Trang chủ Tổng Hợp Truyền Giáo Thiếu Nhi

Truyền Giáo Thiếu Nhi

bởi admin
ĐỪNG QUÊN TRUYỀN GIÁO THIẾU NHI
Trong khi đang suy nghĩ đến một chiến lược truyền giáo hữu hiệu cho đồng bào Việt Nam, lòng tôi liền suy nghĩ ngay đến việc truyền giáo thiếu nhi. Chúng ta đã bê trễ, đã ngăn trở con trẻ đến cùng Chúa lâu nay mà chúng ta không để ý. Chúng ta cần được nhắc nhở và Chúa đang dùng chúng tôi nhắc nhở Hội Thánh và con cái Chúa khắp nơi kể từ hôm nay.
Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở…
Hễ ai vì danh ta chịu tiếp một đứa trẻ thể nầy, tức là chịu tiếp ta…
Hãy giữ mình đừng khinh dể một đứa nào trong những đứa trẻ nầy; vì ta bảo các ngươi, các thiên sứ của chúng nó trên trời thường thấy mặt Cha ta, là Đấng ở trên trời. Các ngươi tưởng thế nào? Nếu người nào có một trăm con chiên, một con bị lạc mất đi, thì há chẳng để chín mươi chín con lại trên núi, mà đi kiếm con đã lạc mất sao? Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu người kiếm lại được, thì lấy làm vui mừng về con đó hơn chín mươi chín con không lạc. Cũng thể ấy, Cha các ngươi ở trên trời không muốn cho một đứa nào trong những đứa trẻ nầy phải hư mất.
Đây là những lời dạy ân cần nghiêm túc của chính Chúa Jesus khi Ngài còn ở trên thế gian, trước khi Ngài tiến lên Jerusalem, tiến lên thập tự giá, để chết thay tội lỗi cho nhân loại, chết thay cho cả những trẻ em đã ra đời lẫn những trẻ em chưa được sinh ra khỏi bụng mẹ.
Chúa yêu thương trẻ em nhi đồng vì Chúa đã trở thành người như một hài nhi được mẹ Maria sinh ra và đặt nằm trong máng cỏ. Thiên đàng đã khóc về những em bé bị vua Herod giết chết tại làng Bethlehem vào lúc Chúa giáng sinh. Các trẻ thơ vô tội chắc sẽ vui hưởng thiên đàng…
Cha mẹ sớm dâng con trẻ phục vụ Chúa thì Đức Chúa Trời sẽ sử dụng con trẻ đó trong vương quốc của Ngài. Chúa đã dùng trẻ em để phục vụ công việc của Chúa. Như em bé dâng 5 cái bánh và 2 con cá vào tay Chúa đem cơ hội Chúa phép lạ hóa bánh nuôi 5,000 người ăn no và bánh còn dư. Như cháu trai của sứ đồ Phao-lô đã báo tin cho biết âm mưu kẻ thù thề chết để giết Phao-lô. Chúa đã dùng một em bé để cứu một nhà truyền giáo nổi danh. Học trò Ti-mô-thê đã sớm dâng mình hầu việc Chúa và đã trở thành Mục Sư trong Đoàn truyền giáo đầu tiên của Phao-lô. Mở ra tiến trình đào tạo môn đồ và giáo sĩ.
Nhiều bậc cha mẹ chưa thấy vinh dự và trách nhiệm của mình đối với con cái. Nhiều bậc cha mẹ Việt Nam nghĩ rằng “con cái là của nợ”, không nghĩ đó là món quà Chúa ban cho và giao phó trách nhiệm.
Giống như nhiều bậc cha mẹ ngày nay, chúng ta dành hết thời giờ đi làm để chất chứa của cải và dành dụm lưu lại cho con cháu, chúng ta lo cho thể xác và quên mất linh hồn. Chúng ta quên là thể xác cần thể nào thì linh hồn cần thể ấy. Chúng ta cũng quên đánh giá giá trị của linh hồn và thân thể, thân thể có quý nhưng linh hồn quý hơn, thân thể giới hạn ở đời nầy nhưng linh hồn còn mãi ở đời sau.
Chúng ta quên đầu tư công sức cho trẻ em vì chúng ta đánh giá chưa đúng về giá trị của trẻ em trước mặt Chúa. Chúng ta ít để ý về đời sống tâm linh con trẻ. Trẻ em rất có giá trị đối với gia đình, với Hội Thánh, với đất nước quê hương dưới đất và với Nước Trời trên trời. Xã hội hiện nay có nhiều nước đang lo lắng vì thiếu tiếng cười con trẻ. Có nhiều nhà thờ chỉ còn có ông bà già. Trẻ em là tương lai của gia đình và Hội Thánh.
GIÁ TRỊ CỦA TRẺ EM TRƯỚC MẶT CHÚA TRONG CÕI VĨNH HẰNG
Kinh Thánh nói nhiều đến trẻ em, giá trị, bổn phận và trách nhiệm…
Chúa Jesus sống làm gương cho trẻ em ngay từ nhỏ (Lu-ca 2:51).
Chúa Jesus muốn đến gần, rờ đụng, ẳm bồng và chúc phước cho các em (Mác 10:16).
Trẻ em là món quà Chúa ban (Sáng thế ký 33:5).
Trẻ em là phần thưởng từ Chúa cho cha mẹ (Thi Thiên 127: 3).
Trẻ em có thể làm vinh hiển Danh Chúa (Thi thiên 8:2).
Chúa được vinh hiển nhờ tiếng hát trẻ thơ và con đương bú (Matt 21:15-16).
Chúa truyền cha mẹ, người lớn hãy để con trẻ đến cùng Chúa (Mác 10:13-16).
Cha mẹ phải dạy trẻ em con đường nó phải theo ngay từ thơ ấu (Phục truyền 31:12-13).
Trẻ em phải kính sợ Chúa và vâng lời cha mẹ (Phục truyền 30:2).
Trẻ em phải biết hiếu kính cha mẹ (Xuất 20:12).
Trẻ em phải sống báo đáp cha mẹ (1 Tim 5:4).
Con trai đầu lòng là tài sản được chuộc thuộc về Chúa (Xuất 13:12-13).
Trẻ con có quyền thừa hưởng gia tài của cha mẹ (Phục truyền 21:16-17).
Trẻ con được cha chúc phước trước khi cha chết (Sáng thế 27:1-4).
Trẻ em có thể nhận phước hay nhận họa từ cha mẹ (Xuất 20:5).
Thiên sứ của mỗi em bé thường ở gần Đức Chúa Trời (Matt 18:10).
Đức Chúa Trời không muốn một đứa trẻ nào hư mất (Matt 18:14).
Tôi luôn tự hào và hãnh diện về 3 con và 7 cháu Chúa ban. Vợ chồng tôi đã quan tâm chăm sóc, cầu nguyện, dưỡng dục, bảo vệ con cháu chúng tôi từ nhỏ cho đến lớn, nhờ Chúa giúp đỡ làm trọn bổn phận cha mẹ và ông bà mỗi ngày. Chúng tôi cũng luôn luôn giữ mình để làm gương cho con cháu. Chúng tôi lưu ý nhắc nhở gởi gắm con cháu đi nhà thờ, học Kinh Thánh, tập làm gương chăm sóc các trẻ em khác trong Hội Thánh. Chúng tôi sớm hướng dẫn con cháu cầu nguyện tiếp nhận Chúa vào lòng. Chúng tôi giúp đỡ con cháu gặp gỡ Chúa Jesus biến đổi cuộc đời mình.
Chúng tôi nhận biết ơn Chúa đã thi ân ban phước cho gia đình, không bởi tài năng củabản thân, nhưng là hoàn toàn nhờ ơn Chúa.
HỘI THÁNH NGƯỜI VIỆT CẦN QUAN TÂM HƠN ĐẾN VIỆC TRUYỀN GIÁO THIẾU NHI.
Truyền thống hiếu kính cha mẹ, anh em như thể tay chân, thông minh học giỏi… của các gia đình người Việt không đủ sức để giữ gìn đức tin của trẻ em trước sự lôi cuốn của đời sống văn minh hiện đại. Cha mẹ người Việt hãy dành thêm thời giờ để tham gia chương trình truyền giáo thiếu nhi, đem con trẻ đến gần Chúa. Hãy chứng tỏ trẻ em thường đi nhà thờ sẽ học giỏi hơn, chăm ngoan hơn.
Chúng tôi khuyến khích các bậc cha mẹ tín hữu hãy tham gia thuyết phục các gia đình trẻ khác (kể cả các gia đình chưa tin Chúa) cùng nhau đưa con trẻ đến nhà thờ, mở các lớp học Trường Chúa Nhật hay lớp Kinh Thánh tại tư gia. Sớm dạy dỗ con trẻ ham mến đọc và nghiên cứu Kinh Thánh, học thuộc lòng ít nhất 100 câu gốc, thêm nhiều phần thưởng khuyến học, lập thêm nhiều học bổng, thậm chí biết áp dụng kỷ luật “thương cho roi cho vọt (nhẹ nhàng); ghét cho ngọt cho ngào” để các em yêu mến Chúa, yêu gia đình, yêu Hội Thánh, tập thói quen tốt. Hãy uốn nắn các em ngay từ khi còn nhỏ, đừng bê trễ. Hãy ghi nhớ công ơn cha mẹ, nhắc lại hình ảnh tre già măng mọc, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Không nên phó mặc tương lai trẻ em cho trường học phổ thông, hãy chú trọng đến nền Cơ-đốc giáo dục, và nhất là quan tâm đến nền giáo dục gia đình.
Cha mẹ và Hội Thánh biết giáo dục và gìn giữ con cháu trong ánh sáng của Kinh Thánh cùng mối thông công yêu thương gần gũi trong Hội Thánh, sẽ giúp chúng ta yên tâm có được một thế hệ mới người Việt hứa hẹn làm sáng danh Chúa, bảo đảm tương lai.
Hãy học hỏi và nghiên cứu để noi gương người Do Thái trong việc dạy dỗ con cái.
Đầu tư công sức cho trẻ em là xứng đáng. Nước Trời thuộc về những người giống như con trẻ.
ĐỪNG QUÊN LO NGHĨ ĐẾN THẾ HỆ NGƯỜI VIỆT TƯƠNG LAI
Hết thảy người đời ấy cũng được tiếp về cùng tổ phụ mình; rồi một đời khác nổi lên, chẳng biết Đức Giê-hô-va, cũng chẳng biết các điều Ngài đã làm nhân vì Y-sơ-ra-ên. Bấy giờ dân Y-sơ-ra-ên làm ác trước mặt Đức Giê-hô-va, hầu việc các thần tượng của Ba-anh, bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ mình, là Đấng đã đem họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô; họ tin theo các thần khác của những dân tộc ở xung quanh, quì lạy các thần đó và chọc giận Đức Giê-hô-va. Vậy, chúng nó bỏ Đức Giê-hô-va, hầu việc Ba-anh và Át-tạt-tê. Các Quan Xét 2: 10-12.
Niềm vui hay nỗi buồn tương lai tùy thuộc vào nỗ lực hay sự thờ ơ của mỗi người chúng ta hôm nay.
Hãy cùng tôi noi gương Chúa Jesus để cầu nguyện theo Matthew 11:25.
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

Có thể bạn quan tâm