Trang chủ Sứ điệp mỗi ngày Ma-ri và Ma-thê

Ma-ri và Ma-thê

bởi admin

LU-CA 10:38-42

Câu chuyện về chuyến viếng thăm của Chúa Giê-su tại nhà của Ma-ri và Ma-thê (Lu-ca 10:38-42) được kể:38 Khi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ đi đường, đến một làng kia, có người đàn bà, tên là Ma-thê, rước Ngài vào nhà mình. 39 Người có một em gái, tên là Ma-ri, ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Ngài. 40 Vả, Ma-thê mảng lo về việc vặt, đến thưa Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, em tôi để một mình tôi hầu việc, Chúa há không nghĩ đến sao? Xin biểu nó giúp tôi. 41 Chúa đáp rằng: Hỡi Ma-thê, Ma-thê, ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc; 42 nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được.

Ma-thê mở rộng lòng hiếu khách với Chúa Giê-su ( c. 38).

Ma-ri lắng nghe lời dạy của Giê-su (39).Ma-thê chu toàn bổn phận tiếp khách (40a).

Ma-thê phàn nàn rằng Ma-ri đã bỏ bê nhiệm vụ tiếp khách (40b).

Ma-thê xin Chúa Giê-su chỉ thị cho Ma-ri đến giúp cô (40c)

.Chúa Giê-su trả lời rằng Ma-ri đã chọn phần/công việc tốt hơn (41-42).

Những câu chuyện như thế này minh họa các yếu tố tiêu biểu cho phong tục vùng Địa Trung Hải cổ đại về lòng hiếu khách hoặc không hiếu khách.Đoạn văn bắt đầu bằng ghi chú: “Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua một làng nọ, có một người đàn bà tên là Ma-thê đón tiếp Ngài” (Lu-ca 10:38). Trong khi Ma-thê đã đáp ứng những kỳ vọng điển hình liên quan đến chủ nhà, thì chính em của cô, Ma-ri, là người mà Chúa Giê-su hết lời khen ngợi. Sự tương phản giữa hành động của hai chị em thật đáng kinh ngạc: “Ma-thê có một người em gái tên là Ma-ri, người đã ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe Ngài giảng dạy. Tuy nhiên, Ma-thê đã bị phân tâm bởi tất cả những việc cần phải làm” (10:39). Ma-thê bận rộn với “việc phục vụ” trong khi Ma-ri chọn ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe những gì Ngài dạy. Bực tức, Ma-thê chất vấn Chúa Giê-su về hành động của em gái mình: “Lạy Chúa, em tôi để tôi phục vụ một mình, Chúa há không nghĩ đến sao? Xin biểu nó giúp tôi?”. Khá ngạc nhiên, Chúa Giê-su trả lời: “Ma-thê, Ma-thê, con lo lắng bối rối về nhiều việc, nhưng chỉ có một việc cần thiết thôi. Thật vậy, Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được (10:41-42). Trong văn cảnh này, khó có thể tưởng tượng rằng chúng ta hiểu việc Chúa Giê-su khen ngợi Ma-ri là ngầm chỉ trích lòng hiếu khách của Ma-thê. Dĩ nhiên, Chúa Giê-su sẽ không tán thành những lời chỉ trích như vậy, như chúng ta thấy trong câu chuyện về một người Pha-ri-si tên là Si-môn là người đã không tuân theo các nghi thức hiếu khách thích hợp.

Đọc Lu-ca 7:36-47:36

Có một người Pha-ri-si mời Đức Chúa Jêsus ăn tại nhà mình. Vậy, khi đã vào nhà người Pha-ri-si thì Ngài ngồi bàn. 37 Vả, có một người đàn bà xấu nết ở thành đó, nghe nói Đức Chúa Jêsus đương ngồi bàn tại nhà người Pha-ri-si, bèn đem đến một bình ngọc trắng đựng đầy dầu thơm. 38 Người đứng đằng sau, nơi chân Đức Chúa Jêsus, khóc, sa nước mắt trên chân Ngài, rồi lấy tóc mình mà chùi; lại hôn chân Ngài, và xức dầu thơm cho. 39 Người Pha-ri-si đã mời Ngài, thấy vậy, tự nghĩ rằng: Nếu người nầy là đấng tiên tri, chắc biết người đàn bà rờ đến mình đó là ai, cùng biết ấy là người đàn bà xấu nết. 40 Đức Chúa Jêsus bèn cất tiếng phán cùng người rằng: Hỡi Si-môn, ta có vài lời nói cùng ngươi. Người thưa rằng: Thưa thầy, xin cứ nói.41 Một chủ nợ có hai người mắc nợ: Một người mắc năm trăm đơ-ni-ê, một người mắc năm chục. 42 Vì hai người đều không có chi mà trả, nên chủ nợ tha cả hai. Trong hai người đó, ai yêu chủ nợ hơn? 43 Si-môn thưa rằng: Tôi tưởng là người mà chủ nợ đã tha nhiều nợ hơn. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ngươi đoán phải lắm. 44 Đoạn, Ngài xây lại người đàn bà mà phán cùng Si-môn rằng: Ngươi thấy đàn bà nầy không? Ta vào nhà ngươi, ngươi không cho nước rửa chân; nhưng người đã lấy nước mắt thấm ướt chân ta, rồi lấy tóc mình mà chùi. 45 Ngươi không hôn ta, nhưng người từ khi vào nhà ngươi, thì hôn chân ta hoài. 46 Ngươi không xức dầu đầu ta; nhưng người lấy dầu thơm xức chân ta. 47 Vậy nên ta nói cùng ngươi, tội lỗi đàn bà nầy nhiều lắm, đã được tha hết, vì người đã yêu mến nhiều; song kẻ được tha ít thì yêu mến ít.

Đoạn văn bật ý nghĩa của “điều duy nhất” theo lô-gic của Chúa Giê-su là “phần tốt nhất” mà Ma-ri đã chọn. Và đó là gì? Theo Chúa Giê-su, nghe lời của Đức Chúa Trời là điều duy nhất cần thiết, chứ không phải cung cấp cho nhu cầu thể chất của Ngài.

(Đọc Lu-ca 8:15, 21. 15 Song phần rơi vào nơi đất tốt, là kẻ có lấy lòng thật thà tử tế nghe đạo, gìn giữ, và kết quả một cách bền lòng… 19 Mẹ và anh em Đức Chúa Jêsus đến tìm Ngài; song vì người ta đông lắm, nên không đến gần Ngài được. 20 Vậy có kẻ báo cho Ngài biết rằng: Mẹ và anh em thầy ở ngoài, muốn thấy thầy. 21 Nhưng Ngài đáp rằng: Mẹ ta và anh em ta là kẻ nghe đạo Đức Chúa Trời và làm theo đạo ấy).

Do đó, lòng hiếu khách quan trọng như một cách để truyền bá thông điệp Cơ đốc, thì việc có những môn đồ phục vụ các sứ giả của Chúa thậm chí còn quan trọng hơn. Câu nói này không phải là một lời lên án công việc của của Ma-thê mà là một lời khen ngợi tâm thái làm môn đệ của Ma-ri.Ngôn ngữ và bối cảnh của câu chuyện về Ma-ri và Ma-thê gợi nhớ đến phong tục xã hội về lòng hiếu khách cổ xưa, thường được hiểu trong thế giới cổ đại, để chỉ lòng tốt đối với người lạ.Bối cảnh xã hội liên tục trong các cảnh hiếu khách cổ đại, sự hiếu khách là một phong tục được đánh giá cao và có lẽ được thực hành rộng rãi giữa những người ngoại đạo, người Do Thái và người theo đạo Chúa. Những người chủ nhà được kỳ vọng sẽ cung cấp thức ăn, chỗ ở, tiện nghi và sự bảo vệ cho những người khách lạ này, những người đó đôi khi hóa ra lại là những thiên sứ ẩn danh. Kinh Thánh dạy: Hãy hằng có tình yêu thương anh em. 2 Chớ quên sự tiếp khách; có khi kẻ làm điều đó, đã tiếp đãi thiên sứ mà không biết. Heb.13:1-2 Kinh Thánh cung cấp một nền tảng vững chắc cho các thói quen và thực hành của Cơ đốc nhân cả trong cộng đồng (chúng ta có trách nhiệm đối với các tín hữu) và với thế giới (chúng ta được kêu gọi thể hiện lòng hiếu khách của Cơ đốc nhân đối với những người không giống chúng ta về quốc tịch, đức tin hoặc sắc tộc và hỗ trợ cho những người gặp khủng hoảng). Cơ đốc nhân được kêu gọi mở rộng lòng hiếu khách cả với tư cách là chủ nhà và khách, cũng như đối với những người cùng đạo Chúa và những người không theo đạo. Chúng ta không được kêu gọi chỉ để “khoan dung” hay “chịu đựng” những người không thích chúng ta; đúng hơn là ân tứ/thói quen hiếu khách của Cơ đốc nhân đòi hỏi chúng ta phải tương tác với người khác, cho dù chúng ta là khách hay chủ nhà.Nhưng có một mô hình khác song song với chủ đề về lòng hiếu khách. Vâng, chủ nhà là Ma-thê, đã bận rộn chăm sóc khách của mình, và cô ấy thể hiện lòng hiếu khách lý tưởng.

Trong sự giải thích tiếp theo, Ma-thê cũng đại diện cho một nhân cách năng động. Mặt khác, Ma-ri đại diện cho đời sống suy niệm/suy tư về Lời Chúa. Cô ngồi dưới chân Chúa Giê-su như một học trò và lắng nghe Ngài giảng dạy. Cả đời sống năng động lẫn đời sống suy niệm đều cần thiết; để chọn cái này hơn cái kia có thể tạo ra một sự phân đôi sai lầm. Ambrose nhận xét: “Đức hạnh không có một hình thức duy nhất. Trong tấm gương của Ma-thê và Ma-ri, người này có sự sốt sắng tiếp đãi khách và sự chú ý ngoan đạo của người kia đối với Lời Đức Chúa Trời”. Các hành động, ngay cả các hành động từ thiện và hiếu khách của Cơ đốc nhân, nếu chúng được duy trì, thì luôn hiện hữu; nghĩa là, những gì chúng ta làm bắt nguồn từ con người/từ cá tánh chúng ta một cách tự nhiên.

ÁP DỤNG:

Nghe giảng dạy Lời Chúa và chỉ chăm lo phục vụ việc ăn uống thể chất, điều nào quan trọng hơn?

Bạn nghĩ thế nào về lời này: “Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Đức Thánh Linh vậy”. Rô-ma 14:17?

– Tin và theo Chúa là công việc thuộc linh, vì vậy không nên để phương diện thuộc linh phải chịu ảnh hưởng của việc ăn uống theo phần thuộc thể. “Vì tôi đã thường nói điều nầy cho anh em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ. 19 Sự cuối cùng của họ là hư mất; họ lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi” (Phi-líp 3:18-19).

Thức ăn của đời sống thuộc linh là làm theo lời của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh (Giăng 4: 34, Hê-bơ-rơ 13: 9), và bởi lý do đó Cơ-đốc-nhân cần phải nghiên cứu và suy gẫm Kinh thánh thường xuyên hơn để được bổ dưỡng và lớn lên trong đời sống tâm linh (Hê-bơ-rơ 5:12, 14).

– Mặc dầu là nhu cầu thuộc thể, nhưng việc ăn uống trong Hội thánh không nên chú tâm quá mức để tránh khỏi những vấp phạm khi đang thông công với nhau (1 Cô-rinh-tô 11: 21).

– Cơ-đốc-nhân đáng phải chú tâm đến việc làm sao để có thể vào được Thiên đàng trong tương lai (tức là ăn đồ ăn thuộc linh) hơn là việc ăn uống thuộc thể (Giăng 6:27).

– Để được vào Thiên đàng thì Cơ-đốc-nhân nên chú tâm đến các tiêu chuẩn công bình có ghi trong Kinh thánh để thực hiện đang khi còn sống trong thế giới nầy.

– Sự bình an và hoà hiệp giữa các Cơ-đốc-nhân với nhau là điều cần thiết hơn việc ăn uống tại Hội thánh (1Cô-rinh-tô 8:8).

– Cơ-đốc-nhân phải thấu hiểu ý nghĩa của hai chữ thông công để tránh việc làm buồn lòng nhau vì những lần có ăn uống tại Hội thánh (Cô-rinh-tô 8:13).

– Tất cả những điều cần phải có trong phương diện thuộc linh lúc Cơ-đốc-nhân thông công với nhau tại Hội thánh (như công bình, bình an, vui vẻ) đều là sự ban cho của Đức-Thánh-Linh (Ga-la-ti 5:22). Đó cũng là những điều mà Cơ-đốc-nhân cần phải có đang lúc đi qua trần gian nầy để về Thiên đàng.

CÁC CÂU GỐC TRƯNG DẪN:

GIĂNG 4: 34 – Đức Chúa Jêsus phán rằng: Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công việc Ngài.

GIĂNG 6: 27 – Hãy làm việc, chớ vì đồ ăn hay hư nát, nhưng vì đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời, là thứ Con người sẽ ban cho các ngươi; vì ấy là Con, mà Cha, tức là chính Đức Chúa Trời, đã ghi ấn tín của mình.

1 CÔ-RINH-TÔ 8: 8 – Vả, ấy chẳng phải là đồ ăn làm cho chúng ta được đẹp lòng Đức Chúa Trời; nếu chúng ta ăn, chẳng được ích gì, bằng không ăn, cũng chẳng tổn gì.1 CÔ-RINH-TÔ 8: 13 – Cho nên, nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi.1 CÔ-RINH-TÔ 11: 21 – Bởi vì lúc ngồi ăn, ai cũng nôn nả mà ăn bữa riêng mình, đến nỗi người nọ chịu đói, còn kẻ kia thì quá độ.

GA-LA-TI 5: 22 – Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.

PHI-LÍP 3: 19 – Sự cuối cùng của họ là hư mất; họ lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi.

HÊ-BƠ-RƠ 5: 12, 14 – Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em; anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc… Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ.

HÊ-BƠ-RƠ 13: 9 – Anh em chớ để cho mọi thứ đạo lạ dỗ dành mình; vì lòng nhờ ân điển được vững bền, ấy là tốt, chớ không phải nhờ đồ ăn, là sự chẳng ích chi cho kẻ làm như vậy.

Hon Pham tổng hợp

Có thể bạn quan tâm