Trang chủ Bài giảng Con Trẻ Thuộc Linh

Con Trẻ Thuộc Linh

bởi admin

Sự chia rẽ, thói vô luân, tranh cạnh và sự ô uế cùng với thế gian – đều có chung một nguồn gốc: các tín hữu xác thịt là những con trẻ thuộc linh và không chịu lớn lên trong Chúa.
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ
I Cô-rinh-tô 6
Chương này đề cập đến hai vấn đề còn lại đã được trình báo cho Phao-lô.
I. Tranh Chấp tại Tòa Án (6:1-8)
“Khi trong anh em ai có sự nghịch cùng người khác, sao dám để cho kẻ không công bình đoán xét hơn là cho các thánh đồ?” (c.1)
Có lẽ những người ngoại (người Hy Lạp) trong Hội thánh là bên có lỗi trong trường hợp này, vì người Hy Lạp bị phụ thuộc rất nhiều vào tòa án và luật pháp. Mỗi thành phố của Hy Lạp đều có tòa án và hội đồng riêng, và không có gì lạ khi con trai kiện chính cha ruột ra tòa! Dĩ nhiên, vấn đề gốc rễ ở đây là do tính xác thịt (3:1-4); khi các Cơ-đốc nhân chưa trưởng thành và không tăng trưởng, họ không thể sống hòa thuận với nhau. Họ thiếu sự sáng suốt trong tâm linh để dàn xếp và giải quyết các vấn đề cá nhân. Thật bi thảm khi một Hội thánh địa phương bị xâu xé bởi các vụ kiện cáo giữa các thành viên! Chúng ta đang sống trong thời đại mà vấn đề kiện tụng là “chuyện diễn ra hàng ngày” và là một cách nhanh chóng để kiếm tiền. Có vẻ như mục đích của tòa án không phải là công lý nữa mà là thu nhập.
Phao-lô không lên án tòa án pháp lý của thế gian (xem Rô-ma 13), bởi chính phủ được Đức Chúa Trời thiết lập vì lợi ích của chúng ta. Tuy nhiên những vấn đề giữa các tín hữu không nên bị phơi bày trước mặt người không tin Chúa, và chắc chắn một vị quan tòa chưa được cứu sẽ thiếu sự hiểu biết thuộc linh để giải quyết các vấn đề thuộc linh (2:14-16). Bằng cách kéo nhau ra tòa, các thành viên Hội thánh Cô-rinh-tô đã hủy hoại lời chứng của Hội thánh và làm ô danh Chúa.
“Anh em há chẳng biết các thánh đồ sẽ xét đoán thế gian sao? Ví bằng thế gian sẽ bị anh em xét đoán, thì anh em há chẳng đáng xét đoán việc nhỏ mọn hơn sao? Anh em chẳng biết chúng ta sẽ xét đoán các thiên sứ sao? Huống chi việc đời nầy!” (c.2-3)
Cơ-đốc nhân nên giải quyết những bất đồng cá nhân như thế nào? Trước hết họ phải có những giá trị thuộc linh đúng đắn. Những tranh chấp cá nhân này trở nên nhỏ mọn biết bao khi so sánh với những vấn đề lớn lao trong cõi đời đời mà chúng ta sẽ quyết định trong vinh quang! Hội thánh sẽ phán xét thế gian và các thiên sứ! Nhận thức này làm cho các tranh chấp thế gian trở nên khá tầm thường. Quá nhiều Cơ-đốc nhân có những giá trị bị bóp méo; những thứ của thế gian này (đặc biệt là tiền bạc) đối với họ còn quan trọng hơn là vinh quang và sự ngợi khen của Đức Chúa Trời.
“…trong vòng anh em chẳng có một kẻ khôn ngoan nào phân xử được giữa anh em mình hay sao?” (c.5)
Các vấn đề giữa Cơ-đốc nhân với nhau nên được giải quyết thầm lặng theo các nguyên tắc của Ma-thi-ơ 18:15-17 và I Cô-rinh-tô 6:5. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thì nên mời một vài tín hữu trưởng thành thuộc linh đến để giúp đưa ra quyết định. Nếu vấn đề bị nhiều người trong Hội thánh (hoặc bên ngoài Hội thánh) biết được, các thành viên nên chỉ định một nhóm để xem xét vấn đề và đưa ra lời cố vấn thuộc linh.
“Anh em kiện cáo nhau, rồi lại đem đến trước mặt những kẻ chẳng tin! Thật vậy, chỉ việc kiện tụng nhau đã là một thất bại rồi. Thà rằng anh em cam chịu bất công có hơn không? Thà cam chịu bị lừa gạt có hơn không?” (c.6-7, RVV11)
Một Cơ-đốc nhân thà mất tiền còn hơn đánh mất tầm vóc thiêng liêng của mình và làm ô danh Đấng Christ! Chúng ta có thể tìm thấy thái độ tương tự trong Ma-thi-ơ 5:38-42, “…nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa…” Tất nhiên, các Cơ-đốc nhân ở Cô-rinh-tô quá xác thịt đến nỗi họ thiếu khải tượng và sự khôn ngoan thuộc linh, và do đó, Hội thánh của họ bị chia rẽ thành các phe phái gây chiến với nhau. “Mọi người đều là anh em!” Phao-lô kêu lên. “Hãy yêu thương nhau!”
Có một vài thắc mắc liên quan đến ý nghĩa của lời phát biểu của Phao-lô về “những kẻ không kể ra chi [hay ‘những người mà Hội thánh xem không ra gì’]” (c.4). Một số người cho rằng Phao-lô đang dùng lối “châm biếm” ở đây như thể ông muốn nói, “Trong Hội thánh của anh em không có một Cơ-đốc nhân khôn ngoan, trưởng thành nào có thể giải quyết những vấn đề này hay sao!” Hoặc, ông có thể nói, “Thà đưa những vấn đề tranh chấp này cho một số tín hữu hèn mọn nhất trong Hội thánh của anh em giải quyết còn tốt hơn là đem ra trước một vị quan tòa chưa được cứu.”
II. Sự Ô uế trong Thế gian (6:9-20)
Trong khi chúng ta không thể bào chữa cho người Cô-rinh-tô về những tội lỗi khủng khiếp của họ, nhưng chúng ta có thể hiểu tại sao họ lại sa vào những tội lỗi đó; không có thành phố nào tạo ra nhiều cơ hội cho sự vô luân và lối sống trụy lạc hơn Cô-rinh-tô. Chính tôn giáo của thành phố (tôn thờ nữ thần Aphrodite) cũng chẳng khác gì một động mại dâm trá hình nhân danh tôn giáo! Những tín hữu này đã được giải cứu khỏi đời sống tội lỗi khủng khiếp nhưng lại bị cám dỗ để quay lại con đường cũ. Phao-lô biết có một số tín hữu đang tìm cớ phạm tội, vì vậy ông bác bỏ cách thẳng thừng mọi lý lẽ họ có thể đưa ra.
A. “Nếu chúng ta đã được cứu, thì chúng ta có thể phạm tội và vẫn được lên thiên đàng!” (c.9-11)
“Anh em há chẳng biết những kẻ không công bình chẳng bao giờ hưởng được nước Đức Chúa Trời sao?” (c.9)
Chắc chắn những người thực sự được tái sinh sẽ lên thiên đàng mặc dù họ có nhiều lỗi lầm; nhưng một người được tái sinh sẽ có một bản chất mới, và một bản chất mới đồng nghĩa với có một ham muốn khác với trước đây. Cơ-đốc nhân vẫn có khả năng phạm tội, nhưng không phải là ham muốn phạm tội. Bất cứ sự dạy dỗ nào khiến con người ta trở nên dễ dãi với tội lỗi đều không phải là sự dạy dỗ từ Kinh Thánh. “Đừng tự lừa dối mình!” Phao-lô liệt kê những tội lỗi khủng khiếp đã từng cai trị cuộc đời họ (c.10), sau đó nhắc nhở họ về những điều Chúa Giê-su đã làm cho họ. “Trước kia anh chị em vốn là người như thế! Nhưng anh chị em đã được rửa sạch… được thánh hóa… được xưng công bình!” (xem c.11). Cơ-đốc nhân là một tạo vật mới (II Cô-rinh-tô 5:17) và chứng minh điều đó bằng cách đoạn tuyệt với đời sống cũ. Chúng ta không thừa hưởng nước Đức Chúa Trời bằng việc kiềm chế không phạm tội, nhưng chúng ta chứng minh mình sẽ được lên thiên đàng bằng đời sống tin kính chúng ta đang sống.
B. “Cơ-đốc nhân không có tự do sao? Chẳng phải chúng ta được tự do khỏi luật pháp?” (c.12-14)
“Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích…” (c.12)
Chắc chắn chúng ta được tự do khỏi những luật lệ và quy tắc, nhưng chúng ta không được tự do phạm tội. Tự do Cơ-đốc không bao giờ là giấy phép phạm tội. Sự tự do của Cơ-đốc nhân không có nghĩa là tôi được tự do làm điều mình thích, mà là tôi được tự do làm điều đẹp lòng Đấng Christ! Chúng ta đừng để cho quyền lực của tội lỗi bắt phục mình (Rô-ma 6). “Nhưng,” quý vị nói, “nếu Chúa ban cho chúng ta những ham muốn thuộc thể này, thì chắc chắn Ngài muốn chúng ta sử dụng chúng.” Đúng vậy: sử dụng chúng chứ không phải lạm dụng chúng. Thân thể của quý vị là của Chúa; và nếu quý vị sống trong tội lỗi, tội lỗi đó sẽ hủy hoại quý vị và một ngày nào đó Chúa sẽ phán xét quý vị.
C. “Tôi không thể tùy ý sử dụng thân thể của mình sao?” (c.15-20)
Tất nhiên là không rồi! Ngay từ đầu, đó không còn là thân thể của quý vị nữa; thân thể đó thuộc về Đấng Christ. Ngài đã mua quý vị bằng chính huyết Ngài. Vào thời của Phao-lô, một nô lệ có thể tự chuộc thân bằng cách để dành tiền và gửi cho thầy tế tại đền thờ ngoại giáo địa phương. Khi đã có đủ tiền để mua sự tự do cho mình, anh ta sẽ đưa chủ đến đền thờ rồi thầy tế sẽ đưa tiền cho người chủ và tuyên bố người nô lệ này giờ đây thuộc về một vị thần cụ thể nào đó. Đấng Christ đã trả giá để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, và chúng ta phải dùng thân thể mình để làm đẹp lòng Ngài.
“Anh em há chẳng biết thân thể mình là chi thể của Đấng Christ sao?… Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em…?” (c.15, 19)
Hơn nữa, khi chúng ta phạm đến thân thể mình, chúng ta phạm tội nghịch cùng Đấng Christ và Đức Thánh Linh, Đấng đã lập thân thể làm đền thờ của Ngài. Sáng-thế Ký 2:24 nói rằng hai con người kết hiệp với nhau trong thân xác sẽ trở nên “một thịt.” Làm sao một Cơ-đốc nhân có thể để cho thân thể mình – vốn là chi thể của Đấng Christ – phạm vào một tội lỗi khủng khiếp như vậy? Sao người có thể làm ô uế đền thờ của Đức Thánh Linh?
“Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời.” (c.20)
Cơ-đốc nhân phải dùng thân thể mình mà tôn vinh Đức Chúa Trời. Tức là cách chúng ta chăm sóc bản thân, cách chúng ta ăn mặc, những nơi chúng ta lui tới, những việc chúng ta làm với thân thể mình. Thật nguy hiểm khi Cơ-đốc nhân sử dụng thân thể của họ cho tội lỗi. Hãy nhớ điều gì đã xảy ra với Sam-sôn và Đa-vít!
Trong những ngày sau rốt, chúng ta thấy tội lỗi tình dục gia tăng đến nỗi con người ta sẽ không biết xấu hổ. Chúng ta không dám nhắm mắt làm ngơ trước những tội lỗi đó. (Xem II Ti-mô-thê 3:1-7, và lưu ý câu 5 nói rằng những con người tội lỗi này sẽ tự xưng là Cơ-đốc nhân, chứ không phải người thế gian!) Thái độ của thế gian là: “Mọi người đều làm việc đó, vậy tại sao chúng ta phải khác người?” Thật đáng buồn khi Cơ-đốc nhân nghĩ rằng họ có thể vi phạm quy tắc đạo đức của Đức Chúa Trời và thoát tội. Tội lỗi tình dục là tội lỗi chống lại Đấng Christ (Đấng đã chuộc thân thể chúng ta), mạo phạm Thánh Linh (Đấng ngự trong thân thể chúng ta) và cũng phạm đến chính thân thể mình (c.18). Những người độc thân nói riêng cần đọc và suy ngẫm Châm-ngôn 5:1-23, 6:20-35 và 7:1-27. Đây là những chương đơn sơ, nhưng cảnh báo chống lại sự phóng túng trong vấn đề tình dục.
Những Cơ-đốc nhân đã kết hôn cần đọc và suy ngẫm I Tê-sa-lô-ni-ca 4:1-8, trong đó Chúa cảnh báo các Cơ-đốc nhân trong Hội thánh không được phá vỡ lời thề hôn nhân.
“Ý muốn của Đức Chúa Trời là anh em phải được thánh hóa, tức là phải lánh xa sự gian dâm; mỗi người phải biết gìn giữ thân thể mình cho thánh sạch và tôn trọng, đừng sa vào tình dục phóng đãng như người ngoại, là những kẻ không nhận biết Đức Chúa Trời.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-5)
Điều này khép lại phần đầu tiên của bức thư đề cập đến những tội lỗi trong Hội thánh. Hãy nhớ rằng tất cả những vấn đề này – sự chia rẽ, thói vô luân, tranh cạnh và sự ô uế cùng với thế gian – đều có chung một nguồn gốc: các tín hữu ở Cô-rinh-tô là những con trẻ thuộc linh và không chịu lớn lên trong Chúa. Họ để mắt đến loài người, chứ không phải Đấng Christ; họ ăn sữa, thay vì ăn thịt [hay đồ ăn đặc] của Lời Chúa; họ không sẵn lòng thừa nhận và giải quyết tội lỗi. Hầu hết các vấn đề nghiêm trọng của Hội thánh đều bắt đầu từ những vấn đề cá nhân và tội lỗi trong đời sống của các thành viên Hội thánh.

Mục sư Nguyễn Văn Huệ

Có thể bạn quan tâm