Trang chủ Hỏi Và Đáp Kinh Thánh Nói Gì Về Thiên Đàng?

Kinh Thánh Nói Gì Về Thiên Đàng?

bởi admin

Tương lai của bạn như thế nào?

Ai có thể suy nghĩ về tương lai mà không cân nhắc là có hay không một thế giới khác sau cõi đời này? Người ta không thể trốn chạy khỏi ý tưởng về tình trạng của họ sau khi chết, nhưng họ có khuynh hướng để điều này bên ngoài tâm trí. Con người thường bận rộn với những việc thuộc về đời này, những phạm vi như sự chết, thiên đàng, địa ngục là quá xa vời trong ý tưởng của họ [Ma-thi-ơ 24:48, Truyền đạo 8:11]. Tuy nhiên, đó là sự chọn lựa thực tế cần phải thực hiện. Không làm gì cả có nghĩa là sẽ bị hư mất đời đời.

Chỉ có hai số phận?

Sự vinh hiển của thiên đàng dành cho những người được cứu chuộc, và cũng như sự trừng phạt đời đời được dự bị sẵn cho kẻ ác theo như mô tả từ Kinh Thánh, thuyết phục chúng ta phải chọn thiên đàng là số phận đời đời của chúng ta. Có một sự chọn lựa phải được thực hiện, nếu chúng ta nhận thức được phần thưởng này. Tội lỗi sẽ không được vào thiên đàng, đó là điều chắc chắn. Có một sự trừng phạt đời đời trong địa ngục cho những ai không tìm thấy sự tha thứ tội lỗi của họ. “Rồi những kẻ nầy sẽ vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống đời đời” (Ma-thi-ơ 25:46; Tham khảo Ma-thi-ơ 7:21-23). 

Thiên đàng – chỗ ở dành cho tất cả những người được cứu chuộc 

Đối với tất cả những người được cứu chuộc, là những người được Huyết Chúa Jesus tẩy sạch mọi tội lỗi thì thiên đàng là một nơi chốn đặc biệt (Khải huyền 7:13-14). Nó là ngôi nhà của họ.  Sự mong muốn về thiên đàng của họ giống như mong muốn của tác giả Thi thiên 63:1. Linh hồn tác giả mong mỏi Đức Chúa Trời như mảnh đất khô hạn chờ nước. Đối với một tâm trí thế tục, xác thịt thì thiên đàng quá xa xôi, không thực tế. Đối với những người đã được sinh lại trong Đức Thánh Linh thì thiên đàng rất thực tế và gần gủi. Khi Đức Thánh Linh cư ngụ trong tấm lòng và đời sống của con cái Đức Chúa Trời, người đó sẽ kinh nghiệm tiền vị của ngôi nhà đời đời.

Những mỹ đức nhờ Đấng Christ mà có như là: tính chân thật, khiêm nhường, tinh khiết, yêu thương là những viên đá quí trong nước thiên đàng. Những phẩm chất đó rất quí báu cho con cái của Chúa. Ngài làm cho duyên dáng thêm đời sống người tín hữu bằng tình yêu từ thiên đàng, người đó sẽ cẩn trọng để trở nên người trung thực và khiêm nhường. Trong cuộc đời này anh ta sẽ ăn ở biểu lộ ra những mỹ đức tuyệt vời. Tấm lòng của anh ta khao khát sự đầy trọn và thuần khiết của những nét đẹp cơ đốc trong ngôi nhà thiên thượng (2 Cô-rin-tô 5:1).

Thiên đàng – một nơi sáng láng 

Đời sống trên đất này có nhiều bóng tối. Chúng ta thường chạm trán với nhiều điều mà chúng ta không hiểu. Chúng ta cố gắng nhìn vào tương lai, nhưng chúng ta không có khả năng nhìn thấy nó. Ngay cả khi nhân loại gia tăng thêm tri thức thì nhiều điều con người vẫn không biết được. Sự thất vọng là kinh nghiệm thường xuyên trong đời sống chúng ta. Tất cả những điều này chỉ có thể diễn tả là sự tối tăm.

Thiên đàng chỉ có ánh sáng. Nó là nơi ở của Đức Chúa Trời. “Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu.” (1 Giăng 1:5). Sự sáng của Ngài là sự hiểu biết đầy đủ. Mọi tri thức sẽ hoàn toàn sáng tỏ. Những người được cứu đều yêu mến sự sáng. Còn những người làm việc gian ác họ thích bóng tối (Giăng 3: 19-21). Trong sự sáng này có sự tương giao ngọt ngào giữa Cha thiên thượng và những người cư ngụ trong Ngài.

Thiên đàng được diễn tả là “cơ nghiệp của các thánh trong sự sáng láng” (Cô-lô-se 1:12). Những thuộc tính của sự sáng này được liệt kê trong Kinh Thánh là: sự hiểu biết, thánh khiết và vui mừng. Sự sáng này không bị gián đoạn – nó vĩnh viễn! Không có đêm ở đó. (Khải huyền 21:25).

Thiên đàng – một nơi không có sự đe doạ hay tội lỗi

“Kẻ ô uế, người làm điều gớm ghiếc và nói dối không hề được vào thành; nhưng chỉ có những kẻ đã biên tên trong sách sự sống của Chiên Con.” (Khải huyền 21:27). Sự ngã lòng, thất vọng, cám dỗ và tội lỗi là những yếu tố của đời sống trần gian. Những điều này sẽ không được nhập cảng vào thiên đàng xinh đẹp.

Trong Khải huyền 21:4, “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi.” Đối với Cơ đốc nhân thiên đàng là một nơi yên nghỉ đầy trọn, là điểm đến cuối cùng của cuộc hành trình. Người tín hữu biết rằng Đức Chúa Trời đã lau khô những giọt nước mắt, những nỗi sầu khổ bị quăng xa trong thiên đàng – một nơi chốn hoàn hảo.

Tình trạng bất tử của những người được cứu

Mối quan hệ của con người thì rất quan trọng với chúng ta trên mặt đất. Sự vui mừng hay sầu khổ của người khác đụng chạm đến những cảm xúc của chúng ta. Mối dây ràng buộc trong gia đình đầy ý nghĩa, còn sự phân ly thì gây đau đớn. Tất cả những điều này là một yếu tố cần thiết của tình trạng con người phải chết.

Khi Chúa Jesus trở lại để phán xét thế giới này, mọi người sẽ được biến đổi. Những người chết sẽ được sống lại. Và con người, một tạo vật phải chết trở thành bất tử. Thân thể bị mục nát sẽ trở nên “giống như thân thể vinh hiển Ngài”.  “Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài, y theo quyền phép Ngài có để phục muôn vật” (Phi-líp 3:21)

Trong tình trạng này, các mối liên hệ gia đình sẽ không còn có ý nghĩa tương tự cho chúng ta như trước đây khi còn ở trần gian. Chúa Jesus dạy rằng sẽ không có mối liên hệ hôn nhân trong thiên đàng (Ma-thi-ơ 22:30). Những cảm xúc của đời sống này sẽ phai nhạt khi so sánh với niềm vui ở trong hiện diện với Đức Chúa Trời.  Không có điều gì sẽ làm hỏng đi mối tương giao giữa những người được cứu và Chiên Con của Đức Chúa Trời.

Các thánh đồ sẽ tìm tục nhìn chăm chú vào những điều mà trước đây mắt họ chưa bao giờ thấy; và họ sẽ biết những điều mà lòng họ chưa bao giờ nghĩ đến trước đây.

Chúa Jeus và những người thuộc về Ngài sẽ được tuyên dương ca ngợi 

Một ngày không xa Chúa Jesus sẽ hiện đến với mọi cư dân trên đất. Muôn dân sẽ đến trước sự phán xét của Ngài (Ma-thi-ơ 25:31-34). Các môn đồ thật sự của Ngài, gồm cả những người đã bị xem thường và chối bỏ từ những người khác sẽ được tiếp lên trong vinh hiển (thiên đàng). Họ sẽ tôn vinh và ngợi khen Đức Chúa Trời không bao giờ dứt. Ở đó tính chất chết của con người sẽ được thay thế bằng tính bất tử

“Khi nào thể hay hư nát nầy mặc lấy sự không hay hư nát, thể hay chết nầy mặc lấy sự không hay chết, thì được ứng nghiệm lời Kinh thánh rằng: Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng.” (1 Cô-rin-tô 15:54; tham khảo 2 Cô-rin-tô 5:1).

Trong cuộc đời này các thánh đồ gặp nhiều thử thách, cám dỗ và khó khăn. Xuyên qua ân điển những người mà đã tin cậy vào Đấng giải cứu và bền đỗ cho đến cuối cùng sẽ được tiếp về thiên đàng. Tất cả những người trên thế giới bất kể ngôn ngữ và tuổi tác mà đã giữ đức tin sẽ có ở đó.  Cả một đoàn dân đông không đếm được là những ngưởi đã nhận sự tha thứ tội lỗi và được thánh hoá bởi Huyết Chúa Jesus sẽ bước vào thiên đàng. [Khải huyền 7:9-14].

Những linh hồn đã được cứu chuộc sẽ được vinh hiển trên thiên đàng. Thật kỳ diệu khi ở trong kinh nghiệm tham dự lễ cưới của Hội Thánh và Chiên Con của Đức Chúa Trời. Sự vinh hiển này không có gì so sánh được [Khải huyền 19:7-9].

Thiên đàng – vượt quá giới hạn hiểu biết của con người. 

“Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: Đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: Đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy. [1 Cô-rin-tô 13:12].

Sự vinh hiển và rực rỡ của thiên đàng không thể được hiểu biết hay diễn tả đầy đủ. Tâm trí của chúng ta hiểu được những điều mà chúng ta thấy hoặc cảm nhận. Trong khi chúng ta hiểu rằng thiên đàng là nơi ở của linh hồn chúng ta với Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời đã chọn không để lộ ra tất cả các khía cạnh của ngôi nhà đời đời.

Một vài khía cạnh về thiên đàng đã được ghi lại trong Kinh Thánh. Vị thánh tử đạo đầu tiên, Ê-tiên khi bị ném đá cho đến chết vì đức tin “mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Jêsus đứng bên hữu Đức Chúa Trời” (Công vụ 7:55). Ê-tiên được đổ  đầy Đức Thánh Linh đã được ban cho một cái nhìn thoáng qua về ngôi nhà tương lai của ông.

Mặc dù nhiều điều về thiên đàng không thể giải thích, chúng ta biết trong phạm vi những gì Chúa bày tỏ. Giống như các thánh đồ trong suốt mọi thời đại ao ước được ở  đời đời trong thành phố mà Đức Chúa Trời đã thiết lập. Hê-bơ-rơ 11:10 cho chúng ta biết Áp-ra-ham bởi đức tin “chờ đợi một thành có nền vững chắc, mà Đức Chúa Trời đã xây cất và sáng lập.” (Tham khảo  Hê-bơ-rơ 11:13-16)

Chúng ta sẽ ở đó? 

Chúng ta sẽ về đâu khi đời sống này kết thúc? Chúng ta sẽ lên thiên đàng? Thánh Linh của Đức Chúa Trời nhẹ nhàng gõ cửa và nhắc nhở chúng ta để sửa soạn một nơi đến cho tương lai đời đời của chúng ta.

Chúng ta cần nhận ra nhu cầu của chính mình về Chúa. Bởi sự sa ngã con người đã đánh mất đặc ân của Chúa dành cho. Ăn năn tội lỗi và tìm kiếm sự tha thứ trong dòng huyết của Chúa Jesus Christ sẽ phục hồi mối tương giao của chúng ta với Ngài. Khi đó Đức Chúa Trời sẽ chấp nhận chúng ta như người công chính và tha thứ tội chúng ta. Chúng ta trở nên con cái của Ngài nhờ vào quyền năng của Lời Chúa và Thánh Linh [Giăng 3:5; 1:12]. Sự bình an mà chúng ta kinh nghiệm là tiền vị của sự yên nghỉ đầy trọn sẽ thuộc về chúng ta trong nơi ở đời đời. Mỗi linh hồn có thể có bằng chứng rõ ràng trong tấm lòng của mình về một nơi ở đã được sửa soạn cho mình trên thiên đàng [Giăng 14:2-3].

 

Admin

 

Có thể bạn quan tâm