Trang chủ Lời chứng NHỮNG MÙA ĐÔNG CỦA TÔI

NHỮNG MÙA ĐÔNG CỦA TÔI

bởi admin

Nhìn bãi cỏ đông đá trước nhà, biết mùa đông sắp đến gần cửa rồi, tuy đến gần cuối tháng 12 thì… chính phủ mới thông báo chính thức. Nhưng những tờ lịch vô cảm cứ… đến hẹn lại lên, cần biết gì thời tiết, giá buốt và cảm xúc thật, vì chính những thứ này mới tạo nên mùa, chứ thời gian trên giấy thì có nghĩa gì L. Đi bộ mỗi ngày, cúi xuống thì dẫm lên lá khô xào xạc như con nai… già ngơ ngác, ngó lên thì những hàng cây hai bên đường vẫn đang hết sức… năn nỉ, níu kéo mùa thu, ráng hết sức mình nở rộ những chiếc lá vàng cuối mùa.

Tôi bồi hồi nhớ lại những mùa đông đã đi qua trong đời tôi. Dường như bây giờ, tôi mới khám phá ra mình có duyên với mùa đông, chứ không phải mùa thu, những sự kiện quan trọng như là những dấu mốc trong cuộc đời ít nhiều (nhiều hơn ít) đều có bà con cô bác với mùa đông. Mùa thu chỉ là cảm xúc, còn mùa đông mới thật là đời sống.

Tôi rời Việt Nam vào giữa tháng 12 và đến Mỹ vào những ngày cận Giáng sinh. Mảnh đất đầu tiên của Mỹ tôi đặt chân đến là New York, nhưng chỉ là đứng trong cửa kính của phi trường, thở hơi ấm vào khung cửa kính, lấy tay quệt ngang vết ẩm của hơi thở để nhìn cho rõ những chiếc máy bay của hãng American Airline nghênh ngang bên ngoài, trong khung cảnh mù mờ ảm đạm của đất trời, và cảm giác thật rõ, mình đã đặt chân đến vùng đất mà mình mơ ước từ bao nhiêu năm nay, sau những ngày đứng trên triền dốc nhìn xuống dòng sông ngầu đục chảy xiết bên dưới và thoáng có ý nghĩ thử gieo mình xuống. Những ngày chèo xuồng ba lá trên dòng Hậu Giang mênh mông lục bình xuôi ngược để mưu sinh. Những ngày lượm những tờ giấy rơi rớt đâu đó, cây bút chì cùn hết cả đầu lượm đâu đó, lại làm thơ, mà không hiểu mình làm thơ để… làm gì.

Tôi vẫn còn nhớ như in trong tâm trí hình ảnh của thành phố Dallas về đêm nhìn từ máy bay hai mươi sáu năm trước. Phía dưới đó là một thành phố rực rỡ ánh đèn và ngổn ngang trong tôi những suy tưởng mới về một nơi chốn mới mà tôi vẫn chưa hình dung được, thậm chí tôi cũng chẳng muốn hình dung gì sau chuyến bay dài phải dừng lại quá nhiều nơi, từ Asia đến Europe, đến Hoa Kỳ, với một thân thể mệt mỏi. Và tôi đã bước ra khỏi phi trường Houston, bước chân thật sự vào đất nước Hoa Kỳ, nơi đã cho tôi những năm tháng dài cho đến bây giờ, thật sự nếm trải những vui nhiều, buồn cũng không ít, những ngày tháng gian nan và cũng có những an bình. Tôi đặt những bước chân đầu tiên lên đất Mỹ, không màu mè cúi xuống hôn đất như những người di dân nhiều trăm năm trước, nhưng tôi nghĩ rằng mình đã hôn cả bầu trời của đất nước mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho mình, từ những ngày mình không biết ra.

Hai ngày sau đó, khi giấc ngủ vẫn chưa trọn vẹn, tôi cùng gia đình lên xe đò Greyhound xuôi về California, nơi đại gia đình tôi đang chờ đón, vì không đủ tiền mua vé máy bay cho 4 người từ Houston đến Los Angeles trong những ngày cận kề Giáng sinh. Chuyến xe hai ngày hai đêm chạy qua những đồng cỏ mênh mông của miền Viễn Tây, những trạm dừng đột ngột đâu đó trên đoạn đường dài, những giấc ngủ ngắn bị đánh thức bởi tiếng xe thắng lại, tiếng người cười nói, những bước chân vội vã di chuyển cho kịp chuyến xe kế tiếp. Tôi bắt đầu mùa đông đầu tiên ở California với cây thông giáng sinh màu sắc lòe loẹt ở nhà mẹ tôi, nhìn ngắm lần đầu những màu sắc giáng sinh trên các bãi cỏ nhà hàng xóm, trong các quán, trên đường phố. Và nhạc giáng sinh rộn rã người ta có thể nghe ở bất cứ đâu. Ở California tôi bắt đầu cuộc sống viễn xứ.

Ba năm ở California đủ để quen đường, đủ để nếm trải những kinh nghiệm Hoa Kỳ và kịp thời lấy lại những kiến thức thần học dang dở, lấy mảnh bằng thần học đầu tiên, Đức Chúa Trời lại cho tôi một kinh nghiệm mới về chức vụ khi bắt đầu tại Maryland, miền Đông Bắc Hoa Kỳ, cũng vào một mùa đông. Tôi bay một mình đến Maryland trước và một trận tuyết lớn chào thân thiện ở phi trường. Mùa đông ở đây hoàn toàn khác với mùa đông miền Tây nắng ấm, tôi phải tập làm quen với những trận tuyết đột ngột rơi ban đêm, phủ kín ban ngày, lầy lội trên những thảm cỏ, trên những đường phố và xa lộ mênh mang. Tập làm quen với những chiếc áo coat dày, khăn quàng che kín cổ, với mũ len trùm kín đầu, buổi sáng mở cửa nhà thở ra khói, sắm sẵn những cái xẻng xúc tuyết trên xe, trên ngõ, hát thánh ca giáng sinh trong giáo đường. Vui hưởng những đặc ân mà Đức Chúa Trời đã ban cho một người không xứng đáng nhận lãnh.

Sau 11 năm hầu việc Chúa tại vùng đất băng giá, Maryland, Virginia, lại một mùa đông khác Chúa kêu gọi tôi đến Texas. Tôi cũng rời Maryland đến Texas vào một ngày mùa đông. Texas không phải là vùng đất mới, Dallas Fort Worth là nơi tôi đã từng đi qua, từng ở lại. Nhưng lần này là ở lại nhiều năm. Khí hậu ở đây là mix với nhiều trạng thái, khi nóng thì nóng quá, khi lạnh thì lạnh quá, khi tuyết rơi thì mặt đường đông đá, lỡ ra đường thì thả tay lái và chân ga, để xe trôi tự do. Vào mùa nóng, người ta nói đùa, Dallas có 3 mùa, mùa nóng, mùa nóng hơn và mùa nóng nhất. Vào mùa lạnh, họ cũng nói như vậy. Tôi vui thỏa với một Hội Thánh không rắc rối, với cái văn phòng Mục sư nhỏ mà ấm cúng, mỗi ngày đến văn phòng, mở cửa phòng, ngồi vào bàn, cầu nguyện, đọc sách và soạn bài giảng, viết lách, khi cần thì rời văn phòng đi thăm tín đồ. Cuộc sống của một Mục sư khi thì giống như chèo thuyền trên hồ, cũng có khi ra biển với cơn bão, giống như Chúa Jesus ngày xưa, khi giảng đạo trên hồ, lúc đi bộ trên mặt biển sóng gió. Nhưng điều tôi kinh nghiệm sau nhiều năm, là ở đâu cũng có Chúa hết, dù trên hồ, hay trên sông, hay biển cả. Bàn tay Chúa đưa ra nắm lấy tay Phi e rơ trên mặt biển sóng gió ngày nào, cũng từng đưa ra nắm lấy bàn tay lạnh giá của tôi trong mùa đông lạnh lẽo.

Rồi cũng một mùa đông, khi Chúa sai một người đến, rủ tôi bước ra khỏi con thuyền của Hội Thánh. Tôi biết mình có… máu giang hồ, dù khá nhút nhát, sợ thách thức, để cho tôi núp trong các vách tường giáo đường thì không sao hết, nhưng một khi cánh cửa mở, mở hé một chân trời viễn du, thì tôi mơ mộng 🙂  Nhưng tôi đã nghe được tiếng của Chúa sau nhiều ngày suy nghĩ và cầu nguyện, nên tôi bước ra khỏi thuyền, dù vẫn ngạc nhiên vì quyết định của mình. Tôi đến Texas mùa đông, và lạ thay cũng ra đi vào mùa đông. Tôi vẫn nhớ ngày cuối, từ giã Hội Thánh, bước ra ngoài, thì một cơn gió lạnh ập đến đủ để rùng mình.

Tôi đến Nga vào một mùa đông khác. Mùa đông ở Nga, hoàn toàn khác với mùa đông ở Mỹ. Người ta khuyên du khách không nên đến Nga vào mùa đông, nhưng tôi không phải là du khách, tôi là một khách lữ hành trên đất đi tìm những vùng đất để gieo những hạt mầm của Tin lành. Trong trí óc tôi chưa bao giờ có hình ảnh của nước Nga. Khi tôi được mời đến đó, tôi đã hình dung ra một không gian xám xịt cả đất lẫn trời, với những tòa nhà lớn xi măng, bê tông cốt sắt kềnh càng, bí ẩn, bí hiểm, những chiếc xe mật vụ đen thui lạnh lùng lướt trên đường, mà tôi đã xem trong phim Doctor Zhivago vào những năm cuối 1975. Nhưng Nga của những năm 2000 không giống trong suy tưởng. Nó đẹp hơn, và cởi mở hơn, nhất là lòng người Việt tha hương, ở đâu cũng giống nhau. Dầu vậy, sự lạnh lẽo của nó là kinh hoàng. Các bạn ở Nga đã phải cho tôi những chiếc áo coat dày, cổ lông thú, giày boot đi trên tuyết và khăn quàng trùm kín cả… mũi, những cơn mưa tuyết lớn hất vào chúng tôi những tảng… băng khi chúng tôi rời khỏi xe đi vào khu vực những người làm công Việt Nam trong các khu vườn rau nằm ở ngoại thành Moscow. Vào hang hùm mới bắt được cọp. Trong mùa đông tê tái của nước Nga, lòng chúng tôi đã vô cùng ấm áp khi đưa về nhà Chúa hàng chục người, cả trăm người.

Và bây giờ, tôi đang chuẩn bị rời khỏi Hội Thánh Greenville, cũng vào mùa đông. Lễ Giáng sinh sẽ gởi tặng mỗi gia đình tín hữu một cuốn sách mới Đường Dài Tôi Đi, Amazon đã ship tới nhà 30 cuốn sách tuần này, tuần cuối tháng mười hai giảng bài giảng cuối trong… tư cách là một Mục sư quản nhiệm 🙂 Có hứa với Hội Thánh sẽ còn giảng, nếu Hội Thánh còn… mời, và Mục sư còn ở đây, chưa đi đâu. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều cho dịch bệnh sớm chấm dứt, cho vaccine sớm có, và sớm mua vé máy bay về Việt Nam. Hơn hai năm rồi, lòng tôi mong ngóng ngày ấy. Tôi đã mong ngóng ngày rời Việt Nam đến Mỹ, và bây giờ mong ngóng ngày rời Mỹ trở về Việt Nam. Người Việt Nam nói rằng họ hoan nghênh và chờ đợi ngày Mục sư về Việt Nam, người Mỹ thì nói những lời… tiêu cực nhằm cản bước chân của một con chim đã già muốn quay về quê hương, họ yêu thì họ nói thôi 🙂  người Canada cũng vậy, nói rằng, về nơi ấy làm chi 🙂

Tôi mỗi ngày vẫn lái xe vào nghĩa trang, nhìn ngôi mộ cuối mùa thu đầy xác lá vàng. Tôi mỗi ngày vẫn lái xe chạy trên những con đường quen thuộc của thành phố, quen thuộc đến nỗi không cần suy nghĩ, tôi mỗi tuần chạy đến nhà thờ, mở cửa bằng chiếc chìa khóa đặc biệt của mình. Tôi nghĩ rằng thật khó để rời khỏi nơi này. Cái gì cũng trở thành như là những người thân yêu ruột thịt của mình. Vàì người nói: Mục sư chắc không đi đâu, đi rồi trở về thôi, bà Mục sư nằm ở đây mà L Thôi để cho Đức Chúa Trời tính, mình có tính cũng không được, Đức Chúa Trời cao cả đã đưa tôi vượt qua mấy đại dương, một biển lớn, cho tôi định cư tại một vùng đất mà tôi không dám mơ đến bao giờ Công vụ 17:26: Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở. Ngài đã định, và sẽ còn định cho tôi chỗ nào sẽ ở, cho đến khi gặp Ngài.

Ai cũng từng trải qua một vài mùa đông của đời mình, những mùa đông thật đắt giá, thấm thía, buốt giá đến từng khớp xương, trong nơi thầm kín, chỉ ngồi yên mà nghĩ, mà không thể nói. Những trận bão tuyết không ít thì nhiều cũng từng thổi ngang đời mình, làm cho mình tê tái, tê cóng, tê dại… Nhưng rồi, những mùa đông ấy cũng lặng lẽ trôi qua, trôi qua một cách… lặng lẽ, như ngày qua, tháng qua, năm qua, theo nhau đi về cuối chân trời. Lời chân lý của Đức Chúa Trời cũng cho mình biết rằng mọi thứ rồi sẽ qua đi hết, không có gì tồn tại mãi mãi, ngoại trừ sự bất biến và tình yêu bao la vô hạn của Ngài.

Mùa đông năm nay, có thể là một mùa đông của thảm họa, nặng nề hơn nhiều những mùa đông chiến tranh, đói kém mà nhân loại đã từng trải qua. Người ta không cần tiên tri, người ta thấy trưóc những điều đó. Những trận bão tuyết nguy hiểm, những bệnh cảm cúm, dịch lệ sẽ xảy ra hầu như cùng lúc, trong mùa đông là mùa người ta đã phải chống chọi với biết bao khó khăn, bất tiện. Tôi nhớ lại lời Chúa Jesus dạy các môn đồ về những thảm họa xảy ra trong mùa đông: Ma thi ơ 24:20, Hãy cầu nguyện cho các ngươi khỏi trốn tránh nhằm lúc mùa đông hay là ngày Sa-bát. Tôi chỉ biết lập lại những lời Chúa Jesus đã nói: Hãy cầu nguyện cho các ngươi khỏi trốn tránh nhằm lúc mùa đông hay là ngày Sa bát. Hãy cầu nguyện.

Nhưng tôi nắm lấy lời này mà cầu nguyện. Khi Chúa Jesus đã bảo hãy cầu nguyện cho ngày đó, thì Ngài biết rằng Ngài có giải pháp. Ngài sẽ giải quyết.  Ngài là giải pháp cho mọi nan đề, chỉ cần chúng ta cầu nguyện. Tôi đã trải qua những mùa đông ảm đạm trong đời, nhưng trong những lúc đó, Chúa Jesus đi cùng tôi, và biến những mùa đông ấy trở nên những bài học đắt giá cho cuộc đời tôi.

Tôi hy vọng mùa đông ảm đạm của thế giới sẽ qua, năm 2020 sẽ chấm dứt những đau buồn, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu sáng, soi sáng trở lại. Đức Chúa Trời đầy lòng nhân từ, sẽ sẵn lòng tha thứ lỗi lầm cho những đứa con mà Ngài đã sinh ra, đã làm buồn lòng Ngài, sẽ đem lại sự bình an và niềm vui cho họ, làm cho những ngày đời họ tươi mới như thuở xưa.

Mục sư Lữ Thành Kiến 

Có thể bạn quan tâm