.” (Ma-thi-ơ 6:16)

Chúng ta có thể nhận thấy sự khoe khoang về 3 lãnh vực nêu trên không chỉ có nơi người Pha-ri-si mà còn tồn tại trong Hội Thánh ngày nay. Do đó, theo lời Chúa dạy, con cái Chúa khi thực hành các điều trên phải phát xuất từ tấm lòng bên trong chứ không cố ý tỏ ra bên ngoài nhằm mục đích cho người khác thấy, cốt để chứng tỏ mình là người thuộc linh!

“Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va
nhìn thấy trong lòng.”
 (I Sa-mu-ên 16;7)

 

Tác giả:
[email protected]

gianggiaithanhkinh.net

bài đọc thêm:

CƠ ĐỐC GIÁO MẠ VÀNG    

Chúng ta đang sống trong thời đại hàng giả được sản xuất tràn lan. Các nhà kim hoàn đã làm ra được vàng và kim cương giả trông giống như thật.

Cơ đốc giáo đã không thoát khỏi những ảnh hưởng của thời đại giả tạo. Luật vàng trong Ma-thi-ơ 7:12, “hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri” đã được thay thế bằng quy tắc dát vàng: “Đừng làm điều mà mình không muốn làm cho người khác.”
Cơ đốc giáo mạ vàng là một tôn giáo chỉ có hình thức bên ngoài, nhưng không có sự sống Đấng Christ ở bên trong.
Cơ đốc nhân mạ/dát vàng là tín nhân hữu danh vô thực – đi theo hình thức của một tôn giáo nhưng không áp dụng  hay thực hành nếp sống đạo Cơ đốc.

Một Cơ đốc nhân dát vàng là theo một tôn giáo nhưng không thực hành nếp sống Cơ đốc.

Trong dụ ngôn Người Sa-ma-ri nhân lành (Lu-ca 10: 25-37), vị tư tế đi qua và bỏ đi luôn. Còn người Lê-vi sống theo quy tắc dát vàng. Họ là những chức sắc tôn giáo, nhưng hành động của họ cho thấy họ không chính trực đi theo Lời Chúa. Họ không gây ra đau khổ cho người bị cướp, nhưng họ cũng không đến giúp đỡ anh ta. Họ không làm tổn thương và cũng không giúp gì cho anh ta.

Nhiều người sẽ bị hư mất, không phải vì những gì họ làm, mà vì những gì họ không làm. Nhiều người tin rằng nếu họ không phạm tội giết người, ngoại tình, trộm cắp và nói dối, họ sẽ được cứu. Họ đã nhầm. Một người phải được Chúa kể là công bình để được cứu. Chúng ta đọc Ma-thi-ơ 13:43, “Khi ấy, những người công bình sẽ chói rạng như mặt trời trong nước của Cha mình.” Để được xem là công bình, một người phải được Đức Chúa Trời xưng là công bình thông qua hành động tiếp nhận Đấng Christ. Phao-lô giải thích: “Được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin” (Phi-líp 3:9). Vị sứ đồ nói thêm chúng ta phải: “mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:24). Nơi duy nhất mà một người được coi là công bình là ở trong Đấng Christ (Rô-ma 8:1), và một người được ở trong Đấng Christ bởi đức tin (Ga-la-ti 3: 26-27). Sau đó, người ấy phải có sự sẵn sàng cho các việc lành (Tít 2:14), và “có lòng sốt sắng, và ăn năn” (Khải huyền 3:19).

Tuy nhiên, có thể là người theo đạo Tin Lành mà vẫn không công bình, vì sự công bình bao gồm việc làm những điều đúng đắn (Công vụ 10:35; Thi thiên 19: 8; 33: 4). Chúng ta không thể được cứu nếu không làm theo lời Kinh Thánh (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1: 8; 1 Phi-e-rơ 4:17), cũng như không thể tiếp tục được cứu mà không làm bất cứ điều gì cho công việc Chúa (Hê-bơ-rơ 2:3).

Một Cơ đốc nhân mạ vàng là vô hại nhưng không có ích.

Người  bị cướp sẽ chết vì sự bỏ mặc của những người đi ngang qua cũng như vì sự ngược đãi của những tên cướp. Anh ta sẽ chết vì họ không muốn giúp đỡ anh. Có thể họ đang rất vội vàng hoặc gia đình của họ đang mong đợi họ về nhà sớm. Họ có thể đã bào chữa cho mình bằng cách nói, “Tôi không phải là bác sĩ, tôi không thể làm gì được.”

Nhiều người trong cộng đồng Cơ đốc giống như thầy tế lễ và người Lê-vi trong câu chuyện. Họ chuyển qua những công việc tốt khác mà họ tuân giữ. Họ không quan tâm đến người bị nạn, nhưng họ để người bị nạn chết vì thiếu sự giúp đỡ. Hãy áp dụng nguyên lý này cho hôm nay: nhiều người đang bị thương tích xung quanh chúng ta. Chúng ta có thể không gây ra đau khổ cho họ, nhưng chúng ta phải giúp họ (Ga-la-ti 6:10; Gia-cơ 1:22, 27).

Người ốm đau đi vào bệnh viện mà không cần thẻ thăm khám. Những người bị hư mất đi đến ngày phán xét mà không có đường trở lui hoặc lời mời tin nhận phúc âm. Nhiều người lầm lỗi ở lại trong tội lỗi mà không có một lời khuyên nhủ. Các buổi đi thăm viếng, các cuộc họp học cách chia sẻ phúc âm, các cuộc họp của hội thánh và các lớp đào tạo môn đồ hóa có ghế trống trong khi các Cơ đốc nhân mạ vàng ngồi trên những chiếc ghế xoay trước Ti-vi và lướt Facebook.

Hãy ghi nhớ trường hợp này. Đức Chúa Trời đã rủa sả thành Mê-rô, “Sứ giả của Đức Giê-hô-va phán: Hãy rủa sả Mê-rô; Hãy rủa sả, rủa sả dân cư của nó! Vì chúng nó không đến tiếp trợ Đức Giê-hô-va” (Các Quan Xét 5:23). Những Cơ đốc nhân mạ vàng quá bận rộn, hoặc quá keo kiệt, không thể giúp được gì cho công việc của Đức Chúa Trời.

Khi một người không làm nhiệm vụ của mình, Đức Chúa Trời buộc người đó phải chịu trách nhiệm (Gia-cơ 4:17; Ma-thi-ơ 25:18, 30). Ngày phán xét đến, Chúa Giê-su sẽ xem lại quyển sách ghi chép để xem liệu chúng ta có giúp những người đói, khát, trần truồng và tù nhân hay không (Ma-thi-ơ 25:31-46).

Một Cơ đốc nhân mạ vàng thì bên ngoài sạch sẽ nhưng bên trong thì không

Người Pha-ri-si đánh bóng bên ngoài chén và đĩa, nhưng bên trong thì bẩn thỉu. Chúa Giê-su so sánh họ với những ngôi mộ được sơn màu trắng xinh đẹp, nhưng bên trong chỉ là xương  người chết (Ma-thi-ơ 23:25-27).

Đây là hình ảnh của thói đạo đức giả, một căn bệnh của Cơ đốc giáo. Nhiều người theo Cơ đốc giáo chỉ để xoa dịu lương tâm và mang lại cho bản thân sự tôn trọng, nhưng không đủ để đưa họ lên thiên đàng. Chúa Giê-su hỏi những người Pha-ri-si là những kẻ giả hình, “Hỡi loài rắn, dòng dõi rắn lục kia, thế nào mà tránh khỏi sự đoán phạt nơi địa ngục được?” (Ma-thi-ơ 23:33).

Một Cơ đốc nhân mạ vàng đi một dặm chứ không đi hai dặm (Ma-thi-ơ 5:41).

Người theo đạo Tin Lành mạ vàng muốn tuân thủ luật pháp của Đức Chúa Trời ở mức tối thiểu nhất. Anh ấy muốn biết mình phải tham gia bao nhiêu buổi lễ (Hê-bơ-rơ 10:25). Sự kiên nhẫn của anh sớm cạn kiệt với một người anh em yếu đuối (Ga-la-ti 6:1-2). Anh ta có thể đối kháng với định nghĩa về tình yêu thương: “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo” (1 Cô-rinh-tô 13:4). Anh ta chiến đấu với cám dỗ một chút, nhưng sau đó thất bại, vì không có sự sống của Đấng Christ ở bên trong. Anh ta nhổ một bụi gai hoặc đuổi một con chim đi, nhưng sau đó anh ta bận rộn ở một nơi khác và hạt giống gieo ra không có kết quả gì (Ma-thi-ơ 13: 4, 7, 19, 22).

Một Cơ đốc nhân mạ vàng “tha thứ” cho người khác nhưng không quên tội của họ.

Những người theo đạo Cơ đốc mạ vàng tha thứ cho người phạm tội, nhưng mối hận thù vẫn hằn sâu trong tim họ. Đức Chúa Trời không quên tội lỗi của chúng ta nếu chúng ta không muốn quên tội lỗi của những người đã ăn năn. Chúa Giê-su dạy: “Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 6:14-15). Chúng ta được dạy phải cầu nguyện: “Hãy tha nợ cho chúng tôi, cũng như chúng tôi tha cho người mắc nợ mình” (Ma-thi-ơ 6:12). Phi-e-rơ đã hào phóng đề nghị tha thứ bảy lần cho người phạm tội, nhưng Chúa Giê-su đã mở rộng nó lên bảy mươi lần bảy (Ma-thi-ơ 18:21-22). Điều này có nghĩa là tha thứ không giới hạn (xem Lu-ca 17:3-4). Chúng ta phải trở nên giống như bản chất của Đức Chúa Trời, Đấng  tha thứ cho tội lỗi của chúng ta, và Ngài không nhớ đến nữa. “Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa” (Giê-rê-mi 31:34).

Một Cơ đốc nhân dát vàng đến nhà thờ nhưng không thờ phượng Chúa

Có một sự khác biệt ở đây. Một người có thể tham dự mọi buổi lễ ở nhà thờ nhưng không bao giờ thờ phượng Đức Chúa Trời. Tâm trí của người ấy có thể ở nhà, giải quyết một vấn đề trong công việc, lên kế hoạch cho một bữa ăn trưa, suy ngẫm về trò chơi ngày hôm qua, hoặc phê bình bài giảng hay ban hát.

Cơ đốc nhân dát vàng không thực sự đặt tấm lòng của mình vào ca ngợi Chúa, học tập, thông công, cầu nguyện, hoặc dâng hiến. Chúa Giê-su ra lệnh cho chúng ta phải thờ phượng bằng tâm linh (Giăng 4:24). Chúng ta phải học tập có thái độ giống như của Phao-lô, “Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người dã man, cả người thông thái lẫn người ngu dốt.  Ấy vậy, hễ thuộc về tôi, thì tôi cũng sẵn lòng rao Tin lành cho anh em, là người ở thành Rô-ma” (Rô-ma 1:14-15). Và của Phi-e-rơ, “Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ ở Na-xa-rét, hãy bước đi” (Công vụ 3: 6). Bất cứ điều gì tay chúng ta làm đều phải làm hết sức mình. “Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình” (Truyền đạo 9:10). Chúa xứng đáng cho chúng ta noi dấu chân Ngài hơn là theo một Cơ đốc giáo dát vàng.

admin

Có thể bạn quan tâm