Trang chủ Hỏi Và Đáp Chúa Jesus ở đâu sau khi chết?

Chúa Jesus ở đâu sau khi chết?

bởi admin

Thầy ơi, cho tôi hỏi:

Chúa Giê-su Đi Đâu Sau Khi Chết Và Trước Khi Phục Sinh?

Trả lời:

Kinh Thánh không trình bày rõ ràng về câu hỏi trên đây. Vì thế chúng ta cũng không có nhiều hiểu biết về vị trí Chúa ở đâu sau khi Giô-sép đặt thân xác Ngài trong mồ niêm phong ba ngày. Nhiều suy đoán và giả thuyết được đưa ra để chứng minh cho quan điểm của từng nhóm người.

Một quan điểm phổ biến (quan điểm thứ nhất) là Chúa Giê-su đã đi vào địa ngục (hell) trong khoảng thời gian ba ngày thân xác Ngài bị niêm phong trong mộ. Điều này dựa vào các câu Kinh Thánh sau:

“Ngài chẳng bị để nơi Âm phủ (Hades, Hell) –điều này được giải thích là Ngài đã vào Âm phủ rồi sau đó thoát ra, và xác thịt Ngài chẳng thấy sự hư nát.” (Công. 2:31), tuy nhiên Ngài đã sống lại sau đó.
Phi-e-rơ nói rằng Chúa Giê-su đã rao giảng cho “các linh hồn bị tù.” (1 Phi. 3:19). Câu này được suy diễn là Ngài đã vào địa ngục để rao giảng.
Sứ đồ Phao-lô viết trong Ê-phê-sô 4:8-9, “Vậy nên có chép rằng:
Ngài đã lên nơi cao, dẫn muôn vàn kẻ phu tù,
Và ban các ơn cho loài người.
Vả, những chữ “Ngài đã lên” có nghĩa gì, há chẳng phải là Ngài cũng đã xuống trong các miền thấp ở dưới đất sao?” Trong thời điểm lúc bấy giờ một số tín nhân cho rằng Chúa Giê-su mang tất cả các linh hồn của những tín hữu đã chết từ vị trí của họ trong Sheol (lấy từ “Sheol” và gán cho nghĩa là địa ngục) và đưa họ lên thiên đường với Ngài bởi vì họ đã phải chờ đợi sự chết và sự sống lại của Ngài trước khi họ có thể vào thiên đàng. “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.” (1 Côr. 15:20)
Bài tín điều các sứ đồ tuyên bố rằng: Chúa Giê-su đã xuống Âm phủ.
Một số tín nhân cho rằng không ai được vào thiên đàng cho tới khi Chúa Giê-su đã chết, sống lại và thăng thiên (1 Côr. 15:20; Giăng 14:3)
Phong trào Lời – Đức Tin đã thêm sự giảng dạy không chính thống vào quan điểm này. Họ cho rằng Chúa Giê-su đã đánh bại Satan trong địa ngục, và sau đó Ngài đã được tái sinh thêm lần nữa.
Nhiều học giả Kinh Thánh tin rằng khi Chúa Giê-su chết trên thập tự giá thì thần linh (spirit) của Ngài đã lên thẳng trên thiên đàng ở với Đức Chúa Cha trong ba ngày trước khi Ngài phục sinh và trở về trái đất (quan điểm thứ hai). Nhóm này dựa vào các câu Kinh Thánh sau:

“Đức Chúa Jêsus bèn kêu lớn rằng: Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha! Ngài vừa nói xong thì tắt hơi.” (Lu-ca 23:36). Như vậy linh hồn của Chúa Giê-su đã về với Cha sau khi Ngài chết trên thập tự giá.
Chúa Giê-su nói với tên cướp khi Ngài bị treo lên thập tự giá, “Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.”Ba-ra-đi (Paradis) hoặc dịch là vườn vui vẻ, hoặc dịch là thiên-đàng
(Lu-ca 23:43). Điều này được giải thích là Chúa Giê-su đã về thiên đàng (Ba-ra-đi) sau khi Ngài chết trên cây thập tự. Họ cũng giải thích Ba-ra-đi ở đây là từng trời thứ ba khi đối chiếu với lời của Phao-lô: “Tôi biết một người trong Đấng Christ, cách mười bốn năm trước, đã được đem lên đến từng trời thứ ba (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết).” (2 Côr. 12:2)

Trong Cựu Ước Hê-nóc đã được cất lên trời và không phải trải qua sự chết (Sáng thế ký 5:4; Hêb. 11:5).
Ê-li cũng được cất lên trời tương tự như Hê-nóc (2 Các vua 2:1).
Khi nhìn vào quan điểm thứ nhất, chúng ta có thể thấy:

“Các miền thấp ở dưới đất” (Ê-phê-sô 4:9) không ám chỉ đến địa ngục (khác với bên dưới đất trong Phi-líp 2:10) nhưng đến ngôi mộ nơi thân thể của Chúa Giê-su bị niêm phong.
Bài tín điều các sứ đồ không được viết ra từ sự soi dẫn của Đức Thánh Linh. Trong phiên bản đầu tiên của bài này không có cụm từ “Ngài xuống âm phủ….”
Từ địa ngục (hell) không phải là cách dịch chính xác của từ “mồ mã (grave)” được sử dụng trong Thi thiên 16:10-11 và Công vụ 2:31. Chúng ta tham chiếu thêm bản Kinh Thánh Tiếng Anh EHV.
“Vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong mồ mã (Bản KT Tiếng Việt dịch chỗ này là âm phủ)
Cũng không để cho người thánh Chúa thấy sự hư nát.” (Thi. 16:10)

Psalm 16-10-
“Ngài chẳng bị để nơi mồ mã (Bản KT Tiếng Việt dịch chỗ này là âm phủ), và xác thịt Ngài chẳng thấy sự hư nát.” (Công vụ 2:31)

“he saw what was coming and spoke about the resurrection of Christ, saying that he was neither abandoned to the grave nor did his flesh see decay.” (Acts 2:31 EHV)

Phi-e-rơ dùng câu này để công bố sự phục sinh của Christ từ mồ mã (Sheol), chứ không nói rằng thần linh của Chúa đã đi vào địa ngục (hell).

Khi Phao-lô viết, “Vậy nên có chép rằng: Ngài đã lên nơi cao, dẫn muôn vàn kẻ phu tù,” (Ê-phê-sô 4:8), ông có thể không hàm ý đến việc đưa các linh hồn về thiên đàng vì các tín hữu không phải là những kẻ phu tù. Vị sứ đồ đang đề cập tới Đấng Christ đánh bại ma quỉ (Đọc Cô-lô-se 2 và Hê-bơ-rơ 2) và công bố sự chiến thắng của Ngài trên các thế lực thù nghịch qua quyền năng phục sinh.
Chúa Giê-su đã đánh bại Satan qua sự chết (Hêb. 2:14) và qua sự phục sinh (Rô-ma 4:25) chứ không phải là đánh bại Satan trong địa ngục. Trước giờ chịu khổ hình trên thập tự giá, Chúa Giê-su phán, “Hiện bây giờ, có sự phán xét thế gian nầy, và hiện nay vua chúa của thế gian nầy phải bị xua đuổi.” (Giăng 12:31). Và rồi khi bị treo lên thập tự giá Ngài công bố, “Mọi sự đã hoàn tất.” (Giăng 19:30; Hêb. 1:3)
“Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.” (1 Côr. 15:20). Điều này có nghĩa không ai có thể nhận lấy một thân thể phục sinh rồi vào thiên đàng cho đến khi Đấng Christ đã phục sinh. Nhưng điều này không có nghĩa là tâm linh (spirit) của con người không thể vào thiên đàng trước sự phục sinh của Christ. Xét cho cùng, Đấng Christ là Chiên con bị giết từ buổi sáng thế (Khải. 13:8; Ê-phê-sô 1:4). Trong chương trình của Đức Chúa Trời sự cứu rỗi là một sự kiện đã được hoàn tất ngay cả trước khi Chúa Giê-su chưa phải chịu chết, bởi vì “TRỜI biết sự cuối cùng từ buổi đầu tiên.” (Ê-sai 46:10)
Phi-e-rơ viết rằng Chúa Giê-su rao giảng cho các linh hồn bị cầm tù không có nghĩa là việc rao giảng này xảy ra giữa sự chết và sự phục sinh của Chúa. Ngữ cảnh của câu này là, “Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống (phục sinh). Ấy bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù, tức là kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê…” (1 Phi-e-rơ 3:18-20). Kinh văn ở đây nói rõ ràng là sau khi Ngài được “sống” (phục sinh), Ngài rao giảng cho “các linh hồn bị tù, tức là kẻ bội nghịch thuở trước.” Khi Phi-e-rơ viết những lời này có thể ông muốn nói đến sự chiến thắng của Chúa Giê-su trên quyền lực của ma quỉ (Ê-phê-sô 4:8; Cô-lô-se 2:15)

ÁP DỤNG

Không ai biết chắc chắn Chúa Giê-su đi đâu trong khoảng thời gian giữa sự chết và sự phục sinh. Nhưng có một điều rõ ràng: Chúa Giê-su đã phá hủy quyền lực của tội lỗi và sự chết. Phao-lô khẳng định, “Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ.” (Cô-lô-se 2:15)

KINH THÁNH THAM KHẢO

Lu-ca 23:42-43; Giăng 20:17; 1 Phi-e-rơ 3:18-20

Tác giả: Norman L. Geisler and Jason Jimenez
Translated by Huongdi

Nguồn:

The Bible’s Answers To 100 of Life’s Biggest Questions, by Norman L. Geisler & Jason Jimenez

🙂
Chúa ở đâu sau khi chết?
Có nhiều sự lẫn lộn liên quan đến câu hỏi này. Quan niệm về việc Chúa xuống địa ngục sau khi chết trên thập tự giá xuất phát từ Bài tín điều các sứ đồ đầu tiên, trong đó có câu “Ngài đi xuống địa ngục” Cũng có một vài bản Kinh Thánh tùy thuộc vào cách thức dịch, mô tả Chúa Giê-xu đi xuống “địa ngục.” Để nghiên cứu vấn đề này, điều quan trọng đầu tiên phải hiểu những gì Kinh Thánh dạy về địa hạt của người chết.

Trong Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, từ ngữ được sử dụng để mô tả địa hạt của người chết là sheol. Từ đó có nghĩa là “nơi của người chết” hoặc “Chỗ của những linh hồn/linh đã thoát khỏi thể xác”. Từ mà Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hi Lạp sử dụng cho địa ngục là “Hades” có nghĩa tương tự như “sheol”. Những bản Kinh Thánh khác trong Tân Ước chỉ ra “Sheol hay Hades” là một chỗ tạm thời, nơi linh hồn được tạm giữ trong khi họ đang chờ đợi sự phục sinh và phán xét cuối cùng. Khải Huyền 20:11-15 phân biệt rõ ràng giữa “hades” và hồ lửa. Hồ lửa) là nơi đoán xét cuối cùng và đời đời dành cho người bị hư mất. Hades là một nơi tạm thời. Nhiều người cho rằng hades và hồ lửa là “địa ngục”, và quan niệm đó tạo nên sự nhầm lẫn. Vì vậy, không, Chúa Giê-xu không đi xuống nơi linh hồn bị trừng phạt sau khi Ngài chết, nhưng Ngài đi xuống hades.

“Sheol/Hades” là một nơi chia ra hai địa hạt , một nơi dành phước hạnh, và một nơi phán xét (Ma-thi-ơ 11:23, 16:18; Lu-ca 10:15, 16:23; Công vụ 2:27-31). Hai địa hạt này gọi chung là “Hades” trong Kinh Thánh. Nơi ở của người được cứu gọi là “Ba-ra-đi” trong Lu-ca 23:43 và “lòng của Áp-ra-ham” trong Lu-ca 16:23. Những nơi ở của người được cứu và người bị hư mất được ngăn cách bởi một vực sâu không đáy Lu-ca 16:26. Khi Chúa Giê-xu chết, Ngài đi đến nơi phước hạnh trong sheol và đem những người tin Chúa về thiên đàng. (Ê-phê-sô 4:8-10). Nơi phán xét của Sheol / Hades vẫn không thay đổi. Tất cả những người không tin đã chết sẽ ở đó đang chờ sự phán xét cuối cùng của họ.. Chúa Giê-xu có đi xuống sheol/Hades không? Có, theo Ê-phê-sô 4:8-10 và I Phi-e-rơ 3:18-20.

Một số rắc rối đã phát sinh từ đoạn văn như Thi Thiên 16:10-11, có một vài bản Kinh Thánh dịch từ “sheol” là “địa ngục”. Đó là cách dịch không chính xác. Từ đúng có thể sẽ là “hầm mộ” hoặc “nơi của người chết”. . Chúa Giê-xu đã nói với kẻ trộm bên cạnh Ngài, “Hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:43). Thân thể Chúa Giê-xu nằm trong phần mộ, linh hồn /linh của Ngài đi đến nơi phước hạnh của “Sheol/Hades”. Thật không may, trong nhiều bản dịch Kinh Thánh, dịch giả không nhất quán hoặc hiệu chỉnh trong cách họ dịch từ tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp cho “Sheol”, “Hades”, và “Địa ngục “.”

Một số có quan điểm cho rằng Chúa Giê-xu đã đi đến “địa ngục” hoặc chịu đựng nơi “Sheol / Hades” để tiếp tục bị trừng phạt vì tội lỗi của chúng ta. Ý tưởng này hoàn toàn không đúng với Kinh Thánh. Sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá và sự đau khổ của Ngài trên đất này là sự cung cấp đủ cho sự cứu chuộc chúng ta. Đó là huyết đã đổ ra của Ngài có hiệu lực tẩy sạch tội lỗi của chính chúng ta (I Giăng 1:7-9). Khi Ngài bị treo trên thập tự giá, Ngài đã gánh tội lỗi của toàn nhân loại trên chính Ngài. Ngài trở nên tội lỗi vì chúng ta: “Ðức Chúa Trời đã làm cho Ðấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Ðấng đó mà được trở nên sự công bình của Ðức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 5:21). Ý nghĩa của việc gánh thay tội này giúp chúng ta hiểu cuộc chiến đấu của Chúa Giê-xu trong vườn Ghết-sê-ma-nê với chén tội lỗi đó sẽ đổ vào Ngài tại nơi thập tự giá.

Lúc Chúa Giê-xu gần qua đời, Ngài phán, “môi việc đã được trọn” (Giăng 19:30). Sự chịu đau đớn của Ngài thay cho chúng ta đã hoàn thành. Hồn/linh của Ngài đi tới hades (nơi của người chết). Chúa Giê-xu không đi xuống “địa ngục” hay nơi của sự phán xét trong hades, Ngài tới nơi gọi là “lòng của Áp-ra-ham”hay nơi phước hạnh trong hades. Sự đau đớn của Chúa chấm dứt khi Ngài qua đời. Món nợ của tội lỗi đã được trả. Sau đó Ngài chờ đợi sự phục sinh của thân thể và sẽ trở nên vinh hiển trong sự thăng thiên.
Chúa Giê-xu có đi vào địa ngục? Không.
Chúa Giê-xu có đi đến sheol/hades? Có.
nguồn: gotquestions.org
🙂
Các Linh Hồn bị cầm tù là ai?

I Phi-e-rơ 3:19:

“Ấy bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù”

Câu hỏi:

Đã có lúc Chúa Jesus giảng cho các linh hồn bị tù, các linh hồn bị tù chỉ về ai?

Giải đáp:

Có thể nói I Phi-e-rơ 3:19 là một trong số ít câu Kinh Thánh khó hiểu nhất trong cả Kinh Thánh và rất khó giải thích. Hơn nữa, các nhà giải kinh cũng đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau nên càng khiến cho câu Kinh Thánh nầy trở nên rắc rối hơn.

Để nắm bắt được nội dung chính, chúng ta cần phải đọc và suy gẫm bao gồm văn mạch đi trước và văn mạch đi sau của I Phi-e-rơ 3:19:

“Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng
ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống. Ấy
bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn (spirit) bị tù, tức là kẻ bội nghịch thuở trước, về thời
kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhịn nhục chờ đợi, chiếc tàu đóng nên, trong đó có ít người được cứu bởi nước, là chỉ có tám người.” (I Phi-e-rơ 3:18-20)

Chúng ta đối chiếu câu 19 với các bản dịch Anh Ngữ như sau:

“Ấy bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn (spirit) bị tù” (Bản Truyền Thống)

“In which he went and proclaimed to the spirits in prison” (Bản ESV)

“By which also he went and preached unto the spirits in prison” (Bản KJV)

“After being made alive, he went and made proclamation to the imprisoned spirits” (Bản NIV)

Theo nội dung của I Phi-e-rơ 3:18-20, Chúa Jesus đã đi rao giảng cho các linh hồn bị cầm tù trong thời kỳ Nô-ê. Như vậy, có đến 3 câu hỏi cần được giải đáp:

1/ Các linh hồn bị tù chỉ về ai, hay chỉ về nhóm người nào?

2/ Chúa Jesus rao giảng về điều gì?

3/ Lúc nào Chúa Jesus rao giảng?

Cả 3 câu hỏi trên cần được giải đáp với sự nhất quán trong cách giải thích, với toàn bộ Kinh Thánh làm nền tảng, nhất là đối với câu hỏi thứ nhất.

1. Các linh hồn (spirits) bị tù là ai?

Có 4 yếu tố liên quan đến nhau mà chúng cần tìm hiểu: 1/ Linh hồn; 2/ bị cầm tù; 3/ bội nghịch; 4/ Thời kỳ Nô-ê.

a) Linh Hồn (spirit):

Bản Kinh Thánh Việt Ngữ Truyền Thống dịch “spirit” trong I Phi-e-rơ 3:19 là “linh hồn” thì không đúng, nên dịch là “linh” (chỉ về thể linh, spirit) thì đúng hơn, vì “linh hồn” (soul), khác với “spirit”. Chính cách dịch không đúng khiến cho tư tưởng chúng ta suy diễn lệch lạc. (xin đọc I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23 để thấy sự phân biệt giữa “linh” và “hồn” trong con người). Đây là một yếu tố rất quan trọng để xác định “linh” chỉ về ai.

Từ ngữ “linh” (spirit) theo ngôn ngữ gốc Hy Lạp là pneuma có nhiều nghĩa như: Hơi thở, gió … Tuy nhiên, chúng ta không cần phải tìm hiểu tất cả các nghĩa của pneuma và tất cả các câu Kinh Thánh dùng từ ngữ đó. Chúng ta chỉ cần chú ý đến vài điểm quan trọng sau:

+ Theo I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23: “nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn”, cho thấy con người bao gồm 3 phần: thể xác (body), tâm thần hay còn gọi là tâm linh (spirit) và linh hồn (soul). Xin chú ý quan trọng: Loài người CÓ spirit (có tâm linh), nhưng loài người không phải là thể linh (spirit), vì Chúa tạo nên loài người có thân xác (body), mắt thấy được, tay rờ được. Mắt chúng ta không nhìn thấy được thể linh.

+ Vì con người không phải là thể linh, nên Kinh Thánh không bao giờ dùng spirit chỉ về con người. Nếu có dùng “spirit” chỉ về con người là chỉ về “tâm linh” của con người (như I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23 đã nói đến. Hê-bơ-rơ 12:23)

+ Kinh Thánh dùng spirit (thể linh) chỉ về thiên sứ, ma quỷ:

“Nói về thiên sứ thì Ngài phán rằng: Đức Chúa Trời làm cho thiên sứ (spirit) Ngài như gió, Và tôi tớ Ngài như
ngọn lửa.” (Hê-bơ-rơ 1:7)

“Các thiên sứ (angel) há chẳng phải đều là thần (spirit) hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp
việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?” (Hê-bơ-rơ 1:14)

“Vả, cũng một lúc ấy, trong nhà hội có người bị tà ma (spirit) ám” (Mác 1:23)

“Đức Chúa Jêsus gọi mười hai môn đồ đến, ban quyền phép trừ tà ma (spirit), và chữa các thứ tật bịnh.” (Ma-thi-ơ 10:1)

“Khi tà ma (spirit) ra khỏi một người, thì nó đi đến nơi khô khan kiếm chỗ nghỉ, nhưng kiếm không được; … Nó bèn lại đi, đem về bảy quỉ (spirit) khác dữ hơn nó nữa.” (Ma-thi-ơ 12:43-45)

“Tôi thấy từ miệng rồng, miệng thú, miệng tiên tri giả có ba tà thần (spirit) ra, giống như ếch nhái.” (Khải
Huyền 16:13)

“Dầu vậy, chớ mừng vì các quỉ (spirit) phục các ngươi; nhưng hãy mừng vì tên các ngươi đã ghi trên thiên đàng” (Lu-ca 10:20)

Như vậy, các “linh hồn” hay gọi cho đúng hơn là các “linh” (spirits) không thể chỉ về con người, nhưng chỉ về thiên sứ hay ma quỷ (vì họ là thể linh). Nên nhớ rằng Đức Chúa Trời tạo ra các vật thấy được, gọi là thể xác thịt (flesh); Chúa cũng tạo nên các vật không thấy được, gọi là thể linh (spirit): “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được.” (Cô-lô-se 1:16)

b) Bị cầm tù, hay bị giam giữ (in prison):

Sự kiện các linh (spirit) bị cầm tù, hay bị giam cầm cho thấy các linh không thể chỉ về con người, vì Kinh Thánh không bao giờ dùng hình ảnh “bị giam cầm” (in prison) để chỉ về con người không tin Đạo dù họ đã qua đời. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết có một số các thiên sứ (thể linh) bị Đức Chúa Trời giam cầm để chờ ngày phán xét:

“Vả, nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên sứ đã phạm tội, nhưng quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét.” (II Phi-e-rơ 2:4)

Đó là một bằng chứng cho thấy “các linh bị cầm tù” không thể là con người, nhưng là các thiên sứ phạm tội.

Các thiên sứ bội ngịch bị giam tại đâu? Câu trả lời sẽ được tìm thấy trong bài “Linh hồn con người ở đâu sau khi chết” trong mục “Khảo Luận”.

c) Bội nghịch (disobedient):

“Bội nghịch” (disobedient) hay “không vâng lời” được áp dụng cho sự không tuân giữ mệnh lệnh. Như vậy, thái độ “bội nghịch” chỉ về hành động của các thiên sứ không vâng giữ mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Điều nầy phù hợp với Giu-đe 6:

“Còn các thiên sứ không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình thì Ngài đã dùng dây xích họ trong nơi tối tăm đời đời, cầm giữ lại để chờ sự phán xét ngày lớn.” (Giu-đe 6)

Như vậy, vào một thời điểm, có một số các thiên sứ đã không vâng lời, không giữ đúng thứ bậc và nhiệm vụ Chúa đặt để, nên bị Chúa giam cầm trong nơi tối tăm cho đến ngày phán xét.

d) Trong thời kỳ Nô-ê:

Thời kỳ Nô-ê là thời kỳ có cơn nước lụt trên cả thế giới. Thời nầy có liên quan gì đến các thiên sứ phạm tội? Sáng Thế Ký 6:2 cho chúng ta biết có một sự kiện rất đặc biệt đã xãy ra trước cơn nước lụt:

“Các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm
vợ.” (Sáng Thế Ký 6:2)

“Các con trai của Đức Chúa Trời” là ai? không ai khác hơn là các thiên sứ! [Xin đón đọc bài giải đáp câu hỏi “Các con trai của Đức Chúa Trời là ai?”, bài viết nầy sẽ chứng minh con trai của Đức Chúa Trời là các thiên sứ]

2. Chú Jesus rao giảng điều gì cho các linh bị cầm tù?

Kinh Thánh không cho chúng ta biết Chúa Jesus rao giảng hay công bố (proclaim) điều gì đối với các thiên sứ bội nghịch. Chúng ta có thể kết luận rằng, căn cứ trên ý nghĩa sự chết và sống lại của Chúa Jesus, Chúa Jesus đã công bố sự đắc thắng của Ngài trên sự chết: “Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng. Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu?” (I Cô-rinh-tô 15:54,55), và Chúa công bố Ngài đã đắc thắng ma quỉ: “Vả, Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỉ.” (I Giăng 3:8) và “hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ” (Hê-bơ-rơ 2:14)

Câu hỏi: Tại sao Chúa Jesus công bố sự chiến thắng của Ngài cho các thiên sứ bội nghịch? Xin giải đáp: Khác với Sa-tan và các thiên sứ phạm tội khác đi theo Sa-tan, chúng không bị giam cầm nhưng đang hoạt động chung quanh chúng ta (I Phi-e-rơ 5:8), các thiên sứ nầy bị giam cầm nên không chứng kiến được sự chết và sống lại của Chúa Jesus.

3. Chúa Jesus rao giảng vào lúc nào?

Căn cứ vào câu 18 và 19: “Về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn (spirit) thì được sống. Ấy bởi đồng một linh hồn (spirit) đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù”, để có thể công bố sự đắc thắng đối với các thiên sứ phạm tội đang bị giam trong vực sâu, vốn là các thể linh, nên thật hợp lý khi kết luận rằng Chúa Jesus sau khi Ngài chết trong phần xác, linh của Chúa Jesus đi giảng trong khoảng thời gian nào đó nằm giữa thời điểm Chúa chết và thời điểm Ngài sống lại. Xin lưu ý: Bản Việt Ngữ dịch là “linh hồn” của Chúa Jesus thì không đúng, nên dịch là “linh” (spirit) thì đúng hơn, vì Giăng 4:24a cho biết “Đức Chúa Trời là thần (spirit, tức là thể linh)”

* Một cách giải thích khác về các linh hồn bị cầm tù:

Một số nhà giải nghĩa Kinh Thánh cho rằng các linh hồn bị tù không thể là các tà linh hay ma quỉ, nhưng chỉ về các linh hồn của những người sống trong thời kỳ Nô-ê trước cơn nước lụt. Những người nầy đã được Nô-ê rao giảng về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời bởi cơn nước lụt sẽ xãy đến nhưng họ không ăn năn, đúng như câu 20 cho biết: “tức là kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê”. Nhân loại thời đó không ăn năn nên phải chết trong cơn nước lụt, nay linh hồn của họ bị cầm tù trong địa ngục vì không vâng theo lời giảng của Nô-ê. Nô-ê được gọi là “thầy giảng đạo công bình” (II Phi-e-rơ 2:5).

Câu 18 và 19: “về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống. Ấy bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù.” được giải thích như sau: Linh (spirit) của Chúa Jesus (trước khi Ngài nhập thể) giảng cho những người sống trong thời kỳ Nô-ê qua môi miệng của Nô-ê.

Các nhà giải kinh theo khuynh hướng trên dùng một số câu Kinh Thánh sau đây để làm nền tảng cho lập luận của mình:

+ I Phi-e-rơ 1:10,11: “Về sự cứu rỗi đó, các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét, và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em: nghĩa là tìm cho biết thời kỳ nào và thời kỳ cách nào mà Thánh Linh Đấng Christ ở trong lòng mình đã chỉ cho, là khi làm chứng trước về sự đau đớn của Đấng Christ và về sự vinh hiển sẽ theo sau.”

+ I Phi-e-rơ 4:6: “Vì ấy bởi điều đó mà Tin Lành cũng đã giảng ra cho kẻ chết.”

Nhận xét: Cách giải thích trên gặp một số trở ngại sau:

+ Không giải thích được tại sao “linh hồn” của những người từ chối sứ điệp của Nô-ê lại bị “giam cầm”?

+ Không giải thích được tại sao sự rao giảng của Chúa Jesus (qua môi miệng Nô-ê) chỉ giới hạn trong phạm vi những người sống trong thời Nô-ê mà thôi?

+ Không giải thích được tại sao Chúa Jesus lại chọn Nô-ê để rao giảng qua môi miệng của ông trong khi nhiều nhân vật khác, cũng rao giảng về sự ăn năn và sự đoán phạt mà không được nói đến (ví dụ các vị tiên tri trong Cựu Ước)

+ Về câu trích dẫn I Phi-e-rơ 1:10,11: Câu nầy cho chúng ta biết rằng các tiên tri Cựu Ước được Thánh Linh Đấng Christ soi dẫn nên những gì họ viết ra, hoặc rao giảng đều làm hình bóng về Chúa Jesus, đúng như Lu-ca 24:26,27 đã ký thuật: “Há chẳng phải Đấng Christ chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh hiển mình sao? Đoạn, Ngài (Chúa Jesus) bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh.”. Như vậy, câu Kinh Thánh I Phi-e-rơ 1:10,11 không thể đem dùng để chứng minh Chúa Jesus (trước khi Ngài nhập thể) đã rao giảng qua môi miệng Nô-ê.

+ Về câu trích dẫn I Phi-e-rơ 4:6: Câu nầy không liên quan gì đến câu chuyện Nô-ê rao giảng, vì văn mạch nằm khá xa. Hơn nữa, Tin Lành (Tin Mừng, Gospel) được rao giảng là Tin Lành về sự chết và sự sống lại của Chúa Jesus để chuộc tội cho nhân loại, đã hoàn tất tại thập tự giá. Ý nghĩa của câu Kinh Thánh nầy không thể đem áp dụng cho những người sống trong thời Nô-ê. Nô-ê chỉ có thể rao ra sự đoán phạt sẽ đến nếu người ta không ăn năn.

Trần Đình Tâm
gianggiaithanhkinh.net

Có thể bạn quan tâm