Trang chủ Dưỡng Linh Theo Đuổi Tri Thức Của Chúa

Theo Đuổi Tri Thức Của Chúa

bởi admin

THEO ĐUỔI TRI THỨC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

 

ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN cái đầu, đôi tay và tấm lòng của chúng ta. Ngài muốn chúng ta nhận biết lẽ thật –liên quan đến cái đầu, thực hành lẽ thật –liên quan đến đôi tay, và yêu mến lẽ thật – liên quan đến tấm lòng của chúng ta.

Sách Châm ngôn dạy: “Khi kẻ nhạo báng bị phạt, người ngu dại bèn trở nên khôn ngoan; Khi khuyên dạy người khôn ngoan, người nhận lãnh sự tri thức” (Châm-ngôn 21:11) Người khôn ngoan nhận lãnh tri thức – và đặc biệt là tri thức này đến từ Đức Chúa Trời (hay là tri thức của Chúa).

Sự ngu dốt đem đến sự hủy diệt cho tuyển dân Israel. Thánh Kinh cảnh báo, “dân ta bị diệt vì cớ thiếu sự thông biết” (Ô-sê 4:6). Sự thông biết hay tri thức là ở trong sự sáng, vui hưởng mối tâm giao với Chúa (1 Giăng 1:6-2:4). Sứ đồ Phao-lô cảnh báo tín nhân không đi theo cách sống của người ngoại bang, “anh em chớ nên ăn ở như người ngoại đạo nữa, họ theo sự hư không của ý tưởng mình, bởi sự ngu muội ở trong họ, và vì lòng họ cứng cỏi nên trí khôn tối tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 4:17-18). Cho dù một người có học vị cao, nhưng khước từ lẽ thật của Chúa, thì “xa cách sự sống của Đức Chúa Trời.” Lúc đó học vị cao hay được nhận giải thưởng Nobel cũng không có ý nghĩa gì trong cõi đời đời.

Hiểu biết đúng Lời Chúa dạy đem đến sự cứu rỗi. “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta, và ta sẽ làm cho người đó sống lại nơi ngày sau rốt. Các sách tiên tri có chép rằng: Ai nấy đều sẽ được Đức Chúa Trời dạy dỗ. Hễ ai đã nghe Cha và học theo Ngài thì đến cùng ta” (Giăng 6:44-45). Sự ngu muội là không nhận biết Chúa, thì phải bị hình phạt. Phao-lô nhấn mạnh, “anh em là người chịu khổ, được nghỉ ngơi với chúng tôi, trong khi Đức Chúa Giê-su từ trời hiện đến với các thiên sứ của quyền phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng, báo thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng phục Tin lành của Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta. Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:7-9).

Sự ngu dốt đã cướp đi kho báu quý giá nhất của thế giới là Chúa Giê-su (Công vụ 3:14-17), nhưng sự tri thức được mô tả: “nhờ sự khôn ngoan, cửa nhà được xây cất nên, và được vững vàng bởi sự thông sáng.  Nhờ sự tri thức, các phòng vi đều được đầy đủ các thứ tài vật quí báu và đẹp đẽ” (Châm-ngôn 24:3-4). Sự ngu muội khiến cho Sau-lơ bách hại tín nhân. Ông làm chứng về bản thân: “ta ngày trước vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo, nhưng ta đã đội ơn thương xót, vì ta đã làm những sự đó đương lúc ta ngu muội chưa tin” (1 Ti-mô-thê 1:13).

Người thông sáng mang lại sự bền vững cho quốc gia. “Tại vì xứ phạm tội ác nên có vua chúa nhiều; Nhưng nhờ người thông sáng có trí hiểu biết, sự vững vàng của nước sẽ còn lâu dài” (Châm-ngôn 28:2).  “Kẻ dại dột sẽ ghét sự tri thức” (Châm ngôn 1:22), còn người khôn ngoan tìm kiếm nó như một kho tàng ẩn giấu. Sa-lô-môn viết, “nếu con kêu cầu sự phân biện, và cất tiếng lên cầu xin sự thông sáng. Nếu con tìm nó như tiền bạc, và kiếm nó như bửu vật ẩn bí.  Bấy giờ con sẽ hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri thức của Đức Chúa Trời” (Châm ngôn 2:3-5).

TRI THỨC TĂNG LÊN, PHÁT TRIỂN VÀ THÊM LÊN MÃI

 

Phi-e-rơ nhấn mạnh rằng chúng ta phải bổ sung sự học thức vào tiến trình tăng trưởng thuộc linh của mình. “Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức” (2 Phi-e-rơ 1:5). Vị sứ đồ khích lệ chúng ta “tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta” (2 Phi-e-rơ 3:18). Phao-lô cầu nguyện cho các thánh đồ, “xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa” (Cô-lô-se 1:9; đọc Rô-ma 15:14; Phi-líp 1:9).

Những tri thức khôn ngoan này không chỉ đề cập đến “cái đầu” (khả năng trích dẫn Kinh Thánh hoặc đọc thuộc lòng các sự kiện trong Kinh Thánh), mà còn là tri ​​thức của “bàn tay” và “tấm lòng” (khả năng nêu gương sáng trong lối sống). Những tri ​​thức như vậy không được ban tặng một cách kỳ diệu ngay khi làm báp têm mà chỉ thu được trong suốt cuộc đời học tập hàng ngày của tín nhân. Nó tích lũy đều đặn qua sự cầu nguyện và suy ngẫm Lời Chúa (Thi thiên 119:99).

Chúng ta biết rõ về Kinh Thánh của mình như thế nào? Chẳng hạn, chúng ta có thể tìm thấy một đoạn Kinh văn nào đó chỉ đơn giản bằng cách biết nó nằm ở trang nào không? Marsha Kaitz, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, đã thử nghiệm 46 bà mẹ để xem họ nhận ra con mình như thế nào. Tất cả họ đều đã sinh con trong vòng năm mươi đến bảy mươi chín giờ trước đó. Mỗi bà mẹ đều được bịt mắt và yêu cầu xác định xem đứa trẻ nào trong số ba đứa trẻ đang ngủ là của mình. Gần 75% bà mẹ đã chọn đúng! Khi được hỏi, hầu hết cho biết họ chọn theo kết cấu hoặc nhiệt độ của tay trẻ sơ sinh. Họ đã trở nên quen thuộc qua tiếp xúc thông thường với con trẻ đến nỗi họ có thể nhận ra đứa con của họ mặc dù bị bịt mắt!

Bạn đã bao giờ nói về một người dạy Kinh Thánh nào đó, “Anh/chị ấy biết Kinh Thánh như trong lòng bàn tay” chưa? Câu này hàm ý là người dạy Kinh Thánh đó tiếp xúc đều đặn, thường xuyên với quyển Kinh Thánh của mình. Một Cơ đốc nhân đã nói, “tôi muốn dành nửa đời mình để hiểu biết Kinh Thánh.” Bạn dành bao nhiêu thời gian trong ngày cho Quyển Sách này?

LỬA CHÁY LÊN KHI SUY NGẪM LỜI

Đa-vít nói: “Lòng tôi nóng nảy trong mình tôi. Đương khi tôi suy gẫm, lửa cháy lên…” (Thi Thiên 39:3). Lưu ý trong câu này: tấm lòng nóng nảy, suy ngẫm Lời trong đầu và lửa cháy lên. Môi miệng ông bắt đầu chuyển động. Đa-vít suy ngẫm về những điều tốt lành mà Đức Chúa Trời đã làm cho ông và ông bắt đầu cất tiếng ngợi khen Ngài.

Một tín nhân trưởng thành thuộc linh thể hiện nếp sống đạo qua nhiều cách. Người đó bày tỏ lòng khoan dung, không báo thù ai.  “Chớ lấy ác trả ác cho ai; phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người.  Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người.  Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng” (Rô-ma 12:17-19).

Nếu chúng ta muốn nhận nguồn cảm hứng từ Lời Chúa, chúng ta cần tìm hiểu thêm về Kinh Thánh.  Không giống như các đối tượng khác, sự quen thuộc với từng trang Kinh Thánh không làm cho ta nhàm chán, mà là kính sợ Chúa. Càng biết nhiều, chúng ta càng ngạc nhiên về ân điển Ngài. Chúng ta bắt đầu hát “ân điển lạ lùng, đáng kinh ngạc” (Ê-phê-sô 2:8-9) và sẵn sàng rao giảng “sự giàu có không gì sánh được của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 3:8).

Lòng nhiệt thành và kiến ​​thức đi đôi với nhau như con chuột và con trỏ của máy tính. Lòng nhiệt thành mà không có kiến ​​thức là một con tàu không có bánh lái. Sau-lơ sốt sắng nhưng thiếu hiểu biết nên đã bách hại các tín đồ Đấng Christ (1 Ti-mô-thê 1:13). Nhưng khi lòng sốt sắng nối kết với Đấng Khôn Ngoan, ông đã sẵn sàng chết vì Ngài (Công vụ các Sứ đồ 21:13).

TRI THỨC CÓ THỂ TĂNG LÊN MÃI

Chúng ta phải cẩn thận, sự hiểu biết Kinh Thánh của chúng ta không chỉ là lấp đầy cái đầu và khiến chúng ta có vẻ như không phải là chính mình. Phao-lô cảnh báo, “luận đến của cúng các thần tượng thì chúng ta biết mình đều có sự hay biết cả. Song sự hay biết sanh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt.  Nếu có ai tưởng mình biết điều gì, thật người ấy chưa biết như mình nên biết. Nhưng nếu có một người yêu mến Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời biết người đó” (1 Cô-rinh-tô 8:1-3; xem 13: 4). Những người trưởng thành rao giảng Lời thường khiêm tốn và kiên nhẫn hơn những người rao giảng chưa đủ trưởng thành, vì họ nhận ra rằng người đầy tớ uyên bác vẫn còn rất nhiều điều để học hỏi ở phía trước.

Và chúng ta lưu ý điều này: một người có thể trích dẫn nhiều câu Kinh Thánh không nhất thiết khiến anh ta trở nên một Cơ đốc nhân trưởng thành hơn một người không thể trích dẫn. Một số thành viên hội thánh có bằng cấp học vấn cao cho rằng họ hiểu biết nhiều hơn những trưởng lão vốn không được đào tạo nhiều ở các trường thế tục. Tuy nhiên, kinh nghiệm mục vụ, nghiên cứu cá nhân và nhiều năm suy ngẫm Lời của các trưởng lão có thể đã đưa họ đi sâu vào con đường lẽ thật hơn là những thành viên khác trong hội thánh có bằng cấp cao.

Đôi khi, một người có “thâm niên” trong nhà thờ có thể có thái độ xem thường các Cơ đốc nhân mới tham gia vào hội thánh. Những thái độ xấu này bắt nguồn từ sự kiêu ngạo thay vì khiêm nhường (Phi-líp 2:2-3). Chúng ta nên kiên định đối với lẽ thật mà chúng ta biết, nhưng chúng ta cũng nên luôn sẵn lòng học hỏi từ người khác, mặc dù họ mới qui đạo. Sứ đồ Gia-cơ dạy, “sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình” (Gia-cơ 3:17).

ĐỨC CHÚA TRỜI GÂY DỰNG VÀ BAN GIA TÀI CHO TÍN NHÂN

Phao-lô truyền tải thông điệp Đức Chúa Trời gây dựng và ban gia tài cho tín nhân. Ông viết, “tôi giao phó anh em cho Đức Chúa Trời và cho đạo của ơn Ngài, là giao phó cho Đấng có thể gây dựng, và ban gia tài cho anh em chung với hết thảy những người được nên thánh” (Công vụ 20:32). Chúng ta là ai, mà nhận được gia tài chung với các thánh đồ!

Có một du khách đi ngang qua một ngôi làng đẹp như tranh vẽ, và hỏi một người đàn ông, “có người vĩ đại nào sinh ra ở ngôi làng này không?”

Người đàn ông trả lời: “không, ở đây chỉ có trẻ sơ sinh.”

Không có anh hùng đức tin tức thì trong Cơ đốc giáo. Mọi người đều bước vào gia đình của Đức Chúa Trời như một đứa trẻ thơ (Giăng 3:3-5). Những người nam được làm báp têm ngày hôm nay và không thể trở thành trưởng lão vào ngày mai. Những người đàn ông và phụ nữ vĩ đại của đức tin tăng trưởng đều đặn bằng cách gia tăng sự hiểu biết của họ về Lời. Nếu chúng ta tự hỏi tại sao chúng ta lại tiếp tục đi vào vết xe đổ và tiếp tục sống như những con trẻ thuộc linh, điều đó có thể liên quan trực tiếp đến mức độ hiểu biết nông cạn về Lời Chúa.

Nếu chúng ta mong đợi những hiểu biết mới mẻ và cải thiện nếp sống đạo, chúng ta phải nuôi dưỡng ngọn lửa của tâm trí. Nhốt một con cá mập nhỏ trong bể và nó sẽ vẫn có kích thước tương xứng với bể cá. Lúc đó cá mập có thể dài 6 inch nhưng chưa trưởng thành hoàn toàn. Nhưng hãy thả nó vào trong đại dương, và nó sẽ sớm phát triển đến chiều dài bình thường là 8 feet. Chúng ta cũng vậy, có thể phát triển đến một chiều kích lớn hơn điều chúng ta suy tưởng tới, khi được bơi lội tự do trong Lời lẽ thật.

Chúa muốn cái đầu, đôi tay và tấm lòng của chúng ta. Với những công cụ đó, Ngài có thể làm nên một người tài đức theo tiêu chuẩn Kinh Thánh.

Admin

 

Có thể bạn quan tâm