Trang chủ Tổng Hợp CÕI NÀO ĐỂ ĐI VỀ?

CÕI NÀO ĐỂ ĐI VỀ?

bởi admin

Gần đây tôi thấy nhiều người chết quá, lòng buồn rười rượi, rồi bỗng dưng đọc mấy câu thơ của cố thi sĩ Đinh Hùng khóc thương vợ, người mà mình yêu quí, giờ không biết ở đâu mỗi khi mùa thu sắp dần qua:

Trời cuối thu rồi em ở đâu?

Nằm im đất lạnh chắc em sầu

Thu ơi! đánh thức hồn ma dậy

Dắt em vào thăm nấm mộ sâu…

Thật là buồn phải không các bạn?
Cuộc sống của chúng ta buồn hay vui tùy thuộc vào cảm nhận của từng người. Thơ ca và âm nhạc của người Việt Nam chúng ta luôn luôn phảng phất  những nỗi buồn. Danh ca Tuấn Ngọc chia sẻ:
Cuộc đời buồn nhiều hơn vui, tôi thích hát nhạc buồn vì nó cho mình nhiều cảm xúc hơn. Tôi vẫn quan niệm hát phải để tâm hồn vào ca khúc mà chỉ có nhạc buồn mới bắt mình làm được như vậy còn nhạc vui thì ai chẳng hát được. Phần đông nhạc Việt, những ca khúc giá trị từ lời đến giai điệu đều buồn. Nước mình là nước chịu đủ thứ bất hạnh nên nhạc buồn cũng là điều dễ hiểu. Nhưng buồn quá cũng không nên vì mình mang buồn cho người nghe là điều không tốt. Thế nên sau này tôi đổi nhạc điệu cho bài hát đỡ bi lụy.

🙂

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài  phỏng vấn của Văn Cầm Hải, báo An ninh Thế giới cuối tuần số 44 tháng 03 năm 2005 về nhạc phẩm Một cõi đi về.

Nhà văn Văn Cầm Hải:

– Giữa cái sống và cái chết có một sự nối tiếp?

Trịnh Công Sơn:

-Chắc có sự nối tiếp cách nầy hay cách khác hoặc nó là miên viễn trôi đi biền biệt giống như sông nước…

Văn Cầm Hải:

– Anh có hình dung ra thân xác và linh hồn mình về lúc ở bờ bên kia?

 Trịnh Công Sơn:

-Chưa… tại tôi lười biếng mà ra, mình không bao giờ chuẩn bị trước cho mình cái gì cả cho những ngày sắp tới …

Và rồi Trịnh Công Sơn đã ra đi vào ngày 1/4/2001 mà không biết mình đi đâu. Ông cũng giống như Bùi Giáng:

ngày sẽ hết tôi sẽ không trở lại

tôi sẽ đi mà chẳng biết đi đâu

tôi sẽ tiếc thương trần gian này mãi mãi

vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu

(Trích tập thơ Mưa Nguồn)

 Trịnh Công Sơn về bên kia thế giới / hay trở về với cát bụi với một đám tang vô cùng long trọng, nhiều người đưa tiễn. Khánh Ly cũng từ Pháp quốc bay về dự đám tang. Hoa ở Đà Lạt đưa về vẫn không kịp, rất nhiều vòng hoa mang dòng chữ:

Một cõi đi về, Trở về cát bụi…

🙂

Đi về đâu hỡi anh/em khi trong lòng chưa tắt nắng?

Mọi người sinh ra trên đời này đều được Thượng Đế ban cho tổng số ngày để sống. Tác giả Thi thiên viết, “Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; số các ngày định cho tôi, Đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy”. (Thi. 139:16)

Tuy nhiên chúng ta không biết số ngày ấy là bao nhiêu, cho nên trong cõi hiện tại tôi và quý vị đang sống đây là cơ hội quý báu vô cùng, đừng bê trễ, đừng đánh mất mọi cơ hội.

Mọi việc làm của chúng ta ở trong cõi đời nầy đều được định giá ở cõi đời sau, khi đã đi đến cõi đời đời rồi thì không không ai có thể thay đổi số phận mình được. Không có chuyện cầu nguyện cho người chết siêu thoát, không có cầu siêu, cầu hồn nào mà hiệu quả được, như một số tôn giáo vẫn thường làm. Đây là chân lý: linh hồn không thể trở về, không có quyền ban phước giáng họa cho bất cứ một ai, linh hồn cũng chẳng hưởng thụ gì mỗi khi con người cúng giỗ… có chăng là sự trá hình của ma quỷ Sa-tan mà thôi. Tin Lành Giăng 5:28-29 chép:

“Chớ lấy điều đó làm lạ, vì giờ đến khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài mà ra khỏi, ai làm lành thì sống lại để được sống, ai làm dữ sẽ sống lai chịu xử đoán.” và Ma-thi-ơ 25:46 “Rồi những người nầy vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống vĩnh cửu.”

Đời này ngắn ngủi chóng qua nhưng vô cùng quan trọng vì nó quyết định cho số phận đời đời của mỗi một chúng ta, tùy thuộc vào thái độ chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Lời Chúa trong sách Tin Lành Giăng 3:16, “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài hầu cho hễ ai tin con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” và Giăng 3:36, “Ai tin Con thì được sự sống vĩnh cửu, ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy.”

Thiên đàng hay địa ngục là tùy mỗi chúng ta lựa chọn khi còn sống trên đất này, chúng ta tin hay khước từ con Thượng Đế. Tóm lại, sự chết cho người không tin Chúa là một thảm họa, là một án phạt. Sự chết thể xác dẫn đến sự chết tâm linh và sự chết đời đời phân rẽ với Đấng Tạo hóa mãi mãi ở nơi cực hình. Sự chết của người tin Chúa là một giấc ngủ chờ đợi sự cứu chuộc của Chúa Giê-su để bước vào sự sống vĩnh cửu trong ngày Chúa Giê-su tái lâm.

Chúng ta đọc lại một trích đoạn  bài thơ Huy Xuân mà Huy Cận viết tặng Xuân Diệu. Tiếc thay Xuân Diệu chết sớm trước bảy tháng khi bài thơ hoàn thành (Xuân Diệu đã qua đời vào tháng 12 năm 1985):

Biển lớn băng qua ấy biển đời

Biển vào vũ trụ ánh sao mời

Diệu dò thế giới bên kia trước

Khỏi lạ đường đi Cận tới nơi.

Sầm Sơn 27/07/1986.

Người tin theo Chúa Cứu Thế Giê-su thì không phải tìm đường dò lối mới biết mình sẽ về đâu sau khi qua đời, nhưng họ biết khi Chúa cất họ đi thì lập tức gặp được Ngài ở nơi thiên đàng đầy phước hạnh.

Có một câu chuyện như sau:

 Một cụ già nằm trên giường bệnh được chuyển đi trên hành lang trong một bệnh viện, bà ngoáy cổ lên và nói với các cô y tá, “Các cô ơi!  tôi đã ngoài 93 tuổi rồi. Tôi không trẻ lại được nữa, vì đời người là một con đường một chiều đi từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, trên con đường đó không ai có thể trở lại được.”

🙂

Nhưng con đường một chiều không phải là một con đường cụt không lối thoát, mà là con đường dẫn đến  cõi đời đời. Chúng ta được mời bước vào con đường ấy. Chúa Giê-su đã phán:

“Ta là đường đi chân lý và sự sống, không ai đến với Thượng Đế mà không qua Ta.” Giăng 14:6.

Vậy ai đã nghe lời này mà bằng lòng tin nhận Chúa Giê-su thì Ngài sẽ ban cho sự sống đời đời. Mời bạn bước vào cuộc sống mới như lời Ngài đã hứa:

“Nhưng hễ ai đã tiếp nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép để trở nên con cái Đức Chúa Trời là ban cho những kẻ tin danh Ngài.” Giăng 1:12

Bạn đã chuẩn bị cho chuyến ra đi đời đời của mình chưa?

Tôi và các bạn hãy chuẩn bị tinh thần ngay bây giờ, ngay khi đọc được bài viết này:

“Khá sửa soạn mà gặp Đức Chúa Trời ngươi.” A-mốt 4:12

Muốn thật hết lòng!

Hồ Ga-li-lê

.

Có thể bạn quan tâm