Trang chủ Tổng Hợp Vai Trò Làm Cha

Vai Trò Làm Cha

bởi admin

VAI TRÒ LÀM CHA

Học làm bác sĩ, học làm dược sĩ, học làm nha sĩ, học làm luật sĩ, học làm tiến sĩ; dĩ chí, học làm tu sĩ, linh mục, tín hữu. Ít ai đề cập đến học làm cha, học làm mẹ. Điều này dễ hiểu, vì cha mẹ đều có sẵn bản năng để cảm nhận, thương yêu, và săn sóc cho con cái. Do đó, ai cũng nghĩ rằng đã là cha, mẹ là là cha, mẹ, điều này tự nhiên, không cần phải học. Không cần phải trau dồi. Không cần thực tập mới biết cách làm cha, mẹ. Nhưng đó là một tư tưởng và suy nghĩ hết sức chủ quan. Chính do thái độ và suy nghĩ chủ quan này mà đã xẩy ra không biết bao nhiêu thảm cảnh trong gia đình, và đã gây bao nhiêu đau khổ, sai lầm cho các thế hệ tuổi trẻ. Khi nói “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, người Việt Nam chúng ta hầu như ngầm hiểu rằng do sự gần gũi và thân mật, người mẹ có rất nhiều ảnh hưởng trên người con cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Cũng do ảnh hưởng ấy, khi nói đến các khuyết điểm của người con, tự nhiên ai cũng cho rằng người con được nuông chiều quá mức, hoặc không được dậy dỗ đúng mức do lỗi lầm của người mẹ. Và lời kết luận vẫn là mẹ chiều con quá hóa ra con hư, hoặc mẹ không biết dậy con nên con hư. Nhưng dậy con, là trách nhiệm chung của cha và mẹ. Trách nhiệm ấy không chỉ riêng cho một người nào. Vẫn theo quan niệm của nền văn hóa Á Đông, nhất là nền văn Việt Nam, người cha, người bố là người trưởng gia đình, là cột trụ của gia đình. Nếu theo quan niệm này, thì trách nhiệm nặng nề của người cha, người bố theo quan niệm văn hóa và truyền thống Việt Nam vẫn là phải lo toan sự nối dõi tông đường của mình bằng cách đào tạo, huấn luyện và hướng dẫn để có những người con sau này xứng đáng là đại diện cho mình, là bóng hình mình tiếp nối trong xã hội. Có lẽ đây là một việc làm tế nhị và khó khăn, nên người cha thường hay bán cái cho mẹ, và dành cho mình phần mà họ cho là quan trọng hơn, tức là lo những việc quan trọng bên ngoài xã hội, lo tài chánh cho gia đình. Quan niệm người cha là người duy nhất lo tài chánh gia đình đã trở thành lỗi thời, nhất là tại các quốc gia Âu Mỹ hiện nay. Ngay tại Việt Nam, vai trò lo lắng tài chánh cho gia đình của người đàn ông cũng đang dần dần được suy nghĩ lại. Phụ nữ ngày nay đã minh chứng rằng, họ không những phải chu toàn bổn phận và vai trò làm vợ, mà còn phải chu toàn bổn phận và vai trò làm mẹ. Về mặt văn hóa và xã hội, nhiều phụ nữ ngày nay cũng không thua kém nam giới, kể cả trong lãnh vực nghề nghiệp, công ăn việc làm. Tại nhiều gia đình, lương của nhiều người vợ còn cao hơn người chồng, và ngoài xã hội, vai trò họ cũng cao hơn cả người chồng. Như vậy, tại những gia đình này, người đàn ông phải nói sao về vài trò làm chồng và làm cha của mình, nếu họ vẫn quan niệm rằng người đàn ông là nhất. Trở lại vai trò làm cha trong gia đình, tôi nhớ lại thập niên 80, khi còn trong chương trình Cao Học, lúc ấy một môn học mà tôi cho là hơi kỳ khôi, và có lẽ chỉ có tại Hoa Kỳ, đó là môn học làm cha, hay làm bố. Học viên phải học qua cách thay tã lót cho con, cách pha sữa và cho con bú. Đồng thời phải học cho biết tâm lý phát triển của đứa bé. Phải biết lúc nào đứa bé khóc vì đói, vì khát, vì tã lót dơ, hay vì bị đau, bị ngứa ngáy trong người. Dĩ nhiên, chúng tôi ai cũng phải học và học cho xong để tốt nghiệp. Nhưng rồi, càng ngày càng cảm thấy rằng môn học như vậy thật là bổ ích. Không phải vì mình biết cách thay tã lót và pha sữa, cho con bú. Nhưng là hiểu và ý thức hơn về vai trò làm cha của mình. Từ sự hiểu biết này cho người đàn ông một nhận xét và thực tế rất rõ ràng rằng, không phải chỉ có người mẹ, mà cả người cha nữa, cả hai đều có trách nhiệm trong việc hiểu biết, giáo dục và lo lắng cho tương lai con cái. Tâm lý học cho đến nay vẫn thừa nhận có sự xung đột và đôi khi có sự chia rẽ trầm trọng giữa con trai và bố. Và tâm lý học cũng nhận rằng, những đứa trẻ trai vị thành niên thường hay khó chịu và hục hoặc khi chạm trán với bố, ngay cả trong những giao tiếp hằng ngày trong gia đình. Nhưng cũng tâm lý học cho hay, những giờ phút cha con chơi đùa, nhất là chơi những trò chơi với nhau như thể thao chẳng hạn, là những giây phút mà người con học được rất nhiều từ cách thức và lề lối hành động của người cha.

Tóm lại, học để làm một người cha trong gia đình là một môn học khó nhưng đòi hỏi và cần thiết. Tại sao? Tại vì chúng ta chỉ có một lần được làm cha, và con cái chúng ta cũng chỉ có một lần được làm con chúng ta. Những gì chúng ta gieo vào trong tâm tư và suy nghĩ của những người con, chính là những hoa trái mà chúng ta sẽ thâu lượm sau này. Bởi thế, quan niệm chung vẫn cho rằng mỗi một người con chính là “bóng hình” của cha hoặc mẹ, hoặc cả hai trên cõi đời này. Không phải ai cũng là bác sĩ, luật sĩ, tu sĩ, hay giáo sĩ, nhưng đã là cha, chúng ta tất có những bóng hình ấy trong cõi đời này. Vậy chúng ta muốn bóng hình của chúng ta giống chúng ta? Hãy chúng ta muốn bóng hình ấy giống một người hoặc một vật nào khác? Điều tiếc nuối ở đây, là mặc dù tâm lý hay giáo dục đã nói nhiều và đề cập nhiều đến vai trò người cha trong gia đình, nhưng cho đến nay tại nhiều gia đình vẫn còn mang cái hậu quả của một câu nói rất xưa trong truyền thống gia đình là: “Con không cha như nhà không nóc”.

Nhiều gia đình con cái miễn cưỡng sống cảnh mồ côi trong khi cả cha lẫn mẹ còn sống! Đó là hoàn cảnh những gia đình ly dị mà cha một nơi, mẹ một nẻo. Con cái phải côi cút sống với mẹ hay với cha, với cha hay mẹ ghẻ, và lâu lâu tạt về nhà cha hay nhà mẹ. Tôi đã chứng kiến cảnh này nhiều, nhiều đến độ tôi cảm thấy như xúc động nghẹn ngào mỗi khi phải chứng kiến thêm một cảnh tương tư như vậy tại văn phòng mình. Bởi vì, muốn hay không muốn những đứa trẻ ấy sẽ phải tủi hổ và buồn nản lắm, nhất là mỗi khi chúng thấy hoang mang và cần sự giúp đỡ của cha hay của mẹ; đặc biệt, là sự giúp đỡ của người cha. Cũng có nhiều em, mặc dù cha mẹ vẫn còn đó, sống trong một gia đình, nhưng các em vẫn cảm thấy mình bị mồ côi, đơn độc khi không có sự hiểu biết, thông cảm, và chia sẻ của người cha.

Chúng không thấy gì hơn nơi người cha mình, nhưng ngược lại, chỉ thấy những cái làm chúng phân vân và không biết phải suy nghĩ, hành động như thế nào? Thí dụ, thấy cha mình là người nghiện ngập. Thấy cha mình là người cờ bạc. Thấy cha mình là người vũ phu, đánh đập, chửi bới cả mẹ lẫn con. Hoặc thấy cha mình là người bê bối trong lãnh vực tình cảm, lem nhem hay lén lút với người này, người khác. Đó là những tình trạng có thật, và xẩy ra thật trong nhiều gia đình. Còn những câu chuyện không nói ra được với con cái thì sao? Người Do Thái có câu: “Đời cha ăn nho, đời con xún răng”, cũng tương tự câu, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Tóm lại, trách nhiệm và bổn phận người làm cha không phải chỉ là lo cho con ăn no bụng và mặc cho ấm thân, mà là lo cho tâm hồn, cho tương lai con nữa. Người Việt Nam có một câu rất hay mà có lẽ ít người để ý nhớ đến hay thực hành: “Có đức mặc sức mà ăn”. Có lẽ vì ngày nay con người phải vật lộn với quá nhiều sức cuốn hút của vật chất, nên cứ nghĩ rằng mưu mánh, hoặc quyền lực sẽ tạo nên hạnh phúc. Hoặc có thể để lại mấy trăm ngàn, mấy triệu cho con là con mình sẽ hạnh phúc. Nhưng thực tế lại cho thấy rằng, chính những cái ấy là những cái làm khổ và tiêu diệt tương lại con nhanh nhất và hiệu quả nhất. Cũng người Việt Nam ta có câu: “Không ai giầu ba họ, khốn khó ba đời”, vậy thì cái đức kia mới là cái gia tài mà người cha có thể để lại cho con, và đó chính là cốt lõi của vai trò làm cha trong gia đình, đặc biệt trong hoàn cảnh xã hội và ảnh huởng giáo dục của nó. Nhưng làm sao để có cái đức ấy? Câu trả lời đó là:

1. Chung thủy, yêu thương, và trọng kính mẹ của những người con mình: Một nhận xét vừa có tính cách triết lý, vừa có tính cách ứng dụng thực hành là: “Gia tài quí nhất mà người cha có thể để lại cho con mình là thương yêu, kính trọng và thủy chung với mẹ của chúng”.

2. Dành nhiều thời giờ hơn với con: Hầu hết những điều mà con cái phàn nàn về cha mẹ chúng, không phải vì cha mẹ chúng nghèo, không có địa vị xã hội, nhưng là cha mẹ đã lơ là và không quan tâm đến chúng, đặc biệt, khi chúng cần đến. 3. Tôn trọng những giá trị của truyền thống gia đình: Đây là điểm tâm lý ứng dụng, phản ảnh quan niệm: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Nếu người cha là trưởng gia đình, là người mô phạm trong gia đình lại tỏ ra lơ là với những giá trị của đời sống gia đình, thì hành động ấy tự nó đã trở thành một gương xấu sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến con cái.

Tác giả TRẦN MỸ NGUYỆT

A. Vai trò của người cha trong gia đình:

1. Người thủ lĩnh. – Vạch ra và hướng dẫn cách sống, thời khóa biểu, chương trình làm ăn cho gia đình.v.v. – Phân công cho mỗi thành viên trong gia đình cho công bằng phù hợp với khả năng của từng người. – Tạo cho gia đình một uy tín giữa cộng đồng và một vị trí trong xã hội.

2 Người đầy tớ: – Ai muốn trở nên cao nhất phải tập làm người thấp hèn nhất. – Ai muốn thành công trong việc lớn phải biết chu toàn những việc nhỏ. – Người lãnh đạo chính là người đi tiên phong trong mọi công việc không nề quản bất cứ việc gì. – Trong cuộc sống gia đình người cha tự nguyện gánh vác những việc nặng nề xứng đáng là nơi nương tựa của vợ con. – Trong công việc người cha nhận lãnh những giai đoạn quyết định nhất, khó khăn nhất và gay cấn nhất. – Trong đời sống thường ngày, người cha tự coi mình bình đẳng với tất cả gia đình, làm bạn của vợ và con.

3. Người làm gương: – Người cha là đích nhắm của con cái noi theo bắt chước.(con hơn cha là nhà có phúc). – Người cha là gương sáng cho con cái trở nên thánh thiện. B. Bổn phận người cha trong gia đình : 1. Nuôi và dưỡng: – Dạy con từ thủa còn thơ “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” Châm 22:6 -Công sinh không bằng công dưỡng 2. Tạo bầu không khí gia đình hòa thuận ( anh em) thánh thiện và tin tưởng lẫn nhau. 3. Con cái là hình ảnh của mình, cho nên mình phải tô điểm cho hình ảnh đó được trong sáng để khỏi bị phai nhạt với thời gian; đồng thời con cái là hồng ân của Thiên Chúa, nên mình phải trân trọng, gìn giữ và thăng hoa nó…

4. Hãy bày tỏ đức tin của mình…gieo lời Chúa…tình yêu…khải tượng…ước mơ khát vọng sống cho Chúa và tha nhân..gieo liên tục mỗi khi có cơ hôi. Khi người Cha đã xây dựng được mối liên hệ tốt đẹp với con cái của mình, quý vị đang có một môi trường thích hợp để bày tỏ niềm tin của mình vào Thượng Đế qua sự hướng dẫn không những qua lời nói nhưng bằng chính đời sống làm gương của chính mình. Tình cảm và mối liên hệ tốt đẹp giữa cha con sẽ ảnh hưởng đến việc các em tin nhận Đức Chúa Trời là Cha thiêng liêng ở trên trời. Đây là một trọng trách vô cùng quan trọng mà ĐCT phó thác trên các bậc làm cha. Tóm lại, vì là người chồng, nên phải sống và hành động đúng vai trò và bổn phận của một người chèo lái gia đình. Ðể khi nhắm mắt xuôi tay, sẽ hãnh diện vì đã lưu lại được điều tốt cho cuộc sống mai sau.

“MÃO TRIỀU THIÊN CỦA ÔNG GIÀ CHÍNH LÀ CON CHÁU CÒN VINH HIỂN CỦA CON CÁI CHÍNH LÀ ÔNG CHA ” (Châm ngôn 17:4) Ý nghĩa của câu nói tiếng anh ở dưới là : Một đêm kia tình cờ người cha nghe đứa con trai của mình cầu nguyện: “Chúa yêu dấu ơi! xin khiến con trở thành mẫu người đàn ông tuyệt vời giống như ba con.” Cũng trong đêm đó, người cha đã cầu nguyện như thế này: ” Chúa yêu dấu ơi! xin khiến con trở thành mẫu người đàn ông mà con trai con ước ao và mong đợi.” Đó cũng là lời cầu nguyện và lời chúc của tôi đến tất cả những ai đã làm cha và sắp làm cha. Daddy God loves you and help you make it. Amen!

Ho Dan Tam tổng hợp

Có thể bạn quan tâm