Trang chủ Tổng Hợp Khi Tôi Nhớ

Khi Tôi Nhớ

bởi admin

Mục sư Lữ Thành Kiến    

Tôi ngồi đây với bình hoa thạch thảo màu tím, nhớ lại bài hát Mùa Thu Chết mà Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ bất tử của Appolinaire: ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, em nhớ cho mùa thu đã chết rồi. Thạch thảo nở hoa mùa nào, mà sao khi nó trổ hoa đẹp vừa đủ cho người ta đưa bàn tay ngắt lấy, thì mùa thu đã chết?

Hoa Kỳ vẫn đang trong mùa hè rực rỡ, theo lịch thì mãi đến 22/9 mới là ngày thu đến. Mà thạch thảo vườn tôi đã nở những chùm hoa tím ngắt đẹp đến xao xuyến, phải ngắt lấy một vài cành cắm vào cái bình thủy tinh xinh đẹp làm từ một bàn tay nghệ nhân nào đó. Tôi không định được là cái bình đẹp hơn hay cụm hoa đẹp hơn. Đặt nó trên bàn làm việc, nhìn nó. Suy nghĩ đến một điều gì đó đẹp hơn. Đây là cách suy nghĩ mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta suy nghĩ đến. Một câu danh ngôn không rõ của ai: thà đốt lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối.

Tôi nhớ Kinh Thánh có câu: Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài. Ê-sai 26:3. Tôi chợt như bắt gặp một chân lý, như một que diêm thắp lên trong bóng tối. Từ lâu tôi vẫn thắc mắc, vẫn tự hỏi, làm sao để có được sự bình an mà Chúa Jesus nói rằng sự bình an của Ngài cho, không phải là sự bình an của đời. Rất nhiều người thuộc Giăng 14:27, nhưng rất ít người kinh nghiệm được. Đọc thì dễ, suy gẫm thì khó hơn, và thực hành là khó… quá J Làm sao để mà trong tất cả hoạn nạn của đời, vẫn có một tâm hồn an nhiên tự tại?

Tôi có một người bạn học cùng lớp ở Ban Mê Thuột, người bạn này rất khác với các bạn cùng lớp, vì khi đi học không mặc đồng phục quần xanh áo xanh như chúng tôi, mà mặc một cái áo dài màu lam hay nâu (đà?) của một thầy tu Phật giáo. Nhiều chục năm sau cả hai chúng tôi đều đến Mỹ, đều… trụ trì một cái nhà thờ và một cái chùa, nhưng chưa bao giờ gặp nhau J Một người bạn học khác, vài lần dàn xếp thì giờ khi tôi có việc về thăm nhà ở California, cho một cuộc gặp gỡ giữa hai vị… thầy tu J. Anh rất thú vị với suy nghĩ, để coi Mục sư và Hòa thượng gặp nhau thì sẽ như thế nào, và sẽ nói chuyện với nhau như thế nào. Anh cũng design một tấm hình đặc biệt làm lịch lớp trong đó Mục sư mặc áo vest đứng giang tay giảng dạy và Hòa thượng mặc áo cà sa đứng chắp tay nhìn về nhau. Tôi rất thích tấm hình này vì không phải chỉ vì nó lạ, mà vì nó có một cái gì đó đặc biệt không diễn tả được. Anh viết: lớp học chúng tôi hãnh diện có hai người bạn (nổi tiếng J) nay đã dấn thân vào công việc… tu hành J Chỉ có cái khác là dù cùng bạn học, anh gọi Mục sư là mày xưng tao, còn với Hòa thượng thì gọi là Thầy J Nhưng chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau.

Vài năm trước, người bạn viết: Hòa thượng bị bệnh ung thư máu. Anh kể tôi nghe: thường ngày ông rất điềm đạm, yên tĩnh, an lạc, nhưng hôm nay có vẻ xao xuyến, có vẻ như cái tâm an lạc đã bị… đụng chạm, hơi bị rung động. Như một mặt hồ đang yên tĩnh bị một cơn gió mạnh thổi ngang làm nó gợn sóng. Tôi lắng nghe điều đó. Tôi vẫn suy nghĩ về cái tâm an lạc của người bạn học năm xưa trong cuộc đời tu hành của ông, hình dung những thầy tu đêm hôm tụng niệm, ngày dạo quanh sân chùa lá rơi, mà suy gẫm về cái tâm không mấy an lạc của mình, hơi xấu hổ. Tôi nhiều khi nói với Chúa về cái tâm an lạc đó. Vì sao có đôi khi tôi không bình an, vì sao có rất nhiều khi đi dạo trong không gian yên tĩnh, mà tâm hồn tôi xao xuyến.

Vậy thì tôi phải tìm lại những thánh nhân trong Kinh Thánh, những người đã nổi tiếng về đức tin của họ, đã để lại cho hậu thế những bài học mạnh mẽ, can đảm vượt ngàn trùng sóng gió, bước lên những thảm họa của đời, đối diện với những nghịch cảnh…. Tôi tìm lại Giê-rê-mi khi bị người ta quăng xuống một cái hố cho chết, tôi tìm lại Đa-ni-ên khi bị quăng vào hầm sư tử, Ê-tiên khi bị ném đá đến chết, Phao-lô khi đối diện với cảnh chìm tàu trên biển, hay trước những quan tòa, thì thấy hầu như các ông đều giữ đức tin can trường cả, quyết không đầu hàng những tấn công. Một tượng đài của đức tin là ông Gióp, chắc cho đến nghìn đời không có người thay thế. Tôi kính phục họ quá. Như vậy mới thật là những thánh nhân chứ.

Nhưng tôi không chịu ngừng ở đó. Kinh Thánh chỉ mô tả những trận chiến bên ngoài, những va chạm thân thể, những đe dọa đời sống, sao không thấy mô tả gì về những trận chiến bên trong, nơi mà Đức Chúa Trời ngoài việc tạo nên thân thể con người đầu mình chân tay mắt mũi, còn tạo nên một linh hồn biết xao xuyến trước những cảnh vật đẹp đẽ, rung động trước tình yêu, buồn bã trước nghịch cảnh, chùn bước trước thử thách. Các ông ấy đã nghĩ gì, có chút bồn chồn nào không, có chút nao núng nào không, có chút đau khổ nào không. Tôi không tin là họ có một linh hồn… tượng đá J

Tôi nhớ lại một số những người có một linh hồn… bọt biển, đó là các tác giả Thi-thiên, Đa-vít, con cháu Cô-rê và Môi-se, cùng một số tác giả vô danh khác. Họ thẳng thắn bày tỏ sự bức xúc của mình. Nghe Đa-vít than thở, Thi-thiên 6:6 Tôi mỏn sức vì than thở, Mỗi đêm tôi làm trôi giường tôi, Dầm nó với nước mắt. Một đoạn khác Thi-thiên 42:3: Đang khi người ta hằng hỏi tôi: Đức Chúa Trời ngươi đâu? Thì nước mắt làm đồ ăn tôi ngày và đêm. Và điển hình hơn cả là Giê-rê-mi, Giê-rê-mi 9:1 Ôi! ước gì đầu tôi là suối nước, mắt tôi là nguồn lụy! hầu cho tôi vì những kẻ bị giết của con gái dân ta mà khóc suốt ngày đêm. Tôi ngạc nhiên vì thấy còn nữa, còn nhiều, kể nữa sợ mình… khóc theo L Và biết rằng không phải chỉ một mình mình hay… than thở, có rất nhiều người còn hay than thở hơn mình J

Rồi tôi lại tự hỏi: họ phải làm sao để giải quyết những nan đề đó. Tôi khám phá ra rằng than thở là một cách để họ giải quyết nan đề. Nếu có nan đề mà không than được thì chắc là… hết thở J Ai cũng có một thân thể bằng xương bằng thịt, có máu huyết lưu thông trong người, có trái tim xúc cảm, thì việc than thở là phải có thôi. Những khi bức xúc, tôi tìm một vài… nạn nhân để trút bỏ nỗi niềm. Sau khi trút bớt rồi, thì tôi thấy nhẹ hơn một chút. Tôi nhớ rằng Chúa Jesus, trong cái đoạn kết hết sức cay nghiệt của mình, chỉ chạy đến với Đức Chúa Cha, mà không thể nói với những người thân tín đi theo Ngài mà Ngài gọi là bạn (ôi những người bạn… vô dụng, không thể thức được với Chúa một giờ L) Ngài đã than thở đến mức mồ hôi đổ xuống như máu. Và rồi sau khi giao gánh nặng ấy cho Cha mình: Xin ý Cha được nên, thì Ngài đứng dậy, bình tĩnh bước đi vào vườn Ghết-sê-ma-nê để bị bắt.

Tôi nghĩ rằng giống như Chúa Jesus, trong cuộc đời con người sẽ có lúc đau thương, là điều không ai tránh khỏi, và sẽ trải qua những giây phút bất an phải có trong thân phận con người, nhưng những gì mà họ trụ lại được, vững lại được, để có thể bình an, là để trí mình nương dựa nơi Ngài. Là tập trung ý tưởng, suy nghĩ, niềm tin, tình yêu vào một Đấng bao lâu họ tôn thờ đến nỗi xem Ngài như là máu thịt, là hơi thở của mình. Đến nỗi cả hai không là hai nữa, mà chỉ là một, Giăng 15:7 Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó. Tôi sợ nhưng yêu hình ảnh của Ê-tiên, khi bị ném đá, ông không nhìn thấy những người ném đá mình, mà thấy Chúa Jesus trên tầng trời vinh quang đang vẫy gọi mình. Lòng ông bình an.

Tôi nhìn lại bình hoa thạch thảo màu tím. Nó có vẻ đẹp của sự buồn bã, nhưng là nỗi buồn của bình tịnh và bao dung. Là vẻ đẹp của một người để trí mình nương dựa nơi Ngài. Tôi ước ao biết mấy, người ấy sẽ là tôi.

Mục sư Lữ Thành Kiến

Có thể bạn quan tâm