Trang chủ Thần Học Tin Đức Chúa Trời

Tin Đức Chúa Trời

bởi admin

“TIN” ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ NGHĨA LÀ GÌ? Đây là một câu hỏi cực kỳ quan trọng. Khi viên quản ngục Phi-líp đặt câu hỏi, “Các chúa ơi, tôi phải làm chi cho được cứu rỗi?” Phao-lô và Si-la đáp: “Hãy tin Đức Chúa Giê-su, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi” (Công-vụ các sứ đồ 16:31). Việc tin vào Chúa Giê-su đem đến sự cứu rỗi cá nhân cho một người. Ngược lại, việc không tin khiến người đó không được cứu và chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời (Giăng 3:18, 36; 5:24). Vì “tin” hay “không tin” quyết định số phận đời đời của một người, nên bắt buộc chúng ta phải biết Kinh Thánh có ý gì khi mời gọi mọi người “tin” vào Đức Chúa Trời.

Tôi nhớ lại một cách sống động về lần tiếp cận đầu tiên với khái niệm và tầm quan trọng của niềm tin. Đó là vào một buổi sáng Chúa nhật Phục sinh tại Hội Thánh Báp-tít Thứ Nhất ở Eugene, Oregon. Tôi đang ngồi ở ban công với bố mẹ và em trai sáu tuổi. Lúc đó tôi mới mười tuổi, nhưng tôi đã đủ lớn để có thể ngồi nghe chăm chú bài giảng và nhận được những ích lợi từ nó. Tiến sĩ Vance Webster đang giảng về sự phục sinh của Chúa Giê-su và nhấn mạnh rằng mọi người cần nhận được ích lợi từ sự chết của Ngài vì tội lỗi của mình.

Mặc dù tôi không phạm bất kỳ tội nào cách trắng trợn, nhưng tôi biết rằng việc quấy rầy người giữ trẻ và nói dối em trai đủ để đưa tôi xuống địa ngục. Tiến sĩ Webster nhấn mạnh rằng chỉ có một cách cứu rỗi và đó là thông qua Chúa Giê-su Christ. Ngay lúc đó tôi cảm nhận rằng tôi phải trở thành một Cơ Đốc nhân. Tôi đã “tin” vào Chúa Giê-su, nhưng tôi muốn chắc chắn rằng tôi đang đi đúng đường. Tôi nói chuyện với mẹ tôi sau buổi nhóm ở nhà thờ, và bà đã hướng dẫn tôi đến gặp mục sư. Tôi đã tuyên xưng đức tin của mình nơi Đấng Christ đang khi ngồi trong văn phòng của vị mục sư đó. Tôi không nhớ chi tiết cuộc trò chuyện của chúng tôi, nhưng Tiến sĩ Webster vui mừng vì tôi là một “tín đồ” thật sự và ông ấy đã làm báp-têm cho tôi vào một Chúa nhật sau đó vài tuần. Hơn bốn mươi năm trôi qua kể từ khi tôi làm báp-têm, tôi vẫn đang tìm hiểu về ý nghĩa của việc “tin”.

 

NIỀM TIN TRONG CỰU ƯỚC

 

Khái niệm đức tin trong Cựu Ước được tiết lộ trong động từ aman theo tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa là “xác nhận, hỗ trợ hoặc tán thành.” Ý tưởng cơ bản của động từ này là sự kiên quyết hoặc chắc chắn. Một hình thức của aman cho thấy một sự thật không thể thay đổi mà các thế hệ tương lai có thể dựa vào, bất chấp những hoàn cảnh trái ngược hoặc bất hạnh. Dạng động từ này được dùng cho “Đức Chúa Trời thành tín” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:9). Ở hình thái nguyên nhân, động từ này có nghĩa là “khiến trở nên chắc chắn” hoặc “trở nên chắc chắn về.” Điều này được dịch trong Kinh Thánh tiếng Anh của chúng ta là từ “tin.” Nền tảng của từ này chỉ ra rằng đức tin trong Kinh Thánh liên quan đến “một sự chắc chắn, trái ngược với các khái niệm hiện đại về đức tin như một cái gì đó có thể, hy vọng là đúng, nhưng không chắc chắn.”1 Lần đầu tiên trong Cựu Ước từ này xuất hiện trong Sáng-thế ký 15:6, trong đó ghi, “Áp-ram tin Đức Giê-hô-va, thì Ngài kể sự đó là công bình cho người.” Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham, một người đàn ông lớn tuổi cùng với một người vợ son sẻ, rằng dòng dõi của ông sẽ đông như sao trên trời. Bất chấp những trở ngại về thuộc thể đối với việc thực hiện lời hứa này, Áp-ra-ham tin cậy Đức Chúa Trời. Ông coi lời của Đức Chúa Trời là đáng tin cậy và chắc chắn, “và vì niềm tin đó, Đức Chúa Trời đã kể ông là công bình.”2 Bởi vì Áp-ra-ham công nhận lời Đức Chúa Trời là chân thật và đáng tin cậy, Đức Chúa Trời tuyên bố ông là công bình. Việc Phao-lô sử dụng Sáng-thế ký 15:6 trong Rô-ma 4:3, 9, 22 và Ga-la-ti 3:6 chứng minh rằng câu Kinh Thánh Cựu Ước này là nền tảng để chúng ta hiểu ý nghĩa của việc “tin” Đức Chúa Trời.

Thuật ngữ aman được sử dụng trong Xuất Ê-díp-tô Ký 14:31, khi Môi-se tường thuật rằng nhờ việc vượt qua Biển Đỏ một cách kỳ diệu, nên dân Y-sơ-ra-ên “tin Ngài và Môi-se, là tôi tớ Ngài.”  Phép lạ đã xác nhận một sự thật rằng Chúa là Đấng đáng được tin cậy trong việc bảo vệ và giải cứu dân sự của Ngài. Và bởi đức tin, dân Y-sơ-ra-ên đã theo Môi-se, vị lãnh đạo của họ, vào sa mạc Si-na-i. Nhưng đức tin của họ thay đổi. Kết quả là họ từ chối theo Ca-lép và Giô-suê vào Đất Hứa, Đức Chúa Trời đã phán hỏi Môi-se, “Dân nầy khinh ta và không tin ta cho đến chừng nào, mặc dầu các phép lạ ta làm giữa chúng nó?” (Dân-số Ký 14:11). Đức Chúa Trời đã bày tỏ quyền năng giải cứu của Ngài, nhưng dân sự đã không bước theo với đức tin và sự vâng lời.

Trong Sách các Thi-thiên, chúng ta thấy rằng dân Y-sơ-ra-ên bị quở trách vì “chúng nó không tin Đức Chúa Trời, cũng chẳng nhờ cậy sự cứu rỗi của Ngài” (Thi 78:22). Thuật ngữ được dịch là “tin cậy” từ tiếng Hê-bơ-rơ batah, thể hiện cảm giác của sự hạnh phúc và an toàn có được nhờ vào việc nương dựa vào một ai đó. Nó được sử dụng ở đây như một từ đồng nghĩa gần với thuật ngữ “tin”. Trong Thi-thiên 106, tác giả Thi-thiên đã kể lại lịch sử về cuộc nổi loạn của dân Y-sơ-ra-ên chống lại Đức Chúa Trời. Dân Y-sơ-ra-ên “khinh bỉ xứ tốt đẹp, không tin lời của Chúa” (106:24). Thay vào đó, họ “nói lằm bằm trong trại mình, không nghe tiếng Đức Giê-hô-va” (106:25). Vấn đề ở đây là họ đã không làm theo những gì Đức Chúa Trời đã bày tỏ.

Thuật ngữ aman lại xuất hiện trong Ê-sai 43:10, nói lên trách nhiệm của dân Y-sơ-ra-ên với tư cách là nhân chứng cho các dân tộc khác. Đức Chúa Trời đã tuyên bố mục đích của nhiệm vụ này là để các thế hệ tương lai “có thể biết và tin ta, và hiểu rằng ta là Chúa!” Chữ “niềm tin” ở đây được liên kết với khái niệm biết Đức Chúa Trời và công nhận Ngài là Đức Chúa Trời chân thật duy nhất. Giô-na 3:5 tường thuật rằng dân thành Ni-ni-ve “tin Đức Chúa Trời.” Điều đáng chú ý là niềm tin của họ đi kèm với những hành động phản ánh sự ăn năn. Họ kêu gọi mọi người kiêng ăn, mặc bao gai, kêu cầu cùng Chúa, và thúc giục những người khác từ bỏ đường lối xấu xa và việc hung dữ của mình (3:5-8).

Rõ ràng “niềm tin” trong Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ bao hàm nhiều điều hơn là sự mơ tưởng. Đức tin theo Kinh Thánh là một thái độ chắc chắn phản ánh sự tin tưởng nơi Đức Chúa Trời và Lời của Ngài. Trong Cựu Ước, những người có đức tin biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng đáng tin cậy, và họ đã hành động dựa trên thực tế không thể thấy được đó.

 

còn nữa

trích từ UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY
translated by VMI

Có thể bạn quan tâm