Trang chủ Tổng Hợp Công Tác Từ Thiện

Công Tác Từ Thiện

bởi admin

Khắp nơi trên thế giới, ở đâu cũng có những người làm việc từ thiện, những người có lòng nhân từ bác ái muốn giúp đỡ những người khốn cùng nghèo đói bệnh tật hoặc đang gặp tai họa kém may mắn hơn mình….Nhưng không có một quốc gia nào mà có nhiều người làm việc từ thiện như ở Hoa Kỳ và hơn thế nữa Hoa Kỳ đã có những nhà đóng góp vào quỹ từ thiện với số tiền kếch sù nhiều nhất không có một ai ở nước khác sánh bằng.

Những ngày tháng đầu tiên ở Mỹ, tôi thường được người bảo trợ chở đi đây đó khắp thành phố Houston để tìm việc làm. Nhớ có một lần chúng tôi đi trên đường phố gặp một người ăn xin, tôi liền lấy một đô la ra cho. Người bảo trợ có vẻ không vui, tôi đưa mắt hỏi, ông ta giải thích: “Cho tiền người ăn xin này có thể xúi dục anh ta lười biếng, muốn làm việc từ thiện xin hãy góp tiền cho xã hội để xã hội có phương tiện ngăn chận không có một kẻ ăn xin nào.” Một tuần sau tôi có công việc làm tại đại học, người bảo trợ hỏi ý kiến tôi và trừ ngay 2% lương hàng tháng của tôi, trong suốt 30 năm, để đóng góp vào quỹ U.W. cơ quan từ thiện giúp người vô gia cư; người bảo trợ chính là viên chức cao cấp tại đại học này.

Từ thiện là nét đẹp lương tâm cộng đồng Hoa Kỳ, từ thiện là triết lý công bằng xã hội của quốc gia có một nền tự do dân chủ tiền tiến nhất trên quả đất này. Sau hơn 34 năm ở Hoa Kỳ dành nhiều thì giờ hoạt động trong công tác từ thiện, tôi nhận thấy nhiều người Hoa Kỳ đều cho rằng làm việc từ thiện là món trang sức đẹp nhất của con người và hầu hết người Hoa Kỳ đều hân hoan công nhận: thước đo giá trị của con người là lòng từ thiện.

Có hơn một triệu tổ chức, cơ quan hội đoàn từ thiện lớn nhỏ khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ, hoạt động quanh năm. Theo tài liệu của Hội Cố Vấn Gây Quỹ Hoa Kỳ (American Association of Fundraising Counsel) năm 2005 người Mỹ đã đóng góp vào quỹ từ thiện hơn 261 tỷ đô la, trong số này tư nhân đã đóng góp 200 tỷ đô la, ước lượng mỗi gia đình đóng góp 2.2% số lương bổng mang về nuôi sống gia đình, sau khi đã khấu trừ tiền bảo hiểm và thuế. Hoa Kỳ thật là một xã hội đầy những người có tấm lòng quảng đại nhân ái!

Đại học John Hopkins trong một nghiên cứu về nhóm các nước giàu nhất trên thế giới, nhóm G7; đã đưa ra những con số so sánh về tiền đóng góp cho công tác từ thiện với Tổng sản lượng nội địa (Gross Domestic Product = GDP) của mỗi quốc gia để có một ý niệm về tấm lòng rộng lượng bác ái. Hàng năm trung bình dân chúng Hoa Kỳ đóng góp cho các tổ chức từ thiện bằng 1.85% Tổng sản lượng Nội địa, người Đức tệ nhất trong nhóm chỉ 0.13%, người Nhật 0.22%, người Pháp 0.32% và đứng thứ nhì là người Anh quốc tương đương 0.84% Tổng sản lượng Nội địa, vẫn thua xa dân tộc Hoa Kỳ.

Theo tài liệu tạp chí Forbes phát hành đầu năm 2008, hai người giàu nhất Hoa Kỳ là ông Bill Gates người sáng lập hãng Microsoft có tài sản 57 tỷ đô la và ông Warren Buffett sáng lập công ty Bershire Hathaway với 50 tỷ đô la. Cả hai ông đều là những nhà làm việc từ thiện vĩ đại nhất trên hành tinh này; triết lý và quan niệm nhân sinh của hai ông đáng để cho tất cả những kẻ giàu có trên thế giới noi theo.

Thượng tuần tháng 9 năm 2007, đài truyền hình CNBC thực hiện một cuộc phỏng vấn ông Warren Buffett (WB) cuộc phỏng vấn thật dài và tiết lộ nhiều điều lý thú.

Từ thuở ấu thơ, WB đã cố gắng dành nhiều thì giờ cho việc học hành và làm việc cật lực để kiếm tiền bằng cách đi bỏ báo. Số tiền kiếm được ông chỉ trích ra một ít để mua sách vở, còn dư ông tính toán để dành. Với số tiền đi bỏ báo dành dụm, năm 11 tuổi ông đã khởi sự tập đầu tư bằng cách mua cổ phiếu. Ba năm sau lúc 14 tuổi ông mua một trang trại nhỏ, học kinh nghiệm trong thương trường địa ốc. Năm 20 tuổi ông đậu bằng cử nhân và năm 21 tuổi ông tốt nghiệp bằng cao học MS tại đại học Columbia. Năm 1970 khi 40 tuổi WB nắm cả hai chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Bershire Hathaway; đại công ty đầu tư này đến ngày nay đã sở hữu 63 công ty khác như: Coca-Cola, Gillette, American Express, Wells Fargo, US Air Group, v…v… Một cổ phiếu loại A của Bershire Hathaway đã có trị giá 151 ngàn đô la vào ngày 11 tháng 12-2007.

Mỗi năm WB chỉ nhắc nhở 63 Tổng Giám đốc điều hành của 63 công ty trực thuộc luôn luôn nhớ hai nguyên tắc chính:

Nguyên tắc 1: Phải làm lợi cho cổ đông, đừng làm mất tiền cổ đông.

Nguyên tắc 2: Phải luôn luôn thuộc lòng nguyên tắc số 1.

Văn phòng làm việc của ông rất đơn giản, không có điện thoại di động, không có máy computer, nhưng ông có đầu óc bén nhạy quyết định sáng suốt hiệu quả. Cuộc sống của ông càng giản dị hơn, ông tự lái xe không có tài xế riêng, không có nhân viên bảo vệ an ninh. Ông không có máy bay riêng và cũng không bao giờ dùng máy bay riêng để đi công tác xa, dầu ông làm chủ một công ty hàng không lớn. Dầu là người giàu thứ nhì trên thế giới với tài sản 50 tỷ đô la, ông vẫn sống trong căn nhà chỉ có 3 phòng ông mua khi cưới vợ hơn 50 năm về trước, không có hàng rào bao bọc chung quanh, giá mua lúc năm 1958 chỉ có 31,500 đô la. Một tỷ phú giàu có và quyền lực như vậy, nhưng ông sống một cuộc đời giản dị nhất, không giao tiếp bạn bè với giai cấp thượng lưu, thú vui của ông là làm một túi bắp rang và đọc sách hoặc xem TV tại nhà.

Warren Buffett quan niệm con người làm ra của cải tiền bạc, nhưng của cải tiền bạc không tạo ra nhân cách con người. Ông cho rằng để tiền bạc cho con cháu chỉ làm cho con cháu ỷ lại không giúp ích gì cho chúng, còn làm chúng mất ý chí động lực thúc đẩy tiến lên. Ông phát biểu:

“Nếu ba đứa con của ông họ Buffett chỉ vì tình cờ may mắn được sinh ra trong gia đình Buffett mà lại có số tiền hàng chục tỷ Mỹ kim di sản để hưởng thụ cuộc đời, thì đó là điều vô cùng bất công, xã hội không còn công lý nữa.”

Năm 2002, ông Bill Gates tỷ phú giàu nhất thế giới mới 47 tuổi quyết định xin diện kiến bậc tiền bối Warren Buffett 72 tuổi người giàu thứ hai thế giới. Bill Gates con người thiên tài điện toán vi tính nghĩ rằng cuộc hội thoại viếng thăm sẽ nhạt nhẽo buồn chán vì hai cuộc sống trái ngược nhau, cuộc đàm luận nhiều lắm sẽ chỉ kéo dài khoảng nửa giờ. Nhưng bất ngờ cuộc trò chuyện thân mật tâm sự lý thú của hai tri kỷ một già một trẻ tuy tài năng trên hai lĩnh vực khác nhau, nhưng cùng một tấm lòng từ thiện bác ái bao la, họ nói chuyện quên ăn quên uống, cuộc tiếp xúc kéo dài 10 tiếng đồng hồ.

10426287_977497138936354_7340051588543369633_n

Warren Buffett and Bill Gates

Đông phương chúng ta cách nay hơn 1600 năm có hai nhân vật tài trí lừng danh nhưng chống đối lẫn nhau là Châu Du và Khổng Minh Gia Cát Lượng. Châu Du hộc máu vì tức giận đã lầm kế Gia Cát Lượng, trước khi chết Châu Du oán thán kêu trách trời cao:

“Trời đã sinh ra Du còn sinh chi ra Lượng.”

Năm 2002 sau 10 giờ đàm đạo, Bill Gates đã ngẩng đầu lên trời, cảm tạ Thượng Đế:

“Thượng Đế đã sinh ra Bill, còn sinh ra Warren Buffett nữa, tri kỷ tương phùng.”

Bill Gates đã hoàn toàn kính phục WB về mọi phương diện: tài đầu tư, cuộc sống giản dị, đạo đức nhân cách và làm việc từ thiện.

Năm 2006 ông Warren Buffett hứa tặng 35 tỷ Mỹ kim vào Quỹ Bill & Melinda Gates cơ quan từ thiện khắp thế giới này nhằm mục đích chống nghèo đói, phát triển y tế chữa trị bệnh tật và gia tăng giáo dục cấp học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học, do vợ chồng ông Gates thành lập năm 2000. Số tiền khổng lồ này cộng với số tiền Bill Gates tặng vào Quỹ trước đây sẽ vượt quá 70 tỷ Mỹ kim, đây là Cơ quan từ thiện có ngân quỹ hoạt động lớn nhất trên hành tinh này.

Trên thực tế, ông bà Warren Buffett cũng đã lập ra Quỹ từ thiện mang tên Susan Thompson Buffett Foundation từ năm 1966 với số tiền hiện có trong quỹ khoảng 275 triệu và ông Buffett sẽ tặng thêm 3 tỷ đô la nữa trong năm 2006. Nhưng vì sao ông lại đem thêm 35 tỷ đô la nữa tặng vào Bill & Melinda Gates Foundation?

Những người làm việc từ thiện vĩ đại sớm nhất của Hoa Kỳ như ông Andrew Carnegie năm 1919 đã hiến tặng 350 triệu Mỹ kim tương đương 7.2 tỷ hiện nay, ông John D. Rockefeller tặng 450 triệu Mỹ kim năm 1937 trị giá bằng 7.1 tỷ đô la hiện nay; hai vị này đều cho rằng rất khó để điều hành một quỹ từ thiện to lớn tránh khỏi phí phạm, lạm dụng và có khi gây ra tình trạng tham nhũng.

Một Hội từ thiện hoạt động tốt và hiệu quả nhất, chi phí điều hành và nhân viên phải dưới 1% số tiền quyên góp được, như Hội Bác sĩ không biên giới, Hoa kỳ (Doctors Without Borders, USA) mà tôi thường tham dự.

Ông Warren Buffett đã quan sát nghiên cứu phương pháp điều hành quản trị của ông Bill Gates tại công ty Microsoft và tại Bill & Melinda Gates Foundation, ông tin tưởng rằng khi Bill Gates dùng toàn thời gian cho Quỹ từ thiện, Bill Gates sẽ cống hiến sự quản lý khoa học chặt chẽ tốt đẹp nhất trong việc điều khiển 686 nhân viên làm việc cho Quỹ từ thiện này để công tác đạt được hiệu quả tối đa với chi phí điều hành hạn chế tối thiểu. Với lý do này Warren Buffett đã không ngần ngại tặng 35 tỷ đô la vào Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation.

Làm việc từ thiện ở Hoa Kỳ không những chỉ có người giàu, người khá giả dư tiền mà ngay trong thành phần người nghèo nữa, bởi vì họ là những người đi tìm hạnh phúc trong việc làm từ thiện, một hạnh phúc ý nghĩa lâu dài hơn những nguồn vui ngắn ngủi vật chất. Theo tài liệu nghiên cứu của công ty Justgive.org, những gia đình nghèo ở Hoa Kỳ lợi tức khoảng 10 ngàn đô la mỗi năm, trung bình đã đóng góp từ thiện 520 đô la, nghĩa là bằng 5.2% lợi tức, một tỷ lệ cao nhất nếu đem so sánh với bất cứ thành phần nào trong xã hội.

Ngoài công việc đóng góp tiền bạc để làm việc từ thiện, người Hoa kỳ còn đóng góp thì giờ không đòi trả lương để làm công tác thiện nguyện. Theo thống kê năm 2005, đã có 65.4 triệu người Hoa Kỳ tự nguyện cống hiến trung bình hơn 50 giờ làm việc thiện nguyện trong năm này. Xã hội Hoa Kỳ đua nhau làm việc từ thiện bằng mọi cách, mọi hình thức, đây là một quốc gia giàu lòng từ thiện quảng đại nhất, chẳng những giúp người kém may mắn trong nước mà còn viện trợ nhân đạo khắp cả hoàn cầu.

Cuối thế kỷ 20, Viện Gallup đã nhiều lần làm những cuộc thăm dò, nhất là cuộc nghiên cứu thăm dò vào năm 1999 để xem nhân loại bình bầu chọn ai là người làm việc từ thiện đáng ngưỡng mộ kính phục nhất của thế kỷ hai mươi. Kết quả cuộc nghiên cứu thăm dò thật khoa học đúng đắn này, người được bình chọn không phải là người Hoa Kỳ, mà là Mother Teresa sinh ra đời năm 1910, cha mẹ là người Albania, nhưng Mẹ Teresa mang quốc tịch Ấn Độ, theo đạo Công giáo. Năm 1950 Mẹ Teresa được Giáo hội Vatican cho phép thành lập Hội từ thiện Missionaries of Charity, hội chuyên lo giúp đỡ những người nghèo khó khốn cùng, những người mắc bệnh cùi hủi, bệnh AID/HIV, bệnh ho lao, những cô nhi quả phụ không nơi nương tựa. Cho đến ngày 5 tháng 9 năm 1997 khi Mẹ Teresa mất, Hội Từ thiện Missionaries of Charity đã có 610 cơ sở gồm 400 thầy tu, 4000 tu nữ và gần 100 ngàn nhân viên thiện nguyện hoạt động trong 123 quốc gia để cứu người giúp đời.

Công việc làm từ thiện của Mẹ Teresa đã được nhiệt liệt hoan nghênh cùng khắp thế giới. Năm 1962 quốc gia Phi Luật Tân trao tặng cho bà giải thưởng Ramon Magsaysay về những công tác nhân đạo của bà ở Đông Nam Á. Năm 1971 Đức Giáo hoàng Paul VI tặng thưởng cho bà Giải thưởng Pope John 13 Peace Prize. Năm 1973 Mẹ Teresa nhận giải thưởng Templeton Prize, giải thưởng giá trị kim ngân lúc nào cũng cao hơn giải Nobel, vì nhân cách đạo đức của bà cùng những việc làm từ thiện trên thế giới. Năm 1979 Mẹ Teresa được trao tặng giải thưởng Nobel hòa bình, bà đến nhận giải thưởng để lấy tiền giúp người nghèo tại Ấn Độ nhưng bà từ chối tham dự bữa tiệc sang trọng tiếp sau lễ trao giải thưởng.

Một phóng viên báo chí hỏi bà:

“Chúng ta có thể làm gì để cổ võ hòa bình trên thế giới?”

Bà mỉm cười hóm hỉnh:

“Hãy đi về nhà và yêu thương gia đình của bạn.” (Nguyên văn: Go home and love your family).

teresa

Năm 1985, Tổng thống Hoa kỳ Ronald Regan trao tặng cho Mẹ Teresa huy chương President Medal of Freedom, một trong những huy chương cao quý nhất của quốc gia này. Những năm trong thập niên 1980, Hội Từ thiện Missionaries of Charity hoạt động mạnh tại Hoa Kỳ và có trên 19 cơ sở, từ khu nghèo nàn Harlem của thành phố New York đến Trung tâm săn sóc bệnh nhân AID/HIV tại San Francisco. Trong thời gian này Mẹ Teresa thường đi gây quỹ kêu gọi lòng hảo tâm của những người Hoa Kỳ thích làm việc từ thiện.

Năm 1984 tôi được thành phố Houston bầu vào chức vụ Houston’s Poet Laureate, nhà thơ Công huân Danh dự của thành phố Houston. Trong ba năm 1984-1987 tôi được mời làm diễn giả chính, keynote speaker của các buổi lễ văn hóa, xã hội từ thiện. Một lần trong năm 1986 để chuẩn bị đón tiếp  Mẹ Teresa trong buổi lễ gây quỹ từ thiện cho Missionaries of Charity, tôi đã chuẩn bị soạn sẵn một bài diễn văn thật ý nghĩa cảm động chào mừng bà và để gây cảm hứng cho những tấm lòng quảng đại từ tâm.

Mẹ Teresa đã đến hơi trễ và bất ngờ bà đến thẳng bục cao, cầm micro hướng về quan khách, bà dịu dàng nhỏ nhẹ:

“Tôi đã chọn những kẻ nghèo đói khốn cùng, những kẻ cùi hủi, bệnh AID/HIV, những kẻ tàn tật đui mù vô gia cư, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ để phục vụ và tôi vô cùng biết ơn lòng từ thiện rộng lượng của quý vị để giúp chúng tôi theo đuổi công tác nhân đạo này. Xin lỗi tôi không có thì giờ nghe diễn văn cùng theo đúng chương trình sắp đặt của quý vị và xin vui lòng nhớ rằng ngay trong giờ phút này hàng triệu cặp mắt của những kẻ khốn cùng đang mở to cầu cứu hướng về quý vị.”

Mẹ Teresa đã phá lệ không theo chương trình của ban tổ chức, nói xong bà tiến đến bắt tay từng người để từ giã ra đi. Khi bà đến chỗ tôi đứng, tôi giơ cao hai tay lên ôm lấy bà, hôn lên khuôn mặt đầy những nét nhăn nheo của bà, khuôn mặt mẹ hiền nhân loại, khuôn mặt đạo đức đẹp nhất của loài người. Hôm ấy một số tiền lớn được quyên góp và trao tặng cho người đại diện của Missionaries of Charity. Cho đến cuối năm 2007, dân chúng Hoa Kỳ từ người trung lưu đến các tỷ phú đã đóng góp một phần lớn cho ngân sách hoạt động từ thiện của hội này.

Hoa kỳ cùng thế giới đang tiến vào thời gian cuối của thập niên đầu thế kỷ 21 và đang trải qua cơn khủng hoàng tài chánh, đời sống phải đương đầu với nhiều khó khăn. Nhưng dầu trong hoàn cảnh nào, xin lấy câu châm ngôn:

“If you are not poor enough to take charity, you are rich enough to give it”.

Nếu bạn không nghèo đủ để xin tiền từ thiện, như vậy bạn giàu đủ để đóng góp làm việc từ thiện.

 

Huy Lực Bùi Tiên Khôi

Hướng Đi Magazine

http://huongdi.today

TỪ THIỆN TẠI VIỆT NAM

Để trở thành một “nhà từ thiện” ở Việt Nam rất đơn giản. Vì thế, vô số tổ chức từ thiện do cá nhân tự lập đều có những bất cập về tính minh bạch và quản lý. Thậm chí, từ thiện đang có xu hướng biến tướng thành một “nghề” mang lại thu nhập.

Người Việt luôn sẵn lòng làm từ thiện đối với người gặp hoạn nạn, khó khăn. (Trong ảnh: Trao quà từ thiện cho bà con vùng lũ Quảng Bình) - Ảnh: Tấn Tú
Người Việt luôn sẵn lòng làm từ thiện đối với người gặp hoạn nạn, khó khăn. (Trong ảnh: Trao quà từ thiện cho bà con vùng lũ Quảng Bình) – Ảnh: Tấn Tú
Từ thiện quốc tế: minh bạch và chiến lược tầm xa
Do tính chất nhạy cảm, tại các nước châu Âu và Mỹ, cá nhân bị nghiêm cấm đứng ra quyên góp từ thiện. Nếu cố tình, có thể bị quy tội ăn mày (mendicité), lừa đảo, trốn thuế và bị nghiệm trị trước pháp luật.
Để thành lập một tổ chức từ thiện không khó về mặt thủ tục, tuy nhiên buộc phải tuân thủ các quy định chặt chẽ. Ví dụ như tại Pháp, theo điều luật ra đời năm 1901, các Tổ chức phi lợi nhuận (Association sans but lucrative – ASBL) bắt buộc phải có tối thiểu 2 người cùng đứng tên chính thức. Họ được phép nhận tiền lương theo công sức của mình bỏ ra, có kê khai mức thu nhập chịu thuế nhưng tuyệt đối không được kiếm lợi nhuận trong các hoạt động của mình.
Các tổ chức từ thiện đều có mục đích phi lợi nhuận nên được miễn thuế, tuy nhiên nếu phát hiện có gian dối bất minh trong thu chi tài chính, những người đứng tên sẽ bị truy tố tội trốn thuế, lừa đảo… Mỗi năm đều có các công ty kiểm toán độc lập kiểm tra và chứng thực tài khoản công khai. Chính vì thế, người dân rất yên tâm khi quyên góp tiền bạc cho họ. Các tổ chức từ thiện phi chính phủ lớn như Arnée du Salut, Médecins Sans Frontières… đểu nhận được sự ủng hộ tài chính rất lớn từ dân chúng và cho tới nay đã chứng minh được những hiệu quả to lớn họ mang lại cho cộng đồng.
Hoạt động của các tổ chức từ thiện quốc tế thường rất rộng, nhưng luôn chú trọng đầu tư vào các giải pháp căn cơ và tận gốc. Ví dụ, thay vì cho người nghèo một bữa no cơm với thịt để ngày mai lại đối diện với ‘ngõ cụt’ đói kém, các tổ chức từ thiện quốc tế thường tập trung nghiên cứu triển khai các dự án đào tạo nghề nghiệp, phát triển công ăn việc làm, tạo chiếc ‘cần câu’ xung quanh môi trường sống của người được giúp đỡ. Hay quỹ từ thiện tư nhân của các tỉ phú thường tập trung vào việc nghiên cứu bệnh nan y.
Việt Nam: Từ thiện bát nháo như… chợ trời
Đó là một thực trạng khi hoạt động từ thiện đang được thả lỏng về mặt quản lý như hiện giờ. Nhìn toàn cảnh, những tổ chức từ thiện có quy củ và tầm hoạt động chiến lược chuyên nghiệp theo mô hình các tổ chức quốc tế tại Việt Nam vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vô số những tổ chức từ thiện do cá nhân tự lập đều đang có những bất cập về tính minh bạch và quản lý. Thậm chí, từ thiện đang có xu hướng biến tướng thành một “nghề” mang lại siêu thu nhập. Đã có không ít những ồn ào tai tiếng xung quanh vấn đề này.
Để trở thành một “nhà từ thiện” ở Việt Nam rất đơn giản. Chỉ cần có vài bức hình chụp một hoàn cảnh thương tâm đưa lên mạng xã hội, kèm ít lời than vãn lay động lòng trắc ẩn của cộng đồng, hoặc hình ảnh một nhân vật chụp cùng những người khuyết tật tại một trung tâm bảo trợ xã hội, lập tức người kêu gọi đã được gọi là nhà từ thiện và có quyền nhận những đóng góp vào tài khoản cá nhân mà không cần qua bất cứ một sự kiểm soát nào.
Vì người người đều trở thành nhà từ thiện dễ dàng như vậy mà môi trường hoạt động từ thiện Việt Nam đang rơi vào tình trạng cạnh tranh khốc liệt, đôi khi mất hẳn đi tính chất nhân văn như vốn dĩ tên gọi. Các nhà từ thiện cũng có đủ các chiêu trò thu hút sự chú ý của dư luận, thu hút nhà tài trợ. Có người chọn cách luôn tạo ồn ào tai tiếng cho chính những nơi mình đi giúp đỡ, sử dụng hình ảnh thương tâm của người khuyết tật, thậm chí cả hình ảnh lõa thể của người tâm thần để quảng bá hoạt động của mình… Điều mà không một nước phát triển nào chấp nhận, thậm chí phạt rất nặng.
Do không có luật cụ thể nào kiểm soát, mà nhiều người làm nghề quyên góp từ thiện cũng tự đặt ra những lệ làng không giống ai. Mạng xã hội hiện nay đang ồn ào về câu chuyện một nhà từ thiện tại Nghệ An đi tố cáo tiêu cực nhưng lại có các biểu hiện bất minh trong các hoạt động thu chi tiền đóng góp của nhà hảo tâm. Khi bất cứ ai có ý kiến về việc minh bạch tài chính đều bị chị ta xóa hết các ý kiến và chặn người tố cáo. Mới đây nhất, một người sống tại Vinh đã rất bức xúc trước việc chị này “tịch thu” luôn cả một số tiền lớn gia đình anh ủng hộ tận tay một bệnh nhân, và được chị giải thích rằng do là người có công quảng bá nên chị có quyền quyết định những khoản đóng góp cho nhân vật theo ý cá nhân… Vậy những người bỏ tiền ra đóng góp cho nhân vật đó có được biết rằng đồng tiền mình chi ra đã được sử dụng không đúng mục đích, và biết bao khoản dư ra như thế làm sao kiểm soát khi người thu, chi chỉ nằm trong một đầu mối cá nhân không bị ràng buộc bởi bất cứ cơ sở pháp lý nào?
Đừng tạo cơ hội cho lòng tham nảy nở
Điều đáng nói, ngoài những kẽ hở về luật pháp tạo điều kiện cho những người lợi dụng lòng trắc ẩn của cộng đồng để trục lợi, còn có phần lỗi lớn của những người cho tiền từ thiện khi họ vô trách nhiệm với chính đồng tiền của mình một cách thật sự khó hiểu. Có thể bởi người Việt ngây thơ và cả tin tới mức bất cứ ai hô hào hai chữ “từ thiện” đều là thiên thần, hoặc văn hóa cả nể cố hữu đã không cho phép họ được đặt ra những câu hỏi về sự minh bạch. Đôi khi tôi có cảm giác người Việt làm từ thiện chỉ để thỏa mãn cá nhân chứ không hề quan tâm số tiền đó có được dùng đúng mục đích thiện nguyện của mình hay không… Chính họ đã góp phần làm hoạt động nhân văn như từ thiện bị biến tướng dữ dội như hiện giờ.
Nghệ sỹ Kim Cương, người sáng lập Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM, có lần đã tâm sự với tôi về lý do chị phải mời kiểm toán độc lập Hội bảo trợ của mình vài ba tháng một lần, bởi “không phải chị không tin những nhân viên của mình, vì khi bắt đầu công việc thiện nguyện ai cũng xuất phát bằng cái tâm trong sáng cả, nhưng khi tiếp xúc với đồng tiền họ có thể tha hóa nhanh lắm. Cho nên, minh bạch chính là giải pháp giúp tâm người luôn sáng”.
Hy vọng kinh nghiệm của nghệ sỹ Kim Cương cũng nhắc nhở trách nhiệm của chính những người có tâm bỏ tiền làm từ thiện trong bối cảnh luật quản lý hoạt động từ thiện còn lỏng lẻo như hiện giờ.
🙂
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người từng làm báo, hiện sống tại Neuchâtel, Thụy Sĩ.
Nguồn:

Có thể bạn quan tâm