Trang chủ Sứ điệp mỗi ngày Ít Đức Tin

Ít Đức Tin

bởi admin

ĐỨC TIN VÀ SỰ TẬP CHÚ
_
Graham Davey, một chuyên gia về lo lắng, tin rằng những tin tức tiêu cực được phát đi “có thể khiến bạn buồn hơn và lo lắng hơn”. Một ảnh chế lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một người đàn ông đang xem tin tức trên TV và anh ta hỏi làm thế nào để ngừng lo lắng. Đáp lại, một người khác trong phòng tắt TV, gợi ý rằng câu trả lời có thể là thay đổi sự tập chú!

Những lời trên đây được trích dẫn từ: https://vietnamese-odb.org
_

Chúng ta xem xét chủ đề này.

“Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi!”

Ma-thi-ơ 6:30

Mọi người đều có đức tin vào một người nào đó hay vào điều gì đó, bất chấp họ cố gắng tránh né điều này. Nếu bạn đồng ý nhận một ngân phiếu hay là gởi tiền vào ngân hàng, bạn có đức tin vào ngân hàng. Nếu bạn đưa cho dược sĩ một đơn thuốc và sau đó lấy thuốc uống, bạn đang vận dụng đức tin. Lái xe trên đường hay thậm chí là bước vào thang máy và ấn nút cũng đòi hỏi đức tin. Yếu tố quan trọng nhất là đối tượng của đức tin. Và đối tượng đức tin của chúng ta chính là Đức Chúa Trời toàn năng. Đức tin Cơ đốc là đang sống với niềm tin rằng Đức Chúa Trời sẽ giữ mọi lời hứa của Ngài, bất luận hoàn cảnh tình huống xảy ra chung quanh ta như thế nào. Chúng ta bước đi, làm việc và chiến trận bởi đức tin.

Mọi tín đồ thật đều có một mức lượng của đức tin (Rô-ma 12:3), và mức lượng đó có thể được gia tăng khi chúng ta bước đi với Chúa, thậm chí là đạt đến trình độ “đức tin lớn” (Ma-thi-ơ 8:10; 15:28). Trong câu Kinh thánh Ma-thi-ơ 6:30, Chúa Jesus trách các môn đồ “ít đức tin”, một cụm từ mà Chúa hay sử dụng. Nếu bạn xem xét câu Kinh thánh trên, bạn sẽ khám phá vài tính cách “ít đức tin” của các môn đồ.

Người ít đức tin thì dễ lo lắng, đây cũng là thông điệp của câu Kinh Thánh trên. Nếu đức tin của chúng ta không được áp dụng trong các hoạt động hằng ngày, nó sẽ không hành động trong những sự thử thách lớn của chức vụ hay chiến trận thuộc linh của chúng ta. Đức tin trong Đức Chúa Trời là bí quyết để có một tấm lòng không lo lắng (Ma-thi-ơ 6:25-34). Nếu chúng ta mong đợi vui hưởng sự bình an của Ngài, thì mọi sự của chúng ta phải được mang đến với Chúa qua lời cầu nguyện (Phi-líp 4:6-7). Hội thánh đầu tiên nhấn mạnh đến sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo (Công 6:4), cả hai mục vụ này đều yêu cầu đức tin và giúp xây dựng đức tin.

Người ít đức tin thì dễ sợ hãi. Một cơn bão bất người thổi đến biển hồ Ga-li-lê và các môn đồ kinh hãi, nhưng Chúa Jesus đang ngủ! (Ma-thi-ơ 8:23-27). Họ đánh thức Chúa và kêu lớn, “xin cứu chúng tôi với, chúng tôi hầu chết!” Chúa Jesus làm tan cơn bão trên biển nhưng Ngài không thể làm tan nỗi sợ hãi trong lòng họ. Vấn đề của họ là ít đức tin, và điều này cũng có thể là vấn đề của bạn. C. H. Spurgeon đã từng nói, “Ít đức tin sẽ mang linh hồn bạn lên thiên đàng, nhưng đức tin lớn sẽ mang thiên đàng vào trong lòng bạn.”


Người ít đức tin thì lưỡng lự. Theo sách Ma-thi-ơ 14:22-23, Chúa Jesus cố tình để các môn đồ đi thuyền trên biển Ga-li-lê khi có bão, trong khi Ngài ở lại đằng sau. Giữa đêm, Ngài bước đi trên mặt biển đến cùng họ. Phi-e-rơ kêu lên, “Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa” (c.28). Chúa Jesus phán một lời: “Hãy lại đây!” và Phi-e-rơ đi bộ trên mặt nước mà đến cùng Chúa Jesus. Nhưng khi Phi-e-rơ không nhìn xem Chúa Jesus và bắt đầu thấy sóng lớn, rồi cảm nhận cơn gió mạnh. Điều gì xảy ra? Ông hòng sập xuống nước! Ông kêu lớn, “Chúa ơi, xin cứu lấy tôi!” Chúa Jesus giải cứu ông (c. 30-31). Hãy nhớ rằng, Phi-e-rơ biết rõ về nước cũng như bạn biết về các lối đi trong sân sau nhà mình, nhưng ông trở nên sợ hãi và bước đi giữa hai luồng ý tưởng: tiếp tục đi hay rơi xuống nước? Hãy cảnh giác về trạng thái “phân tâm” (Gia-cơ 1:8). Đây là cảnh ngộ của người ít đức tin.

Chúa Jesus đã ví sánh đức tin với hạt cải, một trong những hạt giống nhỏ nhất (Ma-thi-ơ 17:20). Nhưng kích thước của hạt cải thì không quan trọng, sự sống bên trong mới đáng kể. Đức tin giống như hạt giống nhỏ bé, nhưng nếu hạt giống được vun trồng trong lòng và được chăm sóc, nó sẽ sinh ra một cây lớn. Kinh Thánh là “lời của đức tin” (1 Ti-mô-thê 4:6), và nếu chúng ta càng ăn uống lẽ thật của Đức Chúa Trời, thì đức tin của chúng ta sẽ ngày càng trở nên mạnh hơn. Khi chúng ta trưng dẫn các lời hứa của Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện, đức tin của chúng ta sẽ trưởng thành.
“Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy.”

Ma-thi-ơ 9:29

Có thể bạn quan tâm