Trang chủ Bài giảng Nếu Tôi Phải Chết…

Nếu Tôi Phải Chết…

bởi

Vì nếu ngươi làm thinh trong lúc nầy đây, dân Giu-đa hẳn sẽ được tiếp trợ và giải cứu bởi cách khác, còn ngươi và nhà cha ngươi đều sẽ bị hư mất; song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị hoàng hậu sao?

Ê-xơ-tê 4:14

 

Từ chức vụ quản gia có thể được nghĩ đến những thứ cụ thể để quản lý như tiền bạc và các của cải vật chất khác. Kinh Thánh dạy chúng ta về chức vụ quản gia (hay quản lý) mỗi lĩnh vực của đời sống thật tốt để có thể chia sẻ chúng cho người khác. Một người quản gia tốt biết nắm lấy những cơ hội mà Đức Chúa Trời ban cho.

Cô gái trẻ xinh đẹp Ê-xơ-tê trở thành hoàng hậu xứ Ba-tư trong khi lai lịch Do Thái của cô vẫn còn là điều bí mật. Khi một sắc lệnh mới từ hoàng đế Ba-tư khiến cuộc sống của mỗi người Do Thái lâm nguy, thì vai trò của Ê-xơ-tê trong kế hoạch của Đức Chúa Trời cho tuyển dân là điều hiển nhiên. Người cậu của Ê-xơ-tê là Mạc-đô-chê đã đặt vấn đề, “vì cớ cơ hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị hoàng hậu?” Từ lúc đó Ê-xơ-tê bắt đầu hành động trong vai trò của mình – hành động này tiềm ẩn nhiều rủi ro (bà có thể mất mạng sống). Tuy nhiên Ê-xơ-tê đã can đảm đối diện với thực tế. Bà phải vào diện kiến vua mà không được mời – đây là một hành động trái luật pháp của Ba-tư, có thể phải đối diện với cái chết, trừ khi vua Ba-tư đưa cây phủ việt ra hoan nghênh bà. Đức Chúa Trời đã ban phước cho Ê-xơ-tê và khiến bà được ơn trước vị hoàng đế Ba-tư, nhà vua đưa cây phủ việt ra chào đón vị tân hoàng hậu của mình. Lúc này bà Ê-xơ-tê đã có thể trình bày duyên cớ của mình và đứng ra bênh vực tuyển dân.

 

Hãy nghĩ về những cơ hội mà bạn có trong gia đình, tại chỗ làm hay với người hàng xóm…Hãy nắm lấy những cơ hội đó để tôn vinh Đức Chúa Trời và làm công việc mà Ngài muốn bạn làm. Hãy cầu xin Chúa chỉ cho bạn phương cách để thực hiện công việc đó. Đức Chúa Trời có thể kêu gọi bạn phục vụ người khác trong một đường lối tiềm ẩn sự rủi ro.  Nhưng khi Chúa đã chuẩn bị bạn cho việc đó, Ngài chắc sẽ ban lòng can đảm để bạn có thể hành động mà không sợ hãi gì.

 

“TÔI TIN RẰNG BẢN THÂN VÀ MỌI ĐIỀU TÔI ĐANG QUẢN LÝ ĐỀU THUỘC VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI.”

“Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời.” (1 Phi-e-rơ 4:10)

Randy & Rozanee Frazee
Translated by Hon Pham

esther-and-xerxes

Vào năm 478 TC, cô thiếu nữ Do-thái xinh đẹp tên là Ê-xơ-tê đã tham dự một cuộc thi tuyển hoa hậu hoành tráng thời  bấy giờ để trở thành hoàng hậu của đế quốc Ba-tư cổ. Hoàng đế A-suê-ru của Ba-tư lúc ấy đã chọn Ê-xơ-tê để tìm sự an ủi sau khi ông bị bẽ mặt vì sự bất tuân của đương kim hoàng hậu Vả-thi, và lúc ấy ông cũng là kẻ chiến bại  tại Thermopylae và Salamis trong nỗ lực chinh phục Hy-lạp.

Để được đội vương miện hoàng hậu, Ê-xơ-tê đã trải qua những đợt tuyển chọn và sát hạch gắt gao. Tất cả các ứng viên vào chức vị hoàng hậu phải đi qua những bước chuẩn bị: chỉnh sửa dung nhan, thân thể trong vòng một năm bằng các hương liệu và mỹ phẩm quí giá. Họ được tắm hơi, làm trắng da, chuẩn bị đầu tóc, nhổ bỏ các sợi lông thừa và săm soi chăm sóc kỹ từng cen-ti-mét vuông trên cơ thể. Các số đo ba vòng, chiều  cao, trọng lượng của các ứng viên phải chuẩn mực theo tiêu chuẩn đương thời.

Sau thời gian chuẩn bị, Ê-xơ-tê được đưa vào nội cung ra mắt hoàng đế A-suê-ru. Nhà vua – cũng chính là giám khảo duy nhất của cuộc thi tuyển, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thiên thần, thuần khiết, thánh thiện của người thiếu nữ đến từ chi phái Bên-gia-min. “Đây chính là hoàng hậu của ta”. A-suê-ru tự nói với chính mình, và nhà vua quyết định nhanh chóng đội lên đầu Ê-xơ-tê vương miện hoàng hậu. Vào lúc ấy hoàng đế không biết cô gái này là một thiếu nữ Do-thái.

Ê-xơ-tê kiều diễm vượt trỗi hơn các ứng viên khác trong toàn đế quốc Ba-tư rộng lớn bao gồm 127 tỉnh trải dài từ Ấn độ đến Ê-thi-ô-bi. Không những thế Ê-xơ-tê còn là một phụ nữ khôn ngoan, sùng kính trong niềm tin của mình. Mặc dù bị mồ côi từ nhỏ, cô ấy được hấp thụ một sự giáo dục hoàn hảo của Do-thái giáo từ người cậu bảo hộ chính trực tên là Mạc-đô-chê. Trong ơn thần hựu của Thiên Chúa, Ê-xơ-tê – một cô gái mồ côi, thuộc một dân tộc thiểu số trong một đế quốc rộng lớn được chính nhà vua tuyển chọn làm mẫu nghi thiên hạ thay thế cho người bị phế truất trước đó là Vả-thi kiêu ngạo.

Ê-xơ-tê lên ngôi hoàng hậu, dĩ nhiên người cậu nuôi của cô – Mạc đô-chê cũng được cất nhắc vào làm việc trong hoàng cung. Trong lúc làm việc ở đây, tình cờ Mạc-đô-chê biết được âm mưu ám sát nhà vua của hai viên quan gác cửa. Ông lập tức thông báo điều này cho hoàng hậu Ê-xơ-tê, và tin tức này được hoàng hậu chuyển đến nhà vua. Hoàng đế A-suê-ru cho thẩm tra lại thông tin. Sau khi âm mưu này được xác nhận, hai quan chức trên bị treo cổ và công trạng của Mạc-đô-chê được ghi vào sách sử ký quốc gia, nhưng buồn thay, ông đã không được tưởng thưởng gì vào lúc ấy.

Nhưng sau khi việc này xảy ra,  Ha-man – người A-gác thuộc dân tộc A-ma-léc được nhà vua thăng chức trở thành tể tướng đương triều. Ha-man đặc biệt căm ghét Mạc-đô-chê vì ông này không cúi lạy chào Ha-man như những viên quan khác trong cung vua. (rất có thể Mạc-đô-chê biết nguồn gốc dân tộc của Ha-man, và vì lòng kính sợ Chúa ông quyết định không cúi chào một người A-ma-léc vốn là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ông). Lòng căm giận của Ha-man đối với người cha nuôi của hoàng hậu Ê-xơ-tê càng ngày càng dâng lên đến cực điểm. Viên tể tướng này suy tính một kế sách để có thể giết chết Mạc-đô-chê là một người Do-thái, đồng thời cũng tiêu diệt luôn cả dân tộc Do-thái mới hả cơn giận.

Trong năm thứ 12 của triều đại A-suê-ru, tể tướng Ha-man đệ trình lên nhà vua một kế hoạch: “Thưa bệ hạ, có một dân tộc ở rải rác khắp các tỉnh trong đế quốc của chúng ta. Phong tục của họ khác hẳn với các dân tộc khác. Họ không tuân theo luật pháp của bệ hạ. Họ cho rằng luật tôn giáo của họ cao hơn luật của quốc gia. Chúng ta không nên để họ sống trên lãnh thổ này. Nếu đẹp ý bệ hạ, xin ban hành sắc lệnh hủy diệt dân tộc đó. Hạ thần xin đóng 750 000 cân bạc vào quỹ nhà vua để thi hành sắc lệnh này.”

Hoàng đế A-suê-ru chấp thuận kế hoạch của Ha-man. Và viên tể tướng gian ác này được toàn quyền chuẩn bị thực hiện một thảm kịch tàn sát trên toàn dân tộc Do-thái. Ha-man thời đó cũng giống như Hitler của Đức Quốc Xã trong thế kỷ trước quyết tâm tiêu diệt cho bằng được tuyển dân của Đức Chúa Trời.

Holocaust_THE

Vào ngày 13 tháng giêng trong năm đó, sắc lệnh hủy diệt dân Do-thái được ban ra. Hoàng đế A-suê-ru và Ha-man ngồi uống rượu nhàn nhã tại hoàng cung trong khi cả kinh thành Su-sơ đều nhốn nháo trước sắc lệnh của vua. Những người Do-thái rúng động, sợ hãi. Một bầu không khí đau thương lan rộng khắp đế quốc.

Khi Mạc-đô-chê nghe được hung tin này, ông và những người Do-thái khác bỏ ăn, nằm lăn trong vải sô và phủ tro lên đầu. Mạc-đô-chê ra đứng giữa kinh thành kêu khóc thảm thiết. Dầu vậy trong cơn đau khổ tột cùng, con người này vẫn ngửa trông nơi công lý của Đức Chúa Trời. Ông tin rằng Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có cách giải cứu dân sự của Ngài. Vốn là một người am hiểu lịch sử của tuyển dân, ông biết chắc rằng dân Do-thái không thể bị tiêu diệt bởi bất kỳ một thế lực nào trải qua mọi thời đại.

Thông qua Ha-thát, một viên quan hầu cận của hoàng hậu Ê-xơ-tê, Mạc-đô-chê thông báo cho hoàng hậu biết kế hoạch của Ha-man gian ác và yêu cầu hoàng hậu can thiệp.

Vào thời đó, ngay cả hoàng hậu cũng không được vào nội cung diện kiến hoàng đế nếu không được mời. Nếu ai bất tuân người đó sẽ bị xử tử theo luật của vua, trừ phi vua đưa cây trượng vàng ra thì mới khỏi chết.

Lúc đầu hoàng hậu Ê-xơ-tê không dám mạo hiểm vào gặp vua ngay. Trải qua một tháng nay bà không được mời vào nội cung của vua. Mạc-đô-chê nhắn tin cho hoàng hậu: “Đừng tưởng ở trong cung vua mà con là người Do-thái duy nhất được thoát nạn. Nếu con im lặng trong lúc này dân Do-thái chắc chắn sẽ được giải cứu bằng cách khác, nhưng con và cả gia đình đều sẽ chết. Biết đâu đây là lý do mà con được chọn làm hoàng hậu?”

Thông điệp của Mạc-đô-chê dành cho Ê-xơ-tê khá rõ ràng: Trong ơn thần hựu của Thiên Chúa con được làm hoàng hậu. Hãy nắm lấy cơ hội này để cứu lấy dân tộc của con. Cơ hội này sẽ không đến với con lần thứ hai nếu con đánh mất nó.

Ê-xơ-tê suy nghĩ, cầu nguyện và bà trả lời thông điệp của Mạc-đô-chê: “Hãy triệu tập tất cả những người Do-thái ở kinh thành, rồi vì tôi mà nhịn ăn nhịn uống trong 3 ngày đêm. Tôi và các tỳ nữ của tôi cũng sẽ cữ ăn. Sau đó tôi sẽ vào diện kiến hoàng đế dù cho điều này là phạm luật. Nếu tôi phải chết thì tôi sẵn sàng chết.”

Những lời nói này của Ê-xơ-tê đã đi vào lịch sử. Bà đang thực thi sứ mệnh của mình trong cương vị của một hoàng hậu. Vì đồng bào dân tộc của mình, Ê-xơ-tê sẵn sàng đi vào chỗ chết.

Mạc-đô-chê thực hiện theo yêu cầu của hoàng hậu. Ông khởi xướng một kỳ kiêng ăn và cầu nguyện với Đức Chúa Trời cho tất cả những người Do-thái ở kinh thành. Toàn thể tuyển dân ngửa trông nơi sự giải cứu từ Đức Chúa Trời trước sắc lệnh Holocaust của Ha-man được hoàng đế Ba-tư phê chuẩn.

Giờ phút hồi họp nhất rồi cũng đến. Sau ba ngày kiêng ăn cầu nguyện tập thể, hoàng hậu Ê-xơ-tê vào nội cung gặp hoàng đế. Bà chấp nhận cái chết nếu  nhà vua không đưa cây trượng vàng ra.

Vừa thấy hoàng hậu Ê-xơ-tê xuất hiện trong nội cung, vị vua đầy quyền lực của đế quốc Ba-tư đưa cây trượng vàng ra. Vậy là Ê-xơ-tê thoát chết! Đức Chúa Trời đã khiến bà được ơn trước mặt vua. Nhà vua cất tiếng hỏi: “Hỡi hoàng hậu Ê-xơ-tê, nàng muốn xin điều chi? Nếu muốn xin ½ đế quốc ta cũng sẽ ban cho”.  Câu nói của vua hàm ý là ông rất sẵn lòng ban cho Ê-xơ-tê những ân huệ đặc biệt. Chỉ chờ có thế, vị hoàng hậu gốc Do-thái đưa ra lời thỉnh cầu: “Muôn tâu bệ hạ, nếu đẹp ý bệ hạ, xin mời Ngài cùng tể tướng Ha-man đến dự tiệc mà thiếp đã chuẩn bị sẵn hôm nay”.

Vị hoàng đế kiêu hùng hoan hỉ chấp thuận lời mời của đương kim hoàng hậu. Có một câu ngạn ngữ nói rằng: “Tình yêu và ân huệ đến từ cái dạ dày”. Ê-xơ-tê thấu hiểu điều này. Trước khi đưa ra lời thỉnh cầu quan trọng, hoàng hậu phải làm cho tâm trạng của hoàng đế hoàn toàn được vui vẻ thông qua các bữa tiệc được phục vụ chu đáo mà chính bà là người tổ chức thông minh.

Hoàng đế và Ha-man cùng đến dự tiệc. Tâm trạng của họ rất hưng phấn. Ngồi bên ly rượu với các tỳ nữ và đích thân hoàng hậu phục vụ, nhà vua hỏi  hoàng hậu một lần nữa: “Hoàng hậu thân yêu của trẫm, nàng muốn gì ta sẽ ban cho. Thậm chí muốn xin ½ vương quốc của ta cũng được”.

Hoàng hậu từ tốn trả lời: “Ngày mai xin bệ hạ và tể tướng tiếp tục đến đây dự thêm một bữa tiệc nữa, sau đó thần thiếp sẽ xin bệ hạ một ân huệ nhỏ”.

Dĩ nhiên hoàng đế A-suê-ru không thể từ chối một lời mời như vậy từ người vợ yêu quí của mình.

Sau bữa tiệc hôm ấy Ha-man trở  về tư dinh của mình với tâm trạng phấn khởi tột bực. Nhưng khi nhìn thấy Mạc-đô-chê đứng bên ngoài không cúi chào ông như bao nhiêu người khác, Ha-man cố kìm hãm cơn giận. Vợ ông đưa ra một đề nghị: “Hãy làm sẵn một cái giàn cao 22 mét, rồi sáng mai xin lệnh vua treo cổ tên Do-thái ngang bướng Mạc-đô-chê kia lên, xong rồi hãy vui vẻ đi dự tiệc với vua”. Ha-man thích thú với lời đề nghị đó, ông hạ lệnh cho binh sĩ dưới quyền làm theo lời vợ ông đã tư vấn.

Đêm hôm ấy hoàng đế A-suê-ru tự nhiên không ngủ được. Trằn trọc trên giường, ông truyền lệnh cho viên quan hầu cận đem sách sử ký của quốc gia  đọc cho ông nghe. Tình cờ nhà vua được nghe câu chuyện chép về công trạng của Mạc-đô-chê trước đây khám phá âm mưu ám sát ông. Ông liền hỏi viên quan đang đọc sách:

– “Trong chuyện này, Mạc-đô-chê có được ban thưởng gì không?”

– “Thưa hoàng thượng, không được thưởng gì cả”. Viên quan trả lời.

– “Ai đang đứng bên ngoài?”. Hoàng đế hỏi.

Lúc ấy trời đã gần sáng, Ha-man đang ở bên ngoài chầu chực vào xin lệnh vua để chuẩn bị treo cổ Mạc-đô-chê.

– “Chính là tể tướng Ha-man”. Viên quan trả lời.

– “Mời ông ta vào đây?”

Ha-man được mời vào. Nhà vua hỏi:

-Theo ý ngươi, ta phải đối đãi thế nào với người mà ta muốn ban cho một vinh dự đặc biệt?

Ha-man như mở cờ trong bụng. Ông nghĩ rằng người mà vua muốn ban vinh dự đặc biệt đó không ai khác hơn là chính ông ta. Ha-man thưa cùng vua:

-Bệ hạ hãy ra lệnh mặc áo hoàng gia cho người đó, đội vương miện lên đầu và cho cưỡi ngựa của bệ hạ. Một vị đại thần cùng đoàn tùy tùng của bệ hạ sẽ đi theo người đó khắp kinh thành và dõng dạc hô lớn: Đây là người nhận được đặc ân, phần thưởng của vua.

Hoàng đế liền ra lệnh:

-Chính ngươi hãy làm điều đó cho Mạc-đô-chê, người Do-thái, đội trưởng vệ binh đang ngồi tại cổng hoàng cung, là người đã cứu ta thoát khỏi một vụ mưu sát gần đây nhất.

Chỉ thị của vua đã ban ra, không ai có thể phản kháng lại. Thế là Ha-man nghiêm túc chấp hành cho dù lòng dạ ông rối bời vì bị sỉ nhục không kể xiết.

Gió đã đổi chiều, có vẻ như Ha-man đã bị knock-out sau sự kiện vừa qua. Tình thế bây giờ có lợi cho Mạc-đô-chê và tuyển dân Do-thái.  Đang khi Ha-man còn đang bị thấm đòn đau, các hoạn quan của vua xuất hiện mời ông đến dự bữa tiệc thứ hai của hoàng hậu Ê-xơ-tê thết đãi.

Đang khi thưởng thức  từng ly rượu ngon hảo hạng trong bữa tiệc, nhà vua hỏi hoàng hậu:

-Hỡi hoàng hậu xinh đẹp của ta, em muốn gì ta sẽ ban cho. Một nửa vương quốc ư? Không thành vấn đề. Ta sẵn sàng cho em.

Thời khắc quyết định đã đến. Hoàng hậu Ê-xơ-tê cung kính tâu cùng vị đại vương đầy quyền lực của một đế quốc rộng lớn:

-Thưa hoàng thượng, nếu thiếp được hoàng thượng quan tâm, xin hãy cứu lấy mạng sống của thiếp cùng cả dân tộc thiếp nữa. Thiếp cùng cả dân tộc của thiếp đã bị bán để bị hủy diệt toàn bộ.

-Kẻ nào đã lên kế hoạch tiêu diệt dân tộc của nàng?”  Hoàng đế sững sờ hỏi lại.

-Thưa hoàng thượng, chính là tên Ha-man độc ác này.

Nhà vua vô cùng căm phẫn,  bỏ ly rượu bước ra vườn. Ha-man run rẩy vì ông ta đoán biết rằng nhà vua chắc sẽ giết ông. Ông phủ phục xuống trước hoàng hậu nài xin một sự can thiệp để có thể cứu lấy mạng sống của ông.

Khi nhà vua từ vườn trở lại bàn tiệc, ông nhìn thấy Ha-man đang sấp mình lạy lục dưới chân ghế trường kỷ nơi hoàng hậu đang ngồi. Nhà vua quở trách Ha-man và ra lệnh treo cổ tên tể tướng gian manh lên chính cái giàn mà trước đó hắn đã dựng lên để dành cho Mạc đô-chê.

Sau cái chết của Ha-man, hoàng đế A-suê-ru truyền lệnh cho Ê-xơ-tê và Mạc đô-chê:

-Ha-man mưu tính tiêu diệt dân tộc Do-thái, trẫm đã treo cổ hắn. Bây giờ nhân danh ta, các ngươi hãy viết một sắc lệnh khác hủy bỏ sắc lệnh tiêu diệt dân tộc Do-thái của Ha-man trước đây. Người Do-thái sẽ hưởng được những ưu tiên do trẫm ban tặng.

Mạc-đô-chê chịu trách nhiệm soạn thảo một sắc lệnh mới theo sự cho phép của nhà vua. Trong sắc lệnh này người Do-thái ở mọi nơi có quyền tập họp để tự vệ. Họ có quyền tiêu diệt, đánh giết kẻ nào tấn công họ. Họ cũng có quyền chiếm đoạt tài sản của kẻ thù.

Book_of_Esther_Chapter_9-5_(Bible_Illustrations_by_Sweet_Media)

Khi sắc lệnh mới được ban ra liền có một cuộc tổng phản công của dân tộc Do-thái trên toàn đế quốc Ba-tư rộng lớn đối với các kẻ thù của họ được Mạc-đô-chê khởi xướng dưới sự cho phép của nhà vua. Mười con trai của Ha-man bị treo cổ và cả hàng ngàn người khác theo chủ nghĩa bài Do-thái bị tiêu diệt. Mạc-đô-chê được hoàng đế A-suê-ru thăng cấp trở thành tể tướng đương triều. Ông  được tuyển dân và mọi người trong khắp đế quốc ngưỡng mộ, kính nể, vì ông và hoàng hậu Ê-xơ-tê đã có công trạng lớn lao trong việc bảo tồn sự an ninh của tuyển dân. Nhiều người trong khắp đế quốc xin nhập tịch Do-thái nhằm mưu cầu những phúc lợi cá nhân. Người Do-thái trở thành một biểu tượng mới, hào hùng cho đế quốc Ba-tư. Dân tộc Do-thái trở thành tâm điểm của thế giới trong suốt mọi thời đại. Mãi mãi họ là một dân tộc bất khả chiến bại.

TƯỜNG VI

Mọi thư từ liên lạc hoặc góp ý xin gửi về [email protected]

 

Có thể bạn quan tâm