Trang chủ Tổng Hợp Cầu Nguyện Như Thế Nào?

Cầu Nguyện Như Thế Nào?

bởi admin

Tại sao Chúa không đáp lời ngay lập tức?

Bạn có thể nói, “Tôi biết Đức Chúa Trời là tốt lành. Vậy tại sao Ngài không ban cho tôi những gì tôi cầu xin Ngài?

Trước hết, điều đáng chú ý là nhiều người nghĩ Chúa không ban cho họ những gì họ cầu xin. Mặc dù trên thực tế, Ngài chỉ đang chờ đợi thời điểm thích hợp để đưa ra câu trả lời. Chúng ta thường tìm kiếm câu trả lời ngay lập tức. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, để lời cầu nguyện được nhậm là một quá trình và cần có thời gian.

Trong trường hợp của Đa-ni-ên, phải mất vài tuần, và trong trường hợp của Môi-se – vài thập kỷ trước khi Đức Chúa Trời đáp lời họ. Nhiều người trong chúng ta cầu xin Chúa điều gì đó, và rồi ngay lập tức chúng ta bắt đầu cố gắng làm việc để đạt được điều mà chúng ta đã cầu xin Chúa. Nhưng trước tiên chúng ta phải đợi câu trả lời. Chúng ta vội vàng “giúp” Chúa ban phước cho chúng ta hơn là chờ đợi quyết định của Ngài.

Điều này thường là do chúng ta không đủ tin cậy Ngài. Ví dụ, khi bạn đặt một chai nước hoa để làm quà tặng, phải mất một thời gian chai nước hoa mới được giao tới tay người mà bạn muốn tặng.

Nếu việc Chúa đáp lời cầu nguyện là một quá trình, thì chúng ta cần tiếp tục cầu nguyện để Đức Chúa Trời tiếp tục hành động. Và ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy cũng như không hiểu được chuyện gì đang diễn ra, chúng ta cần tiếp tục cầu nguyện và chờ đợi bằng đức tin.

Tại sao Chúa để chúng ta chờ đợi lâu như vậy? Nói cách khác, tại sao Chúa muốn chúng ta kiên trì trong sự cầu nguyện? Chà, có ít nhất hai lý do cho việc này:

1. Để chuẩn bị chúng ta

Trước hết, Chúa muốn chuẩn bị chúng ta và những người xung quanh chúng ta cho điều mà Ngài sắp ban cho chúng ta. Hãy nghĩ xem đã có bao nhiêu tình huống xảy ra, nếu không phải nhờ Chúa chuẩn bị tấm lòng và tâm trí của con người, thì đã không có chuyện gì xảy ra. Chúng ta sẽ xem xét một số ví dụ trong Kinh Thánh về điều này trong giây lát nữa.

2. Bởi vì chúng ta có xu hướng khoe khoang hoặc kiêu ngạo

Đây là lý do thứ hai khiến Đức Chúa Trời trì hoãn trong việc đáp ứng những yêu cầu của chúng ta.

Nhiều lần khi Chúa tuôn đổ phước lành trên một người, họ có thể bắt đầu nghĩ: “Tôi đã cầu nguyện rất nhiều nên Chúa mới hành động. Nhờ vậy, bài giảng vừa rồi của tôi đã thành công ngoài sức tưởng tượng.” hoặc “Tôi kiếm được nhiều tiền và dâng cho Chúa cũng nhiều.” hay “Tôi đã hướng dẫn nhiều người tin nhận Chúa…” – Nói tóm lại “Tôi” là một người khá tuyệt vời.”

Đôi khi, Chúa phải hạ chúng ta xuống, và Ngài cầm giữ phước hạnh của Ngài lại cho đến khi chúng ta ngừng nghĩ quá cao về bản thân mình.

Vì có ai thấy bạn trội hơn người khác chăng? Có điều gì bạn có mà không do nhận lãnh chăng? Nếu bạn đã nhận lãnh, thì sao còn khoe khoang như chưa từng nhận lãnh?” (1 Cô-rinh-tô 4:7)

Vì nhờ ân điển đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em, đừng nghĩ quá cao về chính mình, nhưng phải suy nghĩ đúng mực, tùy theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã ban cho từng người.” (Rô-ma 12:3)

Bạn đã bao giờ cho rằng các phước lành mà Chúa ban cho bạn là do khả năng và công lao của chính bạn chưa? Tôi cũng đã từng như vậy. Nhưng điều đáng mừng là chúng ta đều nhận ra cái sai của mình và Chúa có thể thay đổi tấm lòng của chúng ta.

Các ví dụ trong Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời chuẩn bị con người trước khi đáp lại lời cầu nguyện của họ

Hãy tưởng tượng Đức Chúa Trời phán với Nô-ê, “Hãy đóng một con tàu vì trời sẽ mưa rất to đến nỗi cả thế gian sẽ chìm trong nước…” trong khi trước đó chưa từng có mưa (nếu không muốn nói là chữ “mưa” chưa xuất hiện trong từ điển của con người thời đó). Nếu tôi ở địa vị của Nô-ê, và đây là lần đầu tiên tôi được nghe Chúa phán, tôi không chắc mình sẽ bắt tay ngay vào việc đóng tàu. Mối quan hệ của Nô-ê với Đức Chúa Trời đã được vun đắp theo thời gian.

Qua sự cầu nguyện, theo thời gian, chúng ta cũng có thể biết Chúa và học cách tin cậy Ngài nhiều hơn. Và kết quả là, chúng ta sẽ sẵn sàng làm bất cứ điều gì Ngài bảo chúng ta làm. Đó là lý do tại sao Nô-ê có thể làm những gì Đức Chúa Trời phán với ông. Đó là lý do tại sao Nô-ê có thể đóng một con tàu lớn – một phương tiện chuyên chở đường thủy –  mặc dù trước đó trời chưa bao giờ đổ mưa.

Khi bạn tin cậy Chúa nhiều như vậy, bạn sẽ không dừng lại để suy nghĩ một cách logic và nói, “Đây là chuyện bất khả thi… chúng ta không có thời gian. Chúng ta không có đủ tiền của… Người đời sẽ cười vào mặt chúng ta…” Bạn chỉ cần tin cậy nếu Chúa yêu cầu bạn làm điều dường như không thể, thì Ngài sẽ ban cho bạn những thứ bạn cần để làm được điều đó; vấn đề là bạn có chịu làm hay không thôi.

Lời cầu nguyện được nhậm là một quá trình vì Đức Chúa Trời cần có thời gian để làm việc với tâm trí của chúng ta, giúp chúng ta chuẩn bị tinh thần để đón nhận những gì Ngài muốn làm cho chúng ta. Tư tưởng Chúa sâu rộng hơn nhiều so với suy nghĩ hạn hẹp của chúng ta. Ngài nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh mà chúng ta không thấy được và thấu hiểu mọi sự một cách đầy đủ hơn chúng ta. Thật vậy, Kinh Thánh hứa rằng Ngài “có thể làm trổi hơn bội phần mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng” (Ê-phê-sô 3:20).

Hãy cùng lướt qua một vài câu chuyện trong Kinh Thánh để có thêm nhiều ví dụ về cách Đức Chúa Trời làm việc trong dân sự của Ngài.

Khi Y-sơ-ra-ên băng qua sông Giô-đanh, trước mặt họ là thành Giê-ri-cô với tường thành kiên cố. Đức Chúa Trời chỉ thị Giô-suê, thủ lĩnh của họ, hãy cho quân đi vòng quanh thành trong bảy ngày. Và đến ngày thứ bảy, mọi người lớn tiếng reo hò (Giô-suê 6).

Thành thật mà nói, đây không phải là chiến thuật mà nhiều người ngày nay sẽ áp dụng. Tuy nhiên, Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên đã vâng lời Đức Chúa Trời và làm theo kế hoạch của Ngài. Một phép lạ khó tin đã xảy ra, những bức tường thành Giê-ri-cô đã sụp đổ trước mặt Y-sơ-ra-ên mà không cần bất kỳ nỗ lực nào.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là thái độ của Giô-suê. Ông chỉ đơn giản là tin và làm theo những gì Chúa phán với niềm tin tuyệt đối. Tôi tin chắc rằng Giô-suê và Đức Chúa Trời của ông đã duy trì mối quan hệ như vậy trong suốt quãng đời còn lại của mình.

Nhưng câu chuyện của Ghi-đê-ôn (Các Quan Xét 7:1-23) thì lại khác. Vào thời Ghi-đê-ôn, con cái Y-sơ-ra-ên đã bất trung với Đức Chúa Trời trong nhiều năm. Ghi-đê-ôn không có được lợi thế để biết bằng kinh nghiệm trực tiếp của mình, rằng tin cậy nơi Đức Chúa Trời là thể nào.

Thiên sứ của Chúa đã hiện đến với Ghi-đê-ôn để cho ông biết họ sẽ sớm được giải thoát khỏi sự áp bức của kẻ thù. Ghi-đê-ôn đã được nghe nói về cách Đức Chúa Trời làm phép lạ cho các tổ phụ mình trong quá khứ xa xưa. Tuy nhiên, ông tỏ ra ngã lòng và thất vọng vì không chắc những phép lạ dường ấy có thể xảy ra vào thời của mình.

Nhưng Ghi-đê-ôn đã khá cởi mở và thành thật với Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời đã sử dụng ông một cách mạnh mẽ để giải phóng dân sự khỏi nỗi sợ hãi và sự bạo ngược mà họ đã sống chung trong nhiều năm. Ông đã kiên trì cầu nguyện, và Đức Chúa Trời đã dẫn dắt ông tập hợp một đội quân chỉ có ba trăm binh sĩ!

Ghi-đê-ôn đã nghĩ ra kế hoạch tác chiến nào? Chúa đã làm tất cả những công việc cần thiết. Ghi-đê-ôn chỉ đơn giản là lắng nghe và làm theo.

Ghi-đê-ôn trang bị cho ba trăm binh sĩ một tay cầm tù và tay kia cầm đuốc. Họ lẻn vào doanh trại của kẻ thù, nơi có cả trăm nghìn binh sĩ đang ngủ. Với suy nghĩ con người của mình, bạn nói đây là một kế hoạch tấn công thất bại. Nhưng đây là kế hoạch của Đức Chúa Trời, và Ghi-đê-ôn đã ngoan ngoãn làm theo; kết quả là ông cùng đội quân khiêm tốn của mình đã đại thắng. Câu chuyện đáng kinh ngạc này cho chúng ta thấy rằng mối quan hệ của mỗi người với Chúa mang tính cá nhân và không ai giống ai.

Qua những câu chuyện này, chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng Đức Chúa Trời đã kêu gọi những người này làm những việc mà chúng ta có thể nói là hết sức vô lý. Tuy nhiên, không ai trong số họ dùng lý lẽ của mình để cân nhắc những lời của Đức Chúa Trời. Họ chỉ đơn giản là làm theo lời Ngài, và điều đó đã trở thành những kinh nghiệm đức tin tuyệt vời in sâu vào các trang Kinh Thánh mà tất cả chúng ta đều thích đọc đi đọc lại nhiều lần.

Vậy, lý do đầu tiên tại sao Chúa không đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta ngay lập tức là vì chúng ta chưa sẵn sàng hoặc hoàn cảnh của chúng ta chưa sẵn sàng để chấp nhận câu trả lời của Ngài. Do đó, Đức Chúa Trời cần thêm thời gian để chuẩn bị chúng ta cho các phước lành của Ngài.

Cầu nguyện đòi hỏi đức tin, và đức tin không dựa trên những gì bạn nhìn thấy, những điều bạn cảm nhận, hoặc những thứ bạn có thể hiểu được. Đức tin dựa trên sự hiểu biết về Ngài – Đấng chúng ta cầu nguyện.

Vấn đề thực sự mà nhiều người gặp phải trong đời sống cầu nguyện

Thông thường, mọi người đến với Chúa trong sự cầu nguyện và nói về những nan đề của mình. Nhưng trên thực tế, những nan đề mà họ liệt kê không phải là vấn đề thực sự của họ.

Vấn đề thực sự của chúng ta là chúng ta không biết Chúa của mình. Nếu chúng ta thực sự biết Đấng mà chúng ta đang cầu xin, chúng ta sẽ không lo lắng hay khó chịu, ngay cả khi dường như Ngài không vội trả lời chúng ta. Xét cho cùng, dù Ngài có làm gì đi nữa thì Ngài cũng chỉ muốn điều tốt nhất cho chúng ta mà thôi. Khi bạn thực sự biết Chúa, bạn sẽ bắt đầu tin cậy Ngài, và lòng bạn sẽ có được sự bình an.

Đây là một phân đoạn cực kỳ quan trọng trong Kinh Thánh nói về sự hiểu biết Đức Chúa Trời:

Đức Chúa Giê-xu đáp: ‘Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta thì không ai được đến với Cha. Nếu các con biết Ta thì cũng biết Cha Ta; từ bây giờ các con biết và đã thấy Ngài.’”(Giăng 14:6-7)

Chúa Giê-xu nói với các môn đồ rằng họ đã biết Đức Chúa Cha và thậm chí đã thấy Ngài vì họ đã biết và đã thấy Chúa Giê-xu. Không ai trên đời này có thể bày tỏ cho chúng ta biết bản chất của Đức Chúa Trời như Chúa Giê-xu. Ngài đã chứng tỏ Ngài không thờ ơ trước sự bất hạnh của người khác và đã đi xa đến mức phó thân thể Ngài vì bạn hữu của Ngài. Vì vậy, nếu bạn muốn thực sự hiểu rõ về Cha Thiên Thượng của mình, bạn cần nghiên cứu cuộc đời Chúa Giê-xu trong các trang Phúc Âm.

Mục đích của việc cầu nguyện: một cấp độ mới về sự hiểu biết Chúa

Chúng ta đã biết rằng mục đích chính của việc cầu nguyện là để biết Chúa, nhưng ở đây chúng ta cần làm rõ một điều. Chúng ta phải phân biệt “sự hiểu biết về Đức Chúa Trời” với việc “biết và hiểu Đức Chúa Trời” bởi vì hai điều này không giống nhau.

Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời không chỉ là kiến thức thần học về Ngài theo kiểu lý thuyết mà là sự quen biết cá nhân với Ngài, tiến triển thành một mối quan hệ gần gũi, tin cậy lẫn nhau.

Nói về sự hiểu biết Đức Chúa Trời, trong các bản Kinh Thánh cổ chép tay bằng tiếng Hy Lạp, những người viết có thể đã dùng từ “eido”. Về cơ bản từ này có nghĩa là “kiến thức”. Tuy nhiên, từ gốc mà các tác giả dùng là “ginosko” (giống như trong Giăng 17:3, “Sự sống đời đời là nhận biết Cha…”), có nghĩa là “mối quan hệ thân tình”. Nói cách khác, họ đang nói về mối quan hệ cá nhân thân thiết. Vì vậy, theo Kinh Thánh, biết Chúa không chỉ là có kiến thức về Ngài mà còn có mối quan hệ cá nhân với Ngài nữa.

Nếu bạn tìm kiếm Chúa chỉ để cầu xin Ngài điều gì đó, bạn sẽ giống như một người phối ngẫu chỉ nói chuyện với bạn đời của mình khi cần điều gì đó từ anh ấy (hay cô ấy). Đây không phải là tình yêu mà là sự ích kỷ. Điều quan trọng là phải có động cơ đúng đắn để kết nối với Chúa. Khi bạn muốn gặp gỡ Ngài, không phải vì bạn muốn nhận được điều gì đó từ Ngài, mà vì bạn muốn nhìn thấy Ngài và nghe tiếng Ngài, và bởi bạn nhớ Ngài, muốn ở trong sự hiện diện của Ngài. Khi đó, bạn sẽ nhận ra rằng bạn đang bắt đầu hiểu Chúa và mục đích thật sự của việc cầu nguyện.

Các phước lành và sự hướng dẫn của Ngài là những điều tốt, nhưng chính bản thân Ngài còn đáng giá hơn rất nhiều so với những điều đó.

Thi-thiên 63 được Đa-vít viết khi ông đang ở trong hoang mạc xứ Giu-đê, nơi ông ẩn mình khỏi Vua Sau-lơ trong 10 năm dài. Đa-vít đã cầu nguyện để được giúp đỡ. Vua của cả Y-sơ-ra-ên và các chiến binh mạnh nhất của ông đang truy đuổi để tìm bắt và giết Đa-vít. Lúc đầu, có khoảng 200-300 người đi theo Đa-vít. Con số đó sau này tăng lên 600 người. Nếu tính luôn cả vợ và con họ, thì chúng ta có 1500-2000 người đang ở dưới sự chăm sóc của Đa-vít.

Bạn đã bao giờ đến vùng hoang mạc xứ Giu-đê chưa? Tôi đã từng đến đó, và bạn biết ở đó có gì không? KHÔNG CÓ GÌ CẢ! Hoàn toàn không có gì. Không có nước, không có cây cối, không có hoa, không có cỏ, … không có gì cả. Trời nóng như thiêu như đốt ở nhiệt độ 150 độ F (hơn 65 độ C) – một sức nóng khủng khiếp. Không có cây, không có bóng râm, không có làn gió nào có thể làm mát bạn, không có gì cả! Nếu tôi vùi một quả trứng vào cát, bạn sẽ có ngay món trứng luộc.

Hãy thử hình dung bạn cần nước uống mỗi ngày cho 2000 người. Bạn cũng cần thức ăn mỗi ngày cho 2000 người. Và những người này cũng cần được bảo vệ. Trốn một mình thì tương đối dễ, nhưng làm sao trốn được 2.000 người? Điều đó không hề dễ dàng.

Hãy nghĩ xem – bạn sẽ cầu nguyện điều gì nếu bạn là Đa-vít? Bạn có thể cầu nguyện cho công lý được thực thi, xin sự hướng dẫn, thức ăn, nước uống và sự bảo vệ. Đây là điều Đa-vít đã cầu nguyện:

Lạy Đức Chúa Trời, Chúa là Đức Chúa Trời của con, con hết lòng tìm cầu Chúa như trong vùng đất khô cằn, nứt nẻ, chẳng có nước. Linh hồn con khát khao Chúa, thân thể con mong ước Ngài…Vì sự nhân từ Chúa tốt hơn mạng sống. Môi con sẽ ca ngợi Ngài. Như vậy con sẽ chúc tụng Chúa suốt đời con; Nhân danh Chúa, con sẽ giơ tay lên. Linh hồn con được thỏa mãn như ăn tủy xương và mỡ; Môi miệng con sẽ vui vẻ mà ca ngợi Chúa. Khi nằm trên giường, con nhớ đến Chúa, và suy ngẫm về Ngài suốt các canh đêm. Vì Chúa đã giúp đỡ con, và con hát mừng dưới bóng cánh của Ngài.” (Thi-thiên 63:1, 3-7)

Đa-vít nói với Đức Chúa Trời rằng tình yêu của Ngài đối với ông tốt hơn đồ ăn thức uống ngon, tốt hơn cả sự sống. Ông đã cầu nguyện những lời này ở một nơi vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không có gì cả. Ông không cầu xin sự sống. Ông không cầu xin sự bảo vệ. Ông nhận ra nhu cầu duy nhất của mình là chính Đức Chúa Trời.

Mọi nan đề trở nên thật nhỏ bé khi ta có Chúa. Trong sự hiện diện của Chúa, bạn có thể quên đi căn bệnh nan y của mình, những vấn đề trong công việc, những vấn đề gia đình hoặc bất cứ điều gì khác đang làm phiền bạn. Đa-vít nói ông chỉ cần Chúa và không cần gì khác. Đây là tình yêu đích thực dành cho Chúa và tình yêu đó sẽ thúc đẩy bạn tìm kiếm Ngài và thưa chuyện với Ngài qua sự cầu nguyện.

Lắm lúc người ta đến với Chúa qua việc cầu nguyện chỉ vì họ muốn Ngài giải quyết nan đề của họ. Tuy nhiên, có vẻ như càng yêu cầu giải pháp, mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn. Không phải vì Đức Chúa Trời không quan tâm đến họ hoặc các nan đề của họ; mà là vì họ tập trung quá nhiều vào các nan đề của mình chứ không phải vào Đức Chúa Trời.

Bạn càng dành nhiều thời gian cho Chúa, bạn sẽ càng khao khát được dành nhiều thời gian hơn cho Ngài. Và không phải vì bạn có nhiều nan đề, mà vì bạn muốn có mối quan hệ với Ngài. Về cốt lõi, đây là mục đích của sự cầu nguyện.

Bạn có cam kết dành nhiều thời gian cầu nguyện hơn để tìm kiếm Chúa và nhận biết Ngài không?

Biên tập: Eunice Tu

Nguồn: hope.study/unlimited-power-of-prayer

hoithanh.com

Có thể bạn quan tâm