Trang chủ Biên dịch Cơ đốc nhân từ bỏ niềm tin?

Cơ đốc nhân từ bỏ niềm tin?

bởi admin

oneway.vn

Lời cầu nguyện chưa được đáp ứng

Trong bộ phim “God Not Dead/Chúa không chết”, một giáo sư đại học vô thần đã tấn công và chế giễu đức tin của các sinh viên Cơ Đốc.

Gần cuối phim, ông thừa nhận rằng vì Chúa không nhậm lời cầu nguyện của ông lúc nhỏ, là cứu sống mẹ ông, nên ông đã chuyển sang chủ nghĩa vô thần.

Một mục sư an ủi ông rằng đôi khi Chúa nói không với những lời cầu nguyện của chúng ta. Sau đó, giáo sư với nỗi thống khổ thốt lên câu nói sâu sắc nhất trong phim:

“Ngài nói ‘không’ nhiều quá”.

Việc Chúa không đáp ứng lời cầu nguyện cho một chiếc xe mới, làm tốt bài kiểm tra hay được hẹn hò với người bạn thích… sẽ hoàn toàn khác với việc người bạn thân hoặc con cái bạn bị ung thư, khi bạn thất nghiệp trong một thời gian dài, hoặc khi người thân của bạn tự hủy hoại cuộc đời bằng cách lạm dụng chất gây nghiện, và không có ánh sáng ở cuối đường hầm nào xuất hiện, mặc dù bạn đã nhiều lần kêu cầu Chúa khẩn thiết.

Mọi việc cũng sẽ khác đi nếu Kinh Thánh không chứa đựng những lời Chúa hứa rằng Ngài là Cha yêu thương, đáp ứng mọi nhu cầu, nhanh chóng đáp lại lời cầu xin của con cái Ngài, và là một Đức Chúa Trời quyền năng không thể bị cản trở.

Nhưng khi Kinh Thánh nói về việc Chúa luôn quan tâm đến chúng ta (Ma-thi-ơ 10:29), Ngài nhanh chóng mang công lý cho những người Ngài yêu thương (Lu-ca 18: 6-8), rằng không gì có thể ngăn Ngài làm những gì Ngài muốn ( Gióp 42: 2), thì những người không tin và Cơ Đốc nhân đôi khi vẫn phải vật lộn để hiểu được tại sao Chúa dường như chỉ im lặng trong khi họ khẩn thiết trình dâng những khó khăn và đau đớn với Ngài.

Những trường hợp như vậy khiến chính tác giả Cơ Đốc như Philip Yancey cũng phải từng tự hỏi rằng: “Liệu cầu nguyện có phải chỉ là một hình thức nói chuyện thiêng liêng với chính bản thân tôi?”

Những điều xấu xảy đến

Nhiều người thừa nhận rằng lý do họ từ chối hoàn toàn Đức Chúa Trời hoặc không công nhận sự tồn tại của Ngài là vì họ không thể chịu đựng những điều xấu xa đã diễn ra trong cuộc đời mình hoặc trong xã hội, rằng nếu thật có một Chúa tối cao, Ngài sẽ không để cái xấu diễn ra nhởn nhơ như vậy..

Việc cố hiệp nhất một Đức Chúa Trời toàn năng, tốt lành với những thứ xấu xa và bi kịch đã gây ra những tranh luận bất tận giữa người không tin và người tin. Không một ai thể phủ nhận vấn đề nhức nhối này, đặc biệt là khi con bạn vô tình bị giết, qua đời, hoặc khi bạn bị săn lùng và tiêu diệt bởi những bạo chúa chính trị.

Khi cái ác chạm mình, người ta bắt đầu nghi ngờ sự tồn tại của Chúa và bắt đầu tin vào giả thuyết vô thần của Richard Dawkins đưa ra: Trong vũ trụ ngẫu nhiên này, một số người sẽ bị tổn thương, những người khác sẽ gặp may mắn, và bạn sẽ không bao giờ biết lý do, cũng như tìm thấy công lý. Vũ trụ này có chính xác các tính chất mà chúng ta nên mong đợi: ngẫu nhiên, không có thiết kế, không có mục đích, không xấu, không tốt, không có gì ngoài sự thờ ơ mù quáng.

Những người xưng mình là “Cơ Đốc nhân”

Chỉ 30% người trưởng thành ở Mỹ có cảm nhận “tích cực” dành cho tín đồ Cơ Đốc. Dữ liệu này phù hợp với tuyên bố nổi tiếng của Gandhi: ông thích Đấng Christ nhưng không thích Cơ Đốc nhân vì hành động của họ không hề giống Chúa Jesus.

Nhà biện luận Cơ Đốc Ravi Zacharias nói rằng trong hàng ngàn câu hỏi thách thức Cơ Đốc đặt ra cho ông, một người bạn theo đạo Hindu đã hỏi một câu khiến ông bận tâm nhất: Nếu sự biến đổi mà ông nói thật sự là siêu nhiên, thì tại sao điều đó lại không được chứng minh trong đời sống của những Cơ Đốc nhân tôi biết?” Nói cách khác, một Đức Chúa Trời thiêng liêng phải sinh ra những người có đời sống biến đổi.

Đừng nhầm lẫn, chúng ta không nói về Hội Thánh Tin Lành chung. Hãy lật lại lịch sử, bằng chứng về vô số bệnh viện, trại trẻ mồ côi, trường học, các tổ chức cứu trợ thảm họa và nạn đói, nhà tạm trú, quần áo và cung cấp nhu cầu cơ bản, v.v. đã được thành lập và tiếp tục điều hành bởi các Cơ Đốc nhân – chứng nhân của Chúa, tình yêu dành cho mọi người bác bỏ những lời chỉ trích như Phi-e-rơ đã nói: Vì anh em làm điều lành để ngăn miệng những kẻ ngu muội dại dột, ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời (1 Phi-e-rơ 2:15).

Nhưng điều gây khó chịu ở đây là hành động cá nhân của một số Cơ Đốc nhân, khi bị cáo buộc về tham nhũng và trộm cắp, hay đơn giản là nói xấu đồng nghiệp tại văn phòng. Những giáo sĩ bị buộc tội khiêu dâm trẻ em và lạm dụng tình dục, doanh nghiệp tự xưng là Cơ Đốc nhưng làm việc thiếu chất lượng, hay phụ tá Hội Thánh (đôi khi là mục sư quản nhiệm) bắt nạt, lừa dối và chửi bới vợ mình.

Cả ba vấn đề trên trong suốt Kinh Thánh

Những vấn đề trên dường như mâu thuẫn với điều Kinh Thánh dạy. Về bản chất, mọi người thấy Kinh Thánh và cuộc sống không thống nhất với nhau. Nhưng suy nghĩ đó hoàn toàn sai lầm. Hãy dừng lại một phút và cân nhắc!

Trong Kinh Thánh, đôi khi anh trai giết chết chính em ruột mình (Sáng thế 4:8), nạn đói xảy ra (Sáng thế ký 41:27), những người vợ yêu dấu như Ra-chên chết khi sinh con (Sáng thế ký 35:19), các quốc gia bị xâm chiếm bởi những bạo chúa độc ác (Dân số 1:1-2), gia đình và sức khỏe bị kẻ thù tiêu diệt (Gióp 1-2), người mà Chúa nói là vĩ đại nhất từng sống (Giăng Báp-tít), lại bị một người phụ nữ xấu xa giết chết cách bất công trong tù (Ma-thi-ơ 11:11; 14:1-12), lời rao giảng của những người công chính lại bị từ chối bởi một nền văn hóa mục nát, thậm chí còn đi xa đến mức giết chết họ (Công vụ 7), những lời cầu nguyện cầu xin sự sống cho các Cơ Đốc nhân vĩ đại đã được nhậm (Công vụ 12: 5, 12) trong khi những người khác lại không được (Công vụ 12: 2).

Và đừng quên câu chuyện về một Đấng vô tội, thánh sạch cầu xin được tránh khỏi cái chết, nhưng dường như bị phớt lờ (Ma-thi-ơ 26:42) và cuối cùng Ngài bị kết án tử thay cho một kẻ giết người khét tiếng (Ma-thi-ơ 27:21) và sau đó bị đóng đinh.

Khi nói về lối sống của những người theo Chúa, Kinh Thánh cũng đã phơi bày những sai lầm của các “anh hùng đức tin”, như việc Áp-ra-ham nói dối về vợ mình (hai lần; Sáng thế 12:13, 20: 2), Gia-cốp lừa dối cha để cướp phước lành của Ê-sau (Sáng thế ký 27), Đa-vít phạm tội tà dâm và sau đó giết chồng của Bát-sê-ba (2 Sa-mu-ên 11), Giu-đa phản bội Chúa Jesus (Ma-thi-ơ 26: 47-50), các môn đồ quay lưng với Ngài (Ma-thi-ơ 26:56), Phi-e-rơ chối Chúa 3 lần (Ma-thi-ơ 26: 69-75), Giăng rời bỏ những người bạn cùng truyền giáo với mình (Công vụ 13:13), Đê-ma rời bỏ Phao-lô (2 Ti-mô-thê 4:10), v.v.

Hoàn toàn không giống những nhân vật được khoác cái mã “hạnh phúc mãi mãi” và hoàn toàn  trong sạch mà bạn thấy trong truyện cổ tích trẻ em.

Sự tồn tại của cái ác, việc không được nhậm lời cầu nguyện, và những tín đồ không hoàn hảo ở khắp mọi nơi trong Kinh Thánh. Kinh Thánh cũng thực tế như đời thật – và chính là đời thật.

Sự liên kết giữa Kinh Thánh và thực tế phải mang đến cho chúng ta hy vọng. Lời cầu xin “cất chén này khỏi Con” của Chúa Jesus đã không được đáp lời, bạn thân phản bội Ngài, và Ngài phải trở thành nạn nhân bi thảm của tội ác…

Nhưng Kinh Thánh cho chúng ta thấy: ba ngày sau, tất cả những điều tốt đẹp đã xảy ra.

Qua Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy câu trả lời rằng tại sao cái ác tồn tại, và khi nào thì Chúa mới hành động, tại sao cầu nguyện không như “chiếc máy bán hàng tự động”, và tại sao một số người tuyên xưng Đấng Christ lại không hề giống Ngài, và tại sao những người thật sự tin Chúa đôi khi lại hành động như họ không hề tin?

Vấn đề là, liệu chúng ta sẽ chấp nhận những câu trả lời mà Kinh Thánh đưa ra? Đôi khi chúng ta cần phải bước đi bằng đức tin chứ không phải bằng mắt nhìn, bởi vì chúng ta không thể nhìn thấy phía cuối con đường như Chúa thấy.

Chìa khóa để vượt qua khó khăn là sửa lại cách nhìn của chúng ta với Đấng Christ, Đấng đã phải chịu đựng cả ba vấn đề lớn nhất của Cơ Đốc nhân trong cuộc sống Ngài, và hãy đè bẹp chúng bằng niềm hy vọng và tin cậy vào Đức Chúa Trời chúng ta – vì Ngài vĩ đại hơn mọi vấn đề của bạn.

 

Bài: Robin Schumacher; dịch: Jennie

(nguồn: christianpost.com)

Có thể bạn quan tâm