Trang chủ Hỏi Và ĐápTin Quốc tế CHÚNG TA GIỮ ĐƯỢC GÌ?

CHÚNG TA GIỮ ĐƯỢC GÌ?

bởi admin

“CHÚNG TA GIỮ ĐƯỢC GÌ?” VÀ  “CÔNG VIỆC CHÚA CẦN TỐN KÉM NHỮNG GÌ?”

Dẫu vậy, chúng ta bị cám dỗ để cảm thấy yên lòng khi bố thí người nghèo những thứ vụn vặt. Vì lý do này, tôi mang ơn một người bạn đã giúp tôi đánh giá những điều tôi sẵn lòng cho đi. Anh ấy là Jason. Anh cùng gia đình sống tại một đất nước nơi việc chia sẻ phúc âm là phạm pháp. Anh hiện phục vụ cho những người chưa được nghe về Đức Chúa Giê-su. Có lần anh đã viết thư cho tôi và nói đến hàng triệu người vẫn chưa được nghe phúc âm:

 

“Còn bao nhiêu người không có niềm tin bởi vì họ không được nghe phúc âm? Cần tốn kém những gì để họ được nghe phúc âm? Phải chăng họ không được nghe về phúc âm bởi vì không ai nói cho họ? Vâng theo lời Chúa, chúng ta cần phải làm gì để thay đổi một thế giới nơi hàng triệu triệu người không thể kêu cầu danh Chúa? Đại đa số chúng ta sẽ nói rằng tôi biết câu trả lời. Thậm chí rất nhiều người trong chúng ta sẽ nói rằng tôi đang thực hiện công việc để thay đổi hiện trạng ấy. Song sự thật đó là, vẫn sẽ có hàng triệu triệu người không được nghe về phúc âm nếu chúng ta tiếp tục sử dụng những khoảng thời gian rảnh rỗi và những số tiền nhàn rỗi để đến với những người chưa tin. Hai câu hỏi hoàn toàn trái ngược đó là: “Chúng ta giữ lại được gì?” và “Công việc Chúa cần tốn kém những gì?”

Câu hỏi của Jason thách thức đến tận thâm tâm của tôi, không chỉ vì chúng gắn liền với công tác truyền giáo cho người chưa tin, nhưng hai câu hỏi ấy còn liên quan đến việc chăm sóc cho người nghèo khó. Tôi nghĩ rằng: sẽ ra sao nếu chúng ta ngừng suy nghĩ đến những gì chúng ta có thể giữ lại nhưng bắt đầu nghĩ đến những phí tổn cho công tác Chúa?

Đến đây, tôi không cho rằng bạn và tôi có thể đơn thương độc mã ban cho đủ nhiều để làm nhẹ bớt tình trạng đói nghèo. Dù sao đi nữa, tình trạng đói nghèo là hậu quả của nhiều yếu tố khác nhau như xã hội, chính trị, kinh tế, đạo đức, của cải và những yếu tố khác. Có những yếu tố chúng ta có thể tác động được (dù bằng những cách nhỏ nhoi), nhưng cũng có những yếu tố vượt ngoài tầm ảnh hưởng của chúng ta. Rõ ràng, Đức Chúa Trời không truyền lệnh và cũng không kỳ vọng chúng ta đáp ứng cho mọi nhu cầu. Tuy nhiên lý luận nào nói rằng: “Bởi vì tôi không thể làm tất cả mọi việc cho nên tôi sẽ chẳng làm gì cả,” thì lý luận đó đến từ địa ngục.

Sẽ ra sao nếu cùng nhau chúng ta dừng lại việc bố thí người nghèo những đồ vụn vặt mà bắt đầu bố thí cách rộng rời? Sẽ ra sao nếu chúng ta bắt đầu bố thí không chỉ những điều chúng ta có thể cho đi nhưng nhiều hơn thế nữa? Sẽ ra sao nếu chúng ta phải hy sinh lợi ích cá nhân để bố thí, giống như góa phụ nghèo trong Lu-ca 21 đã cho đi tất cả những gì bà có? Sẽ ra sao nếu chúng ta bố thí cách dư dật không vì những nhu cầu nguy kịch xung quanh, nhưng bởi vì tấm lòng của Đấng Christ ở trong chúng ta đòi hỏi và khát khao những hành động bố thí ấy?

 

Tự do để ban cho

Đây chính là lời dạy của Kinh Thánh. Trong I Ti-mô-thê 6, Phao-lô viết cho Ti-mô-thê phải răn bảo người giàu “làm điều lành, làm nhiều việc phước đức, kíp ban phát và phân chia của mình có.”[1] Điều Phao-lô căn dặn trên đây chính là chìa khóa để chúng ta được tự do khỏi bản chất đầy chết chóc của sự giàu có và của cải. Hãy ban cho. Hãy ban cho cách rộng rãi, dư dật và đầy hy sinh. Hãy ban cho không chỉ vì những của cải bạn có là xấu. Hãy ban cho vì cớ Đấng Christ ở trong bạn. Hãy ban cho bởi vì tấm lòng của bạn được bắt phục bởi một Đấng Cứu Rỗi, Đấng ấy sản sinh bên trong bạn “lòng quá vui mừng,” để bày tỏ “sự dư dật của lòng rộng rãi mình.”[2]

Các môn đồ rất quen thuộc với sự tự do này. Sau khi Đức Chúa Giê-su nói chuyện với người trai trẻ giàu có, Phi-e-rơ đã thưa với Đức Chúa Giê-su rằng: “Chúng tôi đã bỏ sự mình có mà theo thầy!”[3] Đối lập với người trai trẻ giàu có lòng đầy buồn bã quay bước khỏi Đức Chúa Giê-su thì đây là một môn đồ được tự do khỏi ách nô lệ cho tiền bạc và của cải, được tự do khỏi sự an ninh và những điều thoải mái nơi trần thế.

Tôi đã nhìn thấy sự tự do này trong gia đình đức tin mà tôi lãnh đạo. Sau ngày Chủ Nhật mà chúng tôi đã học về câu chuyện người trai trẻ giàu có trong Mác 10, tôi đã nhận được một bức thư điện tử từ một thành viên trong hội thánh viết như sau:

“Tôi và vợ về nhà, dọn hết tất cả quần áo, lấy mấy bao thức ăn đóng hộp và tất cả quần áo mà con trai của chúng tôi đã không còn mặc vừa cùng với tất cả đồ chơi mà cháu không còn chơi nữa. Tôi lấy mấy trăm đô-la mà tôi đã để dành để chăm sóc bãi cỏ phía trước nhà, sau đó lái xe đến dự án chăm sóc các vấn đề nội đô và cầu nguyện. Tôi cầu nguyện cho những người mà tôi không biết đến, những người sẽ tiếp nhận những đồ đạc mà chúng tôi đã có quá nhiều.

Căn nhà đầu tiên chúng tôi đến là một người đàn ông ba mươi tuổi có một con nhỏ và đang cần quần áo lao động. Thật là hoàn hảo! Tôi có quần áo để cho anh cũng như đồ chơi và quần áo nhỏ để tặng cháu bé. Anh cần tiền để mua hàng tạp hóa nên tôi gửi anh 100 đô la.

Căn nhà tiếp theo có ba cháu nhỏ độ tuổi dưới mười hai, vậy tôi tặng các cháu TV, VCR và hai máy chơi điện tử. Mẹ của các cháu cần mua hàng tạp hóa nên tôi gửi cô 100 đô la.

Căn nhà tiếp theo là một cặp vợ chồng. Họ cần quần áo cho người vợ và tiền để trả tiền mua xe. Vậy tôi tặng họ quần áo của vợ tôi và 100 đô la.

Chúng tôi cầu nguyện với từng gia đình và nói với họ rằng chúng tôi đi cùng với Chúa. Chúng tôi rất nôn nả cho công tác này đến nỗi chúng tôi đã quay trở về nhà để lấy thêm đồ đạc đem đi tặng. Giờ đây tôi và vợ đang phục vụ tại trung tâm dành cho người vô gia cư tại nội đô, và tôi sẽ bắt đầu dạy nghệ thuật và đồ họa tại trung tâm dạy học dành cho người vô gia cư.”

 

Nhiều người sẽ nghi vấn về hành động của chàng trai này, thậm chí một số người có thể sẽ chỉ trích anh vì hành động quá ngẫu hứng, tuy nhiên sẽ ra sao nếu những việc làm trên là một minh họa đơn giản cho sự tự do khi chúng ta vâng theo lời Chúa? Tôi không có ý nói rằng vâng theo lời Chúa thì phải hành động y như chàng trai kia, tuy nhiên chúng ta hãy suy nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi một chúng ta quyết định từ bỏ hoàn toàn?

Xin mời chúng ta hãy đọc thêm một email từ Lisa, một phụ nữ trong cộng đồng đức tin của chúng tôi:

 

“Nhiều tháng trời tôi đã lắng nghe Lời Chúa và tranh chiến, tôi đã cố gắng hòa hợp cuộc sống của tôi với những lời dạy của phúc âm. Tôi đã cố gắng tìm kiếm những câu trả lời dễ chịu hơn giữa cuộc sống của tôi bây giờ và lời dạy phải bán đi tất cả mọi điều tôi có cũng như rời bỏ cuộc sống dễ chịu để đem phúc âm đến với thế giới. Song tôi nhận ra rằng chẳng có một câu trả lời dễ chịu nào cả. Từ bỏ tất cả đó là lựa chọn duy nhất.

Vậy tôi bán đồ đạc của tôi ở trên mạng Internet và cố gắng trả hết nợ để tôi có thể ban cho được nhiều. Để có thể trả hết nợ, tôi thật sự phải bán gần như tất cả mọi thứ trừ cái áo mà tôi đang mặc (và có lẽ còn một cái nữa!).

Tôi rất nóng lòng chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Tôi hoàn toàn chưa chuẩn bị gì, bị thiếu thốn và sợ hãi. Nhưng tôi rất sẵn lòng. Hãy thực hiện thôi.”

 

Một lần nữa, có lẽ đối với một số người thì hành động này thật quá cực đoan, tuy nhiên sự thật đó là hành động của Lisa thích hợp với lời dạy của Đức Chúa Giê-su trong Mác 10 hơn hẳn hành động của những người chỉ ngã lưng trên ghế xếp mà không làm gì.

Được tự do để ban cho đã được hiện thực hóa theo nhiều cách khác nhau tại hội thánh của chúng tôi.

Sau khi học bài học Đức Chúa Trời chăm sóc trẻ mồ côi trong Gia-cơ 1:27, chúng tôi quyết định liên hệ đến Bộ Dịch Vụ Nhân Sinh và nhận nhiệm vụ đảm bảo rằng họ sẽ có đủ gia đình để chăm sóc cho các trẻ em thiếu thốn trên đất nước của chúng tôi. Họ cần 150 gia đình và chỉ trong hai tuần đã có 160 gia đình trong hội thánh của chúng tôi đăng ký nhận con nuôi. Ngày nay, trên khắp đại gia đình đức tin của chúng tôi, các gia đình đang dọn dẹp chỗ ở trong nhà của họ để nhận những trẻ mồ côi về nuôi dưỡng, những người khác thì dùng các khoản tiền tiết kiệm và đầu tư để nhận con nuôi từ Birmingham và những nơi khác trên thế giới.

Những nhóm nhỏ thuộc mọi lứa tuổi trong hội thánh đã bắt đầu hy sinh những thứ xa xỉ phẩm để làm mọi công tác giúp đỡ, từ đào giếng cho những cộng đồng nghèo khó, đến mua gà cho các ngôi làng thiếu thốn. Một Chủ Nhật tôi quay về từ một thành phố tại Indonesia nơi đã xảy ra một trận động đất phá hủy hàng nghìn ngôi nhà. Tốn khoảng 400 đô la để xây dựng lại một ngôi nhà, vậy trong ngày Chủ Nhật đó, vâng theo Lời Chúa, tôi đã mời hội thánh góp phần xây dựng nhà tại Indonesia. Mọi người bắt đầu viết ngân phiếu và đem tiền mặt lên phía trước, đến cuối ngày, hội thánh đã quyên góp được hơn 100.000 đô la. Những người không có tiền mặt thì đóng góp tài sản. Một phụ nữ nọ đã góp chiếc nhẫn cưới và nói rằng: “Lúc này tôi và chồng không có nhiều tiền, nhưng tôi có thể góp chiếc nhẫn này để một gia đình tại Indonesia có được căn nhà để ở.” Những ngày sau đó, chúng tôi làm việc với các hội thánh tại Indonesia để xây dựng hàng trăm căn nhà đồng thời công bố phúc âm ở một cộng đồng mà phần lớn là người Hồi Giáo.

Tháng trước chúng tôi học về Gia-cơ 2:14-17 và suy nghĩ về những anh chị em trên khắp thế giới “không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày.” Bởi vì nền kinh tế đang gặp khó khăn, chúng tôi phải có hành động để giữ lại tiền trong ngân sách của chúng tôi. Kết quả là chúng tôi đã có dư hơn 500.000 đô la để dành cho lúc thiếu thốn.

Qua Lời Chúa, Ngài bắt đầu hướng chúng tôi đến những anh chị em tại Ấn Độ, một đất nước có số người nghèo chiếm 41 phần trăm tổng số người nghèo của cả thế giới. Rất nhiều trẻ nhỏ không thể sống đến năm tuổi, chính vì vậy chúng tôi tìm kiếm một phương cách để phục vụ họ. Chúng tôi tìm được rằng với khoảng 25.000 đô la, chúng tôi có thể cung cấp thức ăn, nước uống, dịch vụ y tế và giáo dục cho các bà mẹ và trẻ nhỏ tại một ngôi làng nọ trong một năm. Chúng tôi tìm được hai mươi mốt hội thánh tại các ngôi làng nghèo ở khắp Ấn Độ và chúng tôi bắt đầu cân nhắc có thể phục vụ được cho hội thánh nào. Đó là lúc chúng tôi chậm lại và nhận ra: “Nếu có hai mươi mốt hội thánh tại các ngôi làng nghèo mà chúng tôi có thể kết nối được, và mỗi một nơi chúng tôi có thể phục vụ cho các trẻ em đói nghèo và gia đình của chúng với chi phí khoảng 25.000 đô la, vậy tổng cộng cần 525.000 đô la. Trong khi đó, Chúa đã cho chúng tôi có được hơn 500.000 đô la.”

Việc này dẫn đến một quyết định thú vị. Chúng tôi nói rằng: “Hãy dùng hết số tiền để dành ấy.” Hai tuần sau hội thánh của chúng tôi ngồi lại và nói: “Chúng tôi muốn cho đi tất cả số tiền này vì sự vinh quang của Đấng Christ ở giữa các anh chị em đang thiếu thốn.”

Xin đừng hiểu lầm. Vẻ đẹp ở tất cả những bức tranh kia không phải là việc chu cấp cho người nghèo những nhu cầu thuộc thể. Khi chúng tôi nhận nuôi trẻ nhỏ, khi các nhóm nhỏ của chúng tôi cho đi mọi xa xỉ phẩm của họ, và khi chúng tôi ra đi từ Birmingham đến Ấn Độ và những nơi khác, chúng tôi đã làm tất cả những việc đó với phúc âm. Chúng tôi khám phá niềm vui của một phúc âm trọn vẹn ở bên trong để sản sinh những bông trái trọn vẹn ở bề ngoài. Và khi chúng tôi đáp ứng những nhu cầu trên đất, chúng tôi cũng công bố một phúc âm làm biến đổi đời sống cho cõi đời đời. Trọng tâm của vấn đề không nằm ở việc đáp ứng cho nhu cầu tạm thời hay thay đổi một số liệu thống kê khiến chúng ta phải kinh ngạc; nhưng điều quan trọng đó là sự vinh quang của Đấng Christ được tôn cao qua việc chúng ta bày tỏ phúc âm của Ngài bằng tấm lòng rộng rãi.

 

DAVID PLATT

Translated by Vinh Hien

 

Có thể bạn quan tâm