Trang chủ Hỏi Và Đáp Xử Lý Tội Lỗi

Xử Lý Tội Lỗi

bởi admin

ĐỪNG COI THƯỜNG HẬU QUẢ CỦA TỘI LỖI, CŨNG ĐỪNG THẤT VỌNG KHI CHÚA SỬA PHẠT. CHÚA LUÔN THA THỨ VÀ ĐẦY ƠN. CHÚA MUỐN PHỤC HỒI. Đức Chúa Trời mong đợi con cái Ngài phải sống khác với người thế gian.
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ
I Cô-rinh-tô 5
“Có tin đồn ra khắp nơi rằng trong anh em có sự dâm loạn, dâm loạn đến thế, dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống như vậy…” (c.1)
Giờ đây, Phao-lô đề cập đến vấn đề thứ hai đã được báo cho ông: sự vô luân trong Hội thánh và việc các lãnh đạo từ chối xử lý người phạm tội. Thật đáng buồn biết bao khi tội lỗi khủng khiếp như vậy lại bị “đồn ra khắp nơi” và hủy hoại lời chứng tốt đẹp của Hội thánh! Phao-lô đưa ra ba lý do tại sao Hội thánh phải thể hiện tình yêu thương nhưng cương quyết khi thi hành sự kỷ luật và xử lý nghiêm thành viên phạm tội.
I. Vì Lợi Ích của Người Phạm Tội (5:1-5)
Kỷ luật trong Hội thánh không giống như việc một cảnh sát bắt giữ tội phạm; đúng hơn thì, điều đó giống như một người cha sửa phạt con trai mình. Động cơ đầu tiên là giúp đỡ tội nhân, thể hiện tình yêu thương của Cơ-đốc nhân trong việc tìm cách đưa người đó đến sự ăn năn. Về phần chúng ta thì việc cho phép các thành viên Hội thánh công khai sống trong tội lỗi sẽ làm tổn hại đến họ cũng như Đấng Christ và Hội thánh. Thành viên cá biệt này có vẻ như đang chung sống với mẹ kế (xem Lê-vi Ký 18:8) trong một mối quan hệ vô luân. Người phụ nữ rõ ràng không phải là thành viên của gia đình Hội thánh, nếu không thì Phao-lô cũng đã đề nghị Hội thánh làm việc với người này.
Thật là một điều khủng khiếp khi một Cơ-đốc nhân sống trong tội lỗi với người chưa được cứu trong khi Hội thánh không làm gì cả!
“Anh em còn lên mình kiêu ngạo! Anh em chẳng từng buồn rầu, hầu cho kẻ phạm tội đó bị trừ bỏ khỏi vòng anh em thì hơn!” (c.2)
Hội thánh đã “lên mình kiêu ngạo” và khoe khoang về “thái độ sống phóng khoáng” của mình. Phao-lô nói với họ rằng họ nên buồn rầu, và từ trong tiếng Hy Lạp được ông sử dụng có nghĩa là “than khóc cho người chết.” (Về sau, ông so sánh tội lỗi của họ với men, và men luôn làm “phồng lên” bất cứ thứ gì bị nó tác động.) “Thái độ cởi mở” của họ đối với tội lỗi chỉ làm tổn hại người phạm tội và Hội thánh, chứ chưa nói gì đến sự đau buồn mà tội lỗi đó gây ra cho Phao-lô và chính Chúa. Phao-lô lên án người đàn ông đó và chỉ thị Hội thánh rút phép thông công của anh ta. “Nhưng chẳng phải Chúa Giê-su bảo chúng ta đừng xét đoán ai đó sao?” một số người có thể hỏi như vậy khi đề cập đến Ma-thi-ơ 7. Vâng, Ngài có phán như vậy; nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi mà cả tội nhân cũng như các thánh đồ đều biết đến! Chúng ta không thể phán xét động cơ của một tín hữu khác (đó là điều mà Ma-thi-ơ 7 đề cập đến), nhưng chúng ta có thể và phải phán xét hành động sai trái của con dân Chúa.
Việc kỷ luật phải được thi hành trước toàn thể Hội thánh chứ không phải chỉ với riêng các lãnh đạo (c.4, BD2011). Vấn đề đã được biết đến công khai, vì vậy phải được xử lý công khai. Nếu người đó từ chối ăn năn, anh ta sẽ bị loại khỏi mối thông công.
“…tôi tuyên án kẻ làm việc loạn luân ấy nhân danh Ðức Chúa Giê-su, Chúa chúng ta. Khi anh chị em họp lại với nhau, có tôi hiện diện với anh chị em trong tâm linh, cùng với quyền năng của Ðức Chúa Giê-su, Chúa chúng ta, anh chị em hãy phó người ấy cho Sa-tan…” (c.3-5, BD2011)
“Phó một người cho Sa-tan” (c.5) không có nghĩa là tống người đó xuống địa ngục, vì không Hội thánh nào có thể làm được điều này. Thay vào đó, điều này có nghĩa là loại bỏ người đó ra khỏi mối thông công với Hội thánh để người phải sống trong thế gian do Sa-tan kiểm soát (Giăng 12:31 và Cô-lô-se 1:13). Sự kỷ luật này không phải vì mục đích mất đi một thành viên, mà là đưa tội nhân đến chỗ ăn năn để người ấy có thể được cứu khỏi sự hư mất trong ngày phán xét.
Ngày nay kỷ luật Hội thánh là một chức vụ bị nhiều Hội thánh lãng quên. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự yêu thương nhau, và nếu mục sư thực sự yêu thương đàn chiên, người sẽ lo liệu để những con chiên lạc lối được cảnh báo và kỷ luật vì lợi ích của họ.
II. Vì Lợi Ích của Hội thánh (5:6-8)
Thật là dại dột khi Hội thánh cho rằng mình “sống thoáng” và sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ ai và tất cả những ai muốn làm thành viên, bất kể họ sống như thế nào đi nữa! Quý vị có mở cửa nhà mình cho tất cả những ai muốn vào không? Thế thì tại sao chúng ta lại cho phép bất kỳ người nào và tất cả những ai muốn được bước vào mối thông công với Hội thánh? Vậy ra gia nhập bất kỳ tổ chức thế gian nào đó còn khó hơn là nhóm lại với một Hội thánh địa phương có tiêu chuẩn thông thường! “Sự khoe khoang của anh chị em không tốt đâu,” Phao-lô cảnh báo. “Anh chị em không nhận ra rằng một thành viên công khai sống trong tội lỗi có thể làm ô uế toàn bộ Hội thánh sao?” (xem câu 6).
“Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian ác độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật thà và của lẽ thật.” (c.7-8)
Phao-lô dùng bữa ăn tối trong Lễ Vượt Qua để minh họa cho quan điểm của mình; xem Xuất Ê-díp-tô Ký 12:15. Men đối với người Do Thái luôn là biểu tượng của tội lỗi và sự bại hoại; vì vậy, trước Lễ Vượt Qua, họ luôn dọn dẹp nhà cửa để loại bỏ mọi dấu vết của men. Cơ-đốc nhân cũng phải có thái độ giống như vậy; chúng ta không được để cho men tội lỗi âm thầm phát triển trong Hội thánh rồi sinh ra sự rối loạn và xấu hổ. Đấng Christ chết cho chúng ta không phải để làm cho chúng ta giống thế gian, nhưng làm cho chúng ta giống Đức Chúa Trời. “Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (I Phi-e-rơ 1:16). Điều này không có nghĩa là các lãnh đạo Hội thánh phải là những “thám tử thuộc linh,” chuyên rình mò đời sống của các thành viên. Nhưng điều đó có nghĩa là mỗi thành viên Hội thánh phải chịu trách nhiệm để men tội lỗi không sinh sôi trong đời sống của mình. Và, nếu tội lỗi bị phơi bày, lãnh đạo phải thực hiện các bước để bảo vệ lợi ích thuộc linh của Hội thánh.
Có một số đối tượng Cơ-đốc nhân chúng ta được cảnh báo trong Kinh Thánh, là những tín hữu không được phép thông công trong Hội thánh địa phương: (1) thành viên không chịu giải quyết những mối bất đồng cá nhân, Ma-thi-ơ 18:15-17; (2) thành viên có tiếng là phạm tội trắng trợn, I Cô-rinh-tô 5:9-11; (3) những người tin theo giáo lý sai trật, I Ti-mô-thê 1:18-20 và II Ti-mô-thê 2:17-18; (4) những người gây chia rẽ, Tít 3:10-11; (5) Cơ-đốc nhân không chịu làm việc để tự nuôi sống bản thân, II Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-12. Những người vô tình bị tội lỗi vấn lấy thì chúng ta nên yêu thương và tìm cách phục hồi họ; xem Ga-la-ti 6:1.
III. Vì Lợi Ích của Thế Gian (5:9-13)
Hội thánh không thể thay đổi thế gian nếu Hội thánh giống như thế gian. Hãy đọc kỹ những câu này và lưu ý rằng Phao-lô phân biệt tội lỗi trong đời sống của Cơ-đốc nhân với tội lỗi trong đời sống của những người không tin Chúa. Tội lỗi trong đời sống của các tín hữu còn tồi tệ hơn! Trong bức thư trước Phao-lô đã truyền lệnh cho họ đừng giao thiệp với những Cơ-đốc nhân và các thành viên Hội thánh có tiếng là gian dâm, tham lam hoặc thờ hình tượng. Ông không bảo họ phải tránh xa tất cả tội nhân phạm những tội này, nếu vậy thì họ sẽ phải ra khỏi thế gian! Chúng ta đã lường trước việc người chưa được cứu còn sống trong tội lỗi, nhưng ngay cả thế gian cũng đòi hỏi Cơ-đốc nhân phải sống khác đi. Một lý do mà Hội thánh ngày nay có rất ít ảnh hưởng tới thế gian là vì thế gian có quá nhiều ảnh hưởng tới Hội thánh.
“…đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy.” (c.11)
Các Cơ-đốc nhân trung tín thậm chí không được ngồi ăn chung với các thành viên Hội thánh là những người đã hủy hoại lời chứng của mình bằng cách công khai phạm tội và chưa bao giờ cố gắng sửa sai trước Hội thánh và trước Chúa. Đây là một phần của sự kỷ luật được nêu trong câu 5. Nếu một thành viên trung tín của Hội thánh qua lại thân mật với một Cơ-đốc nhân đang sống trong tội lỗi, thì thành viên đó đang dung túng cho tội lỗi của người này và bất tuân Lời Chúa.
“Có phải tôi nên đoán xét kẻ ở ngoài sao? Há chẳng phải anh em nên đoán xét những người ở trong sao? Còn như kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ đoán xét họ. Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi anh em.” (c.12-13)
Một số Cơ-đốc nhân bị sốc khi nhận ra Đức Chúa Trời muốn chúng ta thi hành sự phán xét thuộc linh trong Hội thánh. Chúng ta không phán xét người ngoài; Chúa sẽ làm điều đó. Nhưng chúng ta phải loại trừ bất kỳ Cơ-đốc nhân nào không chịu xưng nhận tội lỗi và làm điều đúng đắn ra khỏi mối thông công của Hội thánh. Vấn đề này không nên thực hiện một cách vội vàng; tất cả những người có liên quan phải được phép trình bày trường hợp của mình. Phải có sự cầu nguyện và Lời Chúa phải được rao ra. Phải có tình yêu Cơ-đốc chân thành. Chính hành động kỷ luật của Hội thánh là lời làm chứng cho thế gian và lời cảnh báo cho Hội thánh, đặc biệt cho những người mới tin Chúa, rằng Đức Chúa Trời mong đợi con cái Ngài phải khác với thế gian. Dung túng cho tội lỗi là chối bỏ thập tự giá của Đấng Christ!

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

Có thể bạn quan tâm