Trang chủ Bài giảng Công Vụ 2:38 – Câu Kinh Thánh Ưa Thích Của Sa-tan

Công Vụ 2:38 – Câu Kinh Thánh Ưa Thích Của Sa-tan

bởi

“Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhơn danh Đức Chúa Giê-su chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.” (Công Vụ 2:38)

Câu Kinh Thánh ở trên là một câu yêu thích của nhiều nhóm tôn giáo. Người ta có thể nghe nó nhiều lần trong các chương trình phát thanh vào buổi sáng Chủ Nhật, cũng như trên tòa giảng và có thể tìm thấy trong nhiều tài liệu tôn giáo. Câu Kinh Thánh này được yêu thích vì nhìn bề ngoài có vẻ như câu này có ý nói rằng một người phải chịu phép báp-tem để được cứu, và nếu không có phép báp-tem thì người đó không được cứu. Vì vậy, những ai tin rằng phép báp-tem nước là cần thiết cho sự cứu rỗi thì sẽ có thói quen sử dụng Công Vụ 2:38 là câu Kinh Thánh hỗ trợ cho quan điểm đó.

Vấn đề là Công Vụ 2:38 không phải là câu duy nhất trong Kinh Thánh đề cập đến sự cứu rỗi. Mặc dù nhiều người quả quyết rằng “chỉ nói nếu Kinh Thánh nói đến và đừng nói nếu Kinh Thánh không nói đến,” nhưng trên thực tế họ lại bỏ qua hầu hết sự dạy dỗ trong Tân Ước về ơn cứu rỗi. Những câu Kinh Thánh duy nhất mà các giáo sư giả trích dẫn và dùng để tham khảo là những câu mà họ thấy có thể sử dụng để quảng bá cho “phúc âm nước” của họ. Thực tế là hầu hết những gì mà Tân Ước nói về ơn cứu rỗi không hề bao gồm phép báp-tem! (Giăng 5:24, Giăng 11: 25-26, Giăng 14:6, Rô-ma 4:5, Rô-ma 10:9-13, Ê-phê-sô 2:8-9, v.v.), và chỉ vài nơi trong Kinh Thánh có đề cập đến phép báp-tem nước thì cũng không bao gồm nó là một phần trong sự cứu rỗi của người đó. Báp-tem bằng nước theo sau sự cứu rỗi và là một trong những bước đầu tiên của sự vâng lời dành cho tín hữu mới.

Bất chấp sự thật hiển nhiên này, những người cuồng tín vẫn kiên định trong dị giáo của họ, nhấn mạnh rằng Công vụ 2:38 tuyên bố phép báp-tem bằng nước là một yêu cầu bắt buộc để được cứu. Theo cách đó, câu Kinh Thánh này đã trở thành câu Kinh Thánh ưa thích của Sa-tan. Trên thực tế, nhiều người tin rằng chỉ cần một mình phép báp-tem cũng có thể cứu rỗi được linh hồn họ! Thật vậy, Sa-tan đã lừa gạt nhiều người bằng cách bóp méo Công vụ 2:38.

Thay vì phớt lờ Công Vụ 2:38 bằng cách trích dẫn “các câu Kinh Thánh yêu thích của chúng ta”, tốt hơn là chúng ta nên đối mặt với câu Kinh Thánh phổ biến này để xem những người theo dị giáo có đúng với những gì họ tuyên bố về sự dạy dỗ  của câu Kinh Thánh này hay không.

Sự Thật Về Công Vụ 2:38

Thứ nhất, xin lưu ý rằng câu 38 không phải là câu duy nhất trong Công Vụ đoạn 2. Trong sứ điệp của Phi-e-rơ, có rất nhiều điều được nói trước khi câu 38 ra khỏi miệng ông. Trên thực tế, ông thậm chí đã nói cho những người nghe mình biết làm thế nào để được cứu trước câu 38! Trong Công-vụ 2:21, Phi-e-rơ trích dẫn từ Giô-ên 2 (câu 32) và nói, “Bấy giờ ai cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu.” Những lời của ông trước câu 38 đã có sức thuyết phục đến nỗi những người nghe ông “cảm thấy trong lòng bị cáo trách” ở câu 37. Vì vậy, sử dụng câu 38 bên ngoài bối cảnh của nó gây ra một diễn giải sai trật về lời của Đức Chúa Trời. Câu này không đứng một mình, và trên thực tế, một ý nghĩa hoàn toàn khác được chuyển tải khi người ta cố tình để nó đứng một mình.

Một lỗi khác mà nhiều người mắc phải với Công Vụ 2:38 là sai lầm của việc đưa ra giả thuyết không được chứng minh. Họ giả định từ “for” nghĩa là “vì” trong bản Kinh Thánh tiếng Anh được dịch là “để” trong bản tiếng Việt phải có nghĩa là “để nhận được”. Tức là, thay vì chịu phép báp-têm “vì” sự tha tội thì lại được hiểu theo nghĩa chịu phép báp têm “để được” tha tội. Tuy nhiên, một cái nhìn sâu sắc hơn về Kinh Thánh sẽ tỏ ra cho bạn thấy rằng trường hợp này không được hiểu như vậy.

Chú ý Lu-ca 5:12-14: “Đức Chúa Giê-su đương ở trong thành kia, có một người mắc bịnh phung đầy mình, thấy Ngài thì sấp mặt xuống đất, mà nài xin rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi được sạch! Đức Chúa Giê-su giơ tay rờ đến người ấy, mà phán rằng: Ta khứng, hãy sạch đi. Tức thì, bịnh phung liền hết. Đức Chúa Giê-su cấm người đó học chuyện lại với ai; nhưng dặn rằng: Hãy đi tỏ mình cùng thầy tế lễ; và dâng của lễ về sự ngươi được sạch, theo như Môi-se dạy, để điều đó làm chứng cho họ.” Chúa Giê-su đã làm cho người này được sạch phung trong câu 13, nhưng trong câu tiếp theo, câu 14, Chúa Giê-su bảo người hãy đi dâng của lễ “về sự ngươi được sạch” như “một lời làm chứng”. Ở đây từ“về” trong bản tiếng Anh là “for” không thể có nghĩa là “để nhận được” vì người phung này đã nhận được sự chữa lành trong câu 13 rồi! Từ “về” hiển nhiên có nghĩa là “vì” sự thanh sạch của anh ta. Nếu một người đàn ông bị bắt giam “vì tội ăn trộm”, thì người này đi tù “vì” hành động trộm cắp mà anh ta đã làm, chứ không phải “để nhận được” cơ hội ăn trộm nữa.

Một số người thích tranh luận rằng từ gốc trong tiếng Hy Lạp “eis”có nghĩa là “để”, nhưng nó không phải lúc nào cũng là như vậy. Chúa Giê-su đã nói trong Ma-thi-ơ 12:41, “Đến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì (eis) dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn; mà đây nầy, có một người tôn trọng hơn Giô-na!” Từ “vì” trong tiếng Hy Lạp là “eis”. Vậy điều này có nghĩa là dân thành Ni-ni-ve đã ăn năn “để nhận được” lời giảng của Giô-na có phải không? Không, họ ăn năn “vì” lời Giô-na giảng. Vì vậy, ngay cả “tiếng Hy Lạp” cũng không phải là cách giải nghĩa phổ biến dành cho Công Vụ 2:38. Từ “for” trong bản Kinh Thánh tiếng Anh có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, không phải chỉ có một, vì vậy thật là sai lầm khi cho rằng nó phải có nghĩa là “để nhận được”.

Một yếu tố khác thường bị bỏ qua là yếu tố NGƯỜI DO THÁI. Mọi nhân vật trong Công Vụ 2 là người Do Thái tuân theo luật của Môi-se trong Cựu Ước. Trên thực tế, tất cả bọn họ đã nhóm lại để tiến hành một LỄ HỘI CỦA DÂN DO THÁI được gọi là Lễ Ngũ Tuần (câu 1). Khi xem xét một cách hợp lý cả chương (đặc biệt là các câu 4, 14 và 36), chúng ta sẽ thấy một cách rõ ràng rằng không có người ngoại (không phải là người Do Thái) nào có mặt ở đó. Vì, điều này liên quan đến người Do Thái, nó liên quan đến cả NHÀ Y-sơ-ra-ên: “Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi?” (câu 37) Không phải là “Tôi phải làm chi”, mà là “CHÚNG TA phải làm chi?” Công Vụ 2 giới thiệu một DÂN TỘC của những người mà họ vừa nhận ra rằng họ đã giết chết Đấng Mê-si của mình và họ đang hỏi HỌ phải làm gì. Đó là một câu hỏi liên quan đến sự cứu rỗi của CẢ DÂN TỘC. Ê-sai 66:8 nói rằng, “…dân tộc há dễ sanh ra trong một chặp? Mà Si-ôn mới vừa nằm nơi, đã sanh con cái.” “Dân tộc” đó là Y-sơ-ra-ên! Rô-ma 11:26 nói, “Vậy thì cả dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu, như có chép rằng: Đấng Giải Cứu sẽ đến từ Si-ôn, cất sự vô đạo ra khỏi Gia-cốp.” Công Vụ 2:38 liên quan đến sự cứu rỗi của toàn DÂN TỘC. Vương Quốc của Đấng Mê-si vẫn dành sẵn cho người Do Thái (cho đến Công Vụ 7:60 khi họ giết Ê-tiên), nên sự cứu rỗi của dân tộc vẫn còn là một vấn đề cho đến lúc ấy.

Điều này được làm rõ từ những sự kiện theo sau Công Vụ 7. Trong Công Vụ 8, một người ở Châu Phi được cứu (trước khi chịu phép báp-tem). Trong Công Vụ 9, một người ở Châu Á được cứu (trước khi chịu phép báp-tem). Trong Công Vụ 10, một người khác ở Châu Âu được cứu (trước khi chịu phép báp-tem). Tại sao sự cải đạo của những cá nhân này không xảy ra trước Công Vụ 7? Bởi vì bảy chương đầu của sách Công Vụ là liên quan tới Y-sơ-ra-ên (1: 6-8, 2:36, 3: 12, 4: 8-10, 5:31, 6: 7-14, 7: 1-60). Câu hỏi về sự cứu rỗi dành cho CÁ NHÂN được hỏi và trả lời trong Công Vụ 16: 30-31, “…Thưa các ngài, tôi phải làm chi để được cứu rỗi? Họ đáp: Hãy tin Chúa Giê-su, thì ông và gia đình ông sẽ được cứu!” Những người thất bại trong việc nhận biết sự khác biệt này đã vi phạm II Ti-mô-thê 2:15, vì chúng ta được bảo rằng phải LẤY LÒNG NGAY THẲNG GIẢNG DẠY lời của lẽ thật.

Kinh Thánh nói rằng Tin Lành được giảng cho người Do Thái TRƯỚC (Rô-ma 1:16), vì vậy họ là những người ĐẦU TIÊN được nhận Phúc Âm trong sách Công Vụ (đoạn 2) nhưng họ không phải là những người cuối cùng tiếp nhận. Sách Công Vụ không kết thúc ở đoạn 2, vì vậy chúng ta nên thận trọng với bất cứ ai xây dựng giáo lý dựa trên Công Vụ 2 trong khi thực tế họ bỏ qua 26 đoạn kế tiếp! Nếu Đức Chúa Trời không dừng lại ở Công Vụ 2, thì tại sao người khác lại làm vậy? Có thể là trong các chương sau của sách Công Vụ có chứa thông tin mà những người theo dị giáo muốn che giấu, không cho chúng ta biết? Có thể chính Phi-e-rơ, người giảng Công Vụ 2:38 đã nói điều gì đó khác với khi ông nói chuyện với những người thuộc dân ngoại như bạn và tôi? Chỉ cần đọc Công Vụ đoạn 10 để có được câu trả lời. Phi-e-rơ giảng một lần nữa trong Công Vụ 10, chỉ dành cho những cá nhân thuộc người ngoại, và điều gì đó rất thú vị đã xảy ra. Trong Công Vụ 2:38, Đức Thánh Linh được hứa ban cho những người cải đạo SAU KHI họ chịu phép báp-tem, nhưng trong Công Vụ 10:44 Đức Thánh Linh giáng trên những người ngoại TRƯỚC KHI họ được báp-tem! Bây giờ, Phao-lô nói với chúng ta trong Rô-ma 8:9, “…nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.” Có Thánh Linh của Đức Chúa Trời đồng nghĩa với việc thuộc về Đức Chúa Trời hay được cứu (Giăng 3: 6-8), vì vậy những người ngoại trong Công Vụ 10 đã được cứu trước khi chịu phép báp-tem bằng nước. Tại sao những người theo dị giáo dựa trên Công Vụ 2:38 không hề chỉ ra điều này? Trả lời: vì nó hủy hoại giáo lý lầm lạc của họ rằng phép báp-tem nước là điều thiết yếu cho sự cứu rỗi.

Thực tế là Công Vụ 2:38 KHÔNG PHẢI là kế hoạch cứu rỗi “kiểu mẫu”, cũng không phải là bất kỳ “câu Kinh Thánh về nước” nào khác mà những người theo dị giáo sử dụng. Chỉ bằng cách lấy những câu Kinh Thánh đó ra khỏi bối cảnh của chúng, người ta có thể giảng dạy những giáo lý của tà giáo. Cả Kinh Thánh đều là sự thật, chứ không chỉ có những phân đoạn yêu thích “dùng để làm bằng chứng” của các giáo phái. Phép báp-tem không cứu được ai hết. Nó chỉ phục vụ như một bức tranh làm chứng về sự chết, sự chôn, và sự sống lại của Chúa Giê-su Christ SAU KHI một người tin Chúa (Công vụ 8: 36-38). Phao-lô nói trong I Cô-rinh tô 1:17, “…Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép báp-tem đâu, nhưng để rao giảng Tin Lành, và chẳng dùng sự khôn khéo mà giảng, kẻo thập tự giá của Đấng Christ ra vô ích.” “Tin Lành” này đã được Phao-lô định nghĩa trong 1 Cô-rinh-tô 15:1-4, và nó KHÔNG bao gồm phép báp-tem nước. Tên cướp bị đóng đinh sắp chết đã không được báp-tem, nhưng Chúa Giê-su đã cứu anh ta (Lu-ca 23: 42-43), và Giăng viết chúng ta được rửa sạch tội lỗi trong HUYẾT của Đấng Christ (Khải Huyền 1:6), chứ không phải trong nước. Trên thực tế, các thánh đồ ở Thiên Đàng tuyên bố rằng họ đã đến được đó nhờ huyết của Chúa Giê-su (Khải Huyền 5: 9), chứ không phải nhờ nước. Bởi đức tin trong huyết Chúa Giê-su Christ, người ta được cứu (Rô-ma 3:25). Phép báp-tem bằng nước chỉ đi kèm đức tin này như là một hành động biểu hiện sự vâng lời.

Bạn ơi, nếu bạn đã sa ngã vì phúc âm nước, tại sao không ăn năn tội của mình ngay và tin tưởng vào một mình Chúa Giê-su Christ mà thôi? Công vụ 10:43 nói, “Hết thảy các đấng tiên tri đều làm chứng nầy về Ngài rằng hễ ai tin Ngài thì được sự tha tội vì danh Ngài.” Tại sao không tin vào Đấng Christ 100% ngay bây giờ và từ bỏ niềm tin vào những việc bạn LÀM cho sự cứu rỗi? “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta.” (Rô-ma 5:1) Ê-phê-sô 2:8-9 nói rằng, “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.” Rô-ma 10:9-13 nói, “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-su ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi. Vả, Kinh Thánh nói rằng: Kẻ nào tin Ngài sẽ chẳng bị hổ thẹn. Trong người Giu-đa và người Gờ-réc không có sự phân biệt gì hết, vì họ có chung một Chúa, giàu ơn đối với mọi kẻ kêu xin Ngài. Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu.” Tại sao không phải là ngay bây giờ?

Nguồn: Viện Đào Tạo Môn Đồ Việt Nam (VMI)

Mọi thư từ liên lạc hoặc bài vở xin gửi về [email protected]

Có thể bạn quan tâm