Trang chủ Niềm Tin Minh Họa Truyền Giáo Ngày Nay

Truyền Giáo Ngày Nay

bởi admin

TẠI SAO NGƯỜI VIỆT CHƯA TRỞ LẠI THỜ CHÚA?

Tại sao loài người còn phải chết? 

Nước Mỹ đang ở giữa tình trạng khó khăn. Mặc dầu nước Mỹ vẫn còn là niềm hy vọng của nhiều người. Nạn đại dịch Corona Virus Vũ Hán mà người ta gọi là Covid-19 vẫn đang hoành hành khắp thế giới. Trận dịch đã giết chết hơn 300.000 người Mỹ, đã làm xáo trộn nước Mỹ, làm lung lay chức vụ của một Tổng Thống được dân chúng ưa thích. Dù người ta mới chế ra thuốc ngừa có kết quả đến 95%, nhưng bệnh dịch vẫn phát tán với nguy cơ lớn hơn. Bệnh dịch đã giết chết hàng triệu người trên thế giới. Cả năm trôi qua rồi đến cuối năm, đến lễ mừng Chúa giáng sinh. Thế giới vẫn trôi đi trong sự im lặng vô vọng của nhiều người, trong đó có người Việt Nam.

Dr. Jim Denison, một Mục Sư người Mỹ đang sống ở thành phố Dallas, cũng là người bạn đồng lao của tôi, một cây viết có lý luận vững chắc, đã trả lời câu hỏi thường xảy ra với con người. Ông viết,

 

Trong những tuần gần đây, một số người phỏng vấn trên đài đã hỏi tôi tại sao sự ra đời của Đấng Cứu Thế lại bị thế tục hóa trong xã hội của chúng ta đến vậy. Tất nhiên, một trong những câu trả lời là hàng triệu người Mỹ chưa bao giờ nghe câu chuyện thật về Giáng sinh. Họ có thể biết Chúa Giê-su sinh ra ở Bết-lê-hem, nhưng họ không biết tại sao.

Tôi biết – vì tôi là một trong số họ. Tôi lớn lên trong một gia đình ngoại giáo ở Houston, Texas, nơi chúng tôi tổ chức lễ Giáng sinh bằng cách tặng quà cho nhau nhưng không biết gì về Chúa Giê-su. Nếu được hỏi tại sao sự ra đời của Chúa Giê-su lại có liên quan đến chúng ta ngày nay, thì tôi sẽ không thể trả lời câu hỏi của bạn.

Điểm quan trọng của Lễ Giáng sinh là đấng sinh ra tại Bết-lê-hem “sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Ma-thi-ơ 1:21; Lu-ca 1: 76–78). Đây là vấn đề: Nếu chúng ta không tin rằng chúng ta cần được cứu, tại sao chúng ta lại kỷ niệm sự ra đời của Đấng Cứu Rỗi? 

Tuy nhiên, như đại dịch đang xãy ra mỗi ngày, không có nỗ lực nào của con người có thể ngăn cản sự chết cuối cùng của nhân loại do một số nguyên nhân. Trừ khi Chúa Giê-su trở lại trước, tất cả chúng ta đều sẽ chết vì lý do nào đó.

 

Điều gì sẽ xảy ra nếu vi-rút COVID-19 đột biến để có thể lây nhiễm sang mọi người và gây ra 100% tử vong? Điều gì sẽ xảy ra nếu không có vắc-xin chống lại vi-rút đột biến này? Đây là thực trạng của chúng ta với loại virus được gọi là sự chết. Và một khi đã chết, chúng ta rõ ràng và chắc chắn là không có khả năng tự làm cho mình sống lại. Nếu chúng ta sống sót sau cái chết, một số thế lực bên ngoài sẽ phải tác động giúp chúng ta những gì chúng ta không thể làm cho chính mình.

Đây chính xác là những gì Chúa Giê-su được sinh ra để làm — chết cho tội lỗi của nhân loại để chúng ta có thể được tha thứ và nhận được sự sống vĩnh cửu bởi ân điển của Đức Chúa Trời Toàn Năng.

Max Lucado đặt nghi vấn, “Nếu chúng ta có thể tự cứu mình, tại sao chúng ta lại cần một Đấng cứu thế?” Ông lưu ý rằng: “Chúa Giê-su không vào thế gian để giúp chúng ta tự cứu mình. Ngài đã vào thế gian để cứu chúng ta ra khỏi chính mình”. Sau đó, ông nói thêm: “Bạn có thể tự cứu mình khỏi một tấm lòng tan vỡ hoặc sắp tan vỡ, hoặc khi hết xăng. Nhưng bạn không đủ tốt để cứu mình khỏi tội lỗi; bạn không đủ mạnh để cứu mình khỏi sự chết.”

Hãy suy nghĩ về điều này: nếu Chúa Giê-su không được sinh ra vào lễ Giáng sinh, bạn và tôi sẽ vĩnh viễn bị chia cắt khỏi Đức Chúa Trời trong địa ngục. Đó chỉ đơn giản là một sự thật. Bởi vì Chúa Giê-su đã được sinh ra, chúng ta có thể được sinh ra một lần nữa. Vì Ngài đã chết thay cho chúng ta, nên Ngài có thể sống trong chúng ta (1 Cô-rinh-tô 3:16). Và khi chúng ta chết, chúng ta không chết — ngay lúc đó, chúng ta được sống lại với Ngài trong thiên đàng vĩnh cửu (Lu-ca 23:43; Giăng 14: 3).

Nếu ai đó phát minh ra thuốc trường sinh, lẽ nào chúng ta sẽ không mừng ngày sinh nhật và món quà của họ với niềm vui khôn tả, với một tấm lòng trân trọng? Thực tế là rất nhiều người không làm như vậy vào lễ Giáng sinh chỉ có thể có nghĩa là họ không biết Chúa Giê-su đã làm gì cho họ hoặc không hiểu tại sao họ cần những gì Ngài đến để ban tặng.

Đó là đặc ân của anh chị em và của tôi để vui mừng lý do thực sự của mùa giáng sinh và sau đó chia sẻ tin vui này với tất cả những người có thể. Ngôi sao Giáng sinh sẽ sớm biến mất khỏi bầu trời đêm, nhưng “Ánh sáng tỏa ra trong bóng tối và bóng tối không khống chế được ánh sáng.” (Giăng 1:5). Nó sẽ không bao giờ khống chế được ánh sáng.

Tuy nhiên, một dạng đột biến mới của vi-rút có thể lây truyền cao hơn tới 70% so với tính di truyền trước đó đang lan rộng ở Anh Quốc (theo tin tức đầu năm 2021). Và vụ vi phạm mạng lưới chưa từng có được tiết lộ gần đây tiếp tục gây xôn xao dư luận.

Những sự kiện này nhắc nhở chúng ta về sự giới hạn của con người. Một quốc gia mạnh nhất, giàu nhất trên trái đất dường như đã bị tấn công bởi các thế lực ngoại quốc bất chính. Và một loại virus nhỏ hơn đường kính của sợi tóc con người từ bốn trăm đến một nghìn lần vẫn tiếp tục đe dọa thế giới của chúng ta.

Nhưng tin tốt lành tuyệt diệu là Đấng Cứu Rỗi đã đến vào Lễ Giáng Sinh năm nay yêu thương nhân loại sa ngã chúng ta như khi Ngài mới sinh ra trong thế giới băng hoại năm nào. Tất cả những gì Ngài đã từng làm, Ngài vẫn có thể làm cho đến ngày nay (Hê-bơ-rơ 13: 8). Và Ngài sẽ luôn ở với chúng ta cho đến tận thế (Ma-thi-ơ 28:20).

Tiến sĩ Mark Hitchcock, tác giả quyển sách THE END: Everything You’ll Want to Know about the Apocalypse, 2012, nói về ngày tận thế đã khiến tôi chú ý đến mấy điều quan trọng. Ông nói rằng dầu có nhiều sách vở và chủ trương khác nhau về ngày tận thế, những chủ trương có nhiều tranh cãi, nhưng có 3 điều chắn chắn sẽ xảy ra đó là:

  1. Chúa Giê-su sẽ trở lại quả đất bằng chính thân thể thấy được của Ngài.
  2. Sự sống lại của thân thể người đã chết.
  3. Sự phán xét cuối cùng dành cho mọi người.

Ông còn nhắc đến các sự kiện sau đây về Kinh Thánh:

  • Trong số 333 lời tiên tri về Chúa Giê-su Christ, chỉ có 109 lời đã được ứng nghiệm trong lần Chúa giáng sinh, còn lại 224 lời tiên tri sẽ được ứng nghiệm trong ngày Chúa tái lâm.
  • Có đến hơn 300 lần trưng dẫn đến sự tái lâm của Chúa trong 260 chương Tân Ước nghĩa là 1 trong 30 câu.
  • 23 sách trong số 27 sách Tân Ước nhắc đến sự Chúa tái lâm.
  • Chúa Giê-su nhắc đến sự tái lâm của Ngài trong ít nhất 21 lần.
  • Có đến 1,527 phân khúc Cựu Ước nói đến sự tái lâm.
  • Cứ mỗi lần Kinh Thánh nhắc đến sự giáng sinh, thì có đến 8 lần Kinh Thánh nói đến sự tái lâm.
  • Chúng ta được nhắc phải sẵn sàng đón Chúa tái lâm hơn 50 lần.

Vậy nếu chúng ta nô nức đón mừng lễ Chúa giáng sinh, chúng ta rất cần chuẩn bị sẵn sàng đón Chúa tái lâm. Dầu chúng ta không biết ngày nào Chúa trở lại nhưng Chúa hứa sẽ trở lại và lời hứa của Ngài là chắc chắn.

Chúa tái lâm là sự kiện quan trọng nhắc nhở chúng ta phải khẩn trương rao giảng tin lành. Hãy cùng tôi hăng hái rao giảng tin lành cho dân tộc Việt Nam trước khi quá muộn.

Chúa Giê-su, Đấng duy nhất chiến thắng sự chết và đang sống vẫn là niềm hy vọng duy nhất trường cữu và bất biến của nhân loại.

Đó là lý do những người tin thờ Chúa đang tiếp tục rao giảng tin lành hy vọng. Đó cũng là động cơ đang thúc đẩy tôi cố gắng viết xong và phổ biến quyển sách nầy. Tôi đang muốn đại diện cho người Việt Nam tin thờ Chúa nói với toàn dân Việt Nam chưa tin Chúa về tin mừng hy vọng cứu rỗi chỉ có trong Chúa Cứu Thế Giê-su.

 

Tại sao có nhiều người Việt chưa tin Chúa?

Một trong những câu hỏi thường xuyên trong đầu óc tôi và trong lòng tôi là tại sao sau hơn 100 năm Tin Lành được truyền đến Việt Nam, nhưng cho đến nay số người Việt tin Chúa vẫn là thiểu số so với dân số Việt càng ngày càng gia tăng. Nếu tính chung với Giáo Hội Công Giáo gọi là Thiên Chúa Giáo, con số người Việt tin Chúa vẫn chỉ là 10% dân số. Giữa người Kinh và người các dân tộc tin Chúa thì số người các dân tộc tin Chúa lại chiếm số đông hơn. Số người Việt dân tộc Kinh tin Chúa vẫn còn quá ít.

Tôi đã thử đưa ra những lý do cả khách quan lẫn chủ quan để tìm cho được lý do, và tôi hy vọng các học viên người Việt sẽ cùng tôi tìm ra lý do xác đáng giúp chúng ta biết cách làm gì để đẩy mạnh sự nghiệp truyền bá tin lành trên quê hương.

Lý do thứ nhất là “Lời nguyền địa lý.”

Việt Nam có địa lý giáp Trung Quốc phía bắc và phía Tây, phía Nam gần sát Lào và Campuchia. Đây là những nước có dân số theo Nho Giáo và Phật Giáo rất đông. Nước Việt cũng như Trung Quốc và Ấn Độ đều nằm trong lãnh thổ Á Châu theo truyền thống Đông Phương. Theo triết lý và tôn giáo Đông Phương.

Giống như một người con sinh ra trong gia đình theo Ấn Giáo hay Phật Giáo thì người con đó thường theo đạo Ấn hoặc đạo Phật. Ở nước Do Thái hay ở các nước theo Hồi Giáo cũng vậy. Phần lớn người ta theo đạo là vì gia đình đã theo truyền thống tôn giáo nầy hay tôn giáo khác.

Dân tộc Việt Nam chưa thoát được ảnh hưởng ngoại giáo đang hoạt động mạnh mẽ chung quanh với phong tục tập quán ngàn đời ăn sâu vào gốc rễ đời sống.

Niềm tin của người Á Đông là huyền bí, là tín ngưỡng đa thần, là đầu thai chuyển kiếp, là sống không cần Trời…

Nhưng tại sao ngày nay đa số người Nam Hàn và Singapore lại từ bỏ hình tượng để theo Chúa Giê-su?

Lý do thứ hai là “Bản tính dân tộc Việt.”

Tại sao có hàng triệu người Việt tha hương đang sống ở các nước có đa số theo Đạo Chúa vẫn không chịu tin Chúa? Có phải vì bản tính người Việt không thích hợp với ánh sáng lẽ thật của tin lành? Có phải vì bản tính “cứng lòng” của dân tộc Việt Nam?

Người Việt nặng mê tín dị đoan, thích chạy theo đám đông, sợ các quyền lực Ma qủy, sợ thế lực chính quyền, sợ gia đình chống đối tư tưởng mới, ngại thay đổi, ngại không giống ai, thích thói quen “xưa bày nay bắt chước.” Người Việt hài lòng với sự lãnh đạo của người khác, không dám tự lãnh đạo chính mình và gia đình mình. Người Việt chỉ học để vừa đủ khả năng đi làm kiếm tiền, không học để khám phá, sáng tạo, so sánh, nhận định, lựa chọn, dấn thân. Người Việt quen với nông nghiệp và không nặng với công nghiệp, thích làm thuê an nhàn hơn là làm chủ cầu tiến.

Nếu là bản tính thì chỉ Trời mới có khả năng thay đổi.

Lý do thứ ba là tình trạng nô lệ thuộc linh.

Trải bao đời người Việt chưa thoát được tình trạng nô lệ cho tội lỗi và đang ở dưới quyền kiểm soát của kẻ thù nghịch với Đức Chúa Trời mà Kinh Thánh gọi là Ma Quỷ. Giống như bị mù, bị điếc, người Việt không nghe tiếng cảnh cáo của Chúa, không thấy Ma Qủy đã sử dụng các truyền thống tôn giáo, lễ nghi, thói quen, và đám đông xã hội để trói buộc con người. Người Việt quen với bóng tối. Người Việt an phận với tình trạng nô lệ tâm linh. Vì mù lòa thuộc linh không thấy và không biết ách nô lệ nầy nên người Việt không nhìn thấy ước mơ cần được giải thoát. Thử lấy hình ảnh dân tộc Do Thái mang ách nô lệ của triều đình Ai Cập suốt 400 năm, họ quen thuộc và chấp nhận thân phận nô lệ mãi cho đến một ngày khi mọi người chịu không nỗi và kêu van với Chúa.

Khi người Việt nghe tin lành, đọc Kinh Thánh và biết rõ con đường cứu rỗi. Khi ánh sáng của Chúa khai mở tâm linh, tâm trí, tấm lòng thì người Việt mới nhận chân sự thật của mình và lúc đó họ mới khao khát tìm kiếm con đường giải thoát.

Lý do thứ tư có thể là do chính những Việt đã tin Chúa đang sống bình thản thờ phượng Chúa và rao giảng tin lành, không có động tỉnh gì khác biệt? Chúng ta không đủ đức tin để tin cậy và làm theo ý Chúa. Chúng ta không đủ đức tin và lòng nhiệt huyết để làm theo gương của Chúa.

Tôi nghe có câu danh ngôn nói rằng: “Người ta tin Chúa vì đã thấy một tín nhân và người ta không tin Chúa cũng vì đã thấy một tín nhân.” Phải chăng đa số tín hữu tin lành trong nhà thờ đều ăn ở giống như người thế gian? Không ai muốn sống khác người?

Thiên hạ có khi đang ngủ cả, tội gì mà thức một mình ta? 

Tôi thường tự hỏi người Việt chung quanh có nghe người Việt tin Chúa nói gì với họ hay không? Có phải chúng ta quá coi trọng Đại Điều Răn và coi nhẹ Đại Mạng Lịnh? Có phải chúng ta thích ngồi xuống để thờ phượng, đứng lên để phục vụ nhau trong nhà thờ nhưng không chịu ra đi để truyền giáo? Chúng ta quanh quẩn trong tháp ngà và không chịu đi ra ngoài cánh đồng? Chúng ta ngại thương ngại khó? Chúng ta đang tự biện hộ sự biếng nhác của mình bằng nhiều lý do?

Ngân sách hoạt động của chúng ta đang dành bao nhiêu phần trăm để thi hành Đại Điều Răn và bao nhiêu phần trăm để thi hành Đại Mạng Lịnh? Trả lời được câu hỏi nầy sẽ quyết định sự nghiệp truyền giáo của chúng ta đang tiến hay đang lùi.

 

Lý do thứ năm khiến tôi lo sợ và quặn thắt nhất có thể là về phía của Đức Chúa Trời.

Theo sách Rô-ma chương 1, tôi thấy hai chữ nổi bật, đáng chú ý:

Đức Chúa Trời nổi giận…

Đức Chúa Trời phó mặc…

Có thể nào Đức Chúa Trời đang nổi giận với người Việt và Ngài đang phó mặc người Việt chúng ta cho sự hư mất, cho Ma quỷ, cho hỏa ngục?

Người Việt chúng ta sẽ làm gì để Đức Chúa Trời ngưng nổi giận và ngưng phó mặc hay không?

Trong lịch sử, nước Mỹ đã được phục hưng vào đầu thế kỷ 18 nhờ Mục Sư Jonathan Edwards đã giảng bài giảng, “Tội nhân dưới cơn giận của Đức Chúa Trời” (Sinners in the Hands of Angry God, 1741), tạo ra cơn Đại Tỉnh Thức của nước Mỹ và thế giới (Great Awakening). Ngày nay ai nấy cũng đều giảng, “Tội nhân trong vòng tay yêu thương của Chúa.” Có người đang chủ trương nều Chúa muốn thì người ta sẽ tự động chạy đến với Chúa. Hay rồi đây ai nấy đều sẽ được lên thiên đàng? Chúa yêu thương mà!?

Tôi tin rằng dầu chúng ta hiểu gì, hay giảng gì, bản tính của Đức Chúa Trời vẫn không thay đổi. Kinh Thánh không thay đổi. Chương trình cứu rỗi của Chúa dành cho nhân loại không thay đổi! Vì thế chúng ta không trông đợi Chúa thay đổi nhưng chính mình chúng ta phải thay đổi trước.

Tôi tin rằng ngày nay nếu mỗi người trong các Hội Thánh của chúng ta nhìn thấy tình hình, biết tính của Chúa, mang tâm tình thương xót vị tha của Chúa, ra đi mở miệng làm chứng tin lành trong quyền năng thúc giục của Chúa Thánh Linh, đồng bào Việt Nam sẽ “quay lại ăn năn và đặt đức tin nương nhờ nơi Chúa Giê-su, Con Một của Đức Chúa Trời đã hy sinh trên thập tự giá.” Đức Chúa Trời sẽ làm ơn và tha thứ cho người Việt Nam. Đó là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta.

Tôi còn được an ủi nơi Kinh Thánh về lời hứa của Đức Chúa Trời:

“Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn. Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. (1 Phi-e-rơ 3:9)

Chúng ta còn một hy vọng nữa khi chú tâm tìm cách giúp người Việt đọc Kinh Thánh và nghe được sứ điệp cứu rỗi tin lành. Bởi vì đức tin đến bởi sự người ta nghe mà người ta nghe là khi lời của Đấng Christ được rao giảng.

“Nhưng nói làm sao? Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi. Ấy là đạo đức tin mà chúng ta giảng dạy. 9 Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-su ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; 10 vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi. 11 Vả, Kinh thánh nói rằng: Kẻ nào tin Ngài sẽ chẳng bị hổ thẹn. 12 Trong người Giu-đa và người Gờ-réc không có sự phân biệt gì hết, vì họ có chung một Chúa, giàu ơn đối với mọi kẻ kêu xin Ngài. 13 Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu. 14 Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? 15 Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? Như có chép rằng: Những bàn chân kẻ rao truyền tin lành là tốt đẹp biết bao! 16 Nhưng chẳng phải mọi người đều nghe theo tin lành đâu; vì Ê-sai có nói rằng: Lạy Chúa, ai tin lời chúng tôi rao giảng? 17 Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10: 8-17).

Ngày nay chúng ta có thể giảng tin lành trên radio, TV, facebook, Youtube, Zoom, Smart phone… và nhiều phương tiện khác. Rất nhiều tín hữu ngày nay có tài năng, có chuyên môn, có thể giúp nhau làm việc truyền thông, truyền tin nầy.

Nhưng phải chăng chúng ta quá bận rộn vì nhiều việc cần thiết khác trên đời và chúng ta không có thời giờ nào để dự phần truyền bá tin lành?

Chúng ta có thể trả lời với Chúa là chúng con quá bận rộn để sống và không thể tham gia việc Chúa truyền chúng con hay không?

Bạn có thấy lý do nào khác khiến nhiều người Việt vẫn còn khước từ và chưa tiếp nhận Chúa hay không?

Biết biết có cách nào tốt hơn giúp cho việc truyền bá tin lành tiến tới trên quê hương chúng ta hay không?

Tương lai của người Việt tùy thuộc vào nhận định và quyết định của chính bạn và tôi hôm nay.

 

Mục sư Nguyễn Văn Huệ

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm