Trang chủ Dưỡng Linh Nhìn Về Tương Lai

Nhìn Về Tương Lai

bởi admin
Bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy (II Cô-rinh-tô 4:18).
Từ khi ngành hàng không, ngành viễn thông, và ngành khoa học vụ trụ phát triển đến mức thế giới nầy trở nên chật chội, cả về thị trường khai thác, cả về không gian hoạt động thì, chúng bắt đầu hướng ra bên ngoài địa cầu. Người ta nói, thế kỷ 21 là thế kỷ của các cuộc chinh phục vũ trụ, và chạy đua về không gian.
SpaceX của Elon Musk bắt đầu với Falcon 9, rồi Falcon Heavy, rồi Dragon, rồi Starship, đều là những dự án không tưởng. Ai có thể hình dung, cuộc chinh phục vũ trụ mà cứ như bay từ Việt sang Mỹ không bằng. Vào website của SpaceX bạn sẽ thấy họ giới thiệu từng dự án một, nhìn đơn giản giống như một món đồ chơi của trẻ con vậy.
Lâu nay, Hoa Kỳ, Tây Âu, và Nga thay nhau quan sát vũ trụ; trước họ đã có các nhà khoa học lý thuyết, nay họ có nhiều khoa học gia ứng dụng; thêm giàu có về tiền bạc, nắm giữ công nghệ; gần như họ độc quyền mọi thông tin về không gian. Nhưng, cuộc chơi giờ có thêm một ông lớn nữa: Trung Quốc.
Các kính viễn vọng quan sát vũ trụ được gọi là “mắt thần,” chúng nhìn thấu vào không gian thăm thẳm, cứ như đèn pin soi vào đêm tối. Hoa Kỳ có đài quan sát Arecibo, nặng 99 tấn (đã bị sập), hoàn thiện từ 1963, hoạt động suốt từ đó cho tới nay đã 57 năm; không biết nó đã thu thập những gì, nhưng chắn chắn thông tin về vũ trụ chúng có được là khổng lồ.
Còn Liên Minh Âu Châu thì bỏ ra số tiền lên tới 10 tỷ dollar để xây dựng kính viễn vọng James Webb. Nó sắp hoàn thành. Tầm hoạt động còn xa hơn cả Arecibo. Nó có thể thu thập thông tin vũ trụ cách xa trái đất tới 1,5 triệu cây số, và gửi hình ảnh về rõ như chụp một tấm ảnh chân dung!
Với Trung Quốc, họ đã có Fast, Kính Viễn Vọng Hình Cầu khẩu độ 500m. To bằng 30 cái sân bóng đá. Fast gồm 4,450 tấm gương hình tam giác ghép với nhau, chuyên truy tìm các hành tinh bên ngoài hệ mặt trời. Từ ngày có Fast, các ngành liên quan đến vũ trụ ở Trung Quốc tiến bộ như vũ bão.
Người ta tìm gì bên ngoài không gian? Họ nói tìm sự sống ở hành tinh khác. Tôi thì nghĩ rằng, nếu chỉ tìm sự sống ngoài không gian thôi, thì việc gì phải bỏ ra nhiều tiền lắm của, và thúc đẩy một chạy đua về không gian. Trái đất quá rộng đối với những người bình thường, nhưng lại quá hẹp đối với những kẻ tham vọng về chinh phục vũ trụ.
Tôi nhớ câu nói đáng suy nghĩ của nhà du hành vũ trụ Mỹ, Jim Irwin: Điều ý nghĩa nhất thời đại, không phải là con người đặt chân lên mặt trăng, mà là Đức Chúa Trời đã đặt chân xuống mặt đất, trong thân vị Đấng Christ. Trước khi anh đi tìm sự sống của người khác, hãy đảm bảo sự sống của chính mình trước đã. Sự sống đời nầy và cả sự sống sau khi lìa trần.
Cho dù con người có tìm ra được sự sống khác ngoài hành tinh, tìm ra thêm những nơi có thể di cư lên đó mà ở, thì con người vẫn cứ tiếp tục trong giới hạn của mình. Ít nhất là giới hạn về không gian, vì không gian vẫn cứ bao la. Chinh phục nơi nầy, thì vẫn còn nhiều nơi khác. Quan trọng hơn là giới hạn về tương lai và số phận, vì tương lai và số phận do Chúa nắm giữ.
Dù cho người Trung Quốc hiện đã có mắt thần Fast nhìn xa nhất thế giới, nhưng họ cũng phải thừa nhận không có con mắt nào qua con mắt của Đức Chúa Trời. Câu ngạn ngữ của họ nói rằng: Nhân kiến mục tiền, thiên kiến cửu viễn; nghĩa là, con người chỉ nhìn thấy hiện tại, nhưng ông Trời nhìn thấy cả tương lai.
Phao-lô dạy rằng: Bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy (II Cô-rinh-tô 4:18).
Sự thấy được là hiện tại, là cơm áo gạo tiền, là học hành vui chơi, là công ăn việc làm, là nhà cửa sự nghiệp. Mọi sự ấy đều quan trọng nhưng chỉ là tạm bợ. Sự không thấy được là cõi vĩnh hằng về sau.
Nhưng chúng ta đang sống trong thời hiện tại, làm sao để hiểu và chú tâm vào sự không thấy được? Chúng ta không có con mắt thần để nhìn thấu tương lai như các kính viễn vọng vũ trụ. Phao-lô có câu giải đáp đây:
Tôi cầu Đức Chúa Trời của Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta, là Cha vinh hiển, ban thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết Ngài, lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao (Ê-phê-sô 1:17-18).
Muốn đến sinh sống ở xứ cường thịnh phải biết rõ về nó; phải khao khát và quyết tâm mới đạt được. Cũng vậy, muốn biết sự không thấy được mà Phao-lô mô tả là nơi vinh hiển đời đời; nơi mà Đức Chúa Trời chỉ dành riêng cho các thánh đồ, thì phải có đôi mắt thuộc linh trong lòng.
Phải cầu xin Chúa ban sự khôn ngoan, sự khát khao, sự ước ao, sự thúc giục để nhận biết Chúa. Kinh Thánh không giấu bất cứ điều gì. Kinh Thánh chỉ dẫn con đường sự sống, con đường phước hạnh, con đường dẫn lên thiên đàng.
Con người ngày nay đã lên tới mặt trăng, phóng phi thuyền vào vũ trụ, và đã lập trạm dừng chân ngoài không gian từ lâu, thì chắc chắn Đức Chúa Trời lại càng vĩ đại hơn loài người nhiều lắm. Chúa tạo ra trái đất và những hành tinh trong hệ mặt trời. Chúa tạo ra muôn vàn hành tinh khác trong không gian. Chúa còn tạo ra nơi ở đời đời cho những ai đặt lòng tin cậy vào Ngài.
Viễn vọng kính có đôi mắt thần nhìn vào không gian xa xôi; thì Kinh Thánh cho biết con người cũng cần có đôi mắt thuộc linh để nhìn vào tương lai. Rồi đây, số phận của mỗi người sẽ bước vào chỉ một trong hai nơi mà thôi; hoặc là thiên đàng vinh hiển, hoặc hỏa ngục tối tăm.
Cả thiên đàng và hỏa ngục đều tồn tại. Chúng tồn tại đời đời. Chúng tồn tại và có thật giống như có sao mai, sao khuê, mặt trời, mặt trăng vậy. Bạn có tin chúng có hay không thì cũng giống như mặt trời lặn và mọc vậy. Tin hay không thì mặt trời vẫn lặn và mọc.
Bạn có xin Chúa ban cho thần trí của khôn ngoan chưa? Bạn có muốn được vào thiên đàng vinh hiển đời đời không? Câu trả lời thuộc về quyết định của bạn. Quyết định sớm thì sẽ không hối hận về sau.
Facebook Nhịp Cầu Tình Thương

Có thể bạn quan tâm