Trang chủ Thần Học SỐNG VỚI TINH THẦN CHẾT LÀ ĐIỀU ÍCH LỢI

SỐNG VỚI TINH THẦN CHẾT LÀ ĐIỀU ÍCH LỢI

bởi admin

Sự mạo hiểm và phần thưởng cho cuộc sống được biến đổi trọn vẹn.

Trong rất nhiều khía cạnh mà giấc mơ Mỹ trái ngược với lời dạy dỗ cốt lõi của phúc âm có một quan niệm trùng lặp đầy tinh vi với lời của Đức Chúa Giê-su Christ. Khi James Adams đặt ra cụm từ “giấc mơ Mỹ,” Franklin Roosevelt đã nhấn mạnh rằng người Mỹ sẽ khoan cảm thấy hài lòng với những điều ở trước mắt và thậm chí họ sẽ chấp nhận hy sinh rất nhiều nếu họ tin rằng tương lai của họ sẽ tốt hơn so với quá khứ. Ông nói rằng người Mỹ sẽ sẵn sàng mạo hiểm nếu họ tin rằng điều đó sẽ đem lại cho họ phần thưởng lớn.

Đức Chúa Giê-su cũng dùng những lời tương tự để phán cùng các môn đồ của Ngài rằng: “Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.”1 Đức Chúa Giê-su thừa nhận rõ ràng rằng những ai đi theo Ngài thì phải đánh đổi sự an toàn, an ninh và sự thoả mãn mà chúng ta tìm thấy trong thế gian này. Tuy nhiên, Đức Chúa Giê-su nói rằng những người theo Ngài cuối cùng sẽ nhận được phần thưởng lớn mà thế gian này không thể ban cho. Điều này gợi lên trong mỗi chúng ta câu hỏi: chúng ta có tin rằng phần thưởng của việc đi theo Đức Chúa Giê-su xứng đáng để chúng ta đánh đổi?

 

Đến nơi có nhu cầu

Theo Ma-thi-ơ 10, lời thách thức chúng ta hãy từ bỏ mạng sống được xuất hiện ở phần cuối bài nói chuyện của Đức Chúa Giê-su với các môn đồ của Ngài. Khi sai phái các môn đồ vào trong thế gian, Đức Chúa Giê-su đã vạch ra những điều mà các môn đồ sẽ phải đánh đổi để vâng theo Ngài.

Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ rằng họ sẽ đối diện với vô số nhu cầu ở xung quanh. Đức Chúa Giê-su đã hướng dẫn họ những gì? “Hãy chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung, và trừ các quỉ.”2 Chúng ta hãy tưởng tượng những con người mà các môn đồ sẽ gặp phải. Những người đau ốm, những người sắp chết, những người bị coi khinh, và những người nguy hiểm. Đây chắc hẳn không phải là nhóm người cuốn hút chúng ta đến gần.

Một số thành viên trong gia đình đức tin của chúng tôi gần đây đã đến nam Phi để khám chữa bệnh cho nhiều cộng đồng kém phát triển. Khi đến nơi, một trong số những chiếc xe của họ đã bị cướp. Người tài xế bị đánh dữ dội và bị tống vào cốp của một chiếc xe khác còn kẻ tấn công thì lái chiếc xe mà hắn cướp mang theo hầu hết hành lý của cả đoàn. Nhờ ơn Chúa, không ai bị thương, và tài xế thì được phục hồi.

Dù không nghĩ đến khả năng bị cướp xe, nhưng cả đoàn biết rằng chuyến đi của họ sẽ gặp nhiều nguy hiểm. Điều nguy hiểm mà họ tiên liệu có liên quan đến công tác chăm sóc y tế mà họ sẽ cung cấp. Cả nhóm biết rằng họ sẽ làm việc với vô số bệnh nhân nhiễm HIV, loại virus gây ra căn bệnh AIDS. Dù đã bàn đến mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết, nhưng họ biết không có gì đảm bảo rằng họ sẽ không bị lây nhiễm.

Sau khi ổn định chỗ ở, họ bắt đầu khám chữa bệnh. Phòng khám chật kín bệnh nhân đến từ những nơi xa xôi để được chữa bệnh. Như đã đoán trước, rất nhiều bệnh nhân nhiễm HIV, và chỉ một vài ngày sau, điều không mong đợi đã xảy ra.

Một thành viên trong gia đình đức tin của chúng tôi khi đang khám chữa bệnh cho một phụ nữ nhiễm HIV đã vô tình đâm phải kim tiêm mà bệnh nhân này sử dụng. Điều tồi tệ vẫn chưa hết, vài giờ sau một thành viên khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Cả hai đều biết hậu quả của những việc sẽ xảy ra. Rất có thể một hoặc cả hai đều đã bị nhiễm HIV. Rất có thể họ đã nhìn thấy cuộc sống của mình thay đổi theo hướng rất trầm trọng. Chính vì vậy phản ứng của họ càng khiến ta kinh ngạc. Cả hai đều nói rằng: “Chúng tôi vui vì việc này đã xảy ra cho chúng tôi chứ không phải cho người khác. Nếu việc khám chữa bệnh này được Chúa sử dụng để đem nhiều người đến với Ngài, thì sự đánh đổi này thật xứng đáng.”

Sau khi đoàn trở về nước, cộng sự của chúng tôi ở Châu Phi đã gửi một email. Anh viết rằng: “Sau khi đoàn rời đi, cộng đồng đã nói rất nhiều đến trung tâm khám chữa bệnh và những ích lợi mà các anh đã đem lại cho họ, rằng Chúa đã nhìn thấy nhu cầu của họ và đã sai phái các anh. Sau khi các anh rời đi, cộng đồng bắt đầu cảm tạ Chúa, nhiều người tin Chúa. Chẳng phải Chúa thật tốt lành sao?”

Vâng, Chúa thật tốt lành. Ngài luôn tốt lành dù Ngài kêu gọi bạn và tôi đi đến những nơi dơ bẩn và đầy bệnh tật. Chúa thật tốt lành dù cuối cùng chúng ta có thể phải chia sẻ căn bệnh của những người mà chúng ta đã đến để chăm sóc. Chúa thật tốt lành bởi vì Ngài đã đáp ứng nhu cầu sâu thẳm nhất trong chúng ta và giờ đây Ngài đang sử dụng chúng ta để bày tỏ vinh quang của Ngài và khiến chúng ta đem phúc âm đến những nơi cần thiết nhất trên thế giới.

 

Đến nơi nguy hiểm

Tôi có thể tưởng tượng vẻ mặt của các môn đồ khi Đức Chúa Giê-su tiếp tục phán: “Ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói.”3 Chiên là động vật thụ động nhất trong số các loài vật nuôi. Chúng là động vật kém khôn ngoan nhất. Những âm thanh vô hại cũng có thể khiến chúng trở nên hoảng loạn, và khi đối diện với nguy hiểm, chúng không hề có cơ chế phòng vệ. Tất cả những gì chúng có thể làm đó là bỏ chạy, nhưng không may thay, chúng chạy rất chậm. Chính vì thế điều ngu dại nhất mà một con chiên có thể làm đó là đi vơ vẩn vào trong bầy muôn sói. Vậy tại sao Đức Chúa Giê-su, Đấng chăn nhân lành (Giăng 10:11), Đấng chăn chiên lớn (Hê-bơ-rơ 13:20), lại nói với bầy chiên của Ngài rằng hãy đến chỗ muông sói?

Đức Chúa Giê-su muốn nói với các môn đồ của Ngài – kể cả bạn và tôi rằng: “Ta sai các con đến những nơi nguy hiểm, tại đó các con sẽ ở giữa những người xấu xa, gian ác. Và con sẽ ở đó vì ý định của Ta là như vậy.” Đức Chúa Giê-su muốn phán với các môn đồ rằng: “Hãy đi đến nơi nguy hiểm, và hãy để người khác nói về con như cách họ nói về những con chiên đi lạc vào bầy muông sói. ‘Họ thật điên rồ! Họ thật ngu xuẩn! Họ không biết mình đang lâm vào nguy hiểm nào!’ Đây chính là ý nghĩa của việc trở nên môn đồ ta.”

Chúng ta không nghĩ giống như thế. Chúng ta nói rằng: “Nơi an toàn nhất chính là ở trong ý muốn Chúa.” Chúng ta nghĩ rằng: Đức Chúa Trời không hiện diện tại những nơi nguy hiểm. Những điều mạo hiểm, không an toàn, phải trả giá đắt thì chắc hẳn không phải là ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng sẽ ra sao nếu những điều trên chính là tiêu chuẩn để chúng ta nhận biết đâu là ý muốn Chúa? Sẽ ra sao nếu ý định của Đức Chúa Trời chính là điều nguy hiểm nhất cho chúng ta? Sẽ ra sao nếu điều Chúa muốn đó là chúng ta sẽ đi đến nơi nguy hiểm nhất?

Tôi đã gặp một  tín hữu dân tộc Batak tại bắc Sumatra, Indonesia. Anh kể cho tôi câu chuyện bộ tộc của anh đã tin Chúa như thế nào. Nhiều năm trước có một cặp vợ chồng giáo sĩ đến ngôi làng của anh để chia sẻ phúc âm. Khi ấy 100 phần trăm dân làng đều là người Hồi Giáo. Hãy tưởng tượng hình ảnh chiên giữa bầy muông sói. Những người đứng đầu trong làng đã bắt vợ chồng giáo sĩ, giết và làm thịt họ.

Nhiều năm sau, một giáo sĩ khác đã đến bộ tộc này và một lần nữa chia sẻ phúc âm. Các lãnh đạo bộ tộc nhận ra câu chuyện mà người giáo sĩ này chia sẻ hoàn toàn giống với câu chuyện mà đôi vợ chồng giáo sĩ trước đã chia sẻ. Lần này họ quyết định lắng nghe. Sau khi nghe xong, họ tin Chúa. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả bộ tộc đều tin Chúa. Người anh em này nói cho tôi biết rằng hiện dân tộc Batak có hơn ba triệu Cơ Đốc nhân ở bắc Sumatra.

Lần đầu tiên khi tôi nghe về câu chuyện này, câu hỏi hiện đến ngay trong tâm trí tôi đó là Tôi có sẵn lòng đồng ý để tôi và vợ trở nên như cặp vợ chồng giáo sĩ đầu tiên đến ngôi làng ấy không? Tôi có sẵn lòng bị giết và bị làm thịt để những người đến sau tôi nhìn thấy con người đến với Chúa?

Đây chính là câu hỏi mà Ma-thi-ơ 10 đặt ra cho mỗi chúng ta. Chúng ta có sẵn lòng giống như các môn đồ của Chúa khi xưa đã tiên phong đi vào nơi nguy hiểm và thậm chí tử đạo để những người đến sau được nhìn thấy thành quả mà chúng ta đã hy sinh? Sẽ ra sao nếu sự hy sinh ấy chính là cái giá để những người chưa được biết đến Chúa trong thế gian này, những người hiện đang chống đối đạo Chúa, một mai sẽ đầu phục tấm lòng họ cho Đức Chúa Giê-su?

 

Bị phản bội, ghét bỏ và bắt bớ

Đức Chúa Giê-su tiếp tục phán cùng các môn đồ rằng họ sẽ bị phản bội. “Anh sẽ nộp em cho bị giết, cha sẽ nộp con cho bị giết, con cái sẽ dấy lên nghịch cùng cha mẹ mà làm cho người phải chết đi.”4 Đây không phải là những lời đầy khích lệ trước khi các môn đồ lên đường. Có thể họ sẽ gặp chống đối từ gia đình, còn bạn bè thì trở thành kẻ thù.

Tôi không quên lời chứng của Sahil. Anh và vợ đều lớn lên trong gia đình Hồi Giáo tại Ấn Độ. Vợ anh tin Chúa và giới thiệu anh đến với Đấng Christ. Nhưng ngay khi gia đình biết tin thì đôi vợ chồng phải bỏ trốn để bảo tồn mạng sống.

Những năm sau, họ lớn lên trong Chúa và khao khát được nhìn thấy gia đình nhận biết Chúa. Dần dần họ bắt đầu nối lại liên lạc với những người thân mà họ yêu mến. Và dần dần, các thành viên trong gia đình bắt đầu đáp ứng. Cuối cùng, gia đình đã chào đón Sahil và vợ của anh quay trở lại cộng đồng và mọi mặt bề ngoài đều có vẻ thuận lợi.

Một hôm Sahil chở vợ về nhà ngoại để dùng bữa còn anh thì về nhà nội. Vợ của anh ngồi chung bàn với gia đình và bắt đầu ăn uống. Chỉ trong phút chốc, vợ anh ngã chết. Chính cha mẹ cô là người đầu độc.

Bạn sẽ bị phản bội.

Bạn sẽ bị phản bội, bạn sẽ bị thù ghét. “Các ngươi lại sẽ bị thiên hạ ghen ghét vì danh ta.”5 Từ “thiên hạ” hiển nhiên không có nghĩa tất cả mọi người trên trái đất đều sẽ ghét bạn. Tuy nhiên hình ảnh này thật rõ ràng. Bạn sẽ bị ghét bỏ, đó có thể là gia đình, chính phủ, tổ chức tôn giáo hoặc bất kỳ ai khác.

Một lần nữa, chúng ta không đồng ý với quan điểm trên. Chúng ta nói rằng: “Nếu chúng ta trở nên giống Đức Chúa Giê-su thì thế giới phải yêu thương chúng ta.” Sự thật là nếu chúng ta thật sự trở nên giống Chúa thì thế giới sẽ thù ghét chúng ta. Tại sao? Bởi vì thế giới ghét Ngài.

Đức Chúa Giê-su tiếp tục phán: “Khi nào người ta bắt bớ các ngươi trong thành nầy, thì hãy trốn qua thành kia.”6 Đức Chúa Giê-su không dùng từ nếu người ta bắt bớ các ngươi nhưng Ngài dùng từ khi nào người ta bắt bớ các ngươi. Để chúng ta không suy nghĩ rằng những lời trên chỉ dành cho các môn đồ của Đức Chúa Giê-su, về sau Phao-lô đã viết rằng: “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Giê-su Christ, thì sẽ bị bắt bớ.”7

Chúng ta biết chúng ta sẽ bị phản bội, bị thù ghét và bị bắt bớ bởi vì chính Đức Chúa Giê-su đã chịu những điều ấy. Chúng ta càng trở nên giống Chúa thì chúng ta càng sẽ trải qua những điều Chúa đã trải qua trong thế gian này. Chính vì thế Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Môn đồ không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ… Nếu người ta đã gọi chủ nhà là Bê-ên-xê-bun, phương chi là người nhà!”8

Đây là kết luận không thể tránh được của Ma-thi-ơ 10. Những ai muốn có một cuộc sống bình an, thoải mái, không bị quấy rầy, không đối diện với hiểm nguy thì đừng đi theo Đức Chúa Giê-su. Cuộc sống của chúng ta sẽ càng đối diện với hiểm nguy

khi chúng ta càng khắng khít trong mối liên hệ với Đấng Christ.

Có lẽ đây là lý do chúng ta chọn yên vị với một mối liên hệ hững hờ với Đấng Christ và những thói quen sinh hoạt tôn giáo thông thường trong nhà thờ. Tại đó bạn được an yên, và thế giới muốn bạn cứ ở đó. Thế gian yêu thích chúng ta khi chúng ta theo đuổi những điều thế gian theo đuổi, thậm chí nếu điều đó được dán nhãn Cơ Đốc. Chỉ cần đạo Cơ Đốc trông giống như giấc mơ Mỹ thì chúng ta sẽ ít gặp phải những vấn đề trong thế giới này.

Nhưng nếu chúng ta trở nên giống Đấng Christ, chúng ta sẽ đánh mất nhiều điều trong thế giới này. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Hễ môn đồ được trọn vẹn thì sẽ bằng thầy mình.”[1] Những lời này phải khiến chúng ta sợ hãi. Chúng ta nên cảm thấy sợ hãi bởi vì Thầy của chúng ta đã bị người khác chế nhạo, đánh đập, đánh bằng roi, nhổ vào người và bị đóng đinh trên thập tự giá. Chúng ta có thật sự muốn trở nên giống Chúa?

Phao-lô đã viết cho hội thánh rằng: “Ngài nhân Đấng Christ, ban ơn cho anh em, không những tin Đấng Christ mà thôi, lại phải chịu khổ vì Ngài nữa.”[2] Điều này thật đáng kinh ngạc. Cơ bản Phao-lô muốn nói rằng: “Đấng Christ đã ban cho anh em ơn chịu khổ. Hãy đến với Đấng Christ và đón nhận ơn lớn – sự chịu khổ.” Đây không phải là lời mời người khác tiếp nhận Chúa điển hình mà chúng ta thường nghe. Hãy nhắm mắt, cúi đầu, cầu nguyện tiếp nhận Chúa, và anh em sẽ chịu đau khổ. Điều này nghe có vẻ như Phao-lô đang nói đùa.

Nhưng đây không phải là lời nói đùa.

Đây mới chính là  Cơ Đốc giáo.

Đây mới chính là lịch sử Cơ Đốc. Những sự bắt bớ và đau khổ như chúng ta thấy ngày nay tại Trung Đông, Châu Á và Châu Phi chính là điều ghi dấu môn đồ Đấng Christ từ khi hội thánh được bắt đầu. Trong gần ba trăm năm trước khi Đạo Cơ Đốc được Constantine hợp pháp hoá, môn đồ Đấng Christ đã đối diện với sự bắt bớ kinh khủng. Trong mười thế hệ, Cơ Đốc Nhân đã đào gần sáu trăm hầm mộ dưới lòng đất khắp thành Rô-ma. Các hầm mộ là nơi Cơ Đốc Nhân thường bí mật nhóm lại để thờ phượng Chúa. Hàng nghìn Cơ Đốc Nhân đã bị chôn tại các hầm mộ này vì sự bắt bớ dữ dội.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một từ xuất hiện rất phổ biến trong các hầm mộ. Đó là một chữ Hy Lạp: ichthus (nghĩa là con cá), từ này được hợp thành từ các ký tự đầu của một câu trong tiếng Hy Lạp: “Đức Chúa Giê-su Christ, Con Đức Chúa Trời, Đấng Cứu Rỗi.” Có lẽ bạn sẽ nhận ra dấu hiệu này bởi vì Cơ Đốc Nhân thường dán chúng lên xe của họ. Chúng ta đã đi xa như thế nào khi dán biểu tượng gắn liền với các anh chị em tử đạo của thế kỷ đầu tiên vào sau chiếc ô tô của thế kỷ hai mươi mốt.

 

DAVID PLATT

Translated by Vinh Hien

Có thể bạn quan tâm