Trang chủ Tổng Hợp David Livingstone

David Livingstone

bởi admin

LIVINGSTONE, DAVID

(1813-1873)

David Livingstone là một Bác sĩ, nhà thám hiểm lừng danh; cũng là một nhà truyền giáo được nhiều người biết tiếng. Ông Livingstone được sanh ra tại Blantyre, trong vùng kỷ nghệ phía Tây nước Scotland, năm 1813. Song thân ông nghèo nàn song hết lòng thờ kính Chúa, là thành viên của Giáo hội Cơ đốc Độc Lập. Năm lên 10 tuổi ông đã phải bắt đầu lao động trong một nhà máy bông vải. Với một quyển sách để trên máy khi nào rãnh thì học. Và bằng phương cách này, và qua các lớp học về đêm, ông đã tiếp nạp được những nền học vấn khác nhau. Livingstone được hoán cải tin thờ Chúa và chịu thuyết phục một cách sâu sắc rằng mình đã được ơn Thiên Triệu ra đi truyền giáo. Rồi Livingstone quay sang học ngành y trong các Bệnh viện tại thành phố Glasgow, Luân Đôn. Ông chẳng phải là một sinh viên có năng khiếu hứa hẹn gì cho lắm; người ta nói ông vụng về, bản tánh cục mịch – bởi bản chất của ông là thế. Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng ông làm một công cụ hữu ích trong tay Ngài. Ông Livingstone đã tỏ ra xuất sắc khi nắm giữ vai trò mà ông đã dấn thân.

Từ năm 1841-1846, Livingstone ra đi phục vụ Chúa dưới sự bảo trợ của Hội Truyền giáo Luân Đôn. Suốt 6 tháng lênh đênh trên mặt biển, qua một cuộc hành trình gian khổ và nguy hiểm, cuối cùng Bác sĩ Livingstone đã đặt chân lên cảng Captown năm 1841, đây là thềm tiến vào lục địa Phi. Lại thêm nhiều tháng trời chịu đựng lao nhọc, trải qua những khu rừng rậm, đầm lầy đầy muỗi, vắt, đĩa, ông càng tiến sâu hơn vào đất liền. Khởi sự ông ở tại South Africa. Khi dừng chân tại Trụ sở Truyền giáo của Giáo sĩ tiên phong Robert Moffat, ông tự nhủ rằng: “Mình không thể dừng chân lâu nơi đây, mà phải đi đến những miền nào chưa có ai giảng Danh Chúa Jesus mới được!”. Nhưng ông lại cũng đủ thì giờ để cho nhà truyền giáo nổi danh Robert Moffat, đứng ra tác hợp cho ái nữ của ông ta với Bác sĩ truyền giáo trẻ tuổi này.

Chẳng bao lâu sau đó, ông đã đi sâu vào vùng nội địa chưa có tên trên bản đồ lúc đó để làm bàn đạp cho những công tác truyền giáo. Ông đã đến dòng sông lớn Zambeizi, cách khu vực truyền giáo Kuruman 500 dặm. Ông vừa đi vừa gieo giống Tin Lành, vừa chữa bệnh cho dân chúng và cũng bỏ công để vẽ bản đồ các địa phương mà ông đặt chân đến cốt để giúp cho các giáo sĩ đến sau. Phần lớn vùng ông đi qua chưa có dấu chân nào lúc đó. Một lần ông đã phải chiến đấu dũng cảm với sư tử để cứu người bạn da đen của mình. Lần đó ông bị thương nặng phải chữa trị qua nhiều tháng. Kết quả những chuyến đi ấy ông đã xây dựng những mối liên hệ, đáp ứng nhu cầu hiểu biết về phong thổ địa lý, vạch ra những trục lộ giao thông khi nào có thể được. Những cuộc hành trình đáng nhớ của Livingstone là giữa các năm 1851-1856, trong đó có chuyến ông đi bộ từ Đông sang Tây Phi, mà nó đã được ông ghi chú lại một cách tài tình dưới dạng du ký làm cho người đọc say mê trong quyển “Những Cuộc Du Hành Truyền Giáo Và Thám Hiểm Nam Phi” (xuất bản năm 1857). Chỉ trong lần ra mắt thứ nhất này cũng đủ cho biết thiên tư của ông về loại truyện ký sự đường xa thú vị như thế nào. Tuy nhiên đoàn thể của ông đã không chịu tin nơi sự tương quan truyền giáo với những chuyến đi như vậy; và khi trở lại Phi Châu năm 1858, thì điều đó đã dẫn đến sự chú ý của Chính quyền Anh, và họ đã khẩn cấp khai phá dòng sông Zambeizi (mà Livingstone còn gọi là “Xa lộ của Đức Chúa Trời đi vào Phi lục”). Sự du thám lần đó đã không thành công, và ông đã bị triệu hồi năm 1863. Giáo sĩ Livingstone đã đối đầu với nhiều thử thách nghiêm trọng: Vợ ông qua đời, bầu nhiệt huyết buổi đầu của ông đã nêu lên nhiều dấu hỏi to tướng.

Nhưng không lâu sau đó ông đã quay lại, lần này không có những bạn đồng hành người Âu. Từ căn cứ của ông tại Zanziba, năm 1866, ông đã tiếp tục công việc khảo sát vùng nội địa Đông Phi với sức chịu đựng bền bỉ khó ngờ được.

Với tư cách là nhà thám hiểm, Livingstone đã hoàn thành hàng loạt những công tác vĩ đại nhất. Ông đi đường bộ ngày một xa – ngang qua hầu hết các lãnh thổ mà ngày nay người ta được biết như Nam Phi, Zambia, Mozambique, Malawi, Tanzania, và Đông Zaire; và đã ghi chép khá đầy đủ hơn các nhà khảo sát cùng thời với ông. Ông đã sớm tìm ra tiếng nói hợp nhất cuối cùng của tất cả Chân lý, khoa học và Thánh Kinh.

Nhưng có một điều khuấy động trái tim của ông hơn hết, là những lộ trình dài dặt, ông luôn quan tâm sâu xa đến vấn đề nhân quyền và sách lược khủng khiếp về việc buôn bán nô lệ đang nổi cộm lên lúc ấy. Ông thấy cần phải mổ xẻ “cục ung bướu ở Phi Châu” này tận căn của nó – Nô lệ đã thành việc “thương mãi hóa” của các dân tộc Ả-rập. Bởi đó mà người dân Phi Châu rất thương mến ông. Và họ thường gọi ông là “Bwana Livingstone”, nghĩa là “Cha (Thầy, Bạn) Livingtone”. Livingstone đi đến chỗ nhận thức rõ về giấc mơ từ thuở thiếu thời của mình về sự tử tế của dân da trắng chỉ có thể rịt lành những vết thương đau của những kẻ nghèo khổ ở Scotland mà thôi, nhưng sự tử tế đó chỉ là ảo tưởng ở Phi Châu. Nhưng ông vẫn cứ tin rằng vấn đề buôn bán nô lệ có thể được thanh toán với tình hình kinh tế được cải thiện hoặc làm giảm đi sự lôi cuốn của việc buôn bán tồi tệ đó. Thêm vào đó là sự giao thương và phát triển ngành nông, chủ yếu là công tác truyền giảng Tin Lành có thể thực hiện được việc này. Những mối dây giao hảo của ông với các dân tộc Phi Châu được xem là tuyệt hảo; những sự sai phạm của ông hầu hết là với dân chúng Âu Châu. Chiến lược của ông không phải là khai thác lục địa đen nhưng là để giải phóng. Trong sứ mạng này, ông đã khác biệt với Cecil Rhodes, một khuôn mặt lớn khác ở Trung Phi.

Thật vậy, ngoài nhu cầu chính về sự cứu rỗi linh hồn con người, việc mà Bác sĩ Livingstone đau lòng nhất là tệ nạn buôn người thời ấy đang thịnh hành mà báo chí đã không ngừng nói đến. Hằng trăm những cảnh bắt bớ, đầy đọa, tàn sát vô tội vạ của bọn con buôn Ả-rập diễn ra trước mắt ông. Nhờ những bài báo mà ông đã tường thuật tại chỗ về thảm cảnh đau thương này mà dư luận và các chính phủ khắp thế giới thời ấy lưu tâm đến những kẻ bất hạnh. Các cuộc Hội nghị tranh đấu cho quyền con người đã mở ra. Người ta nói rằng tệ nạn “thương mãi hóa con người” có chấm dứt hay đình chỉ trong các nước phần lớn là nhờ công lao, sự cổ động, hô hào thức tỉnh nhiệt thành của David Livingstone.

Một buổi sáng kia, người ta thấy ông đang quì gối bên chiếc chõng tre, tưởng rằng ông đang cầu nguyện vì quá nhọc mệt nên ngủ quên. Nhưng khi họ đến lay ông dậy, thì ông không bao giờ thức dậy nữa. Con người da trắng này đã thương yêu dân da đen hết mình. Suốt đời ông không hề quan ngại đến thân mình, đã hy sinh để đi ra truyền bá Danh Cứu Chúa để cứu chuộc linh hồn người da đen, chữa lành thể xác đau ốm của họ; vận động giải thoát họ khỏi cảnh lầm than, bất hạnh. Nhiều lần ông phải đối đầu với sự đói khát, thú dữ, bệnh tật, nhất là thứ bệnh sốt rét nhiệt đới hành hạ làm ông suýt mất mạng – Và ông đã qua đời vì kiệt sức khi đang cầu nguyện cho họ!

Những người Phi Châu vừa khóc, vừa tắm rửa thi hài ông, họ mổ lồng ngực lấy trái tim của ông chôn lại trong một ngôi làng; còn thi thể ông người ta khâm liệm kỹ gởi về đồng bào ông tại Anh Quốc. Họ thay phiên nhau khiêng quan tài ông vượt qua các đồi núi, rừng rậm, đầm lầy; cuộc viễn hành kéo dài 9 tháng. Các bạn đồng sự người Phi đã đem thi hài ông ra bờ biển…

Cuối cùng thi thể của David Livingstone đã được mang về quê hương nước Scotland. Dân chúng được tin kéo nhau ra đứng chật các ngã đường để chào vĩnh biệt ông. Xác ông được an táng chung với các danh nhân, anh hùng của nước Anh một cách trang nghiêm, long trọng tạiWesminster Abbey.

Dầu xét về kỹ thuật chuyên môn truyền giáo trong 30 năm của ông tại Châu Phi chỉ thành tựu một nửa; thì Livingstone cũng đã thấy tất cả sự nghiệp của ông trong bản thành tích về một kế hoạch khôn khéo, mà trong đó ít nữa Phúc Âm cũng được tuyên bố, sự hiểu biết không ngừng gia tăng, và niềm tin cùng sự chịu khổ đã bước song hành bên nhau. Viện Đại Học về Truyền Giáo ở nước Anh cho vùng Trung Phi đã cưu mang nhờ những nguồn khích lệ của họ đối với tánh cách độc lập của những người Scotland (xuyên qua bài thuyết trình của ông tại Cambridge năm 1858).

Sau khi ông qua đời Giáo Hội Scotland và Giáo Hội Tự Do của xứ này đã khởi đầu các cuộc truyền bá Phúc Âm ở Trung Phi mà nó là phản ảnh những tư tưởng và khải tượng nhìn xa trông rộng của David Livingstone tiên sinh vậy.

Thật, cuộc đời của bác sĩ truyền giáo David Livingstone đã thực hành đúng lời dạy của Chúa Jesus qua 2 điều răn lớn nhất của Ngài: “Kính Chúa”, “Yêu người” mà Chúa đã công bố.

Nguồn:
nhulieuthanhkinh.com

Có thể bạn quan tâm