Trang chủ Dưỡng Linh Huấn Luyện Con Cái

Huấn Luyện Con Cái

bởi admin
Mục sư Phú Phong hỏi: “nhiều gia đình tin kính nhưng con cái hư hỏng là do đâu? Con cái nhìn thấy cha mẹ sống/đối nhân xử thế trong thực tế. Cha mẹ đôi khi bỏ bê con cái và lo việc “bên ngoài” quá nhiều cuối cùng con cái bị “bỏ rơi”.
TRẢ LỜI:
Làm Thế Nào Tôi Có Thể Huấn Luyện Con Cái Theo Đường Lối Của Đức Chúa Trời?
Bạn có bao giờ được giao cho một công việc, nhưng bạn lại không biết cách nào để thực hiện công việc đó? Đây cũng là điều mà nhiều người làm cha mẹ cảm thấy khi họ phải huấn luyện dạy dỗ con cái của mình.
Đây là mạng lệnh rõ ràng từ Kinh Thánh dành cho những người làm cha mẹ: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo. Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” (Châm 22:6)
Tuy nhiên làm thế nào để “dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo” là một thách thức cho chúng ta? Có phải chúng ta sẽ đi vào một hiệu sách, mua các quyển sách dạy về nghệ thật làm cha mẹ rồi học theo đó?
Điều đầu tiên chúng ta cần phải thấy là Đức Chúa Trời đang kiểm soát mọi sự. Gia đình hay con cái là những tặng phẩm đến từ Đức Chúa Trời. Ngài giao phó vào tay bạn một số con cái để nuôi dưỡng chúng trong đường lối của Ngài.
Chúng ta nghiên cứu cụm từ “dạy cho trẻ thơ” hay còn được dịch là “huấn luyện trẻ thơ”. Trước hết từ này mang ý nghĩa: cống hiến, chỉ dẫn, thánh hóa trẻ thơ.
Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “dạy cho trẻ thơ” trong Châm ngôn 22:6 có một ý nghĩa phong phú bao gồm việc bắt đầu giảng dạy, nuôi dưỡng ước muốn, và củng cố những thói quen và sở thích tốt cho con trẻ. Do đó, vai trò của cha mẹ là nuôi dưỡng một ham muốn trong con trẻ để chúng sống đúng và hướng dẫn chúng dựa trên ham muốn tự nhiên và ân tứ đặc biệt Chúa ban cho chúng. Mục tiêu của cha mẹ không phải là kiềm chế, nhưng là phát triển nhân cách và những khả năng đặc biệt của con trẻ.
Năm chìa khóa sau đây có thể giúp đỡ những người làm cha mẹ huấn luyện con cái.
1. Dạy Kinh Thánh cho con cái từ khi chúng còn thơ ấu. “Từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi Đức tin trong Đức Chúa Giê-su Christ.” (2 Ti-mô-thê 3:15). Vợ chồng chúng tôi thường xuyên đọc các truyện tích Kinh Thánh vào mỗi đêm cho con trẻ của chúng tôi và sau đó đọc một chương Kinh Thánh cho những đứa lớn hơn. Bây giờ khi đã trở thành ông bà nội ngoại, chúng tôi cảm nhận được phước hạnh và niềm vui khi nhìn thấy các con tôi cũng làm điều tương tự với con cái của chúng.
2. Kỷ luật, khuyên bảo con cái trong danh Chúa. “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.” (Ê-phê-sô 6:4). Vợ chồng chúng tôi luôn bảo đảm phải thận trọng không xử lý con cái trong cơn nóng giận. Khéo léo trong sự sửa phạt để con cái nhận ra bài học của chúng – điều này sẽ làm cho chúng ta không thất vọng về chúng.
3. Thực hiện nếp sống đạo, bày tỏ ra Lời Chúa cho con cái mỗi ngày. “Chỉ hãy giữ lấy ngươi, lo canh cẩn thận linh hồn mình, e ngươi quên những điều mà mắt mình đã thấy, hầu cho chẳng một ngày nào của đời ngươi những điều đó lìa khỏi lòng ngươi: phải dạy cho các con và cháu ngươi.” (Phục truyền 4:9). Cha mẹ phải là những mô hình mẫu về đức tin và nếp sống đạo tin kính cho con cháu của mình, tránh xa thói đạo đức giả (Rô-ma 12:9-21; Ga-la-ti 6:3). Chúng tôi được khích lệ khi các con nói về cha mẹ của chúng: “Cám ơn cha mẹ đã làm gương tốt cho chúng con trong nếp sống tin kính.”
4. Bắt lấy các cơ hội để dạy cho con cái mạng lệnh của Đức Chúa Trời. “Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy.” (Phục truyền 6:7). Nói chuyện với con cái về Đức Chúa Trời là một điều tự nhiên và bình thường trong sinh hoạt gia đình. Vì vậy đừng bao giờ cho rằng bạn quá bận rộn với công việc mưu sinh đến nỗi không còn thì giờ trò chuyện với con cái về các vấn đề thuộc linh.
5. Chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo tin cậy vào quyền năng của Đức Chúa Trời. “Hầu cho dòng dõi hậu lai, tức là con cái sẽ sanh, được biết những điều đó.
Rồi phiên chúng nó truyền lại cho con cháu mình;
Hầu cho chúng nó để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời,
Không hề quên các công việc Ngài.
Song gìn giữ các điều răn của Ngài.” (Thi thiên 78:6-7)
Đây là phước hạnh mà các bậc cha mẹ khi đã hoàn thành mục tiêu tối hậu của Đức Chúa Trời dành cho: “Tôi nghe con cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui mừng hơn nữa.” (3 Giăng 1:4)
ÁP DỤNG
Nuôi dưỡng con cái trong đường lối Chúa không phải là điều dễ dàng. Không có bất kỳ sự bảo đảm nào cho con cái chúng ta sẽ đi theo Lời của Chúa. Châm ngôn 22:6, “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo. Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” Không phải là một lời hứa phổ thông nhưng là một mạng lệnh tổng quát. Đức Chúa Trời là Người Cha thiên thượng hoàn hảo. Ngài đã sáng tạo nên các thiên sứ và cho họ ở trên thiên đàng, tuy nhiên một phần ba các thiên sứ đã chống lại Đức Chúa Trời và không bao giờ quay trở về đầu phục Ngài (Khải huyền 12:3-4). Chắc chắn Đức Chúa Trời không chịu trách nhiệm về tội lỗi của các thiên sứ. Đức Chúa Trời biết con người chúng ta cũng có thể giống như các thiên sứ phản loạn. Tuy nhiên mỗi chúng ta phải chịu trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng con cái mình theo ánh sáng của Lời Chúa (Ê-phê-sô 6:4). Các bài nghiên cứu và khảo sát cho thấy rằng khi điều này được thực hiện một cách trung tín trong tình yêu, sẽ có một tỷ lệ rất cao các trẻ em trở thành những người trưởng thành bước theo Chúa.
KINH THÁNH THAM KHẢO
Phục truyền 6:5-9; Thi thiên 78:6-7; Châm ngôn 22:6; Ê-phê-sô 6:4.
Note: Mọi người có thể ghi ra câu hỏi trong phần bình luận. Chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời phù hợp theo Kinh thánh.
Tôi sẽ giới thiệu các câu trả lời theo Kinh thánh. Tôi sẽ không có tất cả các câu trả lời – nhưng hy vọng sẽ có một số câu trả lời.
Dĩ nhiên, tôi không hy vọng là tất cả mọi người sẽ đồng ý với câu trả lời trên trang facebook này. Trong trường hợp đó các bạn có thể phản biện.
Tôi thích lời trích dẫn này của Warren W. Wiersbe: “Tác giả Christopher Morley đã viết, “Tôi có hàng triệu câu hỏi gửi đến Đức Chúa Trời, nhưng khi tôi gặp Ngài, tất cả chúng đều trốn khỏi tâm trí tôi, và dường như không còn vấn đề gì để hỏi.” Với Gióp cũng vậy, khi ông gặp Chúa, miệng ông đóng lại nhưng tấm lòng ông mở ra và kinh nghiệm sự chữa lành từ Chúa.”
Các bạn có thể đọc thêm: https://lethat.net/nguoi-cong-binh-bi-kho-nan/
admin

Có thể bạn quan tâm