Trang chủ Thần Học Hiểu Biết Về Sự Cầu Nguyện

Hiểu Biết Về Sự Cầu Nguyện

bởi admin

Tại sao chúng ta phải cầu nguyện nếu Chúa đã biết tất tần tật về chúng ta (những nan đề, hoàn cảnh, những gì chúng ta cần, những thứ chúng ta muốn…)?

Bất kể động cơ hay lý do của bạn là gì, Đức Chúa Trời muốn bạn trò chuyện với Ngài.

Ngay cả khi bạn bắt đầu với sự hiểu biết còn hạn chế về Đức Chúa Trời, khi bạn giao tiếp với Ngài, bạn sẽ bắt đầu kinh nghiệm những lợi ích của việc trò chuyện cùng Ngài.

Hãy cùng thảo luận về 3 mục đích chính của việc cầu nguyện:

1. Được biết Chúa và có mối quan hệ mật thiết hơn với Ngài

Mặc dù có vẻ như lý do chính của việc cầu nguyện là để được Chúa ban phước, nhưng sự cầu nguyện không được thiết kế cho mục đích đó. Mục đích chính của việc cầu nguyện không phải là để nhận được câu trả lời hay lợi ích gì từ Chúa; mục đích của việc cầu nguyện là để gặp gỡ Ngài.

Chúa yêu thương chúng ta vô cùng và muốn có mối quan hệ mật thiết với chúng ta. Một trong những nhu cầu lớn nhất của con người là nhận diện chính mình. Chúng ta khám phá ra mình là ai bằng cách khám phá nguồn gốc của mình. Chúng ta khám phá ra mình là ai bằng cách khám phá Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.

Chúng ta càng biết Ngài một cách mật thiết bao nhiêu thì chúng ta càng biết về bản thân mình bấy nhiêu. Đây chính xác là những gì sẽ xảy ra trong thời gian chúng ta cầu nguyện.

Khi chúng ta học biết nhiều hơn về Chúa và đặc tính của Ngài được bày tỏ cho chúng ta đầy đủ hơn, chúng ta sẽ học được cách tin cậy Ngài. Ngài sẽ ban cho chúng ta sự bình an và một đời sống chan chứa niềm vui. Kinh Thánh nói thế này về tầm quan trọng của sự hiểu biết Chúa:

Sự sống đời đời là nhận biết Cha là Đức Chúa Trời duy nhất và chân thật, cùng Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng Cha đã sai đến.” (Giăng 17:3)

Vậy, chúng ta có thể nói sự hiểu biết về Đức Chúa Trời có thể dẫn đến sự sống đời đời. Còn điều gì có thể quan trọng hơn điều này?

2. Cầu xin Chúa bày tỏ kế hoạch của Ngài cho cuộc đời chúng ta

Nhiều lần chúng ta đến với Chúa và cầu xin Ngài ban phước cho các kế hoạch của chúng ta thay vì hỏi về những kế hoạch của Ngài dành cho mình. Điều này có thể tạo ra trong lòng chúng ta sự thất vọng, bực tức hoặc thậm chí oán giận đối với Chúa khi mọi việc không diễn ra như chúng ta hy vọng, cầu nguyện hay mong đợi.

Một trong những mục đích của sự cầu nguyện là để Chúa bày tỏ kế hoạch của Ngài cho chúng ta. Muốn được như vậy, cuộc trò chuyện không thể chỉ đơn thuần là một chiều. Khi bạn đến với Chúa trong sự cầu nguyện, hãy xin lời khuyên, sự giúp đỡ và sự hướng dẫn của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta phải biết lắng nghe – lắng nghe câu trả lời của Ngài dành cho mình.

Chúng ta sẽ không thể biết được kế hoạch của Chúa dành cho mình là gì nếu chúng ta không dành thời gian lắng nghe Ngài. Chúa không chỉ nói cho chúng ta biết kế hoạch của Ngài mà Ngài còn ban cho chúng ta sức mạnh và khả năng để làm theo kế hoạch mà Ngài đã vạch ra. Ngài không chỉ bảo chúng ta phải làm gì; Ngài còn ban năng lực để chúng ta có thể làm được điều đó.

Trước khi thăng thiên, Chúa Giê-xu phán với các môn đồ của Ngài thế này:

Đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa, là điều các con đã nghe Ta nói. Vì Giăng đã làm báp-têm bằng nước, nhưng trong ít ngày nữa, các con sẽ được báp-têm bằng Đức Thánh Linh.” (Công-vụ 1:4-5)

Chúa Giê-xu không ra lệnh cho họ làm bất cứ điều gì hay bắt tay ngay vào việc gì. Ngài phán, “Hãy cứ thong thả. Hãy kiên nhẫn chờ đợi. Hãy đợi trong thành và cầu nguyện. Khi các con nhận được Đức Thánh Linh, các con sẽ được ban cho sức mạnh và năng quyền mà mình cần.”

Các môn đồ thực sự hiểu ý Chúa Giê-xu nên sau khi trở về thành Giê-ru-sa-lem họ đã nhóm nhau lại trên phòng cao mà cầu nguyện (Công-vụ 1:12-14). Họ hiệp ý với nhau và chuyên tâm cầu nguyện. Nhiều ngày trôi qua, họ vẫn cầu nguyện theo kế hoạch mà Đức Chúa Trời đã vạch sẵn cho họ. Rồi khi thời điểm của Chúa đến, họ nhận lãnh Đức Thánh Linh, đúng y như lời Chúa đã hứa. Họ đã nhận được quyền năng từ trên cao và dạn dĩ đi ra làm công việc của Đức Chúa Trời (xem Công-vụ 2).

Kết quả mà họ nhận được thật đáng kinh ngạc và ngoài sức tưởng tượng, ngoài khả năng của con người. Đó là lý do tại sao khi cầu nguyện, chúng ta cần xin Chúa bày tỏ kế hoạch của Ngài và lắng nghe tiếng phán của Ngài.

Để đáp lại lời cầu nguyện, Đức Chúa Trời sai Thánh Linh đến ban năng lực cho chúng ta để làm theo kế hoạch mà Ngài đã định sẵn cho chúng ta.

3. Cầu nguyện mang lại sinh khí cho đời sống thuộc linh của chúng ta

Ngay từ giây phút bạn ngừng cầu nguyện; bạn mất kết nối với Chúa.

Cầu nguyện là vấn đề sống còn; là hơi thở của linh hồn. Bạn có thể sống mà không cần thở không? Bạn phải thở để sống.

Vậy nên, như hơi thở cần thiết cho đời sống thuộc thể, thì cầu nguyện cũng hết sức cần thiết cho đời sống thuộc linh.

Đó là lý do tại sao Phao-lô nói, hãy “cầu nguyện không thôi” trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17.

Không phải lúc nào Chúa cũng đáp lời ngay lập tức

Kể từ khi Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham rằng ông sẽ có một con trai cho đến khi Y-sác ra đời phải mất 25 năm. Nô-ê đã đợi 120 năm để Đức Chúa Trời thực hiện lời Ngài phán. Môi-se đã chờ đợi 40 năm trong đồng vắng. An-ne phải cầu nguyện nhiều năm trước khi Đức Chúa Trời ban cho bà con trai Sa-mu-ên, và Đa-ni-ên đã đợi 3 tuần để lời cầu nguyện của ông được nhậm.

Khi nghiên cứu Kinh Thánh kỹ hơn, bạn sẽ thấy những lời cầu nguyện trong Kinh Thánh đã được nhậm vào đúng thời điểm. Và một trong những lý do những trường hợp đó được ghi lại là để làm gương và khích lệ chúng ta. Những con người này trong Kinh Thánh, họ không bỏ cuộc; họ cứ tiếp tục cầu nguyện. Tôi nhấn mạnh một lần nữa, để lời cầu nguyện được đáp lời là cả một tiến trình.

Khi bạn kiên trì cầu nguyện, Chúa hành động. Tôi nhớ có một lần khi tiên tri Đa-ni-ên cầu nguyện, Chúa đã phán với ông điều gì đó thông qua một thiên sứ, nhưng ông không hiểu ý nghĩa của điều đó. Một ngày kia khi đang cầu nguyện, ông nhận được một sứ điệp đặc biệt và câu trả lời cho lời cầu nguyện của mình. Thiên sứ Gáp-ri-ên đã nhiều lần hiện ra với Đa-ni-ên, nói thế này:

Hỡi Đa-ni-ên, đừng sợ. Ngay từ ngày đầu, ngươi đã hết lòng tìm hiểu và tự hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời ngươi, nên Ngài đã nghe những lời của ngươi, và chính vì những lời ấy mà ta đã đến… Bây giờ, ta đến để giúp ngươi hiểu việc gì sẽ xảy đến cho dân ngươi trong những ngày cuối cùng, vì đây là khải tượng liên quan đến những ngày sắp đến.” (Đa-ni-ên 10:12, 14)

Vậy nên, không cần phải lo lắng nếu bạn không nhận được phản hồi nhanh từ Chúa. Bạn chỉ cần chờ đợi và tin tưởng vì câu trả lời sẽ đến vào lúc cần thiết nhất. Hãy nhớ mục đích chính của việc cầu nguyện là gì – để được biết Chúa. Nếu bạn biết Đức Chúa Trời, nếu bạn biết Đấng mà bạn đang kêu cầu, nếu bạn biết bạn có thể nương cậy nơi Ngài, thì khi bạn tìm kiếm Ngài trong sự cầu nguyện, bạn sẽ có được sự bình an trong lòng.

Khi bạn cầu xin Ngài bày tỏ kế hoạch của Ngài cho bạn, bạn có thể chắc chắn rằng Ngài sẽ làm điều đó. Nếu bạn tin Ngài sẽ giữ lời khi Ngài hứa điều gì đó, thì bạn không cần phải lo lắng vì bạn biết Ngài.

Bạn xưng hô với Chúa thế nào trong lúc cầu nguyện?

Khi Chúa Giê-xu dạy các môn đồ cầu nguyện, Ngài phán: “Các con hãy cầu nguyện như thế nầy: Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Ma-thi-ơ 6:9)

Chúa Giê-xu hướng sự chú ý của chúng ta đến Đức Chúa Trời với tư cách là Cha. Trên thực tế, Chúa yêu chúng ta nhiều hơn cả cha mẹ chúng ta. Ngài biết chúng ta cách cá nhân. Ngài hiểu chúng ta, và Ngài luôn ở bên.

Với những người mà chúng ta tin tưởng, chúng ta có thể chia sẻ với họ bất cứ chuyện gì. Đây là nguyên tắc đầu tiên trong cách xưng hô với Chúa khi cầu nguyện – chúng ta trò chuyện với Ngài như một người cha hay một người bạn thân.

Thứ hai, chúng ta cần nói chuyện với Chúa một cách chân thành và trung thực. Xét cho cùng, Ngài biết hết mọi điều về chúng ta. Không gì trên đời này có thể giấu được Ngài; tuy nhiên, Ngài muốn chúng ta nói chuyện với Ngài. Không cần phải che giấu điều gì.

Ngay cả khi bạn tức giận với ai đó hoặc cảm thấy muốn khóc, để duy trì mối quan hệ, bạn cần phải nói chuyện thẳng thắng và giải quyết mọi khúc mắc trong lòng. Bất cứ điều gì bạn đang trải qua – ngay cả khi bạn tức giận, thất vọng, nản lòng hay mệt mỏi với Chúa – bạn có thể thảo luận điều này với Ngài trong khi cầu nguyện. Chúa yêu sự chân thành và sẽ không từ chối bất cứ ai đến với Ngài.

Chúa Giê-xu nói thế này về chính mình Ngài:

Tất cả những người Cha Ta ban cho Ta đều đến với Ta; ai đến với Ta, Ta sẽ không bỏ ra ngoài đâu.” (Giăng 6:37)

Điểm lưu ý thứ ba khi đến gần Chúa trong sự cầu nguyện là hãy nhớ rằng Ngài yêu bạn rất nhiều. Ngài đã hy sinh mạng sống của chính Con Ngài để bạn không chết trong tội lỗi của mình mà được cứu và được sống. Điều này được nói rất rõ trong Kinh Thánh:

Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16)

Vì thế, bạn không cần cố gắng thuyết phục Chúa làm điều gì tốt cho bạn hoặc giải quyết vấn đề của bạn. Đôi khi chúng ta quá bận rộn với việc thông báo cho Chúa biết các nan đề của mình. Ngài biết những nan đề của chúng ta rõ hơn chúng ta. Trên thực tế, Ngài biết những gì chúng ta sẽ gặp phải từ trước khi chúng ta được sinh ra trên đời này.

Chúa yêu thương chúng ta nhiều hơn bất kỳ bậc cha mẹ nào. Đây có thể là một điều khó nắm bắt. Tuy nhiên, như một em bé dựa dẫm vào cha mẹ mình, chúng ta cũng có thể nương cậy nơi tình yêu mà Chúa dành cho chúng ta.

Vậy nếu các con vốn là người xấu, còn biết cho con mình các vật tốt, huống chi Cha các con ở trên trời lại không ban những vật tốt cho những người xin Ngài sao?” (Ma-thi-ơ 7:11)

Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì tất cả chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài lại không ban mọi sự cùng với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:32)

Tôi mời bạn cùng hiệp ý với tôi trong một lời cầu nguyện ngắn.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con biết ơn vì Cha luôn yêu thương và ân cần với chúng con. Nhờ đó, chúng con có thể yên tâm mà chia sẻ với Cha những bí mật, nhu cầu cùng những lo toan trong đời mình. Chúng con vô cùng biết ơn Cha vì đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Chúng con cảm ơn Cha vì qua lời cầu nguyện, Cha ban cho chúng con năng quyền và giữ liên lạc với chúng con. Xin Cha ban ơn để sự hiểu biết của chúng con về Ngài ngày càng sâu sắc hơn hầu cho chúng con được đến gần Chúa hơn. Nguyện mọi vinh hiển trong đời sống của chúng con chỉ thuộc duy Ngài. A-men!

Hãy nhớ rằng, lời cầu nguyện này chỉ là một ví dụ. Tôi không khuyến khích bạn sử dụng nó như một bài văn mẫu cho việc giao tiếp thường xuyên với Đấng Tạo Hóa – bởi vì cầu nguyện thực sự không sử dụng khuôn mẫu.

Trong khi cầu nguyện, chúng ta cần cho phép mình dừng lại và lắng nghe những gì Chúa đang phán với chúng ta.

Bạn có cam kết dành thời gian cầu nguyện hàng ngày để lắng nghe và chờ đợi Chúa không?

Bạn sẽ chỉ có thể hiểu được quyền năng thực sự của lời cầu nguyện khi bạn đắm mình trong việc cầu nguyện và biến cầu nguyện thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mình.

Biên tập: Eunice Tu

Nguồn: hope.study/unlimited-power-of-prayer

hoithanh.com

Có thể bạn quan tâm