Trang chủ Thần Học Người Công Bình Chịu Khổ

Người Công Bình Chịu Khổ

bởi admin

Chúa hỏi con là ai, không hiểu biết gì, sao dám nghi ngờ ý định Chúa.
Thật con đã nói những điều con không hiểu.

Gióp 42:3

Có hơn mười ngàn từ trong sách của Gióp, hầu hết là lời phán của Đức Chúa Trời, sau đó là của Gióp và của bốn bạn hữu viếng thăm. Gióp là một con người tin kính Chúa, nhưng Satan cáo buộc rằng Gióp được như vậy là vì Đức Chúa Trời ban phước, nếu Chúa không ban phước, Gióp sẽ khác đi. Trước lời kiện cáo đó, Đức Chúa Trời cho phép Satan tấn công Gióp trên nhiều lĩnh vực. Nó gây cho Gióp bị ung nhọt nhức nhối từ bàn chân đến đỉnh đầu.  Bấy giờ Gióp phải ngồi giữa đống tro. Ông lượm một miếng sành để gãi.  Vợ Gióp nói: “Ông vẫn giữ được sự trọn lành sao? Sao ông không nguyền rủa Đức Chúa Trời rồi chết đi?”  Nhưng Gióp đáp: “Bà nói như một người đàn bà ngu muội. Ơn phước Đức Chúa Trời ban, chúng ta nhận; còn tai họa, lẽ nào chúng ta không nhận?” (Gióp 2:8-10). Trong nhiều ngày sau đó Gióp và các bạn hữu đã tranh luận với nhau, cố gắng giải thích tại sao sự đau khổ lại bủa vây Gióp tứ bề như vậy? Và rồi mỗi người đi tới một kết luận khác nhau. Chúng ta nghĩ thế nào về các kết luận đó?

Có ba sự yên lặng trong sách Gióp có thể giúp đỡ chúng ta ngày hôm nay.

Sự im lặng của sự cảm thông (Gióp 2:11-13). Các bạn hữu của Gióp vượt qua những chặng đường xa đến thăm Gióp, và họ “thấy Gióp, nhưng họ không nhận ra ông. Họ liền khóc lớn tiếng, mỗi người xé áo mình, hất bụi đất lên trời, và rải trên đầu mình.  Họ ngồi bệt xuống đất với Gióp suốt bảy ngày bảy đêm; không ai nói với ông một lời nào, vì họ thấy ông đau đớn quá nhiều.” Những người này biết rằng để bày tỏ sự cảm thông đối với khổ nạn của Gióp vào lúc này là không nói gì cả trong suốt một tuần. Họ chỉ ngồi bên cạnh ông để cùng chia sẻ nỗi đau với Gióp. Gióp không có gì để nói với họ, và họ cũng không có lời nào để an ủi ông. Có những lời mang đến sự chữa lành, nhưng có lúc sự im lặng cũng mang đến sự chữa lành. Và trong tình huống này của Gióp, sự yên lặng của các bạn hữu là tốt hơn những lời nói.

 

Sự im lặng của uy quyền thiên thượng (chương 3-37). Khi đọc các lời phát biểu từ bốn vị khách viếng thăm, chúng ta tự hỏi tại sao Đức Chúa Trời không lên tiếng? Thay vì vậy Ngài giữ yên lặng. Có 329 câu hỏi được nêu ra trong sách của Gióp. Tuy nhiên không có nhiều câu trả lời. Mỗi người nghĩ rằng mình đang đi đúng hướng, nhưng tất cả họ đều lẫn lộn. Sô-pha nói với Gióp, “Có thể nào anh dò thấu sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời. Hoặc khám phá được tận cùng sự hiểu biết của Đấng Toàn Năng?  Sự khôn ngoan của Ngài cao hơn các tầng trời, anh làm gì được? Sâu hơn âm phủ, anh hiểu sao thấu?” (Gióp 11:7-8). Phao-lô làm sáng tỏ điều này khi ông viết, “Vì chúng ta chỉ mới hiểu biết một phần.” (1 Cô-rinh-tô 13:9). Đức Chúa Trời im lặng trong suốt cuộc tranh luận mặc cho các nhân vật trong câu chuyện đưa ra quan điểm của mình. Có một thực tế là các diễn giả và chính khách có những bài phát biểu sinh động, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ giải quyết vấn đề theo những gì họ nói. Đôi khi họ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Nhà văn Joseph Conrad viết, “lời nói là kẻ thù lớn của thực tế.”  Bạn nghĩ sao?

Sự im lặng của sự khám phá (Gióp 42:1-6). Gióp lắng nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời và học biết nhiều hơn về chính mình, nhiều hơn những gì Gióp đã từng biết trước đây. “Sau đó, giữa cơn bão tố, Chúa phán với Gióp:  Con là ai mà dám nghi ngờ ý định ta. Nói ra những lời thiếu hiểu biết?” (38:1-2). Bấy giờ Gióp thưa với Chúa, “Con không ra chi, biết thưa lại cùng Chúa thể nào? Con lấy tay che miệng, không dám nói.  Con đã lỡ phát biểu một hai lần rồi. Nay xin thôi, không dám nói thêm.” (40:3-5) Khi Đức Chúa Trời kết thúc cuộc thẩm vấn, Gióp thừa nhận là ông đã nói ra những lời thiếu hiểu biết. Khi Gióp nhìn thấy Chúa và thấy chính mình, điều duy nhất mà ông có thể làm là ăn năn. “Trước kia con chỉ nghe đồn về Chúa. Nhưng bây giờ, chính mắt con đã thấy Ngài.  Vì vậy, con xấu hổ về mọi điều con nói. Và xin ăn năn giữa đống tro bụi.” (Gióp 42:5-6)

Và cuối cùng Đức Chúa Trời đã bác bỏ các luận đề của các vị khách viếng thăm, minh oan cho Gióp. Gióp đã nhận ra bài học cho mình. Vua Đa-vít cũng đã có một kinh nghiệm tỉnh thức tương tự như của Gióp (Thi. 131).

 

Giữa những bận rộn và âm thanh xô bồ của cuộc sống hiện đại, chúng ta phải dành thời gian ở với Đức Chúa Trời để nghe được tiếng phán êm dịu nhỏ nhẹ của Ngài. Chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo về thái độ của mình. Còn phương cách nào khác để chúng ta có thể biết được ý Chúa và nhận ra con người thật của mình?

 

Đức Chúa Trời phán với người rằng: Hãy đi ra, đứng tại trên núi trước mặt Đức Giê-hô-va. Nầy Đức Giê-hô-va đi ngang qua, có một ngọn gió mạnh thổi dữ-tợn trước mặt Ngài, xé núi ra, và làm tan-nát các hòn đá; nhưng không có Đức Giê-hô-va trong trận gió. Sau trận gió có cơn động-đất; nhưng không có Đức Giê-hô-va trong cơn động-đất.  Sau cơn động-đất có đám lửa; nhưng không có Đức Giê-hô-va trong đám lửa. Sau đám lửa, có một tiếng êm-dịu nhỏ-nhẹ.

1 Các vua 19:11-12

Warren W. Wiersbe

Translated by Tuong Vi

Cùng chủ đề:
https://huongdionline.com/2015/05/19/dau-kho-tan-cung/

 

 

 

 

 

Đức Giê-hô-va lại hỏi Sa-tan rằng: Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng; nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác?

Gióp 1:8

Một người bạn và tôi lái xe xuyên qua bang Pennsylvania, chúng tôi liên tục nhìn thấy các biển báo “coi chừng đá rơi!” Chúng tôi thích thú vì đó là một cảnh báo tốt, nhưng làm thế nào để thực hành điều này? Nếu chúng ta nhìn thấy một vài khối đá lớn từ trên đồi cao rơi xuống, có nên dừng xe ngay và điều này có thể gây tai nạn? Hay là chúng ta tăng tốc độ và cố gắng không trở thành mục tiêu của khối đá? Hay là chúng ta “tỉnh thức và cầu nguyện” và tin cậy Đức Chúa Trời giữ các tảng đá không rơi xuống? Bạn chọn cách nào?

Các tảng đá đã rơi xuống trên chiếc xe của Gióp, và ông đã không nhìn thấy là nó đang rơi. Ông đau khổ như một số người phải chịu. Vào một ngày kia tất cả tài sản to lớn của ông bị lấy đi và mười đứa con đều chết hết. Wow! Rồi thì một căn bệnh bí hiểm ung độc tấn công ông từ bàn chân tới đỉnh đầu làm ông vô cùng ngứa ngáy khó chịu. “Gióp lấy một miếng sành đặng gãi mình, và ngồi trong đống tro” (Gióp 2:8). Ông rời khỏi nhà và ngồi bên ngoài thành trên đống tro tàn nơi rác được thu gom. Ở đó ông than khóc, suy ngẫm, nói chuyện với các bạn hữu và chờ đợi Đức Chúa Trời giúp đỡ.

Hãy lưu ý là Đức Chúa Trời phán rằng Ngài không tìm thấy một lỗi lầm nào trong Gióp. Ngài đánh giá về ông: “nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng”. Lời khen ngợi từ Đức Chúa Trời dành cho Gióp tốt hơn bất cứ nhận xét nào từ phía con người hay ma quỉ hoặc thiên sứ. Gióp sống ở xứ Uz vào khoảng thời gian các tộc trưởng người Do Thái hành hương về Ca-na-an. Ông là một con người nhận được ơn phước dư dật từ nơi Chúa, tuy nhiên dường như ông cũng là một người hứng chịu sự thiệt hại lớn lao từ Ngài.

Tất cả chúng ta đều muốn một đời sống xuôi chèo mát mái. Chúng ta muốn nhìn thấy các biển báo chỉ đường loại “Hãy thư giãn. Không có đá rơi!” Chúng ta không muốn chuyến bay của chúng ta bị trì hoãn hay bị một thế lực nào can thiệp. Chúng ta không muốn bị rơi vào tình huống khẩn cấp hay gặp phải điều không mong đợi. Tuy nhiên cuộc sống không luôn đi theo những mong muốn đó. Đời sống được dệt nên bằng những điều phiền toái không miễn trừ cho bất cứ ai bên cạnh những điều may mắn khác. Và chúng ta không thể liệt kê hết những trải nghiệm đau buồn của mỗi chúng ta. Vì vậy hãy vui hưởng những giây phút bình an khi gió yên biển lặng, và cảnh giác rằng giông bão có thể nổi lên vào bất cứ một ngày đẹp trời nào đó.

Các điểm chính của sách Gióp liên quan đến Đức Chúa Trời, Gióp, ba bạn hữu của Gióp và một người bạn trẻ tuổi tên là Ê-li-hu. Tuy nhiên câu chuyện cũng liên quan đến mỗi chúng ta. Đây là Lời của Đức Chúa Trời và chúng ta không thể phớt lờ. Khi nhìn vào các chi tiết trong mỗi tình huống. Quan điểm và phản ứng của chúng ta sẽ như thế nào?

NHỮNG GÌ ĐỨC CHÚA TRỜI NHÌN THẤY

Đức Chúa Trời nhìn xem Gióp và Ngài thấy Gióp khác biệt với mọi người trên thế giới vào thời đó. Đức Chúa Trời bảo Sa-tan rằng:  “…nơi thế gian chẳng có người nào giống như Gióp, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác?” Gióp đã mở tấm lòng mình ra với Chúa (6:21) và thừa nhận rằng mình không phải là người hoàn hảo (7:21), nhưng ông là một con người chính trực, thực hành sự công bình và thương xót người khác. Ông thuộc loại người mà Cựu Ước gọi là “người công bình,” và không có ai trên thế gian giống như ông (Nhiều thế kỷ sau đó tiên tri Ê-xê-chi-ên đồng ý với điều này. Đọc Ê-xê-chi-ên 14:14, 20.)

Chúng ta rất dễ dàng phạm lỗi khi đánh giá về một người nào đó, nhưng Đức Chúa Trời thì không. “Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (1 Sa-mu-ên 16:7). Chúa biết điều bí mật của tấm lòng con người (Thi. 44:21), vì vậy Gióp không thể đánh lừa Chúa và chúng ta cũng vậy. Lẽ thật này vửa khích lệ vừa cảnh báo mọi người. Con người có thể đánh giá sai về chúng ta, ma quỉ có thể cáo buộc chúng ta, nhưng Chúa biết tấm lòng chúng ta như thế nào. Vì vậy các bạn và tôi không có gì để sợ hãi. Nếu tấm lòng chúng ta gian dối với Chúa và người khác, khi ấy chúng ta sẽ gặp rắc rối.

Khi đọc sách Gióp chúng ta ghi nhận rằng Gióp luôn luôn giữ gìn sự chính trực của ông trước mặt Chúa. Gióp không cố gắng làm vui lòng các bạn hữu khi lắng nghe các quan điểm thần học của họ về vấn nạn đau khổ của ông (Gióp 2:9; 6:29; 13:15; 27:5). Họ cho rằng mức độ tội lỗi mà Gióp phạm phải sẽ đòi hỏi một mức độ đau khổ cân bằng? Quan điểm này có phù hợp với chúng ta không?

Danh tiếng là điều con người để tâm tới, nhưng nhân cách mới là điều Đức Chúa Trời tìm kiếm nơi chúng ta. Bạn có thể hủy hoại uy tín hay danh tiếng trong một phút chốc, nhưng phải tốn nhiều năm để xây dựng một nhân cách tốt, và Chúa quan tâm đến chuyện này. Ngay từ đầu sách, Chúa phán dạy rõ rằng Ngài không trừng phạt Gióp vì tội lỗi của ông. Và cuối sách Chúa xác nhận rằng Gióp đã nói về Ngài một cách đúng đắn (42:7), trong khi các bạn hữu đã nói không đúng về Đức Chúa Trời và đánh giá sai về Gióp. Tất cả các khổ đau không đến từ tội lỗi của Gióp, bởi vì Đức Chúa Trời có một mục đích cao hơn.

NHỮNG GÌ SA-TAN THỈNH CẦU ĐƯỢC THẤY

Sa-tan có nghĩa là kẻ thù. Ma quỉ có nghĩa là kẻ kiện cáo. Ma quỉ lúc đầu là một thiên sứ, nó sa ngã thành quỉ sứ chống lại Đức Chúa Trời và con cái của Ngài (Khải. 12:7-12). Chúng ta cần hiểu rằng Sa-tan không biết tất cả mọi thứ cũng như không có mặt ở tất cả mọi nơi. Một vật thọ tạo không thể ngang bằng với Đấng sáng tạo – là Đấng biết mọi điều và có hiện diện khắp mọi nơi. Trong thời đại hiện nay, Sa-tan đến trước ngôi của Chúa và kiện cáo các đầy tớ của Ngài (Xa-cha-ri 3:1-7). Tuy nhiên ma quỉ cần phải được sự cho phép của Đức Chúa Trời trước khi tấn công dân sự của Ngài (Gióp 1:12; 2:6). Chúng ta được khích lệ khi biết rằng Sa-tan không thể đụng đến chúng ta khi Đức Chúa Trời không cho phép. Và nếu Đức Chúa Trời cho phép ma quỉ tấn công chúng ta, Ngài có một mục đích đặc biệt để hoàn thành nơi chúng ta, và Ngài ban cho chúng ta quyền năng để đắc thắng ma quỉ (Lu-ca 22:31-32).

Sa-tan “trải qua đây đó trên đất và dạo chơi,” tìm kiếm các nạn nhân của nó (Gióp 1:7). Nó có thể hiện ra trong hình dạng một con rắn để lừa dối (2 Cô-rin-tô 11:3). Nó giống như một sư tử rống đi rình mò chung quanh (1 Phi-e-rơ 5:8-9), và có thể hiện ra như một thiên sứ sáng láng để lường gạt (2 Cô-rin-tô 11:13-15). Rõ ràng là nó cố gắng tấn công Gióp từ trước, nhưng Chúa đã bảo vệ đầy tớ của Ngài. Sa-tan theo dõi Gióp vì ông là một người có ảnh hưởng lớn và uy tín trên cộng đồng. Và nếu Gióp từ bỏ Đức Chúa Trời sau khi bị Sa-tan tấn công, thì sẽ dẫn theo có nhiều người khác từ bỏ đức tin của họ nơi Chúa. Lúc đó Sa-tan sẽ rất hài lòng.

Sa-tan không thể làm gì cho đến khi Đức Chúa Trời cho phép nó thử thách Gióp. Chúng ta tự hỏi liệu Chúa có thể chỉ ra cho cho chúng ta cách sử dụng đức tin và sự trung tín cá nhân để khóa miệng kẻ kiện cáo. Ghi nhớ là Gióp không biết gì về cuộc đối thoại giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan trên trời. Gióp không biết rằng thân thể ông lại trở thành một cuộc chiến chống lại ông. Có những trải nghiệm không thể giải thích được trong thế giới hữu hình mà nó nảy sinh từ những xung đột trong thế giới vô hình. Vì vậy chúng ta phải sẵn sàng tín thác vào Chúa và các lời hứa của Ngài. Lưu ý là chúng ta bước đi bởi đức tin chứ không phải bởi mắt thấy hay cảm xúc.

Sa-tan biện luận với Đức Chúa Trời, “Gióp há kính sợ Đức Chúa Trời luống công sao?  Chúa há chẳng dựng hàng rào binh vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao? Chúa đã ban phước cho công việc của tay người, và làm cho của cải người thêm nhiều trên đất.  Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt” (Gióp 1:9-11).

Đây là chủ đề trung tâm của sách Gióp. Mặc dù sách Gióp không trực diện với câu hỏi: Tại sao người công nghĩa chịu đau khổ? Sa-tan đang cáo buộc với Đức Chúa Trời rằng sở dĩ Gióp có đời sống công nghĩa như thế vì Chúa đã ban phước cho. Nếu bây giờ Chúa không ban phước nữa, Gióp sẽ thay đổi theo một hướng tiêu cực. Đồng thời Sa-tan cũng đang cáo buộc rằng Đức Chúa Trời không xứng đáng với sự thờ phượng và vâng lời của con người, và đó là lý do tại sao Ngài phải thưởng cho những người thờ phượng Ngài. Nếu Ngài không ban thưởng cho Gióp, ông sẽ không còn thờ phượng Ngài nữa. Thâm ý của Sa-tan là như thế. Nói một cách khác, câu hỏi lớn không phải là: Tại sao người công nghĩa chịu đau khổ? nhưng là: Có phải Đức Chúa Trời xứng đáng với sự đau khổ của chúng ta? Chúng ta chịu đau khổ vì Ngài ban thưởng cho chúng ta trong cơn khổ nạn hay vì Ngài xứng đáng để chúng ta chấp nhận sự đau khổ?

Chúa biết rõ tấm lòng của con người. Sa-tan và những ác linh của nó theo dõi các phẩm chất bên ngoài của chúng ta. Và chúng ta cần phải được kiểm tra các động cơ bên trong tấm lòng. Sa-tan đã sai khi nhận xét về Gióp nhưng nó có thể đúng cùng với nhận xét đó về con người chúng ta.

NHỮNG GÌ CÁC BẠN HỮU CỦA GIÓP CẦN PHẢI THẤY

Các tin tức xấu thường lan truyền nhanh hơn những tin tốt. Cùng một lúc tai vạ ập xuống cho Gióp từ nhiều phía. Ông bị mất con cái, mất tài sản và mất sức khỏe cùng một lúc. Ba người bạn lớn tuổi của Gióp (Gióp 15:10) nghe tin và cùng đến để an ủi, chia sẻ với Gióp. Thoạt đầu chúng ta khâm phục những người này, Kinh Thánh nói về họ: “Ba bạn hữu của Gióp, là Ê li pha người Thê man, Binh đát người Su-a, và Sô-pha người Na-a-ma, hay được các tai nạn đã xảy đến cho người, mỗi người bèn hẹn nhau từ xứ mình đi đến đặng chia buồn và an ủi người.  Ba bạn hữu ở xa ngước mắt lên thì chẳng nhận biết người, bèn cất tiếng lên khóc, mỗi người xé áo mình, hất bụi lên trời mà vãi trên đầu mình.  Đoạn, ba bạn ngồi xuống đất với người trong bảy ngày bảy đêm, chẳng ai nói một lời với người, vì thấy sự đau đớn người lớn lắm” (Gióp 2:11-13). Nếu tình hình vẫn như vậy, họ có thể đã an ủi Gióp, nhưng khi Gióp bắt đầu diễn tả về những đau khổ của mình nhưng dường như thiếu mất mục đích cho sự đau khổ đó, thì các bạn hữu bắt đầu đưa ra quan điểm của họ. Họ thấy rằng họ không đồng tình với suy nghĩ của Gióp và buộc tội Gióp. Sau cùng Ê-li-hu một người trẻ tuổi tham gia vào cuộc tranh luận và hầu như đứng về phía với ba bạn hữu.

Nhưng Gióp không đồng tình với các bài diễn văn dài dòng của nhóm bạn hữu. Ông gọi họ là những “dòng khe cạn nước” (Gióp 6:14-21), là những “thầy thuốc không ra gì hết” (13:4). Cuối cùng Gióp kết luận họ là “kẻ an ủi bực bội.” (16:2). Spurgeon nói rằng những người an ủi này đã đổ thêm giấm vào vết thương của Gióp và làm cho ông đau đớn thêm lên gấp mười lần.

Các bạn hữu của Gióp cần thấy rằng những lời gọi là an ủi của họ đã không giúp được gì cho Gióp, mà còn làm cho người đang đau khổ tổn thương thêm. Gióp bị ung độc từ bàn chân đến đỉnh đầu (2:7-8), ngủ thấy ác mộng (7:13-14), sụt cân (19:20), rởn cả óc và thịt (21:6), trằn trọc không an nghỉ (30:27).  Hình dạng Gióp thay đổi đến nỗi “bạn hữu ở xa ngước mắt lên thì chẳng nhận biết người” (2:12). Gióp còn đau khổ vì ông mất hết con cái và tài sản. Ông cũng không còn người thân yêu nào có thể ở bên để chăm sóc ông và người vợ của ông. Gióp cũng không còn tiền bạc để thuê mướn một ai đó làm điều này. Tình huống của ông xem như bị phá sản vật chất và tinh thần hoàn toàn.

Và khi tình huống trở nên tồi tệ nhất, đức tin của ông nơi Đức Chúa Trời cũng bị tấn công. Ông phải tranh đấu với những câu hỏi: Tôi đã làm những gì đến nỗi phải chịu những đau khổ này? Tại sao Đức Chúa Trời ban cho tôi mười đứa con, rồi bây giờ chỉ cần một trận bão lớn là chúng đã vĩnh viễn rời xa tôi? Tại sao Ngài đã ban cho tôi giàu có, bây giờ Ngài lại lấy đi tất cả?  Nếu tôi quá xấu xa, tại sao Chúa không cảnh báo tôi, và cho tôi có cơ hội để ăn năn? Ngày và đêm những câu hỏi này tấn công tâm trí Gióp.

Các bạn hữu của Gióp đã làm gì? Họ đưa ra những quan điểm thần học và cố gắng chứng minh Gióp là người giả hình. Lô-gic lý luận của họ theo chiều hướng này: (1) Đức Chúa Trời là thánh, vì vậy Ngài phải trừng phạt tội lỗi. (2) Đức Chúa Trời đang trừng phạt Gióp. (3) Từ đó suy ra Gióp là tội nhân. Nhưng họ quên rằng Đức Chúa Trời cũng là Đấng yêu thương, kiên nhẫn, đầy ân sủng và sẵn sàng tha thứ tội lỗi. Ngài là Đấng khôn ngoan và đường lối làm việc của Ngài chúng ta không thể luôn luôn hiểu được. Các bạn hữu của Gióp đã hành động như thể họ là cố vấn cho Đấng toàn năng.

Không cần qui chụp các quan điểm về thần học là sai. Ghi nhớ rằng chúng ta không sống trên những lời giải thích nhưng trên lời hứa của Chúa.  Khi một bác sĩ chuyên khoa về X-ray chỉ cho tôi xem các tổn thương bên trong cơ thể qua phim chụp, điều này không làm cho cơ thể tôi trở nên tốt hơn. Nhưng khi vị bác sĩ nói rằng tôi cần điều trị qua một ca phẫu thuật, và vết thương bên trong sẽ lành sau một tuần điều trị – điều này (lời hứa của bác sĩ) làm cho tôi cảm thấy an tâm và được khích lệ. Chúng ta sống trên những lời hứa của Chúa, không phải trên những sự giải thích. Những lời hứa của Chúa là phương thuốc chữa lành bệnh lý con người bên trong của chúng ta. Nhưng các bạn hữu của Gióp không có lời hứa nào của Chúa để chia sẻ. Tất cả bọn họ chỉ đưa ra những quan điểm, triết lý cá nhân. Những điều này giống như các lưỡi dao cắt sâu vào vết thương đang rỉ máu của Gióp.

Tại sao các bạn hữu làm điều này? Có thể suy đoán rằng: họ cần những lý lẽ đó để đảm bảo với bản thân là những phiền não như vậy không bao giờ có thể xảy ra với họ vì họ là người công chính trước mặt Chúa và Ngài phải ban phước cho họ. Đó chính là thần học của họ: Đức Chúa Trời làm điều tốt cho người công nghĩa và trừng phạt những kẻ ác. Nhưng Chúa Giê-su phán rằng, “Đức Chúa Trời khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác” (Ma-thi-ơ 5:45). Các bạn hữu của Gióp không phải là người công nghĩa trong ánh sáng của Chúa, họ chỉ là những người cậy sự công bình riêng. Vì vậy họ xây dựng một nền tảng thần học sai lầm để củng cố, tăng cường cho quan điểm của mình. Họ muốn hàm ý với Gióp rằng: “Điều đau khổ xảy ra với ông sẽ không xảy đến cho chúng tôi.”

Vào cuối phần đối thoại, Đức Chúa Trời phán dạy Ê-li-pha: “Cơn thạnh nộ ta nổi lên cùng ngươi và hai bạn hữu ngươi; bởi vì các ngươi không có nói về ta cách xứng đáng, y như Gióp, kẻ tôi tớ ta, đã nói.  Vậy bây giờ, hãy bắt bảy con bò đực và bảy con chiên đực đi đến Gióp, kẻ tôi tớ ta, mà vì các ngươi dâng lên một của lễ thiêu; rồi Gióp, kẻ tôi tớ ta, sẽ cầu nguyện cho các ngươi; vì ta sẽ nhậm lời người, kẻo e ta đãi các ngươi tùy theo sự ngu muội của các ngươi; vì các ngươi không có nói về ta cách xứng đáng, như Gióp, kẻ tôi tớ ta, đã nói” (42:7-8). Các bạn hữu của Gióp đã không có được một căn bản thần học đúng đắn. Thần học của họ không có sự thông cảm và tình yêu. Lẽ ra họ phải làm chứng về tình yêu và ân điển của Đức Chúa Trời, nhưng thay vào đó họ trở thành luật sư và thẩm phán trong câu chuyện bi thương của Gióp.

 

NHỮNG GÌ GIÓP MUỐN NHÌN THẤY

Khi đọc những bài diễn văn dài dòng trong sách Gióp, chúng ta thấy rằng câu chuyện của Gióp trở thành một tòa án phô diễn các kiến thức luật pháp. Sách Gióp chứa đầy các thuật ngữ luật pháp. Các bạn hữu muốn nhìn thấy Gióp xưng nhận tội lỗi và làm điều đúng đắn với Đức Chúa Trời, vì vậy họ tiếp tục lập lại các cáo buộc dành cho Gióp. Nhưng Gióp không đồng tình với các nền tảng thần học sai trật từ các bạn hữu, và ông cũng không xưng nhận những tội lỗi mà ông không vi phạm. Gióp không bao giờ công bố mình vô tội, nhưng ông là một con người chính trực khi ông nói về Đức Chúa Trời và chính mình (42:8). Nhưng Gióp không biết làm cách nào để nhờ Đức Chúa Trời làm nhân chứng cho ông. Gióp không nghe thấy Chúa nói câu này với Sa-tan: “Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng; nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác” (1:8).

Đọc kỹ các lời phát biểu, chúng ta thấy Gióp bày tỏ sự ước ao của mình là gặp Đức Chúa Trời mặt đối mặt để đưa Ngài ra tòa và yêu cầu Ngài trình bày bằng chứng về tội lỗi của ông. Ông muốn “tranh biện với Ngài” – điều này có nghĩa bước vào nơi kiện tụng trước tòa để cãi cho ra lẽ, và ép Chúa phải đứng ra trả lời hay làm chứng cho sự chính trực của ông (9:3). Ông muốn tự bào chữa cho chính mình (13:18-19), nhưng không có cách nào để xác lập một thời gian và nơi chốn là chỗ mà Đức Chúa Trời và ông có thể tranh biện cùng nhau (13:3).

Bởi vì Gióp muốn gặp Đức Chúa Trời và bênh vực chính mình, nên Đức Chúa Trời đoái đến hoàn cảnh của ông và nói chuyện cùng ông (Gióp 38:1-40:2). Nhưng khi Chúa bắt đầu đưa ra các câu hỏi cho Gióp, thì Gióp không có gì để nói! Ông đặt tay của mình trên miệng và nói, “Tôi vốn là vật không ra gì, sẽ đáp chi với Chúa? Tôi đặt tay lên che miệng tôi. Tôi đã nói một lần, song sẽ chẳng còn đáp lại” (Gióp 39:37-38). Giải pháp cho vấn đề của Gióp không phải là một lời giải thích uyên thâm từ Đức Chúa Trời, nhưng là một tiết lộ riêng tư của Đức Chúa Trời. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần Paul Tournier đã viết, “Đối với câu trả lời của Thiên Chúa (cho nhu cầu của con người) thì không phải là một ý tưởng hay một đề xuất; Nó giống như kết luận của một định lý: đó là chính Ngài. Ngài bày tỏ chính Ngài cho Gióp; Gióp tìm thấy một mối liên hệ cá nhân với Ngài.”1   Đứa con bị tổn thương vì té xe không muốn nghe một bài diễn thuyết về an toàn xe đạp; nó muốn nhận cảm giác từ vòng tay và nụ hôn yêu thương của người mẹ, và nghe được giọng nói khích lệ của cha. Thần học thì quan trọng, nhưng chỉ khi lẽ thật của nó đem chúng ta đến gần Cha thiên thượng.

Một tác giả viết lời thánh ca, “Bên ngoài những bài thuyết giáo, tâm linh tôi khao khát Ngài.” Gióp chưa bao giờ hát những lời này, nhưng ông thực sự đã kinh nghiệm nội dung được diễn tả trong bài ca. Những gì Gióp muốn nhìn thấy là – một Vị Thẩm Phán công bình mà ông chưa bao giờ thấy trước đây. Nhưng bây giờ ông đã gặp được một Đức Chúa Trời kỳ diệu, yêu thương là Đấng giải quyết các nan đề, trả lời cho các câu hỏi chỉ bằng cách Ngài ở đó. Tác giả Christopher Morley đã viết, “Tôi có hàng triệu câu hỏi gởi đến Đức Chúa Trời, nhưng khi tôi gặp Ngài, tất cả chúng đều trốn khỏi tâm trí tôi, và dường như không còn vấn đề gì để hỏi.”2 Với Gióp cũng vậy, khi ông gặp Chúa, miệng ông đóng lại nhưng tấm lòng ông mở ra và kinh nghiệm sự chữa lành từ Chúa.

NHỮNG GÌ CƠ ĐỐC NHÂN NGÀY HÔM NAY PHẢI NHÌN THẤY

Chúng ta hãy bắt đầu với nhu cầu của mình, và rồi tiến về phía trước để có thể đáp ứng nhu cầu của người khác.

Đầu tiên chúng ta phải nhìn thấy rằng sự đau khổ là một phần tất yếu của cuộc sống. Là những con người sa ngã, sống trong một thế giới sa ngã, Đức Chúa Trời không bao giờ hứa rằng hành tinh này sẽ luôn luôn là một nơi thân thiện đáng sống. Trong khi sự đau khổ của nhân loại là hậu quả tội lỗi của A-đam; sự đau khổ đến với chúng ta không phải lúc nào cũng là do lỗi lầm của chính mình. Thỉnh thoảng điều này có xảy ra. Khi chúng ta không vâng lời Chúa, và Ngài phải thi hành kỷ luật, bởi vì Ngài yêu chúng ta. Nhưng ma quỉ muốn tín nhân nghĩ rằng Đức Chúa Trời đang trừng phạt tội lỗi của con cái Ngài, bởi vì nó là kẻ kiện cáo Đức Chúa Trời và dân sự của Ngài. Những gì chúng ta nghĩ là “đau khổ không đáng có” có thể chính xác, tuy nhiên chúng ta cũng cần chuẩn bị cho sự diễn giải tiếp theo. Giô-sép và Đa-vít đã đi qua những kinh nghiệm bi thương này.

Vì vậy khi bị đá rơi, hay khi phải ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê, phản ứng của chúng ta phải là:

“Không phải theo ý con, nhưng là ý Cha.” Hãy nhớ rằng ý muốn của Đức Chúa Trời đến từ tấm lòng yêu thương của Ngài (Thi thiên 33:11) và câu chuyện của chúng ta luôn bày tỏ ra tình yêu của Ngài. Khi Ngài đem chúng ta vào trong lò lửa, mắt Ngài để trên công tắc điều chỉnh nhiệt độ và tay Ngài canh chừng đồng hồ hẹn giờ. Chúa kiểm soát nhiệt độ và thời gian, Ngài biết lúc nào và bằng cách nào ban sự giải cứu cho chúng ta. Vì vậy hãy nhìn xem Chúa Giê-su và yên nghỉ trên lời hứa của Ngài. Spurgeon nói rằng, “Chúng ta chắc chắn sẽ bước vào trong sự rối rắm ngay khi chúng ta bắt đầu dạy giáo lý về Chúa và đặt câu hỏi tại sao?” Đức Chúa Trời sẽ biến những dấu hỏi thành dấu chấm than khi chúng ta tập trung vào Ngài trong tất cả ân sủng và sự vĩ đại của Ngài.

Thỉnh thoảng Đức Chúa Trời cho phép chúng ta chịu đau khổ hầu cho chúng ta có thể khích lệ, yên ủi người khác. “Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp!” (2 Cô-rin-tô 1:4). Phao-lô không nói rằng để yên ủi người khác chúng ta phải trải nghiệm  cách chính xác những gì họ đã trải nghiệm. Điều này là không thể được. Vị sứ đồ hàm ý rằng Chúa ban ân sủng cho chúng ta trong tình huống khó khăn, ân sủng ấy có thể tràn qua chúng ta và đem đến sự yên ủi cho người khác trong tình huống họ đối diện (2 Cô-rin-tô 1:5). Chúng ta không phàn nàn khi chịu trong cơn thương khó. Cuối cùng hãy nhớ rằng Chúa Giê-su chịu đựng thống khổ vạn lần hơn mỗi chúng ta. Ngài bằng lòng chấp nhận sự đau khổ vì Ngài yêu thương chúng ta. Từ đó Ngài có thể ban sự cứu rỗi trọn vẹn cho chúng ta.

Nhưng chúng ta không đi theo các tấm gương xấu của những bạn hữu Gióp. Bất luận là con người có thể lằm bằm, kháng cự với sự đau khổ, chúng ta phải yêu thương và chia sẻ lời hứa của Chúa dành cho họ. Khi họ tiếp nhận, ân sủng của Chúa sẽ chữa lành. Chúng ta đừng làm việc cho Sa-tan, hay đứng ra làm người buộc tội. Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những người có khả năng yên ủi người khác. Hãy xem những người bị đau khổ là những người mà Chúa Giê-su đã vì họ chết thay. Tình yêu và động cơ của Cơ đốc nhân phải làm nên sự khác biệt (2 Cô-rin-tô 5:14), bởi vì tình yêu không bao giờ thất bại (1 Cô-rin-tô 13:8). Ghi nhớ lời dạy này, “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.” (Ma-thi-ơ 25:40)

Có quá nhiều người phải chịu đau khổ chung quanh chúng ta, và chúng ta phải cẩn thận không xét đoán hay cô lập họ. Nói chuyện về đạo lý không bao giờ có thể thay thế cho chức vụ hy sinh (Gia-cơ 2:14-17; 1 Giăng 3:16-20). Mỗi người chúng ta cần trở nên giống Chúa Giê-su càng hơn trong lối sống, hầu cho có thể giới thiệu Ngài đến với những người đang ở trong cơn khủng hoảng. Họ có thể gặp Ngài trong những tình huống khó khăn nhất – đôi khi chúng là một cơ hội để họ tiếp nhận ân sủng và sự chữa lành từ Chúa, mà không phải là những cơ hội thuận tiện khác.

 

 

  1. Paul Tournier, Guilt and Grace (New York: Harper and Row, 1962), 46
  2. Christopher Morley, Inward Ho! (Garden City, N. Y.: Doubleday, Doran and Co. 1931), 9.

 

 

 

Có thể bạn quan tâm