Trang chủ Dưỡng Linh Là Bạn Của Đức Chúa Trời

Là Bạn Của Đức Chúa Trời

bởi admin

Là Bạn Của Đức Chúa Trời

 

TÌNH BẠN của tôi với Gary Classen bắt đầu khoảng mười năm trước khi chúng tôi phát hiện ra rằng chúng tôi có chung sở thích chạy bộ. Kể từ năm 1988, Gary và tôi đã chạy khoảng một chục cuộc chạy ma-ra-tông cùng nhau. Chúng tôi đã cùng nhau tham gia sáu cuộc đua “Hood to Coast” dài tổng cộng 195 dặm. Chúng tôi đã ăn vô số bữa ăn cùng nhau. Tôi đã ngủ ở nhà Gary và tự tay làm món ngũ cốc từ tủ bếp của anh ấy vào lúc nửa đêm.

Ngoài mẹ tôi, thì Gary là người duy nhất tôi biết đã từng đọc cuốn sách tôi đã viết. Gary cầu nguyện cho tôi và động viên tôi. Nếu Gary đến gặp tôi và hỏi mượn một nghìn đô la, tôi sẽ trả lời ngay lập tức, “Tôi có thể ký séc, hay đưa ngay tiền mặt?” Đó là ý nghĩa của việc chia sẻ tình bạn.

Chỉ một vài tuần sau khi gia đình chúng tôi chuyển đến Dallas, Texas, để bắt đầu học tại Chủng viện Thần học Dallas, tôi bắt đầu nhận ra ý nghĩa của việc không có một người bạn. Nancy, vợ tôi, mới bắt đầu làm thư ký cho các huấn luyện viên bóng đá tại Đại học Southern Methodist. Ngay trước khi cô ấy đi làm, tôi đi chuẩn bị xe cho cô ấy. Nhưng khi tôi đề máy, động cơ không nổ. Bình đề đã hết điện! Sẽ không có vấn đề gì nếu điều này xảy ra khi sống ở quê nhà Portland. Tôi biết nhiều người bạn ở đó sẵn sàng rời khỏi giường ngay lập tức để giúp tôi khởi động xe. Nhưng tôi mới đến Dallas và chưa kết bạn với ai. Không có ai mà tôi quen biết để nhờ giúp đỡ!

Tôi bắt đầu hoang mang. Nancy phải đến nơi làm việc trong vài phút nữa. Tôi sẽ làm gì bây giờ? Đúng vào thời điểm đó, có một thanh niên trẻ đi từ căn hộ đối diện đến. Ngay lập tức tôi gặp anh ta, giải thích tình huống của chúng tôi. May mắn thay, anh ấy rất ân cần chạy chiếc xe của mình vòng qua nhà tôi, và đã sử dụng dây cáp nối bình điện để khởi động xe của tôi.

Khi Nancy lái xe đi làm vào sáng hôm đó rồi, tôi xác định rằng tôi sẽ tìm cách phát triển một số tình bạn ở Dallas. Tôi sẽ làm quen với một số người ở đó, những người bạn sẵn sàng và tận tâm chia sẻ lẫn nhau. Trong ba năm của chúng tôi tại Dallas, một số tình bạn sâu sắc và lâu bền đã phát triển. Có Roger Raymer, người bạn chạy bộ của tôi, và Jim Amandus, một bạn học và hàng xóm. Tôi rất thích tình bạn với Duane Lindsey, người lo việc hồ sơ đăng ký ở chủng viện. Tôi không thể đếm được số buổi tối mà Nancy và tôi đã đến chơi ở nhà anh ấy. Chúng tôi đã gặp Walter và Jean Mack tại nhà thờ và dự phần vào một số Lễ Tạ ơn tại nhà của họ. Những người này đã trở thành bạn của tôi ở Dallas. Và mặc dù hiện tại chúng tôi đã phân tán đến các tiểu bang khác nhau, nhưng họ vẫn là bạn của tôi.

 

ĐỊNH NGHĨA VỀ “BẠN”

Tân Ước sử dụng từ “bạn” (philos) theo hai cách. Cách sử dụng thông thường của từ này được minh họa trong câu chuyện về người con trai hoang đàng. Người con trai cả đã phàn nàn với cha mình rằng: “Nhưng nó thưa cha rằng: Nầy, tôi giúp việc cha đã bấy nhiêu năm, chưa từng trái phép, mà cha chẳng hề cho tôi một con dê con đặng ăn chơi với bạn hữu tôi.” (Lu. 15:29). Từ bạn được dùng ở đây với nghĩa thông thường là những người bạn đồng hành đặc biệt hoặc đáng tin cậy.

Ngoài ra, một cách sử dụng kỹ thuật của từ philos cũng quen thuộc với những người sống trong thế giới La Mã vào thế kỷ thứ nhất. Cách sử dụng này được tìm thấy trong Giăng 19:12, khi người Do Thái kêu lên với Phi-lát rằng: “Ví bằng quan tha người nầy, thì quan không phải là bạn của của Sê-sa.” (If you let this man go, you are no friend of Caesar. NIV) Làm “bạn của Sê-sa” là danh hiệu cao nhất và là danh hiệu cao quý có thể được vui hưởng trong mối quan hệ với chính quyền La Mã. Hàm ý của lời tuyên bố của người Do Thái là Phi-lát vẫn là bạn của Sê-sa, nhưng mối quan hệ này sẽ bị đe dọa nếu ông thả Chúa Giêsu.

Trở thành “bạn của Sê-sa” nghĩa là có bốn điều. Đầu tiên, điều đó có nghĩa là người đó biết rõ hoàng đế, “Những người bạn của Sê-sa” sẽ thực sự được nhận thư và tiếp tục trong mối quan hệ thư tín với ông. Họ biết rõ ông ta. Thứ hai, có nghĩa là người bạn này sẵn sàng đi bất cứ nơi nào mà hoàng đế sai đi. “Những người bạn của Sê-sa” thường được sai đến các tỉnh để thực hiện nhiệm vụ cho hoàng đế. Ở đó, họ sẽ đại diện và tiến hành các công việc của hoàng đế. Thứ ba, “bạn của Sê-sa” thì vẫn giữ được tước vị ngay cả khi hoàng đế qua đời. “Một người bạn của Sê-sa” cũng có nghĩa là bạn của Đế chế La Mã. Thứ tư, nếu người bạn phản bội hoàng đế, ông ta sẽ mất địa vị đặc quyền và điều này đồng nghĩa là sự nghiệp chính trị của ông ta kết thúc.

 

 

SỰ MINH HỌA THUẬT NGỮ “BẠN”

Mối quan hệ “bạn của Sê-sa” này thực sự hoạt động như thế nào? May mắn thay, chúng tôi có một số minh họa về việc sử dụng thuật ngữ này.

 

Vua Hê-rốt

Sự cai trị của Vua Hê-rốt, được mọi người gọi là “Hê-rốt Đại đế”, có thể được chia thành ba thời kỳ chính. Từ năm 37 đến 25 TCN, Hê-rốt chiến đấu với kẻ thù và củng cố vương quốc của mình. Từ năm 25 đến 14 TCN. ông tham gia vào một loạt các dự án xây dựng, trong đó nổi tiếng nhất là đền thờ Giê-ru-sa-lem. Hê-rốt đã dành mười năm cuối đời (14-4 TCN) để giải quyết những rắc rối trong nước và tìm kiếm người kế vị xứng đáng. Trong thời kỳ thứ ba này, Hê-rốt gặp một số rắc rối với một số kẻ thù ngoại bang, và với hoàng đế La Mã Sê-sa Au-gút-tơ!

Nhà sử học Do Thái Josephus đã ghi lại câu chuyện trong The Antiquities of the Jews (16.271-91). Theo Josephus, Hê-rốt cho người Ả Rập mượn sáu mươi lạng bạc, nhưng họ không trả. Vì Syllaeus, người trị vì thay thế vua Ả Rập, từ chối thanh toán, nên Hê-rốt đã dùng vũ lực xâm lược Ả Rập để lấy lại tiền. Trong khi đó, Syllaeus đã đi công tác ở Rô-ma. Khi nhận được tin báo về cuộc tấn công trừng phạt của Hê-rốt, thì Syllaeus đã đến thẳng Sê-sa Au-gút-tơ. Ông ta vừa khóc và vừa vu cáo cho Hê-rốt một cách gian dối, đưa cho hoàng đế một bản tường trình rất xuyên tạc về sự việc. Bị Syllaeus thuyết phục rằng Hê-rốt là người đáng trách phạt, Sê-sa Au-gút-tơ đã giận dữ viết cho Hê-rốt một bức thư đại ý rằng: “Mặc dù trước đây vua xem Hê-rốt như một người bạn, thì nay vua xem Hê-rốt như một thần dân” (16.290). Sau đó, Hê-rốt cử đại diện đến Rô-ma để giải thích tình hình với Sê-sa Au-gút-tơ. Sau một số gay go, Sê-sa Au-gút-tơ đã được thuyết phục và Hê-rốt lấy lại được tư cách là “bạn”.

 

Bôn-xơ Phi-lát

Có vẻ như Bôn-xơ Phi-lát đã được Lucius Aelius Sejanus, người chỉ huy của đội cận vệ Praetorian bổ nhiệm làm tỉnh trưởng của Judea (26-36 SCN). Praetorian Guard là một lữ đoàn tinh nhuệ gồm chín ngàn binh lính bảo vệ cung điện hoàng gia ở Rô-ma. Rốt cuộc họ lại trở thành một thế lực hùng mạnh, và các hoàng đế phải lệ thuộc họ để được tại vị. Khi vua Tiberius kiệt sức vì công việc triều chính, tạm nghỉ ẩn ở đảo Capri, thì Sejanus hầu như nắm quyền kiểm soát toàn bộ chính quyền.

Theo Philo, Sejanus muốn hủy diệt dân tộc Do Thái (Philo, De Legatione ad Gaium 159-61). Rõ ràng Phi-lát đã thực hiện chính sách chống Do Thái của Sejanus ở Giu-đê. Gần như ngay sau khi đến Giu-đê, Phi-lát đã được giới thiệu tại Giê-ru-sa-lem như hình ảnh của một hoàng đế với các tiêu chuẩn của quân đội. Điều này đã làm phẫn nộ những người Do Thái bị luật cấm tạo hình tượng (Josephus, Cổ Vật của Người Do Thái 18.55). Sự coi thường của Phi-lát đối với người Do Thái cũng được thể hiện qua việc ông chiếm đoạt tiền từ ngân khố đền thờ để xây dựng một công trình dẫn nước ở Giê-ru-sa-lem (Josephus, Những Cuộc Chiến Do Thái 2.175-77). Bằng chứng Kinh Thánh về sự thù địch của Phi-lát chống lại người Do Thái được tìm thấy trong Lu-ca 13:1, chỗ Lu-ca nói đến là “Phi-lát giết mấy người Ga-li-lê, lấy huyết trộn lộn với của lễ họ.”

Người ta tự hỏi làm thế nào mà một vị tỉnh trưởng sỉ nhục người Do Thái lại có thể tại vị mà không bị người Do Thái phản đối và bị Rô-ma điều tra. Điều này sẽ không khó hiểu vì miễn là Sejanus  chống Do Thái vẫn còn nắm quyền kiểm soát chính phủ ở Rô-ma. Mọi khiếu nại của người Do Thái gửi đến vua Tiberius đều sẽ bị Sejanus chặn lại!

Vào năm 29 SCN, Thượng viện đã bỏ phiếu cho sinh nhật của Sejanus phải được cử hành công khai. Ông đã trở nên có ảnh hưởng lớn đến mức các thượng nghị sĩ và các quan chức cấp cao khác xem ông thực sự như là hoàng đế. Cuối cùng thì vua Tiberius cũng nhận biết chuyện gì đang xảy ra. Sejanus đã bị lừa xuất hiện trước Thượng viện, tin rằng Tiberius sẽ trao cho ông quyền tối cao đối với các vấn đề dân sự của La Mã. Thay vào đó, thì một bức thư từ vua Tiberius tố cáo Sejanus là kẻ tiếm quyền. Ngay lập tức Sejanus bị đưa khỏi Thượng viện và bị xử tử vào ngày 18 tháng 10 năm 31 SCN.

Bây giờ chúng ta đã hiểu tại sao Phi-lát đáp ứng theo yêu cầu khi những người Do Thái tại phiên tòa của Chúa Giê-su kêu lên rằng ông không phải là bạn của Sê-sa nếu tha cho Giê-su (Giăng 19:12). Trước khi Sejanus bị hành quyết, Phi-lát có thể làm theo ý mình đối với người Do Thái, vì tin rằng các báo cáo về sự thù địch của ông sẽ không bao giờ đến tai hoàng đế. Nhưng bây giờ mọi thứ đã khác. Phi-lát không còn có người bảo vệ mình ở Rô-ma. Ông không thể gặp rắc rối với vua Tiberius. Lo sợ bị buộc tội không trung thành và hậu quả là kết tội chính trị, Phi-lát đã rửa tay về vụ việc và để cho người Do Thái làm theo ý họ. Mặc dù biết rằng Chúa Giê-su không làm gì đáng chết, nhưng Phi-lát không muốn xúc phạm người Do Thái và có nguy cơ đánh mất địa vị “bạn của Sê-sa”.

 

ÁP DỤNG THUẬT NGỮ “BẠN”

Tất cả bối cảnh lịch sử này có liên quan gì đến việc trở thành “bạn” của Đức Chúa Trời? Rõ ràng thuật ngữ “bạn” có một nền tảng lịch sử và văn hóa phong phú. Trở thành một người bạn theo các văn cảnh trong Kinh Thánh có ý nghĩa hơn là trở thành “bạn bè” bình thường của ai đó. Để trở thành người bạn với ai đó theo nghĩa kỹ thuật thì bao hàm một mối quan hệ được đánh dấu bằng sự hiểu biết, sự vâng lời và sự kết ước. Cũng vậy, bạn của Đức Chúa Trời là người biết Ngài một cách mật thiết và sẵn lòng vâng lời Ngài.

Gương Mẫu của Áp-ra-ham

Áp-ra-ham là người duy nhất trong Kinh Thánh được gọi là “bạn của Đức Chúa Trời.” Trước cuộc xâm chiếm xứ Giu-đa của người Mô-áp và Am-môn, Giô-sa-phát đã cầu nguyện: “Hỡi Ðức Chúa Trời chúng tôi! Ngài há chẳng phải đã đuổi dân ở xứ này khỏi trước mặt dân Y-sơ-ra-ên của Ngài, mà ban xứ ấy cho dòng dõi Áp-ra-ham, là bạn hữu Chúa, làm sản nghiệp đời đời sao?” (2 Sử. 20:7). Chính Đức Chúa Trời đã tuyên bố tình bạn của Ngài với Áp-ra-ham khi Ngài gọi dân Y-sơ-ra-ên là “con cháu của Áp-ra-ham bạn ta” (Êsai. 41: 8). Trong sự luận giải của mình về mối quan hệ của đức tin và công việc. Gia-cơ đã trích dẫn Sáng Thế Ký 15:6, “Áp-ra-ham tin Ðức Chúa Trời, và điều đó kể là công bình cho người.” Sau đó Gia-cơ nói thêm, Áp-ra-ham được gọi là bạn của Đức Chúa Trời” (Gia. 2:23).

Chúng ta biết gì về mối quan hệ của Áp-ra-ham với Đức Chúa Trời? Đầu tiên, ông sẵn lòng vâng lời Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời truyền lịnh đem Y-sác—con trai duy nhất của ông, con trai của lời hứa—và dâng Y-sác như của lễ thiêu, Áp-ra-ham không phản đối hoặc đề xuất bất kỳ lựa chọn thay thế nào. Ông đã dậy sớm, đem theo Y-sác và bắt đầu cuộc hành trình đến nơi Đức Chúa Trời đã chỉ dặn (Sáng 22:3). Sự vâng lời của ông là một gương mẫu.

Thứ hai, Áp-ra-ham biết Đức Chúa Trời một cách mật thiết. Áp-ra-ham đã biết quyền năng của Đức Chúa Trời có thể thực hiện và giữ những lời hứa vĩ đại. Đức Chúa Trời đã hứa rằng dòng dõi của Áp-ra-ham sẽ đông như sao trên trời (15:5). Tại sao bây giờ Đức Chúa Trời ra lệnh cho ông phải dâng Y-sác? Mặc dù Áp-ra-ham không biết bằng cách nào Đức Chúa Trời sẽ làm được phép lạ này, nhưng bởi đức tin, ông nói với các tôi tớ của mình rằng: “Hãy ở lại đây với con lừa; ta cùng đứa trẻ sẽ đi đến chốn kia đặng thờ phượng, rồi sẽ trở lại với hai ngươi” (22:5). Áp-ra-ham biết rằng Đức Chúa Trời, Đấng có thể mang lại sự sống trong tử cung cằn cỗi của Sa-ra, thì nếu cần, Ngài có thể làm cho Y-sác sống lại từ cõi chết! Điều này rõ ràng qua lời nhận xét của tác giả Hê-bơ-rơ, “Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử thách: người là kẻ đã nhận lãnh lời hứa, dâng con một mình, là về con đó mà Ðức Chúa Trời có phán rằng: Ấy bởi trong Y-sác mà ngươi sẽ có một dòng dõi lấy tên ngươi mà kêu. Người tự nghĩ rằng Ðức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại; cũng giống như từ trong kẻ chết mà người lại được con mình” (Hê. 11:17-19).

Gương của Áp-ra-ham đem đến cho những người tin Chúa một khuôn mẫu để nhận biết Đức Chúa Trời một cách mật thiết và sẵn lòng vâng lời Đức Chúa Trời. Tôi tin rằng mệnh lệnh này là quan trọng. Bạn ít có xu hướng phục tùng người mà bạn không quen biết. Nhưng nếu bạn biết người ra lệnh cho bạn là ai và bạn tin tưởng vào sức mạnh, trí tuệ và sự quan tâm yêu thương của họ, thì bạn sẽ sẵn sàng tuân theo những yêu cầu khó khăn nhất của người đó.

 

Danh Phận  Của Cơ đốc nhân

Vào đêm cuối cùng Ngài ở với các môn đồ trước khi bị đóng đinh, Chúa Giê-su đã chỉ dạy họ về nhiều chủ đề quan trọng. Bài giảng nơi Phòng Cao của Ngài (Giăng 13-16) chứa đựng sự giảng dạy về cầu nguyện, thiên đàng, Đức Thánh Linh, bình an, sự bắt bớ và làm chứng. Nhưng một trong những bài học quan trọng nhất của bài giảng luận này là về chủ đề tình bạn.

Trong Giăng 15:14–15 Chúa Giê-su gọi các môn đồ là “bạn” của Ngài: “Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta. Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe nơi Cha ta.” Tôi tin rằng chúng ta tìm thấy trong đoạn văn này cách sử dụng kỹ thuật của thuật ngữ “bạn” (philos). Như vậy, chúng ta thấy hai điều đó đặc trưng cho một “người bạn” của Đấng Christ.

Sẵn lòng vâng lời Chúa. Trước tiên, bạn của Đấng Christ là người sẵn lòng vâng lời Ngài. Như Chúa Giê-su đã nói, chúng ta là bạn của Ngài nếu chúng ta tuân theo mệnh lệnh của Ngài (Giăng 15:14). Tình bạn mà Chúa Giê-su nói đến không chỉ đơn thuần là một mối quan hệ bình thường, “bạn bè”. Mối quan hệ mà Ngài đang đề cập liên quan đến sự cam kết và sự vâng lời. Chúa Giê-su đưa ra điều kiện, “nếu các ngươi làm theo điều ta truyền.” Sự thử nghiệm về tình bạn thực sự của một môn đồ với Đấng Christ là sự tuân theo các mệnh lệnh của Chúa Giê-su.

Điều thú vị là nhiều Cơ đốc nhân tìm ra lý do để không vâng lời Đấng Christ. Chúng ta biện luận rằng, “Điều đó thì thuộc về văn hóa và không áp dụng cho tôi.” Chúng ta lại nói, “Điều răn đó không có ý nghĩa đối với tôi, vì vậy tôi không cần phải tuân theo điều đó.” Một Cơ đốc nhân suy ngẫm về việc vi phạm rõ ràng Lời của Đức Chúa Trời đã phát biểu, “Tôi biết rõ Kinh Thánh dạy gì, nhưng tôi tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho tôi.” Các Cơ đốc nhân khác thì không quá trắng trợn như vậy trong việc không vâng lời. Họ chỉ đơn giản là bỏ bê trách nhiệm của một môn đồ vì họ quá bận rộn với những việc khác trong cuộc sống.

Nhưng đối với những người muốn trở thành bạn của Đức Chúa Trời, sự vâng lời sẽ tạo nên sự khác biệt. Sự vâng lời là đặc điểm phân biệt của những người có sự chia sẻ tình bạn với Đấng Christ. Chúa Giê-su cũng nói rằng tình yêu thương của chúng ta dành cho Ngài được đo bằng sự vâng lời của chúng ta đối với Lời Ngài. “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta” (Giăng 14:15). Thì hiện tại được dùng trong cả hai động từ và có thể được cho là “Nếu các ngươi cứ yêu Ta, thì các ngươi sẽ cứ vâng giữ các điều răn Ta.” Tình yêu thương liên tục dành cho Đấng Christ đóng vai trò như một sự ngăn ngừa chống lại sự bất tuân và đảm bảo một tình bạn liên tục với Ngài.

Sứ đồ Phao-lô đủ tiêu chuẩn là “bạn” của Đấng Christ. Vào cuối đời, ông đã có thể nói rằng: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin” (2 Ti. 4:7). Phao-lô đã vâng theo đức tin và tôn vinh Đức Chúa Trời. Tôi tin rằng có hai điều đã giúp Phao-lô vâng lời. Trước tiên, ông có tình yêu sâu đậm và bền chặt đối với Đấng Christ (Giăng 14:15; Phil. 1:21). Thứ hai, ông có thái độ khiêm tốn đối với bản thân (Công vụ 20:24). Phao-lô không coi cuộc sống của mình là của riêng mình, không theo đuổi mục tiêu và làm việc cho cá nhân mình. Đúng hơn, Phao-lô thấy mình là người có thể hy sinh—cuộc đời để phục vụ và sống cho Đức Chúa Trời. Giống như Giăng Báp-tít, Phao-lô xem mình không phải là nhân vật trung tâm mà là một người đầy tớ khiêm tốn được giao nhiệm vụ rao truyền phúc âm của ân điển.

Garcia luiguez là một nhà yêu nước Cuba và một nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất, người đã phải chịu đựng những vết thương, tù đày và xa cách gia đình trong cuộc đấu tranh ba mươi năm giành độc lập cho Cuba từ Tây Ban Nha (1868–1898). Trong khi Garcia đang lẩn trốn trong rừng rậm Cuba, việc liên lạc với các thủ lĩnh quân khởi nghĩa hoạt động công khai là điều cấp thiết đối với ông. Vấn đề là họ không biết Garcia đang ở đâu hoặc làm cách nào để liên lạc với ông.

Ba người lính dày dạn kinh nghiệm được chọn làm ứng cử viên để đưa thông điệp đến Garcia. Họ đã được phỏng vấn cá nhân và riêng tư về thể lực cho nhiệm vụ. Sau đó, mỗi người được hỏi câu hỏi, “Bạn đã sẵn sàng chuyển tin cho Garcia chưa?”

Người lính đầu tiên trả lời anh ta đã sẵn sàng nhưng cần thời gian để lập kế hoạch và chuẩn bị cho nhiệm vụ. Người lính thứ hai cho biết anh ta đã sẵn sàng, nhưng cần tuyển thêm người khác để hỗ trợ nhiệm vụ. Khi người lính thứ ba được hỏi, “Anh đã sẵn sàng chuyển thông điệp cho Garcia chưa?”, Anh ta hít một hơi thật sâu, dừng lại và sau đó trả lời, “Tôi đã sẵn sàng.” Sự sẵn sàng phục vụ và vâng lời này thực sự làm vui lòng Đức Chúa Trời!

Biết Đức Chúa Trời cách thân mật. Biết Đức Chúa Trời cách thân mật là đặc điểm thứ hai của người bạn Đấng Christ. Như chúng ta đã được biết trong Giăng 15:15, Chúa Giê-su gọi chúng ta là bạn vì chúng ta không còn là tôi tớ nữa. Mối quan hệ của nô lệ với chủ của mình bao gồm nghĩa vụ và trách nhiệm. Nhưng đây không phải là tình bạn, vì nô lệ phải tuân theo chủ của mình ngay cả khi không hiểu hoặc không đồng ý với mệnh lệnh. Trái ngược với cách cư xử của một người với các tôi tớ, Chúa Giê-su đã chia sẻ sự thân mật với bạn của Ngài. Ngài không giấu họ điều gì họ có thể nhận biết được (16:12). Ngài đã bày tỏ cho các môn đồ “mọi điều” mà Chúa Cha đã cho Ngài biết.

Trở thành bạn của Đấng Christ không chỉ đơn giản là biết một số sự kiện nhất định về Ngài. Bạn có thể biết các thuộc tính của Đức Chúa Trời nhưng không biết Ngài một cách cá nhân. Nhưng trở thành bạn của Đấng Christ có nghĩa là bạn có một mối quan hệ đang phát triển, sống động và năng động, được vun đắp bằng việc học Lời Đức Chúa Trời và sự cầu nguyện.

Tôi tin rằng hầu hết mọi người đều giống như Ma-thê trong câu chuyện được chép ở Lu-ca 10:38-42. Trong khi đi ngang qua xứ Giu-đê, Chúa Giê-su và các môn đồ đã đến thăm nhà của Ma-ri và Ma-thê ở Bê-tha-ni. Ma-thê ra đón Chúa Giê-su và ngay lập tức bắt tay vào chuẩn bị bữa ăn cho mọi người. Trái lại, Ma-ri ngồi dưới chân Chúa Giê-su, sốt sắng lắng nghe từng lời của Ngài. Có rất nhiều việc phải làm, nhưng Mary không phụ giúp, liền sau đó Ma-thê đã tự trở nên bực bội. Cô ta ngắt lời Chúa Giê-su để nói: “Lạy Chúa, em tôi để một mình tôi hầu việc, Chúa há không nghĩ đến sao? Xin biểu nó giúp tôi!” (10:40).

Chúa Giê-su đáp: “Hỡi Ma-thê, ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc; nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được” (10:41-42). Ma-thê tập trung vào việc chuẩn bị một bữa ăn, một nhu cầu quan trọng nhưng mang tính tạm thời. Ngược lại, Ma-ri thì nhận ra rằng việc ưu tiên là phát triển sự hiểu biết về người Thầy. Cô ấy nhận thức mối quan hệ với Đức Chúa Trời đôi khi quan trọng hơn cả việc phục vụ dân sự của Ngài.

Nhiều người trong chúng ta rất giống Ma-thê. Chúng ta bận rộn với các mục vụ. Dạy trường Chúa nhật, phục vụ các ban trong nhà thờ, và cố vấn cho thanh niên. Chúng ta không bao giờ bỏ lỡ một ngày phục vụ tại nhà thờ, một buổi nhóm cầu nguyện, hoặc một buổi sinh hoạt nào. Chúng ta đang dạy con cái về Chúa, đang viết thư cho các giáo sĩ và đang ủng hộ hết lòng các mục vụ của hội thánh. Chúng ta quá mệt mỏi với chức vụ đến nỗi không còn sức lực để đầu tư vào sự trưởng thành và phát triển thuộc linh của chính mình. Và Chúa Giê-su thì luôn luôn nói rằng, “Ta luôn sẵn sàng, con của Ta. Ta rất muốn con ngồi lại với Ta để thăm hỏi nhau một chút. Sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta có được một chút thời gian riêng tư với nhau. Ta muốn con hiểu rõ hơn về Ta.”

Phao-lô là một Cơ đốc nhân trưởng thành, một thánh đồ dày dạn kinh nghiệm, Từ nhà tù La Mã Phao-lô đã viết thư muốn biết rõ hơn về Chúa Giê-su Christ. “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Ðức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Ðấng Christ….  cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài” (Phi-líp 3: 8, 10). Khi Phao-lô viết những lời này, ông biết rất nhiều về Đức Chúa Trời, nhưng ông vẫn ao ước biết Ngài rõ hơn!

Là một người cha, một trong những mong muốn lớn nhất của tôi trong cuộc đời là phát triển mối quan hệ cá nhân sâu sắc với các con của mình—John, Elisabeth, Laura và David. Tôi muốn biết về những mong muốn, mơ ước và khát khao của chúng. Và tôi cũng muốn chúng biết về tôi. Tôi muốn chúng biết động cơ thúc đẩy tôi, điều gì thách thức tôi, điều gì liên quan đến tôi. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời cũng có mong muốn tương tự đối với dân sự của Ngài. Ngài biết họ, là một người chăn chiên Ngài biết rõ bày chiên mình (Giăng 10:14). Và Ngài muốn họ biết Ngài.

 

ANH/CHỊ LÀ BẠN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI?

Trong chương này, chúng ta đã khám phá ra rằng một người bạn của Đức Chúa Trời là một người biết Ngài một cách mật thiết và sẵn lòng vâng lời Ngài. Một người bạn của Đức Chúa Trời có đặc trưng là vâng lời, không thỏa hiệp vì cớ Đấng Christ và có sự hiểu biết ngày càng tăng về Đấng Christ.

Bạn là người chỉ xã giao bề ngoài với Đức Chúa Trời, hay là bạn thực sự của Ngài?

 

nguồn:
UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

Có thể bạn quan tâm