Trang chủ Lời chứng Đa-ni-ên, Người Tha Hương

Đa-ni-ên, Người Tha Hương

bởi

 

Kinh Thánh: Đa-ni-ên 1:1-21; 6:1-3

Câu Nền Tảng: Đa-ni-ên 6:10

“Khi Đa-ni-ên nghe rằng chỉ dụ đó đã ký tên rồi, thì về nhà mình (Những cửa sổ của phòng người thì mở về hướng Giê-ru-sa-lem). Tại đó, cứ một ngày ba lần, người quỳ gối xuống cầu nguyện, xưng tạ trước mặt Đức Chúa Trời mình, như vẫn làm khi trước.”

Lời Mở Đầu

Kính thưa Hội Thánh, tình hình chiến tranh và chính trị thay đổi trong nhiều quốc gia đã dẫn đến “làn sóng tị nạn” nhiều nơi trên thế giới. Xin nêu lên một vài con số của vấn đề này trong thời gian gần đây.

Ba năm trước đây, Châu Âu giang tay tiếp đón đoàn người Syria tị nạn. Ngoài ra, EU cũng phải tính đến việc hỗ trợ cho các trại tị nạn dành cho người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan và những nơi khác (để họ không phải cất công tìm kiếm cuộc sống mới qua những con đường nguy hiểm khác) .

Riêng Nước Đức, chỉ trong vài tháng, con số đã lên đến một triệu người (Theo số liệu từ hệ thống đăng ký tiếp nhận người tị nạn “Easy” toàn liên bang, khoảng ba tuần trước khi kết thúc năm 2015, số người tị nạn đăng ký chính thức ở Đức đã đạt con số 1 triệu người. Trong đó, riêng tháng 11-2015 đã có trên 200.000 người tị nạn đăng ký mới).

Một trang mạng điện tử AP đưa tin như sau:

Thế giới đồng lòng giải quyết vấn đề di cư và người tị nạn | Thế giới – ngày 20 thg 9, 2016 – Theo AP ngày 20.9, lãnh đạo 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc ngày … Vấn đề khủng hoảng tị nạn và di cư đã trở thành tâm điểm trong kỳ họp này. … Chiến tranh và Nghèo đói là NGUỒN GỐC để người Dân bỏ xứ mà đi.

Tin tức gần đây nhất của Đài VOA Thời sự Thế giới, ngày 31 tháng 10, 2017 “Úc đóng cửa trại tị nạn: 600 người từ chối rời trại”. Bản tin cho hay: Hơn 600 người xin tị nạn hôm thứ Ba 31/10 đã từ chối rời khỏi một trung tâm tạm giam người tị nạn do Úc điều hành ở Papua New Guinea.

Riêng về Người Việt chúng ta thì như thế nào?

Theo số liệu 2014 của Cơ quan Kiểm tra Dân số của Mỹ, người gốc Việt ở Mỹ là 2,1

triệu – đông thứ 6 sau các nhóm di dân Mễ Tây Cơ, Ấn Độ, Trung Quốc, Phi Luật Tân và El Salvador. Trong một bài viết của Quốc Vinh vào ngày 1 Nov, 2016 cho biết vài con số thống kê, như sau:

Kể từ năm 1975 số người Việt đến Mỹ tăng gấp đôi mỗi 10 năm, cho đến những năm 2000 thì tăng 26%.

Số người gốc Việt  ở Mỹ hiện nay là khoảng 1,3 triệu, nhưng nếu tính luôn người Việt sinh ra tại Mỹ thì con số đó là khoảng 2,1 triệu (theo số liệu của Cơ quan Kiểm tra Dân số của Mỹ). Đa số người Việt sống ở California, Texas, Washington và Florida.

Tuổi trung bình của người Việt ở Mỹ là 47, lớn hơn so với các nhóm di dân hoặc dân Mỹ gốc, nhưng cũng tương tự như các nhóm di dân khác, thống kê năm 2014 cho thấy 81% người Việt trong độ tuổi đi làm.

Cơ quan Kiểm tra Dân số của Mỹ định nghĩa di dân/tị nạn là những người lúc sinh ra không có quốc tịch Mỹ.                  So với các nhóm di dân khác, người Việt có trình độ tiếng Anh và học vấn thấp hơn, với chỉ có 25% có bằng đại học. Tỉ lệ này ở các nhóm di dân khác là 29%, và 30% với dân Mỹ gốc.

Tuy vậy người Việt có công ăn việc làm nhiều hơn, 67% so với 62% của dân sinh ra ở Mỹ. Thu nhập trung bình của người Việt ở Mỹ là $59.933, trong khi của các nhóm di dân khác là $49.487 và của dân Mỹ gốc là $54.565. 

Nhưng theo thống kê 2014, 14% người Việt được coi là nghèo khó, so với 19% của các nhóm di dân khác và 15% của dân Mỹ gốc.

Tuy nhiên theo số liệu của Ngân hàng Thế giớitrong năm 2014 người Việt trên toàn cầu đã gởi về quê nhà 12 tỉ đô-la qua các phương tiện chính thức, trong đó từ Mỹ là nhiều nhất với 7,4 tỉ đô-la trong năm 2015. Cũng theo Ngân hàng Thế giới, số tiền người Việt ở hải ngoại gởi về Việt Nam đã tăng 6 lần kể từ năm 2000, với con số từ Úc là 1,1 tỉ đô-la, Canada 923 triệu đô-la, và 714 triệu đô-la từ Đức.

Di dân, tị nạn hay cuộc sống lưu vong là một trong những vấn nạn hiện nay trên thế giới và cũng là một hiện trạng trong Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại chúng ta. Để không mặc cảm thân phận mất nước, lưu vong . . . chúng ta dùng từ ngữ dễ nghe hơn là “Người Việt tha hương”. Trong thân phận tha hương này, Người Việt chúng ta luôn nhớ về Quê Hương về gia đình và tổ quốc với một tấm lòng yêu thương. Dù vất vả với cuộc sống chúng ta cũng hướng về và trợ giúp gia đình rất nhiều trong những ngày qua. Là những người mang Danh là Cơ đốc nhân, là con dân Chúa ngoài những giúp đỡ về vật chất, tiền bạc, chúng ta cũng đã cưu mang thêm gánh nặng thuộc linh đối với Quê Hương chúng ta.  Dân số Việt Nam ngày nay có khoảng 94 triệu (Thống kê của Tháp Dân Số năm 2016 là 93,421,835 người). Theo Báo Đuốc Thiêng – Châu Âu, (2011) thì sau 100 Năm Tin Lành được truyền giảng thì Việt Nam có khoảng 5,000 Chi Hội và Nhà Nguyện và có khoảng 2 triệu Tín hữu Tin Lành.

Hôm nay, (tôi đề cập đến vấn đề chung của xã hội và thế giới hơi nhiều!), nhưng chủ đích của tôi là muốn nhắc tới một nhân vật tương đồng thân phận (lưu vong) hay nói nhẹ nhàng hơn là “tha hương” như chúng ta. Sự thành công của ông trong một xã hội xa lạ, nền văn hóa khác biệt, và một cuộc sống hoàn toàn thay đổi. . . nhưng ông đã thành công trong xã hội mới mẻ ấy; tấm lòng của ông luôn hướng về Quê Hương, Dân Tộc mình mà cầu nguyện một ngày ba lần. Điểm son này khiến ông trở nên một nhân tố điển hình (gương mẫu) cho chúng ta, những Người Việt tha hương trên thế giới ngày nay.

Nhân vật ấy là ĐA-NI-ÊN – Người Tha Hương Gương Mẫu. Qua nghiên cứu, Kinh Thánh ghi lại cho chúng ta biết về Cuộc Đời và sự thành công công của ông, chúng ta cùng học hỏi Lời Chúa sau đây:

THÂN PHẬN VÀ SỰ THÀNH CÔNG CỦA ĐA-NI-ÊN

Dầu mất mọi sự, nhưng quyết không mất đức tin (1:1-5)

Đa-ni-ên là con cháu trong Hoàng tộc Nước Y-sơ-ra-ên, nhưng đã bị Đế quốc Ba-by-lôn bắt làm nô lệ. Như vậy, Đa-ni-ên đã bị mất nước, mất nhà, mất đền thờ (Trung tâm Thờ Phượng Chúa); tất nhiên ông cũng mất tự do (vì là phu tù – nô lệ), mất vinh dự, quyền tước, sự giàu sang, nhưng lụa…Nhưng ông không mất đức tin nơi Đức Chúa Trời.

Dầu mọi sự thay đổi, nhưng lòng quyết không thay đổi:

Đổi tên: Tên của Đa-ni-ên và ba bạn được thay đổi (1:6-7)

Những tên thánh được đổi lại tên mới này là tên các thần của Ba-by-lon. Mục đích của Vua Ba-by-lôn là tẩy não, để học quên đi gốc tích tuyển dân Do thái của mình.

Sự học hành cũng bị thay đổi:

Học vấn của những người trẻ được trang bị để phục vụ kẻ thù, phục vụ tà thần, chó không phải phục vụ thờ phượng Đức Chúa Trời.

Dầu phải đói, quyết không phạm tội (1:5, 8, 9-20)

Vật chất là một quyền lợi đặc biệt cho con người. Ai cũng muốn hưởng thụ, ăn uống cao lương mỹ vị (Thực phẩm của Vua). Nhưng tại sao Đa-ni-ên va ba bạn Hê-bơ-rơ của ông không chịu nhận đặc ân của Vua? Câu trả lời cho chúng ta, là vì theo phong tục toàn bộ thức ăn của Vua – Hoàng gia đều được cúng tế thần tượng. Đồng thời, theo luật pháp Môi-se, Tuyển Dân của Chúa khi ăn của cúng thần tượng là phạm tội, nên Đa-ni-ên và các bạn ông xin phép không ăn.

Để vượt qua cái đói (khi không ăn thực phẩm của Vua), Đa-ni-ên đã xin một giải pháp, đó là ăn rau. Có lẽ đây là phương pháp “ăn kiêng” tuyệt vời nhất mà Kinh Thánh ghi lại. Sau 10 ngày thử nghiệm, kết quả thật bất ngờ.

BÍ QUYẾT ĐƯA ĐẾN THÀNH CÔNG CỦA ĐA-NI-ÊN

Câu cuối (1:21) của đoạn Kinh Thánh chúng ta học hôm nay cho thấy bước đường thành công của Đa-ni-ên và ba bạn ông trên đất khách quê người.

Đa-ni-ên làm quan qua các triều đại tại Ba-by-lôn:

  1. Ông làm quan thời Vua người Canh-đê tại Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa (từ đoạn 1 – 4);
  2. Thời Vua Bên-xát-sa – con Vua Nê-bu-cát-nết-sa (từ đoạn 5:1 – 30);
  3. Thời Vua Đa-ri-út là một Đế chế mới của Người Mê-đi (Ba-tư) cầm quyền tại Ba-by-lôn (Từ đoạn 5:31 – 6:28).

Ông đạt được vị trí cao nhất, sau Vua: (xin đọc 6:1-3).

Cho đến đầu thời cai trị của Vua Si-ru, người Phe-rơ-sơ (Đan 1:21; 6:28)

Bí quyết thành công của Đa-ni-ên:

Không chịu thỏa hiệp với thế giới thờ thần tượng:

Như ăn uống (1:8), thờ lạy thần tượng (6:7-13).

Đa-ni-ên trung tín cầu nguyện(6:10b):

Trung tín: Mỗi ngày 3 lần; khiêm nhu: quỳ gối

Can đảm trước bạo lực, cường quyền (vẫn mở cửa sổ), không   sợ bọn người ganh tỵ hảm hại.

Luôn hướng lòng về Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, là trung tâm thờ phượng của Tuyển Dân Y-sơ-ra-ên.

Luôn nhớ thân phận mình là người tha hương và nhớ về Dân Tộc của mình (Người Do-thái mất nước, làm nô-lệ).

Lời Kết:

Kính thưa Hội Thánh,

Qua đời sống của Đa-ni-ên – Người Tha Hương Gương Mẫu, chúng ta đã ít nhiều nhận thấy những hình ảnh cuộc sống, những vấn nạn đượng diện trong cuộc sống chúng ta hôm nay cũng giống như vậy.

Thí dụ như khía cạnh văn hóa: Ngôn ngữ thay đổi, tên họ thay đổi, phong tục thay đổi. . . những điều đó đôi khi khiến chúng ta (hay làm cho con cháu chúng ta) xa dần và quên đi thân phận người Việt tha hương của mình. Một khía cạnh khác là mưu sinh. Chúng ta phải làm việc để có “chén cơm manh áo”, nhưng cầu xin Chúa cho chúng ta không vì miếng ăn, thức uống mà phạm tội cùng Chúa. Như Đa-niên chúng ta phải đặt Chúa ưu tiên trong cuộc sống chúng ta. Dám sống vì Chúa, công khai đức tin giữa người ngoại đạo,  không sợ bọn người gian ác, ganh tỵ hảm hại; vì chúng ta tin rằng Chúa sẽ bảo vệ và binh vực chúng ta như Đa-ni-ên.

Và cuối cùng, để có được cuộc sống thành công như Đa-ni-ên, chúng ta noi gương ông trong sự trung tín cầu nguyện với Chúa hàng ngày. Sự cầu nguyện là chìa khóa cho mọi cánh cửa bế tắc, mở ra mọi nan đề trong cuộc sống tha hương nơi đất lạ quê người. Quan trọng hơn hết, cầu nguyện là thờ phượng Chúa, là bày tỏ lòng yêu Chúa và khi chúng ta cầu thay, khẩn nguyện, ấy là lúc toát lên lòng thương yêu dân tộc Việt Nam – Hơn 92 triệu người chưa biết Chúa.

Cầu xin Chúa cho chúng ta “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ, mà lừa dối mình” (Gia-cơ 1:22) nhưng theo Lời Chúa phán: “Hãy đi, làm theo như vậy!” (Lu-ca 10:37).  Amen. 

Mục sư Nguyễn Văn Đại

Nguồn: https://nguoichanbay.wordpress.com/  

 

Bài viết cùng chủ đề:
https://huongdionline.com/2020/06/21/da-ni-en-trong-hang-su-tu/

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Có thể bạn quan tâm