Trang chủ Khoa học - Khảo cổ Kẻ Bán Chúa

Kẻ Bán Chúa

bởi

GIU-ĐA ÍCH-CA-RI-ỐT

Sao phí của như vậy?

Ma-thi-ơ 26:8

Trong bốn sách Phúc âm, tên của Phi e-rơ được đề cập nhiều hơn cả trong số mười hai sứ đồ, người tiếp theo là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Phi-e-rơ đứng ở đầu danh sách các sứ đồ, còn Giu-đa đứng ở cuối.

Chúa Giê-su gọi Giu-đa là “người được phán quyết cho sự hủy diệt” (Giăng 17:12). Cụm từ này cũng   được dịch là “đứa con của sự hư mất” trong bản Kinh Thánh Tiếng Việt. Từ được dịch là hủy diệt hay hư mất cũng được dịch là “mất – phung phí, vô giá trị” trong Giăng 6:12. Giu-đa là con trai của sự phung phí. Khi Ma-ri ở Bê-tha-ni lấy bình dầu quí giá xức cho Chúa Giê-su, Giu-đa là người đầu tiên hỏi: “Sao phí của như vậy?” Sau đó, các sứ đồ còn lại tiếp tục tấn công người phụ nữ làm chuyện này.

Sau khi bạn nhìn lại đời sống và cái chết của Giu-đa, bạn có thể muốn hỏi: Sao phí như vậy? Ông đã hạ thấp phẩm giá bản thân và phá hủy mọi thứ mà Chúa ban cho.

 

ĐÁNH MẤT PHẨM GIÁ CỦA MỘT CÁI TÊN TỐT

Hàng triệu em bé sinh ra được cha mẹ đặt tên là Si-môn, Phi-e-rơ, Thô-ma, Anh-rê, Gia-cơ , Giăng, Ma-thi-ơ hay Phi-líp, nhưng không có cha mẹ nào lại muốn tên của con trai mình là Giu-đa. Tên Giu-đa bắt nguồn từ người con trai thứ tư của Gia-cốp và Lê-a. Tên này mang ý nghĩa “ngợi khen” (Sáng thế ký 29:35). Như vậy Giu-đa là một cái tên đẹp, mang ý nghĩa tốt. Nhưng một trong mười hai sứ đồ đã làm giảm giá trị của cái tên này. C. H. Spurgeon đã nói, “Tính cách của quỷ sứ là thiên sứ đánh mất sự thánh khiết. Bạn không thể làm Giu-đa trừ phi bạn là một sứ đồ.”

Một số người thường gieo rắc sự độc hại. Bất kể họ đi đâu, họ đều kích động bất đồng và chia rẽ. Bất luận làm gì, họ cũng gây ra rắc rối. Giu-đa thuộc về nhóm này. Mỗi một điều quí báu mà ông nhận được từ Chúa Giê-su, thì ông đã làm giảm đi giá trị của chúng và lãng phí chúng bao gồm luôn cả cuộc đời của ông. “Kỷ niệm người công bình được khen ngợi. Song tên kẻ gian ác rục đi” (Châm ngôn 10:7). Cái tên của Giu-đa đã bị rục đi.

ĐÁNH MẤT MỘT TRÁCH NHIỆM VÀ MỘT CHỨC VỤ 

Khi Chúa Giê-su lập mười hai người làm sứ đồ để cùng phục vụ với Ngài (Mác 3:13-19). Ngài chọn Giu-đa. Điều này có nghĩa Giu-đa đã nhận báp-tem của Giăng Báp-tít (Công vụ 1:15-26) – có nghĩa là đã ăn năn tội. Tuy nhiên phép báp-tem của Giu-đa không phải là bằng chứng ông đã trở thành môt tín nhân. Chúa Giê-su chọn Giu-đa làm một sứ đồ, nhưng Giu-đa không bao giờ được chọn theo nghĩa truyền giáo và được Chúa Cha ban cho Con (Giăng 13:8; 6:66-71; 17:6-12). Giu-đa không tinh sạch (Giăng 13:10-11), và Chúa Giê-su biết Giu-đa từ buổi ban đầu sẽ là kẻ phản bội Ngài (Giăng 6:64).

Mười một sứ đồ dến từ Ga-li-lê, và Giu-đa là sứ đồ duy nhất đến từ Judea. Ích-ca-ri-ốt có nghĩa là người của Kerioth là một thị trấn miền nam của xứ Judea (Giô-suê 15:25). Vị trí địa lý này có ý nghĩa gì? Hầu hết mọi người ở Judea xem cư dân ở vùng Ga-li-lê là những “nông dân” thô lỗ. Giọng nói của một người chỉ ra người đó ở khu vực nào (Ma-thi-ơ 26:73; Công. 2:7). Người Ga-li-lê thuộc vào nhóm người dân trí thấp theo sự đánh giá của người Judea. Khi Phi-líp nói với Na-tha-na-ên rằng Chúa Giê-su đến từ Na-xa-rét. Na-tha-na-ên hỏi lại: “Na-xa-rét! Có điều gì tốt ra từ đó sao?” Khi các sứ đồ thảo luận ai là người lớn nhất trong nhóm của họ, vào lúc đó Giu-đa có thể đã sử dụng quyền công dân Judea để củng cố vị trí của ông.

Một đánh giá khác là Đế quốc Rô-ma không nghiêm khắc đối với người Ga-li-lê như họ đối với người ở Judea. Hê-rốt An-ti-pa đã ban cho người Ga-li-lê những đặc ân mà người Judea không có. Vì thế người Judea có thể ghen tị với người Ga-li-lê và họ mong muốn nhìn thấy một số chính sách khắc nghiệt của La Mã thay đổi. Chủ nghĩa lập quốc của người Do Thái đang phát triển mạnh ở Judea và Giu-đa có thể đã đồng cảm với nó. Có thể ông đang mong đợi Chúa Giê-su sẽ chiến thắng đế quốc Rô-ma và thành lập vương quốc của Ngài. Thậm chí là sau sự kiện Chúa phục sinh, các môn đồ đã có cùng một ước mơ, “Lạy Chúa, có phải trong lúc nầy Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?”  (Công vụ. 1:6-9). Có thể Giu-đa theo Chúa vì động cơ chính trị hơn là thuộc linh, và khi ông thấy Chúa Giê-su từ chối vương miện chính trị (Giăng 6:14-15), trong lòng ông đã có thay đổi theo một chiều hướng xấu.

Là người đến từ Judea, Giu-đa hy vọng Chúa Giê-su sẽ đối xử với ông đặc biệt hơn những sứ đồ khác. Giu-đa đã suy nghĩ và phản ứng như thế nào khi Chúa Giê-su đem Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng lên núi để chiêm ngưỡng sự vinh hóa của Ngài, còn ông và các sứ đồ khác phải ở lại phía sau, hay khi Chúa Giê-su thực hiện một phép lạ đặc biệt chỉ dành riêng cho Phi-e-rơ? Những điều này tác động đến Giu-đa, và ông có thể là người nóng cháy hơn hết trong cuộc tranh cãi ai là người lớn nhất giữa vòng các sứ đồ?

Nhưng chúng ta cũng lưu ý rằng Giu-đa cũng thi hành các mục vụ trong danh Chúa Giê-su và trải nghiệm quyền năng của Ngài giống như các sứ đồ khác (Ma-thi-ơ 10; Mác 3:13-19). Nếu Giu-đa không rao giảng và thi hành các phép lạ, các sứ đồ khác có thể nghi ngờ tính chính danh của ông. Nhưng cuối cùng họ bị sốc khi biết Giu-đa là một sứ đồ giả mạo. Sự thật là Chúa Giê-su đã cho phép Giu-đa làm thủ quĩ của nhóm sứ đồ, có nghĩa là Ngài tin cậy ông. Chúng ta không biết Giu-đa phản ứng như thế nào trước những lời dạy của Chúa Giê-su về tiền bạc và sự trung thực như trong Ma-thi-ơ 7:15-23 và Lu-ca 16:19-31. Giu-đa đã hạ thấp tầm quan trọng của của việc trở thành một sứ đồ của Chúa Giê-su Christ.

Hành động tự sát của Giu-đa không phải là điều bí mật, và chắc chắn ông đã hợp tác với những người lãnh đạo Do thái giáo để bắt Chúa Giê-su. Thông tin này đã không làm cho các sứ đồ dễ dàng hơn trong việc rao truyền lẽ thật trong những ngày sau đó. Làm thế nào công chúng có thể tin cậy vào các sứ đồ khi mà một người trong vòng họ là kẻ giả mạo? Các chức vụ giả mạo vẫn còn (2 Cô-rin-tô 11:13) và Satan vẫn đang làm phần việc của nó.

ĐÁNH MẤT MỘT ÂN TỨ QUÍ BÁU

Ma-ri ở Bê-tha-ni đã ngồi dưới chân Chúa nghe lời Ngài dạy, và hiểu rằng Cứu Chúa sẽ bị bắt và bị đóng đinh. Vì vậy bà đã không tiếc sử dụng bình dầu quí của mình để chuẩn bị cho sự chết của Chúa (Giăng 12:1-8). Đó là một hành động tốt trong sự thờ phượng được Chúa Giê-su chấp nhận, nhưng Giu-đa chỉ trích hành động của Ma-ri và nhiều người khác cũng phụ họa theo. Chúa Giê-su bảo vệ Ma-ri và quở trách Giu-đa và những người chỉ trích. Chỉ trích Ma-ri về hành động thờ phượng tốt nhất dành cho Chúa, trong khi họ giấu kín những tội lỗi của mình? Họ nghĩ rằng họ có thể tự làm cho mình tốt hơn bằng cách làm cho người khác trông xấu hơn. Giu-đa muốn có tiền nếu Ma-ri bán bình dầu đó và dâng tiền cho sự quản lý của ông, nhưng ông không lấy được tiền trong câu chuyện này.
Có phải Giu-đa bị Chúa quở trách, và điều này thức tỉnh linh hồn của ông? Thay vì vậy, ông đã âm thầm đi cửa sau với các lãnh đạo tôn giáo để bán Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 26:1-16). “Các ông sẽ trả cho tôi bao nhiêu?” Lòng tham tiền bạc đã dẫn Giu-đa đi đến chỗ phản bội Thầy mình. Các người lãnh đạo tôn giáo muốn bắt Chúa Giê-su, nhưng họ e ngại điều này sẽ gây nên một cuộc bạo loạn của dân chúng trong kỳ lễ vượt qua. Vì vậy Giu-đa giải quyết vấn đề của họ chỉ trong ba mươi miếng bạc. Sự thật là Giu-đa đi từ bữa tiệc ở Bê-tha-ni đến thẳng chỗ của thầy cà thượng phẩm cho thấy rằng ông “khá thông minh” từ lời quở trách mà Chúa Giê-su đã phán.

Thật là khó khăn cho người phụ nữ dâng lên cho Chúa bình dầu quí giá – điều tốt nhất mà không bị ai quở trách. Điều này cũng áp dụng cho Môi-se, Sa-mu-ên, Đa-vít, các tiên tri, các sứ đồ và các tín nhân trong mọi thời đại. Những tội nhân đáng xấu hổ như Giu-đa quay lưng lại với sự thờ phượng chân thật và đi vào mưu đồ xấu xa phải bị phán xét tỏ tường trước ngai của Chúa.

ĐÁNH MẤT MỘT CƠ HỘI THÁNH

Lễ vượt qua là một kỳ lễ quan trọng của người Do Thái, và lần này có ý nghĩa đặc biệt với Chúa Giê-su. Tất cả các sứ đồ đồ lên phòng cao để dự lễ vượt qua. Chúa Giê-su ôn hôn từng người bao gồm luôn cả Giu-đa. Ngài truyền bảo, “Ta rất muốn ăn lễ Vượt Qua nầy với các ngươi trước khi ta chịu đau đớn” (Lu-ca 22:15). Các sứ đồ ngồi vào bàn, Giu-đa ở vị trí danh dự bên trái, Giăng bên phải của Chúa. Các sứ đồ tranh luận ai là người lớn nhất giữa vòng họ, khi đó Chúa Giê-su đứng dậy rửa chân cho các học trò và kết thúc cuộc tranh luận.

Trong khi họ đang ăn, Chúa Giê-su thông báo rằng sẽ có một người phản bội Ngài, nhưng Ngài chưa nói rõ đó là ai. Ngài tôn trọng Giu-đa khi nhúng miếng bánh vào đĩa và đưa cho ông, lúc đó Giu-đa chắc nhận ra Chúa biết rõ tấm lòng của ông. Khi Giu-đa đã lấy miếng bánh, thì quỉ Sa-tan vào lòng ông. Đức Chúa Giê-su phán cùng Giu-đa: “Sự ngươi làm hãy làm mau đi” (Giăng 13:27). Những kẻ thủ ác phải bắt giữ Ngài theo kế hoạch để chuẩn bị cho cái chết của Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời trên thập tự giá. Khi Giu-đa đã ra đi, Chúa Giê-su dự bữa ăn cuối cùng với các môn đệ và Ngài dạy dỗ họ.

Giu-đa đã mang Satan vào phòng cao (Giăng 13:2, 27), ông tham dự lễ vượt qua và làm ô uế buổi lễ. Tấm lòng của ông đã từ khước cái hôn yêu thương của Chúa tại bàn tiệc, và ông cũng từ chối ý nghĩa của hành động Chúa rửa chân cho ông. “Các ngươi đã được tinh sạch, nhưng chưa được tinh sạch đều” (Giăng 13:10). Giu-đa có nhận ra hàm ý của Chúa trong lời phán này? Khi Chúa Giê-su thông báo có một người phản bội giữa vòng các sứ đồ, và Ngài đưa cho Giu-đa miếng bánh. Lúc đó Giu-đa không di chuyển. Đây là đỉnh điểm của sự lừa dối và phản bội của ông. Giu-đa thất vọng vì Chúa Giê-su không muốn làm Vua theo ý của dân chúng (Giăng 6:14-15). Ông chỉ trích sự thờ phượng chân thật của Ma-ri trong câu chuyện bình dầu quí giá (Giăng 12:1-8). Và bây giờ ông đi đến một quyết định xấu xa nhất – ông đã chọn một lối đi sai.

LÀM GIẢM GIÁ TRỊ CỦA TÌNH YÊU

Khi Giu-đa phản bội Chúa, ông ra dấu cho những người lính phụ trách việc bắt Chúa, “tôi hôn ai, đó là người mà các anh phải bắt” (Ma-thi-ơ 26:48-49; Mác 14:44-45; Lu-ca 22:47-48). Một nụ hôn bày tỏ tình cảm trung thực và lòng chân thành, nhưng Giu-đa đã đổi nó ra thành đỉnh điểm của sự lừa dối và phản bội. Chúa Giê-su đã hôn Giu-đa và các sứ đồ khác khi họ tập trung tại phòng cao để dự lễ vượt qua. Và cái hôn của Ngài bày tỏ sự trân trọng dành cho các học trò. Trong một vài giờ nữa, Ngài vẫn trân trọng nụ hôn đó bằng cách chết vì họ. “Bạn hữu làm cho thương tích, ấy bởi lòng thành tín. Còn sự hôn hít của kẻ ghen ghét lấy làm giả ngụy” (Châm ngôn 27:6).

Ít nhất năm lần trong Tân ước, chúng ta bắt gặp cụm từ: “hãy lấy cái hôn thánh mà chào nhau” (Rô-ma 16:16; 1 Cô-rin-tô 16:20; 2 Cô-rin-tô 13:12; 1 Tê-sa. 5:26; 1 Phi-e-rơ 5:14). Dĩ nhiên là người nam hôn người nam, người nữ hôn người nữ trong văn cảnh này. J. B. Phillips chú giải điều này trong Tân Ước: Cái bắt tay nhiệt thành có thể thay thế cho “cái hôn thánh,” hay theo Eugene Peterson thì một cái ôm cũng có thể biểu đạt điều này. Bất luận là cái hôn thánh, bắt tay hay ôm choàng nhau – tất cả đều diễn tả tình yêu thương tôn trọng dành cho người mà chúng ta yêu mến. Những biểu cảm bên ngoài này không nên là một hành động giả hình.

LÀM GIẢM GIÁ TRỊ CỦA CUỘC SỐNG

Trên phòng cao Chúa thông báo rằng có một người trong vòng môn đồ sẽ phản Ngài, Ngài trưng dẫn một câu trong Thi thiên: “Ta không nói về các ngươi hết thảy, ta biết những kẻ ta đã lựa chọn; nhưng lời nầy trong Kinh thánh phải được ứng nghiệm: Người ăn bánh ta, dở gót nghịch cùng ta.” (Giăng 13:18).  Tác giả Thi thiên viết, “Người bạn thân tôi, mà lòng tôi tin cậy, và đã ăn bánh tôi, cũng giơ gót lên nghịch cùng tôi.” (41:9)  Khi Đa-vít viết Thi thiên 41:9, ông  có thể đã đề cập đến bạn và cố vấn đáng tin cậy của mình là A-hi-tô-phe, người đã hỗ trợ cho Áp-sa-lom trong cuộc nổi loạn (2 Sa-mu-ên 15-17). Giu-đa cũng như A-hi-tô-phe giả vờ là người trung thành với chủ, nhưng rồi sau đó thực tâm muốn giết người chủ. Khi A-hi-tô-phe biết rắng Áp-sa-lom không đi theo lời tư vấn của ông, ông đã về nhà và tự thắt cổ mà chết. Còn khi Giu-đa nhận ra ông đã phản bội Con Đức Chúa Trời, ông tìm đến thầy tế lễ thượng phẩm, trả lại ba mươi miếng bạc và thừa nhận đã làm đổ huyết vô tội. Thái độ của ông là hối hận, tiếc rẻ vì đã làm chuyện xấu xa, nhưng đó không phải là ăn năn (Ma-thi-ơ 27:3-10). Và rồi cũng giống như A-hi-tô-phe, Giu-đa đi ra ngoài thắt cổ tự tử. Lời thú nhận của Giu-đa: “Tôi đã phạm tội vì nộp huyết vô tội! Song các thầy tế lễ đáp rằng: Sự đó can gì đến chúng ta? Mặc kệ ngươi.  Giu-đa bèn ném bạc vào đền thờ, liền trở ra, đi thắt cổ.  Nhưng các thầy tế lễ cả lượm bạc và nói rằng: Không có phép để bạc nầy trong kho thánh, vì là giá của huyết.  Rồi họ bàn với nhau dùng bạc đó mua ruộng của kẻ làm đồ gốm để chôn những khách lạ” (Ma-thi-ơ 26:4-7). Chúa Giê-su phán về Giu-đa, “khốn nạn thay cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn!” (Ma-thi-ơ 26:24)

Satan là một kẻ dối trá và giết người (Giăng 8:44), đồng thời cũng là kẻ trộm (Giăng 10:10). Nó kiểm soát Giu-đa, vì vậy Giu-đa cũng giống như nó:  dối trá, kẻ trộm và giết người (tự sát). Theo cách diễn tả của Phao-lô, Giu-đa là kẻ “cho ma quỉ nhân dịp” (Ê-phê-sô 4:27). Đọc Ê-phê-sô 4:25-32, và chú ý đến các tội lỗi mà Phao-lô cảnh báo. Chúng ta sẽ thấy rằng Giu-đa phạm khá nhiều trong các tội lỗi đó như: nói dối, đánh cắp, cay đắng, giết người. Đối với Satan và Giu-đa, cuộc sống không đáng giá, vậy tại sao phải tiếp tục sống? Giu-đa đã không hiểu thấu lời dạy quí báu của Chúa Giê-su: “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?” (Mác 8:36).

Giu-đa có nhiều cơ hội nghe các bài giảng của Chúa Giê-su, nhìn thấy các phép lạ Ngài làm, chứng kiến các mục vụ của Chúa, và nhìn thấy Chúa bị các kẻ thù chống đối. Giu-đa cũng đã thi hành các mục vụ và trải nghiệm các phép lạ, tuy nhiên ông không bao giờ mở tấm lòng ra với Chúa Giê-su. Có bao nhiêu người ngày hôm nay bề ngoài biểu hiện sự tin kính nhưng lại là kẻ bị hư mất? Họ có thể giúp đỡ người khác trong các mục vụ của nhà thờ, nhưng hoàn toàn không có Chúa Giê-su làm chủ cuộc đời mình. Tôi tự hỏi Giu-đa phản ứng như thế nào khi Chúa Giê-su phán dạy, “Sự sáng còn ở giữa các ngươi ít lâu; hãy đi trong khi các ngươi còn có sự sáng, e rằng sự tối tăm đến thình lình cùng các ngươi chăng; kẻ đi trong nơi tối tăm thì chẳng biết mình đi đâu” (Giăng 12:35).

Sứ đồ Giăng viết, “Giu-đa, khi lãnh lấy miếng bánh rồi, liền đi ra. Khi ấy đã tối” (Giăng 13:30). Bất chấp ánh trăng sáng trong đêm lễ vượt qua, bóng tối tăm đã bắt lấy Giu-đa mãi mãi.

John Bunyan chắc đã suy nghĩ đến Giu-đa khi ông viết trong tác phẩm Thiên Lộ Lịch Trình (The Pilgrim’s Progress), “Tôi cũng thấy một con đường dẫn xuống địa ngục ngay trước cổng thiên đàng….”

Warren W. Wiersbe

Translated by Tuong Vi

 

Bài viết liên quan:

https://huongdionline.com/2015/05/10/ke-phan-boi/ 

 

Có thể bạn quan tâm