Trang chủ Biên dịch Là Bạn Của Đức Chúa Trời

Là Bạn Của Đức Chúa Trời

bởi admin

Là Bạn Của Đức Chúa Trời

 

 

TÌNH BẠN của tôi với Gary Classen bắt đầu khoảng mười năm trước khi chúng tôi phát hiện ra rằng chúng tôi có chung sở thích chạy bộ. Kể từ năm 1988, Gary và tôi đã chạy khoảng một chục cuộc chạy ma-ra-tông cùng nhau. Chúng tôi đã cùng nhau tham gia sáu cuộc đua “Hood to Coast” dài tổng cộng 195 dặm. Chúng tôi đã ăn vô số bữa ăn cùng nhau. Tôi đã ngủ ở nhà Gary và tự tay làm món ngũ cốc từ tủ bếp của anh ấy vào lúc nửa đêm.

Ngoài mẹ tôi, thì Gary là người duy nhất tôi biết đã từng đọc cuốn sách tôi đã viết. Gary cầu nguyện cho tôi và động viên tôi. Nếu Gary đến gặp tôi và hỏi mượn một nghìn đô la, tôi sẽ trả lời ngay lập tức, “Tôi có thể ký séc, hay đưa ngay tiền mặt?” Đó là ý nghĩa của việc chia sẻ tình bạn.

Chỉ một vài tuần sau khi gia đình chúng tôi chuyển đến Dallas, Texas, để bắt đầu học tại Chủng viện Thần học Dallas, tôi bắt đầu nhận ra ý nghĩa của việc không có một người bạn. Nancy, vợ tôi, mới bắt đầu làm thư ký cho các huấn luyện viên bóng đá tại Đại học Southern Methodist. Ngay trước khi cô ấy đi làm, tôi đi chuẩn bị xe cho cô ấy. Nhưng khi tôi đề máy, động cơ không nổ. Bình đề đã hết điện! Sẽ không có vấn đề gì nếu điều này xảy ra khi sống ở quê nhà Portland. Tôi biết nhiều người bạn ở đó sẵn sàng rời khỏi giường ngay lập tức để giúp tôi khởi động xe. Nhưng tôi mới đến Dallas và chưa kết bạn với ai. Không có ai mà tôi quen biết để nhờ giúp đỡ!

Tôi bắt đầu hoang mang. Nancy phải đến nơi làm việc trong vài phút nữa. Tôi sẽ làm gì bây giờ? Đúng vào thời điểm đó, có một thanh niên trẻ đi từ căn hộ đối diện đến. Ngay lập tức tôi gặp anh ta, giải thích tình huống của chúng tôi. May mắn thay, anh ấy rất ân cần chạy chiếc xe của mình vòng qua nhà tôi, và đã sử dụng dây cáp nối bình điện để khởi động xe của tôi.

Khi Nancy lái xe đi làm vào sáng hôm đó rồi, tôi xác định rằng tôi sẽ tìm cách phát triển một số tình bạn ở Dallas. Tôi sẽ làm quen với một số người ở đó, những người bạn sẵn sàng và tận tâm chia sẻ lẫn nhau. Trong ba năm của chúng tôi tại Dallas, một số tình bạn sâu sắc và lâu bền đã phát triển. Có Roger Raymer, người bạn chạy bộ của tôi, và Jim Amandus, một bạn học và hàng xóm. Tôi rất thích tình bạn với Duane Lindsey, người lo  việc hồ sơ đăng ký ở chủng viện. Tôi không thể đếm được số buổi tối mà Nancy và tôi đã đến chơi ở nhà anh ấy. Chúng tôi đã gặp Walter và Jean Mack tại nhà thờ và dự phần vào một số Lễ Tạ ơn tại nhà của họ. Những người này đã trở thành bạn của tôi ở Dallas. Và mặc dù hiện tại chúng tôi đã phân tán đến các tiểu bang khác nhau, nhưng họ vẫn là bạn của tôi.

 

 

ĐỊNH NGHĨA VỀ “BẠN”

Tân Ước sử dụng từ “bạn” (philos) theo hai cách. Cách sử dụng thông thường của từ này được minh họa trong câu chuyện về người con trai hoang đàng. Người con trai cả đã phàn nàn với cha mình rằng: “Nhưng nó thưa cha rằng: Nầy, tôi giúp việc cha đã bấy nhiêu năm, chưa từng trái phép, mà cha chẳng hề cho tôi một con dê con đặng ăn chơi với bạn hữu tôi.” (Lu. 15:29). Từ bạn được dùng ở đây với nghĩa thông thường là những người bạn đồng hành đặc biệt hoặc đáng tin cậy.

Ngoài ra, một cách sử dụng kỹ thuật của từ philos cũng quen thuộc với những người sống trong thế giới La Mã vào thế kỷ thứ nhất. Cách sử dụng này được tìm thấy trong Giăng 19:12, khi người Do Thái kêu lên với Phi-lát rằng: “Ví bằng quan tha người nầy, thì quan không phải là bạn của của Sê-sa.” (If you let this man go, you are no friend of Caesar. NIV) Làm “bạn của Sê-sa” là danh hiệu cao nhất và là danh hiệu cao quý có thể được vui hưởng trong mối quan hệ với chính quyền La Mã.1 Hàm ý của lời tuyên bố của người Do Thái là Phi-lát vẫn là bạn của Sê-sa, nhưng mối quan hệ này sẽ bị đe dọa nếu ông thả Chúa Giêsu.

Trở thành “bạn của Sê-sa” nghĩa là có bốn điều. Đầu tiên, điều đó có nghĩa là người đó biết rõ hoàng đế, “Những người bạn của Sê-sa” sẽ thực sự được nhận thư và tiếp tục trong mối quan hệ thư tín với ông. Họ biết rõ ông ta. Thứ hai, có nghĩa là người bạn này sẵn sàng đi bất cứ nơi nào mà hoàng đế sai đi. “Những người bạn của Sê-sa” thường được sai đến các tỉnh để thực hiện nhiệm vụ cho hoàng đế. Ở đó, họ sẽ đại diện và tiến hành các công việc của hoàng đế. Thứ ba, “bạn của Sê-sa” thì vẫn giữ được tước vị ngay cả khi hoàng đế qua đời. “Một người bạn của Sê-sa” thì vẫn là bạn của Đế chế La Mã. Thứ tư, nếu người bạn phản bội hoàng đế, ông ta sẽ mất địa vị đặc quyền và điều này đồng nghĩa là sự nghiệp chính trị của ông ta kết thúc.2

 

 

SỰ MINH HỌA THUẬT NGỮ “BẠN”

Mối quan hệ “bạn của Sê-sa” này thực sự hoạt động như thế nào? May mắn thay, chúng tôi có một số minh họa về việc sử dụng thuật ngữ này.

 

Vua Hê-rốt

Sự cai trị của Vua Hê-rốt, được mọi người gọi là “Hê-rốt Đại đế”, có thể được chia thành ba thời kỳ chính. Từ năm 37 đến 25 TCN, Hê-rốt chiến đấu với kẻ thù và củng cố vương quốc của mình. Từ năm 25 đến 14 TCN. ông tham gia vào một loạt các dự án xây dựng, trong đó nổi tiếng nhất là đền thờ Giê-ru-sa-lem. Hê-rốt đã dành mười năm cuối đời (14-4 TCN) để giải quyết những rắc rối trong nước và tìm kiếm người kế vị xứng đáng. Trong thời kỳ thứ ba này, Hê-rốt gặp một số rắc rối với một số kẻ thù ngoại bang, và với hoàng đế La Mã Sê-sa Au-gút-tơ!

Nhà sử học Do Thái Josephus đã ghi lại câu chuyện trong The Antiquities of the Jews (16.271-91). Theo Josephus, Hê-rốt cho người Ả Rập mượn sáu mươi lạng bạc, nhưng họ không trả. Vì Syllaeus, người trị vì thay thế vua Ả Rập, từ chối thanh toán, nên Hê-rốt đã dùng vũ lực xâm lược Ả Rập để lấy lại tiền. Trong khi đó, Syllaeus đã đi công tác ở Rô-ma. Khi nhận được tin báo về cuộc tấn công trừng phạt của Hê-rốt, thì Syllaeus đã đến thẳng Sê-sa Au-gút-tơ. Ông ta vừa khóc và vừa vu cáo cho Hê-rốt một cách gian dối, đưa cho hoàng đế một bản tường trình rất xuyên tạc về sự việc. Bị Syllaeus thuyết phục rằng Hê-rốt là người đáng trách phạt, Sê-sa Au-gút-tơ đã giận dữ viết cho Hê-rốt một bức thư đại ý rằng: “Mặc dù trước đây vua xem Hê-rốt như một người bạn, thì nay vua xem Hê-rốt như một thần dân” (16.290). Sau đó, Hê-rốt cử đại diện đến Rô-ma để giải thích tình hình với Sê-sa Au-gút-tơ. Sau một số gay go, Sê-sa Au-gút-tơ đã được thuyết phục và Hê-rốt lấy lại được tư cách là “bạn”.

 

Bôn-xơ Phi-lát

Có vẻ như Bôn-xơ Phi-lát đã được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng của Judea (26-36 SCN) bởi Lucius Aelius Sejanus, người chỉ huy của đội cận vệ Praetorian. Praetorian Guard là một nhóm tinh nhuệ gồm chín ngàn binh lính bảo vệ cung điện hoàng gia ở Rô-ma. Rốt cuộc họ lại trở thành một thế lực hùng mạnh, và các hoàng đế phải lệ thuộc họ để được tại vị. Khi vua Tiberius kiệt sức vì công việc triều chính, thì tạm nghỉ ẩn ở đảo Capri, thì Sejanus hầu như nắm quyền kiểm soát toàn bộ chính quyền.

Theo Philo, Sejanus muốn hủy diệt dân tộc Do Thái (Philo, De Legatione ad Gaium 159-61). Rõ ràng Phi-lát đã thực hiện chính sách chống Do Thái của Sejanus ở Giu-đê. Gần như ngay sau khi đến Giu-đê, Phi-lát đã được giới thiệu tại Giê-ru-sa-lem như hình ảnh của một hoàng đế với các tiêu chuẩn của quân đội. Điều này đã làm phẫn nộ những người Do Thái bị luật cấm tạo hình tượng (Josephus, Cổ Vật của Người Do Thái 18.55). Sự coi thường của Phi-lát đối với người Do Thái cũng được thể hiện qua việc ông chiếm đoạt tiền từ ngân khố đền thờ để xây dựng một công trình dẫn nước ở Giê-ru-sa-lem (Josephus, Những Cuộc Chiến Do Thái 2.175-77). Bằng chứng Kinh Thánh về sự thù địch của Phi-lát chống lại người Do Thái được tìm thấy trong Lu-ca 13:1, chỗ Lu-ca nói đến là “Phi-lát giết mấy người Ga-li-lê, lấy huyết trộn lộn với của lễ họ.”

Người ta tự hỏi làm thế nào mà một vị tỉnh trưởng sỉ nhục người Do Thái lại có thể tại vị mà không bị người Do Thái phản đối và bị Rô-ma điều tra. Điều này sẽ không khó hiểu vì miễn là Sejanus người chống Do Thái vẫn còn nắm quyền kiểm soát chính quyền ở Rô-ma. Mọi khiếu nại của người Do Thái gửi đến vua Tiberius đều sẽ bị Sejanus chặn lại!

Vào năm 29 SCN, Thượng viện đã bỏ phiếu cho sinh nhật của Sejanus phải được cử hành công khai. Ông đã trở nên có ảnh hưởng lớn đến mức các thượng nghị sĩ và các quan chức cấp cao khác xem ông thực sự như là hoàng đế. Cuối cùng thì vua Tiberius cũng nhận biết chuyện gì đang xảy ra. Sejanus đã bị lừa xuất hiện trước Thượng viện, tin rằng Tiberius sẽ trao cho ông quyền tối cao đối với các vấn đề dân sự của La Mã. Thay vào đó, thì một bức thư từ vua Tiberius tố cáo Sejanus là kẻ tiếm quyền. Ngay lập tức Sejanus bị đưa khỏi Thượng viện và bị xử tử vào ngày 18 tháng 10 năm 31 SCN.3

Bây giờ chúng ta đã hiểu tại sao Phi-lát đáp ứng theo yêu cầu khi những người Do Thái tại phiên tòa của Chúa Giê-su kêu lên rằng ông không phải là bạn của Sê-sa nếu tha cho Giê-su (Giăng 19:12). Trước khi Sejanus bị hành quyết, Phi-lát có thể làm theo ý mình đối với người Do Thái, vì tin rằng các báo cáo về sự thù địch của ông sẽ không bao giờ đến tai hoàng đế. Nhưng bây giờ mọi thứ đã khác. Phi-lát không còn có người bảo vệ mình ở Rô-ma. Ông không thể có đủ khả năng (để giải quyết) bất kỳ rắc rối nào với vua Tiberius. Lo sợ bị buộc tội không trung thành và hậu quả là kết tội chính trị, Phi-lát đã rửa tay về vụ việc và để cho người Do Thái làm theo ý họ. Mặc dù biết rằng Chúa Giê-su không làm gì đáng chết, nhưng Phi-lát không muốn xúc phạm người Do Thái và có nguy cơ đánh mất địa vị “bạn của Sê-sa”.

 

(còn nữa)

Trích từ UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY
Translated by VMI

Có thể bạn quan tâm