Trang chủ Lời chứng Từ “Tháp Canh” Trở Về Nhà

Từ “Tháp Canh” Trở Về Nhà

bởi

Lời làm chứng của Ông Trần Đình Tâm.
Nguồn: https://gianggiaithanhkinh.net/  

Lời làm chứng của tác giả

Phần đào tạo về tôn giáo thuở ấu thời của tôi, là trong một nhà thờ lớn, sơn trắng, của Hội Thánh Thống Nhất (Unitarian Church) tại miền quê New England, ngay phía Nam Boston. Tôi vẫn còn nhớ cái thời mà bằng sự ngây thơ trẻ con, tôi đã thố lộ với vị mục sư niềm tin của tôi rằng Đức Chúa Trời đã thật sự làm rẽ nước Biển Đỏ cho Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên đi qua. Ông ta đã quay sang vị mục sư phụ tá và vừa nói vừa cười to: “Cậu bé nầy còn phải học hỏi rất nhiều điều nữa!” Thật vậy, càng lớn lên, tôi đã phải học hỏi những gì mà hội thánh ấy dạy. Gặp quyển sách nhỏ của họ nhan đề “Người của Hội Thánh Thống Nhất tin gì” tôi đọc thấy: “Một số tín hữu Thống Nhất tin vào Đức Chúa Trời, và một số thì không tin” – nên nhận biết ngay rằng hai vị mục sư kia chắc thuộc số người chẳng tin.

Năm lên 14 tuổi, tôi đã tự mình đi đến chỗ kết luận rằng tôn giáo là “thuốc phiện của nhân dân”, một tư tưởng phù hợp với một thiếu niên vốn thích đừng có Đức Chúa Trời cứ luôn luôn dòm ngó, theo dõi mình. Rồi khi tôi vào Trường Đại Học Harvard, tôi nhận thấy vô thần chủ nghĩa và bất khả tri luận thuyết cũng đang phổ biến ở đây. Cho nên, giữa Hội Thánh Thống Nhất và giai đoạn đi học, tôi ít khi gặp một áp lực gì mạnh mẽ, thúc đẩy mình phải tin vào Đức Chúa Trời cả.

Tuy nhiên, vào năm tôi 22 tuổi, tôi có suy nghĩ theo thuyết tiến hóa vô thần về cứu cánh tối hậu của nó: một cuộc đời vô mục đích, tiếp theo đó là cái chết. Dù sao, nếu loài người vốn chẳng phải gì khác hơn là loạt cuối cùng trong những chuỗi sự việc ngẫu nhiên của sự sinh hóa thì bất kỳ một ý nghĩa hay chủ định gì chúng ta có thể cố tìm cho đời sống, sẽ chỉ là một điều tưởng tượng ra để tự lừa dối mình, nẩy sinh trong chính tâm trí của chúng ta mà thôi. Tôi sẽ chẳng bao giờ thật sự có liên hệ gì với cái thực tại thô cứng, lạnh lùng của một vũ trụ trong đó chẳng có gì thật sự có ý nghĩa cả. Do đó, tôi cảm thấy mình phải trực diện với hai sự lựa chọn: hoặc là Đức Chúa Trời, hoặc là tự sát. Vì tự sát sẽ là một lối thoát quá dễ dàng cho tôi (tôi tin rằng chết là hết, sau khi chết sẽ chẳng còn gì nữa cả) nhưng sẽ để lại sự đau đớn cho những người đã quan tâm chăm sóc lo lắng cho tôi, nên tôi bắt đầu suy nghĩ về Đức Chúa Trời.

Do ngẫu nhiên (?) một Chứng nhân của Đức Giê-hô-va được sắp xếp làm việc bên cạnh tôi. Vì tâm trí tôi đang suy nghĩ về Đức Chúa trời, tôi bắt đầu hỏi người ấy về niềm tin của anh ta. Những câu trả lời của anh ta khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe các tư tưởng tôn giáo được trình bày mạch lạc, ăn khớp chặt chẽ với nhau về mặt luận lý. Mọi điều anh ta nói đều khớp đúng vào nhau. vì anh ta trả lời tất cả các câu hỏi của tôi, tôi cứ đặt thêm càng nhiều những câu hỏi với anh ta. Chẳng bao lâu, tôi được hướng dẫn để đến với một lớp học hai lần mỗi tuần để nghiên cứu quyển sách mới của Hội Tháp Canh nhan đề “Chân lý dẫn tôi đến sự sống vĩnh hằng” (1968).

Chẳng mấy chốc mà tôi đã trở thành một Chứng nhân hết sức nhiệt thành. Sau khi học phần giáo lý bước đầu; tôi chịu phép báp-tem, và phục vụ với tư cách “mục sư tiên phong” (pioneer minister) làm việc trọn vẹn thì giờ. Công tác nầy đòi hỏi tôi phải dành ít nhất một trăm giờ mỗi tháng để truyền giảng từ nhà nầy sang nhà khác, và hướng dẫn các lớp học Kinh Thánh tư gia – thật ra nó đòi hỏi đến hơn một trăm giờ vì thời gian di chuyển không được kể vào bản báo cáo công tác hằng tháng. Tôi cứ làm “nhà tiên phong” cho đến năm 1971 khi cưới nhà tôi là Penni, vốn được trưởng dưỡng trong tổ chức, và cũng là một “nhà tiên phong”.

Nhiệt tâm của tôi đối với Đức Giê-hô-va và tài năng truyền giảng của tôi đã được tưởng thưởng sau vài năm bằng việc bổ nhiệm tôi làm trưởng lão. Với chức vị nầy, tôi dã dạy cho hơn 150 người trong hội chúng tại gia của mình thật đều đặn và thường xuyên đi thăm nhiều hội chúng khác với tư cách một diễn giả vào sáng Chúa nhật. Thỉnh thoảng, tôi cũng được giao nhiệm vụ truyền giảng cho những đám cử tọa trong số mấy ngàn hội chúng các Chứng nhân của Đức Giê-hô-va.

Trong số những trách nhiệm khác mà tôi phụ trách, gồm có việc chủ tọa các buổi họp của các trưởng lão địa phương và tại trụ sở của Hội ở Brooklyn. (Tôi được quyền dứt phép thông công những người vi phạm nhiều “tội” khác nhau, như bán ma túy tại Kingdom Hall, hút thuốc lá, đổi vợ, hoặc có một vật trang hoàng cho ngày lễ Giáng sinh nào đó trong nhà,…)

Tuy chúng tôi không còn có thể cứ tiếp tục làm những “nhà tiên phong” sau khi đã lập gia đình nữa, bà Penni với tôi vẫn còn rất nhiệt thành với công tác truyền giảng. Hai chúng tôi cùng hướng dẫn những lớp học Kinh Thánh tư gia với hàng chục học viên, và đưa hơn hai chục người trong đám họ vào trong tổ chức với tư cách các Chứng nhân của Đức Giê-hô-va đã chịu phép báp tem. Chúng tôi cũng đặt “Nước Trời” lên hàng đầu trong đời sống riêng tư bằng cách chỉ làm công việc ngoài đời với số thời gian tối thiểu và sống trong một ngôi nhà ba phòng không đắt tiền để có thể dành càng nhiều thì giờ hơn cho hoạt động truyền giảng từ nhà nầy sang nhà khác.

Điều gì đã làm gián đoạn cuộc đời hoàn toàn cống hiến cho tổ chức Tháp Canh ấy, và khiến chúng tôi vào một nẻo đường dẫn chúng tôi ra khỏi đó? Tóm một lời, đó chính là Chúa Jesus, tôi xin được giải thích:

Lúc vợ chồng chúng tôi đang dự một đại hội của các Chứng nhân, chúng tôi thấy một nhóm ít người chống đối biểu tình ở phía ngoài. Một trong số các biểu ngữ có một dấu hiệu viết rằng: HÃY ĐỌC THÁNH KINH, ĐỪNG ĐỌC SÁCH BÁO CỦA TỔ CHỨC THÁP CANH. Chúng tôi vốn không có thiện cảm với đám người biểu tình đó, nhưng cảm thấy dấu hiệu nầy rất đáng tin vì biết rằng mình đã đọc rất nhiều sách báo do Hội Tháp Canh xuất bản, mà lại loại quyển Kinh Thánh ra ngoài (về sau, chúng tôi đích thân đếm lại tất cả số tài liệu mà tổ chức muốn cho các Chứng nhân đọc: Các sách, tạp chí, bài học và vv… thêm vào một số hơn 3000 trang mỗi năm, so với chưa đầy 200 trang Kinh Thánh mà chúng tôi được bảo là nên đọc – mà phần lớn lại ở trong Cựu Ước. Phần đông các Chứng nhân đều đã bị sa lầy bởi ba ngàn trang sách báo, bài học của tổ chức rồi nên chẳng bao giờ còn rảnh rỗi để đọc Kinh Thánh nữa).

Sau khi thấy dấu hiệu của đám người biểu tình, nhà tôi đã quay sang tôi và nói: “Chúng ta phải đọc Kinh Thánh và tài liệu của Hội Tháp Canh”. Tôi đồng ý và chúng tôi bắt đầu thực hiện đều đặn việc tự đọc Kinh Thánh.

Đó cũng là lúc chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về Chúa Jesus. Không phải là chúng tôi bắt đầu thắc mắc đặt vấn đề về lời truyền dạy của Hội Tháp Canh rằng Chúa Cứu Thế chính là thiên sứ trưởng Mi-ca-ên khoác lấy thân xác con người – chúng tôi đã chẳng bao giờ thắc mắc về vấn đề ấy. Nhưng chúng tôi có ấn tượng thật sự về việc Chúa Jesus vốn là một con người: những lời Ngài nói, những việc Ngài làm cách Ngài đối xử với mọi người. Chúng tôi muốn noi theo Ngài, nhất là chúng tôi vô cùng kinh ngạc về cách Chúa Jesus đã đối đáp với các lãnh tụ tôn giáo đạo đức giả vào thời của Ngài, là bọn thầy dạy luật và người Pha-ri-si. Tôi nhớ mình cứ đọc đi đọc lại nhiều lần những phần ký thuật về cách bọn Pha-ri-si đã phản đối Chúa Jesus khi Ngài chữa bệnh trong ngày sa-bát, việc các môn đệ Ngài không rửa tay trước khi ăn, và nhiều chi tiết khác nữa về cách ăn ở ứng xử vi phạm các truyền thống của họ. Tôi vô cùng yêu thích câu trả lời của Chúa Jesus: “Các ông là những kẻ đạo đức giả. Nhà tiên tri Ê-sai đã nói tiên tri thật đúng về các ông khi bảo rằng: Dân nầy chỉ tôn kính Ta bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng lòng họ thì rất xa Ta. Việc họ thờ phượng Ta thật vô ích, vì họ truyền dạy các mệnh lệnh của loài người mà bảo rằng đó là giáo lý” (Ma-thi-ơ 15:7-9. NWT). Truyền dạy các mệnh lệnh của loài người mà bảo là giáo lý! Cái tư tưởng nầy đánh mạnh vào tâm trí tôi, và tôi bắt đầu nhận thức ra rằng trong lúc thủ vai trưởng lão của mình, tôi đã hành động giống hệt một tên Pha-ri-si hơn là một người theo Chúa Jesus! Thí dụ, các trưởng lão là những người áp đặt đủ thứ luật lệ lẩm cẩm về ăn mặc. Chúng tôi bảo “các chị em” phải mặc áo dài đến đây, bảo “các anh em” phải chải tóc như thế nào, cạo tóc mai làm sao, mặc quần loại ống rộng hẹp như thế nào. Chúng tôi thật sự dạy người ta rằng nếu họ không chịu răm rắp tuân theo thì không thể làm vui lòng Đức Chúa Trời. Điều đó nhắc tôi về bọn người Pha-ri-si đã lên án các môn đệ của Chúa Jesus vì họ không rửa tay trước khi ăn.

Chính y phục và cách ăn mặc của tôi thì hoàn toàn rập khuôn từng li từng tí. Nhưng tôi gặp vấn đề với các phụ nữ trẻ mới chú ý đến tổ chức được tôi đưa đến Kingdom Hall. Thay vì bảo họ mua một áo sơ-mi trắng tay ngắn, áo khoác kiểu thể thao và cắt tóc ngắn, tôi lại bảo họ “Xin các cô chớ có thắc mắc nếu thiên hạ ở Kingdom Hall có phần nào theo kiểu xưa. Các cô cứ tiếp tục theo cách các cô thích. Đức Chúa Trời chẳng phê phán người ta theo cách họ cắt tóc hay ăn mặc đâu”. Nhưng làm như thế thì không ổn, sẽ có một ai đó bảo họ phải cắt tóc ngắn hoặc tặng họ một áo sơ-mi trắng ngắn tay – nếu không, họ sẽ đơn giản cảm thấy mình đã vào nhầm chỗ và bỏ đi, để chẳng bao giờ còn trở lại nữa.

Điều nầy khiến tôi hoang mang, vì tôi tin rằng cuộc đời họ tùy thuộc vào việc họ phải gia nhập “tổ chức của Đức Giê-hô-va”. Nếu các Chứng nhân hành động giống như bọn Pha-ri-si đến độ xua đuổi các thanh niên thanh nữ khỏi con đường cứu rỗi, thì máu vô tội của họ sẽ đổ lên đầu chúng tôi. Nói chuyện ấy với các trưởng lão khác, thì chẳng giúp ích được gì. Họ cảm thấy các kiểu cách cũ tự chúng vốn phải lẽ. Nhưng gương của Chúa Jesus lại đến với tâm trí tôi:

Chúa Jesus đến hội trường, gặp một người bị teo bàn tay. Người ta hỏi Chúa: Chữa bệnh trong ngày thứ bảy có hợp pháp không? Họ muốn gài bẫy để tố cáo Ngài. Chúa Jesus đáp: Nếu chiên của các ông bị rơi xuống hố trong ngày lễ, các ông có tìm cách cứu nó lên ngay hôm ấy không? Con người còn quí trọng hơn chiên biết bao. Phải, làm việc thiện trong ngày lễ là hợp pháp. Rồi Chúa bảo người teo tay: Con xòe bàn tay ra!…” (Ma-thi-ơ 12:9-17).

Nếu quả thật là tôi theo Chúa Jesus chứ không phải theo người ta, tôi chỉ thấy có một con đường mở ra trước mặt mình. Bản thân tôi đã vi phạm truyền thống của các trưởng lão bằng cách để tóc dài hơn cả phân tây phía trên lỗ tai. Cách lý luận của tôi là: Làm thế nào họ có thể gây áp lực trên một người mới đến, bảo phải cắt tóc ngắn, nếu giờ đây, có một trưởng lão cũng để tóc theo kiểu giống anh ta?

Thế là các trưởng lão đã phản ứng y như bọn Pha-ri-si từng làm khi Chúa Jesus truyền cho người teo tay hãy xòe bàn tay ra. Kinh điển chép “Các thầy Pha-ri-si bỏ về, họp nhau để tìm mưu giết Chúa” (Ma-thi-ơ 12:14). Họ đã phản ứng lại tôi một thời gian, nhưng rồi đã thật sự đưa tôi ra xét xử, gọi người làm chứng, và dành ra mấy chục giờ để thảo luận về vấn đề để tóc dài đến mấy phân tây của tôi.

Tuy nhiên, ăn mặc không phải là vấn đề đích thực. Với tôi, thì vấn đề là tôi là môn đệ của ai. Tôi là người theo Chúa Jesus hay chỉ là một tên đầy tớ trung thành với một tổ chức có tôn ti trật tự của loài người? Các trưởng lão đem tôi ra xét xử cũng biết rằng đó mới chính là vấn đề đích thực. Họ cứ chất vấn “Ông có tin rằng Hội Tháp Canh là tổ chức của Đức Chúa Trời hay không? Ông có tin rằng Hội là phát ngôn nhân của Đức Giê-hô-va không?” Lúc ấy, tôi đã trả lời “có” vì tôi vẫn còn tin rằng đó chính là tổ chức của Đức Chúa Trời – nhưng bảo rằng nó đã bị băng hoại rồi, như hệ thống Do Thái giáo vào thời Chúa Jesus bị bọn Pha-ri-si chống đối vậy.

Chính những gì tôi nói tại các buổi họp của hội chúng đã thật sự gây rắc rối cho tôi, vì tôi vẫn còn là một trưởng lão, cho nên khi được giao nhiệm vụ nói chuyện khoảng 15 phút về sách Xa-cha-ri vào buổi họp tối thứ Năm của Trường Theo-Cratic Ministry, tôi đã lợi dụng cơ hội ấy để khuyến khích đám cử tọa hãy đọc Kinh Thánh. Thật vậy, tôi đã bảo họ nếu số thì giờ của họ bị hạn chế và họ phải chọn giữa việc đọc Kinh Thánh với việc đọc tạp chí Tháp Canh, thì họ phải chọn quyển Kinh Thánh, vì đó là Lời linh cảm của Đức Chúa Trời, trong khi tạp chí Tháp Canh vốn không được linh cảm, mà thường thường còn truyền dạy những điều sai lầm mà về sau, phải sửa lại.

Chẳng có gì để ngạc nhiên cả, khi đó là lần cuối cùng họ cho phép tôi được nói. Nhưng tôi vẫn còn được nói khi ngồi tại chiếc ghế dành riêng cho mình trong những giai đoạn hỏi-đáp của các buổi họp. Mọi người chúng tôi đều được trông mong trả lời bằng chính những lời lẽ của mình, nhưng không phải là theo những gì mình suy nghĩ. Bạn phải đưa ra phần tư tưởng được tìm thấy trong phân đoạn của bài học đã được thảo luận. Nhưng sau khi tôi nói ra vài điều họ không thích, thì họ thôi không đưa máy vi-âm cho tôi nữa.

Với cách nhìn mới mẻ tôi có được nhờ đọc Kinh Thánh, tôi hoang mang khi thấy tổ chức tự nâng mình lên cao hơn Kinh Thánh, và nó đã làm việc ấy khi vào ngày 1.12.81, tạp chí The Watchtower viết: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời cũng cung cấp tổ chức hữu hình của Ngài… Trừ phi khi chúng ta bắt liên lạc để tiếp xúc với con kênh để giao thông mà Đức Chúa Trời đang dùng nầy, chúng ta sẽ không tiến bộ được trên con đường sự sống, cho dù chúng ta có đọc Kinh Thánh nhiều đến đâu đi chăng nữa” (tr. 24, q. 4). Tôi thật tình bối rối khi thấy những con người nầy dám tự đưa mình lên cao hơn Lời Đức Chúa Trời. Vì tôi không còn có thể lên tiếng trước các buổi họp nữa, tôi quyết định thử viết xem sao.

Đó là lúc tôi bắt đầu cho viết bản bức thư thông tin “Lời bình luận từ những người bạn” (Comments from the Friends). Tôi viết nhiều bài, thắc mắc đặt vấn đề những gì tổ chức đang truyền dạy và ký bút hiệu là “Bill Tyndale Jr” – ngụ ý ám chỉ nhà phiên dịch Kinh Thánh người Anh hồi thế kỷ thứ 16 là William Tyndale, đã bị trói vào một cây cọc để thiêu sống vì những gì ông đã viết. Để tránh bị bắt gặp, vợ chồng chúng tôi phải lái xe trên quốc lộ ban đêm để đến một bưu cục ngoài tiểu bang, và gởi các bài báo đi trong những phong bì không có địa chỉ người gởi. Chúng tôi gởi chúng cho các Chứng nhân tại địa phương, cũng gởi cho mấy trăm người của Kingdom Hall trên toàn quốc mà chúng tôi tìm được địa chỉ trên các sách niên giám điện thoại trong thư viện thành phố.

Vợ chồng chúng tôi biết rằng chúng tôi phải từ bỏ tổ chức các Chứng nhân của Đức Giê-hô-va. Nhưng với chúng tôi, nó tương tự vấn đề phải làm gì trong một tòa cao ốc đang bị hỏa hoạn. Có nên thoát thân bằng lối ra gần nhất hay không? Hay trước hết phải đập vào tất cả các cửa, đánh thức những người láng giềng dậy, và giúp họ thoát thân nữa? Chúng tôi cảm thấy bị bó buộc phải giúp những người khác thoát nạn – nhất là những người trong các gia đình của chúng tôi, và các “học viên” mà chúng tôi đã đưa vào trong tổ chức. Nếu chúng tôi chỉ đơn giản ra đi mà thôi, các gia đình mà chúng tôi để lại sau lưng chắc sẽ bị cấm liên hệ tiếp xúc với chúng tôi.

Nhưng sau vài tuần lễ, một người bạn đã phát giác được và tố cáo chúng tôi. Cho nên, một đêm nọ, lúc vợ chồng chúng tôi trở về nhà sau một buổi hướng dẫn một lớp học Kinh Thánh, hai trưởng lão từ một chiếc ô-tô đậu sẵn bước ra chận chúng tôi lại ngay trên dường phố, và chất vấn chúng tôi về bức thư thông tin. Họ muốn đưa chúng tôi ra xét xử vì đã cho xuất bản nó, nhưng chúng tôi chỉ phản ứng đơn giản là thôi không đến Kingdom Hall nữa. Bấy giờ, hầu hết các bạn cũ của chúng tôi đều tỏ ra thù ghét chúng tôi. Một thanh niên gọi điện thoại dọa “ra tay và giải quyết” với tôi, nếu anh ta còn nhận được một bức thư thông tin của chúng tôi nữa. Một Chứng nhân khác còn thật sự để lại hai lời đe dọa giết chết chúng tôi, trong máy trả lời điện thoại của chúng tôi. Các trưởng lão thì đã đi bước trước bằng cách xử vắng mặt và dứt phép thông công chúng tôi.

Tuy thoát được chiếc ách áp bức của tổ chức ấy là điều khiến chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, bấy giờ chúng tôi đã phải trực diện với sự thách đố cận tiếp là phải đi đâu và tin tưởng gì. Tôi dành ít thì giờ để suy nghĩ lại toàn thể nhân sinh quan tôn giáo của mình. Trước khi từ bỏ Hội Tháp Canh, chúng tôi phải chối bỏ những lời rêu rao rằng tổ chức ấy là “kênh truyền thông” của Đức Chúa Trời, rằng Chúa Jesus đã tái lâm một cách vô hình hồi năm 1914, và “đám đông người” gồm các tín hữu, lể từ 1935 trở đi, không được dự phần bánh và chén trong Tiệc Thánh. Nhưng chúng tôi chỉ mới bắt đầu xét lại các giáo thuyết khác nữa mà thôi và chúng tôi cũng chưa bước vào sự giao hảo (thông công) với các Cơ-đốc nhân ngoài tổ chức các Chứng nhân của Đức Giê-hô-va.

Cả hai vợ chồng chúng tôi đều biết rằng chúng tôi phải đi theo Chúa Jesus, và rằng Kinh Thánh có đủ mọi thông tin mà chúng tôi cần đến. Cho nên chúng tôi đã thật lòng dâng mình để đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Chúng tôi cũng mời các gia đình chúng tôi và những bạn thân còn lại cùng nhóm lại tại nhà tôi vào các sáng Chúa nhật. Trong khi các Chứng nhân đều nhóm lại tại Kingdom Hall để nghe một bài thuyết giảng và nghiên cứu tạp chí Watchtower, thì chúng tôi họp lại để đọc Kinh Thánh. Có khoảng 15 người chúng tôi nhóm lại – phần đông là người trong gia đình nhưng cũng có vài bạn thân nữa.

Chúng tôi vô cùng kinh ngạc về những gì mình đã tìm được khi vừa đọc Tân Ước vừa cầu nguyện nhiều lần – những điều mà chúng tôi chẳng bao giờ nhận thấy trước đây, như mối liên hệ mật thiết giữa các môn đệ nguyên thủy với Chúa đã phục sinh, hoạt động của Đức Thánh Linh trên hội thánh nguyên thủy, và những gì Chúa Jesus truyền dạy về vấn đề “phải tái sinh”.

Suốt những năm làm các Chứng nhân của Đức Giê-hô-va, tổ chức Tháp Canh đã hướng dẫn chúng tôi đi dạo một vòng xuyên suốt bộ Thánh Kinh. Chúng tôi biết được khá nhiều về Cựu Ước, có thể trích dẫn nhiều câu Kinh điển, nhưng chẳng bao giờ được nghe Phúc Âm về sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế. Chúng tôi chẳng bao giờ học biết được là phải nhờ cậy vào Chúa Jesus để được cứu rỗi và phải xem chính Ngài là Chúa mình. Mọi sự đều bị tập trung chung quanh chương trình công tác của tổ chức Tháp Canh, và người ta chỉ trông mong mọi người đến với Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua trung gian của tổ chức ấy.

Sau khi nhờ đọc thư La-mã chương 8 và Giăng chương 3, tôi nhận thức được rằng mình cần được “sinh ra bởi Thánh Linh”, thoạt đầu tôi rất lo sợ. Các Chứng nhân của Đức Giê-hô-va tin rằng những người được tái sinh, tự xưng họ có Đức Thánh Linh, thật ra là những kẻ bị quỉ ám. Cho nên tôi sợ nếu mình lớn tiếng cầu nguyện, dâng cuộc đời mình cho Chúa Cứu Thế Jesus, thì một con quỉ nào đó có thể nghe thấy, và nó có thể nhảy xổ vào để ám ảnh mình, tự xưng rằng nó chính là Đức Thánh Linh (nhiều Chứng nhân vẫn sống với nỗi lo sợ thường xuyên các ma quỉ. Thậm chí nhiều bạn bè của chúng tôi sẵn sàng vất bỏ các thiết bị và quần áo, sợ rằng qua các vật dụng ấy, ma quỉ có thể xâm nhập nhà họ). Nhưng rồi tôi được đọc lời Chúa Jesus ởLu-ca 11:9-13, trong một văn cảnh lúc Ngài đang truyền dạy về sự cầu nguyện và đuổi các tà linh, Chúa Jesus đã phán: “Ta quả quyết với các con… Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa, cửa sẽ mở ra. Vì bất kỳ ai xin sẽ được, ai tìm sẽ gặp và cửa sẽ mở cho người nào gõCó người cha nào khi con mình xin bánh mà cho đá, xin cá mà cho rắn, hay xin trứng, lại cho bò cạp không? Các con vốn là người xấu còn biết cho con mình vật tốt, huống chi Cha các con ở trên trời, chẳng ban Thánh Linh cho người cầu xin Ngài sao?”

Sau khi đọc mấy câu nầy, tôi biết là mình có thể cầu xin được Thánh Linh của Chúa Cứu Thế và được an toàn (Rô-ma 8:9), chẳng cần phải lo sợ mình sẽ nhận được một con quỉ. Cho nên, một sáng sớm nọ khi chỉ có một mình tôi trong nhà bếp, tôi bắt đầu xưng nhận sự cần thiết được cứu rỗi của mình, và dâng cuộc đời tôi cho Chúa Jesus.

Khoảng nửa giờ sau, lúc tôi đang ở trên đường đi làm việc, và lúc ấy, tôi lại cầu nguyện một lần nữa. Từ nhiều năm rồi, tôi vốn đã tập thành thói quen bắt đầu bài cầu nguyện của mình bằng cách nói rằng: “(Lạy) Giê-hô-va là Đức Chúa Trời…” Nhưng lần nầy, khi tôi mở miệng ra để cầu nguyện tôi lại bắt đầu nói: “(Lạy) Cha…”. Sự việc vốn không phải lẽ vì tôi đã lý luận về chủ đề ấy để đi đến kết luận là mình phải ngỏ lời với Đức Chúa Trời khác đi, mà tiếng “Cha” chỉ bỗng nhiên vọt ra, trong khi tôi chẳng hề nghĩ gì đến việc ấy cả. Tôi tức khắc hiểu ngay tại sao: “Đức Chúa Trời … đã sai Thánh Linh của Chúa Jesus ngự vào lòng chúng ta, giúp chúng ta gọi Đức Chúa Trời bằng Cha” (Ga-la-ti 4:6). Tôi vui mừng đến rơi lệ vì biết Đức Chúa Trời đã xác nhận mối liên hệ mới mẻ và mật thiết hơn nầy giữa tôi với Ngài.

Chẳng bao lâu, vợ chồng chúng tôi muốn thờ phượng và ca ngợi tán tụng Chúa trong một hội chúng các tín hữu và được lợi ích nhờ có các Cơ-đốc nhân khôn ngoan và trưởng thành. Từ ngày một nhóm nhỏ các cựu Chứng nhân vẫn nhóm lại tại nhà riêng chúng tôi vào những sáng Chúa nhật để đọc Kinh Thánh, và phần đông họ đều sẵn sàng gia nhập một Hội Thánh, chúng tôi bắt đầu đi thăm các Hội Thánh có những giờ nhóm lại vào buổi tối. Có một Hội Thánh chúng tôi đến viếng lại có nếp sống quá gò bó theo luật pháp đến mức chúng tôi cảm thấy như mình đang quay trở lại Kingdom Hall vậy. Một hội thánh khác nữa lại quá tự do, đến nỗi bài giảng dường như luôn luôn bàn về triết học hay chính trị thay vì chú trọng vào Chúa Jesus. Tuy vậy, cuối cùng, Chúa cũng đưa chúng tôi đến một Hội Thánh nơi chúng tôi cảm thấy thoải mái, nơi mọi việc đều được tập trung vào Chúa Cứu Thế Jesus và Phúc Âm của Ngài, chứ không phải là những vấn đề bên cạnh đó.

Nhà tôi hiện dạy lớp Năm trong một trường học Cơ-đốc giáo, có học sinh đến từ khoảng 17 hội thánh khác nhau. Bà thật sự vui vẻ về điều ấy, vì có thể căn cứ vào Kinh Thánh để thảo luận về đủ loại chủ đề. Và ngoài công việc làm ngoài đời của mình, tôi vẫn tiếp tục xuất bản “Lời bình luận từ những người bạn” như một bức thư thông tin ra mỗi ba tháng, một số nhằm mục đích đem Phúc Âm đến cho các Chứng nhân của Đức Giê-hô-va và giúp các Cơ-đốc nhân về phương pháp nói chuyện với các Chứng nhân của Đức Giê-hô-va. Tạp chí ấy cũng có những bài viết đặc biệt lý thú cho các Chứng nhân. Số độc giả ghi tên mua báo gồm một chục nơi ngoài nước, cũng như sinh sống khắp nơi tại Hoa Kỳ và Canada. Ngoài việc viết về đề tài nầy, thỉnh thoảng tôi còn nói chuyện với nhiều nhóm người trong các Hội Thánh quan tâm muốn học hỏi cách trả lời với các Chứng nhân của Đức Giê-hô-va để đưa họ về với Chúa Cứu Thế Jesus.

Hằng tuần, chúng tôi cung cấp một băng ghi âm bài giảng cho các Chứng nhân của Đức Giê-hô-va, suốt 24 giờ trong ngày. Các Chứng nhân có thể gọi số 508-584-4467 và được nghe một bức thông điệp ngắn, hướng dẫn họ đến với Kinh Thánh và giúp họ bài bác những lời truyền dạy của Hội Tháp Canh. Thậm chí vẫn có những Chứng nhân gọi điện thoại cho chúng tôi lúc nửa đêm, để khỏi bị người trong gia đình chú ý và tố cáo với các trưởng lão. Cho đến nay, chúng tôi đã nhận được trên sáu ngàn lần gọi. Ở phần cuối của mỗi bài giảng, người gọi được mời để lại tên và địa chỉ hầu có thể nhận được sách báo miễn phí theo đường bưu điện – và nhiều người đã làm như thế.

Trọng tâm của chức vụ đến với người ngoài của chúng tôi là nhằm giúp các Chứng nhân của Đức Giê-hô-va được giải thoát khỏi sự lừa dối, và đặt đức tin vào Phúc Âm nguyên thủy của Chúa Cứu Thế như đã được trình bày trong Kinh Thánh. Bài học quan trọng mà vợ chồng chúng tôi đã nhận được từ khi từ bỏ tổ chức các Chứng nhân của Đức Giê-hô-va, ấy là Chúa Jesus không phải chỉ là một nhân vật lịch sử chúng ta đọc thấy trong sách báo mà thôi. Ngài hiện vẫn còn sống và đang tích cực cùng tham gia hoạt động với các Cơ-đốc nhân ngày nay, như Ngài từng làm như thế hồi thế kỷ thứ 1 vậy. Chính Ngài đích thân cứu rỗi, dạy dỗ và lãnh đạo chúng ta. Mối liên hệ riêng tư với Đức Chúa Trời qua trung gian Con Ngài là Chúa Cứu Thế Jesus, quả là kỳ diệu, tuyệt vời. Cá nhân nào nhận biết Chúa Jesus và bước theo Ngài sẽ chẳng còn nghĩ đến việc phải đi theo bất cứ ai khác nữa.

“Chiên Ta nghe tiếng Ta, Ta quen nó và nó theo Ta. Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay Ta.” (Giăng 10:27,28)

Trần Đình Tâm

 

 

 

Có thể bạn quan tâm