Trang chủ Thần Học Trong Kinh Thánh Có Lời Của Chúa?

Trong Kinh Thánh Có Lời Của Chúa?

bởi admin

KINH THÁNH LÀ QUYỂN SÁCH CỦA CON NGƯỜI?

KINH THÁNH, như chúng ta thấy, nhấn mạnh nhiều lần về bản chất là lời Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, quyền tác giả của Kinh Thánh thường bị các học giả phê bình bác bỏ. Kết quả là, những người Tin Lành khi nghiên cứu về bản chất của lời Chúa thường có xu hướng tập trung vào đặc tính thiên thượng và tính vô ngộ của Kinh Thánh. Nhưng việc nhận biết Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời đồng thời cũng là lời con người là cần thiết. Hơn thế nữa, những đặc tính của con người trong Kinh Thánh cũng đóng góp vào giá trị của nó.

TÍNH CÁCH CON NGƯỜI TRONG KINH THÁNH

Người Hồi Giáo cho rằng sách thánh của họ – kinh Koran được viết từ trên trời gửi xuống cho Muhammad. Tuy nhiên, không có học giả Cơ Đốc nào tuyên bố như vậy về Kinh Thánh ngoại trừ một vài người trong quá khứ. Ngoài rất nhiều đề cập về các trước giả con người, nhân tố con người trong các sách là rất hiển nhiên. Được viết qua nhiều thế kỷ, phạm vi trải nghiệm của con người, sự đa dạng về nội dung và hình thức văn học của Kinh Thánh thì không có bất kỳ cuốn sách nào có thể so sánh được. Văn xuôi, thơ ca, lịch sử, thần học, văn tường thuật, dụ ngôn, châm ngôn, khải thị, gia phả, luật pháp và thư tín — tất cả và hơn thế nữa đều có trong Kinh Thánh, và tất cả đều là những phong cách viết tiêu biểu của con người vào thời đại của họ. Ví dụ, các bản giao ước trong Cựu Ước giống với các hiệp ước Hittite cổ đại. Ngoài ra, các hướng dẫn về cách cư xử của các tín nhân ở các vị trí khác nhau trong gia đình, cái gọi là “quy tắc gia đình” trong các thư tín Tân Ước (ví dụ, Ê-phê-sô 5: 22-33, 6: 1- 9; Cô-lô-se 3:18-4:1) tương tự như các quy tắc ứng xử đương thời có trước đó.

Như chúng ta đã thấy, Kinh Thánh ghi lại những lời của Đức Chúa Trời phán với con người bằng những câu giới thiệu như “CHÚA phán như vầy”, cũng như những giải thích được soi dẫn về những lời phán này và việc làm của Đức Chúa Trời trong lịch sử. Nhưng những đáp ứng mang tính suy gẫm với lời phán và hành động của Đức Chúa Trời từ phía dân sự Ngài cũng là một phần của Kinh Thánh. Những lời kêu cầu của trước giả Thi thiên cho sự giải cứu của Đức Chúa Trời khỏi kẻ thù mình, cũng như câu cảm thán của ông, “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là năng-lực tôi, tôi yêu-mến Ngài.” (Thi thiên 18:1), đều là một phần của Kinh Thánh.

Hơn cả việc phục vụ như những phương tiện truyền đạt ngôn ngữ con người, các trước giả Kinh Thánh là những con người thật đang bày tỏ những ý tưởng qua tâm trí và tính cách cá nhân. Phong cách thơ của các trước giả Thi thiên đối lập với cấu trúc phân tích và logic trong các thư tín của sứ đồ Phao-lô. Các sách của sứ đồ Giăng và Lu-ca khác nhau về từ vựng và văn phong. Giê-rê-mi thường được gọi là “nhà tiên tri than khóc” vì sự thê lương và u sầu bày tỏ trong các chương sách của ông.  Phao-lô đề cập đến tiên tri Ê-sai, “Ê-sai nói về dân Y-sơ-ra-ên mà kêu lên rằng…” trong sứ điệp của mình (Rô-ma 9:27), và ở một nơi khác, “Ê-sai nói cách bạo dạn” (10:20). Ê-sai đang truyền thông lời Đức Chúa Trời, nhưng toàn bộ con người của vị tiên tri – tâm trí, cảm xúc, và ý chí – đều dự phần trong tiến trình này.

 

Ngoài những khác biệt trong văn phong và từ ngữ, tính cách của trước giả thường dự phần trực tiếp vào sứ điệp khi họ viết về kinh nghiệm đầu tiên của mình. Khải tượng của Ê-sai về “Chúa ngồi trên ngôi cao-sang” (Ê-sai 6:1) có liên hệ trực tiếp đến sự kêu gọi cá nhân của ông vào chức vụ (6:7-8). Đa-vít bày tỏ kinh nghiệm cá nhân khi ông viết: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn mày” (Thi thiên 37:25). Các nền văn hóa mà các trước giả đã sống thể hiện qua các sách của họ. Nhiều trích dẫn và minh họa của Phao-lô từ (cuộc sống thời La Mã – quân đội, thể thao và luật pháp – thể hiện bối cảnh lịch sử cá nhân của ông). Nhân tố con người của các trước giả cũng dự phần vào chính nội dung và mục đích bản viết tay của họ. Theo lời của JI Packer, Kinh Thánh đã “được định hình bởi trước giả, thể hiện ra mục đích giáo huấn, mối quan tâm cá nhân, và thần học tổng thể của họ.”

Sự thật kép rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và cũng là lời của con người đòi hỏi cần có một lời giải thích về mối quan hệ của Đức Chúa Trời và các trước giả (là con người) trong quá trình viết ra nó, trong điều thường được gọi là “sự thần cảm của Kinh Thánh.” “Sự thần cảm” của Kinh Thánh đã được giải thích theo một số cách. Ngoại trừ quan điểm “viết lại” thì tất cả đều đồng ý về nhân tố con người dự phần trong bản văn Kinh Thánh.

QUAN ĐIỂM CHO RẰNG KINH THÁNH LÀ LỜI CỦA CON NGƯỜI

Tuy nhiên, trong suy nghĩ của một số người, điều chủ yếu không phải là những sai sót hiện hữu mà đơn giản chỉ là nhân tố con người trong Kinh Thánh khiến Kinh Thánh không được xem là Lời Đức Chúa Trời. Những người này cho rằng Đức Chúa Trời được coi là rất khác với con người chúng ta, Ngài hoàn toàn khác đến nỗi Lời Ngài phán trong Đấng Christ không bao giờ có thể được diễn đạt bằng ngôn ngữ của con người. Karl Barth, một người nổi bật trong quan điểm này, đã nói, “Trong Kinh Thánh, chúng ta luôn quan tâm đến việc con người cố gắng lặp lại và tái tạo Lời của Đức Chúa Trời (tức là Lời trong Đấng Christ) trong suy nghĩ và cách diễn đạt ở những hoàn cảnh nhất định …Trong một trường hợp, chúng ta đọc: Chúa phán; trong một trường hợp khác là Phao-lô nói. Đây là hai điều khác nhau.”

Đối với nhiều người khác, nhân tố con người đơn giản là không tương thích với chân lý tuyệt đối. Họ tranh luận rằng mọi người đều bị giới hạn bởi bối cảnh văn hóa của họ. Họ cho rằng nhận định của chúng ta về chân lý là tương đối với bối cảnh lịch sử hạn chế và vì thế luôn luôn không trọn vẹn. Theo quan điểm này, nhân tố con người của các trước giả Kinh Thánh, bất chấp sự đồng công với Đức Thánh Linh, cũng chỉ là một bằng chứng khó thuyết phục rằng Kinh Thánh là lời mặc khải thiên thượng.

Mặc dù có sự bất đồng về mức độ mà sự sai sót của con người ảnh hưởng đến mức độ đáng tin cậy và tính chân thực của Kinh Thánh, những người giữ quan điểm này đồng ý với tuyên bố của học giả Công giáo La Mã Hans Ming rằng Kinh Thánh rõ ràng “là lời của con người: được thu thập, viết xuống từng câu một bởi những cá nhân và được phát triển theo những cách khác nhau. Thế nên không phải là không có thiếu sót, lỗi, nhầm lẫn, hạn chế và sai sót.”

Một số nhà lý luận tự do đã nhấn mạnh yếu tố con người của Kinh Thánh đến mức về cơ bản họ phủ nhận sự thần cảm thiên thượng. Họ quan niệm rằng những người viết Kinh Thánh là những người bẩm sinh có sự thông sáng về tôn giáo, và “sự thần cảm” của họ có thể so sánh với những gì chúng ta có thể liên tưởng đến như một nghệ sĩ, nhà thơ hoặc nhạc sĩ “được truyền cảm hứng”.

Tuy nhiên, hầu hết các học giả Cơ Đốc nhận thấy một số tác động thiên thượng trong việc viết Kinh Thánh, mặc dù nhiều người nhấn mạnh vào yếu tố con người khi tính đến việc chấp nhận tính chất thần thượng trọn vẹn của nó. Chúng ta xem xét các quan điểm sau đây về sự thần cảm. Đầu tiên, một số người nói rằng các trước giả Kinh Thánh được thần cảm theo cùng một cách mà những tín hữu khác được soi dẫn để hầu việc Ngài. Theo quan điểm này, thì sự soi dẫn chủ yếu chỉ về công việc của Đức Chúa Trời trên các trước giả Kinh Thánh là điều tương tự như việc Ngài ban ân tứ trên các tín hữu.

Sự tác động của Đức Chúa Trời trên các trước giả Kinh Thánh tương tự như cách Ngài ban các ân tứ thuộc linh cho các tín hữu.

Những bài thánh ca mà hội thánh sử dụng trong mọi thời đại, như những bài được Isaac Watts, Charles Wesley, Augustus Toplady và Reginald Heber sáng tác được cho là có “cùng sự thần cảm” như một số trước giả Thi Thiên, chỉ đơn giản là khích lệ sự ngợi khen Chúa.

Một lời giải thích gần đây về sự thần cảm cũng thuộc loại này thì đồng nhất sự thần cảm với việc “một giáo viên truyền cảm hứng cho học viên.” Cũng vậy Đức Chúa Trời soi dẫn cho các trước giả Kinh Thánh qua mối quan hệ của Ngài với họ và cộng đồng mà họ thuộc về, và đặc biệt là qua hành động cứu rỗi cao cả của Ngài, bao gồm cả sự cứu chuộc Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ và sự sống, sự chết, và sự sống lại của Chúa Cứu Thế Giê-su. Sự soi dẫn này nâng cao các khả năng nhưng “không đảm bảo là không lỗi, vì các người trung gian, dù là được Đức Chúa Trời soi dẫn, cũng vẫn có thể mắc lỗi.

Theo quan điểm này thì sự soi dẫn tương tự vẫn đang hiện hữu trong Hội Thánh ngày nay. Nhưng bởi vì Kinh Thánh ghi lại những hành động được Đức Chúa Trời mặc khải đặc biệt trong lịch sử, nên được xem là quy chuẩn cho thần học Cơ Đốc.

Khái niệm về sự soi dẫn này không phù hợp với lời chứng phong phú của Kinh Thánh rằng mặc dù Kinh Thánh được viết bởi con người và do đó là sách của con người, nhưng nó cũng là Lời của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, sự soi dẫn không chỉ liên quan đến tác động thiêng liêng đối với các trước giả con người mà còn tạo nên đặc trưng của sản phẩm.

Cả Kinh Thánh (bao gồm 66 sách Tân Cựu ước) đều được Đức Chúa Trời soi dẫn (2 Ti-mô-thê 3:16). Nói tóm lại, quan điểm về sự soi dẫn trên đây nhầm lẫn công việc độc đáo của Thánh Linh trong sự soi dẫn trên Kinh Thánh với công việc phổ quát của Ngài là soi sáng và dạy dỗ tín nhân trong mọi thời đại.

Sự tuyệt vời của các bài thánh ca, bài viết hoặc bài giảng Cơ Đốc của các cá nhân không phải là trước giả Kinh Thánh chỉ được xác định bằng cách họ bày tỏ trung thực lẽ thật của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh.

Thứ hai, Kinh Thánh được soi dẫn vì nó “trở thành” Lời của Đức Chúa Trời. Quan điểm này về hoạt động soi dẫn của Đức Chúa Trời trên các trước giả Kinh Thánh cũng tương tự như quan điểm trước đó. Tuy nhiên, nó nhấn mạnh nhiều hơn đến sự khác biệt giữa sự mặc khải của Đức Chúa Trời về Lời Ngài trong sự gặp gỡ cá nhân và các bản viết Kinh Thánh.

Kinh Thánh không trực tiếp tuyên bố là Lời bày tỏ của Đức Chúa Trời. Đúng hơn là Đức Chúa Trời sử dụng Kinh Thánh để bày tỏ chính Ngài cho các cá nhân. Karl Barth thể hiện khái niệm về sự soi dẫn này. “Sự soi dẫn bằng lời nói không có nghĩa là không thể sai được về đặc điểm ngôn ngữ, lịch sử và thần học của nó trong ngôn ngữ của con người. Nó có nghĩa là ngôn ngữ sai sót của con người cũng được Chúa sử dụng và phải được tiếp nhận và nghe bất chấp những sai sót đó.”

Những người theo trường phái này tin rằng Đức Chúa Trời đã tác động đến những trước giả Kinh Thánh để trở thành những nhân chứng đặc biệt cho công tác vĩ đại của Ngài trên thế giới, đặc biệt là sự mặc khải của Ngài trong Đấng Christ. Sự ảnh hưởng này đã khiến những trước giả viết về những cuộc gặp gỡ của chính họ với Chúa qua những sự kiện đó. Đức Chúa Trời tiếp tục dùng ngôn ngữ của họ để bày tỏ chính Ngài qua những cuộc gặp gỡ cá nhân với con người ngày nay. Khi các cá nhân nghe tiếng của Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh, thì tiếng nói đó trở thành Lời của Đức Chúa Trời.

Theo một số học giả, các nhà tiên tri và sứ đồ đã sử dụng những câu chuyện thần thoại như những câu chuyện về phép lạ để truyền đạt lẽ thật thuộc linh. Phần lớn những gì có vẻ như là báo cáo lịch sử phải được giải tỏa ra khỏi huyền thoại, hoặc lột bỏ trang phục thần thoại của nó để có được lẽ thật thuộc linh thực sự được truyền tải.

Theo quan điểm này, vì không thể xem là giống nhau bất kỳ câu văn nào của Kinh Thánh với lời Chúa, nên rất khó để có thể thực sự biết được đâu là điều Chúa phán. Theodore Engelder  nói rằng những người ủng hộ quan điểm này về Kinh Thánh “từ chối tin  Đức Chúa Trời đã thực hiện phép lạ ban cho chúng ta một bản Kinh Thánh không lỗi qua sự soi dẫn, nhưng [họ] sẵn sàng tin rằng Đức Chúa Trời hàng ngày vẫn đang thực hiện phép lạ vĩ đại hơn là cho phép loài người tìm và thấy Lời vô ngộ của Chúa trong ngôn từ thiếu sót của con người.”

Rõ ràng là sự giải thích như vậy về sự soi dẫn, nằm ngoài sự hỗ trợ trong Kinh Thánh, khiến cho việc nghe Lời Đức Chúa Trời trở thành một vấn đề rất chủ quan. Những người khác nhau có thể nghe nó theo cách khác nhau, và chúng ta không có cách nào để quyết định ai đang nghe nó một cách chính xác. Một lần nữa, giống như đã đề cập trước đây, cách giải thích về sự soi dẫn này nhầm lẫn giữa việc soi dẫn đặc biệt liên quan đến việc truyền đạt sự mặc khải với việc soi sáng.

Quan điểm thứ ba cho rằng Kinh Thánh được soi dẫn đủ để thực hiện mục đích truyền đạt chân lý cứu rỗi một cách trọn vẹn. Bản chất thực tế và mức độ ảnh hưởng của Đức Chúa Trời trong toàn bộ Kinh Thánh có phần khác nhau giữa những người ủng hộ quan điểm này.

Họ có xu hướng nói về “sự soi dẫn” của Đức Chúa Trời đối với toàn bộ Kinh Thánh, nhưng họ không tập trung nhiều vào tính chân thật của Kinh Thánh mà chỉ tập trung vào tính đầy đủ để hoàn thành mục đích cứu rỗi. Họ nói, Kinh Thánh được soi dẫn và do đó không thể sai lầm, theo nghĩa là Kinh Thánh đáng tin cậy để hoàn thành những gì Đức Chúa Trời đã định.

Một vấn đề với quan điểm này là khó biết phần nào của Kinh Thánh phù hợp với mục đích cứu rỗi này và phần nào thì không. Nói chung, các vấn đề về khoa học và lịch sử được coi là ngoại vi đối với thông điệp cứu rỗi của Kinh Thánh và do đó không thể sai lầm. Quan điểm này, mà một số người gọi là “sự soi dẫn hạn chế”, có một số vấn đề.

Đầu tiên, Kinh Thánh tuyên bố rõ ràng rằng “cả Kinh Thánh đều được soi dẫn” (2 Ti-mô-thê 3:16). Không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói rằng sự soi dẫn hay sự chính xác tuyệt đối chỉ giới hạn trong những vấn đề thuộc về “đức tin và sự thực hành.”

Thứ hai, không ai có thể chỉ ra cách chúng ta có thể xác định rõ ràng ranh giới giữa vấn đề đức tin và không đức tin. Chẳng hạn, sự phục sinh của Chúa Giê-su là vấn đề của lịch sử hay của “đức tin”? Ví dụ, nếu có một số khó khăn về mặt lịch sử trong việc thống nhất các lời tường thuật của bốn trước giả Phúc Âm, thì chúng ta có thể nói đơn giản rằng phần tường thuật đó có sai sót về lịch sử và bằng cách nào đó vẫn duy trì sự việc có thật về sự phục sinh của Ngài đến dưới sự soi dẫn không thể sai lầm của Đức Chúa Trời?

Sự tách biệt như vậy dường như là không thể. Nếu lịch sử được chép không đúng sự thật, làm sao chúng ta có thể khẳng định rằng sự phục sinh của Chúa Giê-su là một vấn đề của “đức tin” — ngoại trừ dựa trên một số điều ngoài phần ghi chép của Kinh Thánh?

Một trong những lý do khiến Cơ Đốc Giáo vượt trội hơn các tôn giáo khác là nó có nguồn gốc từ lịch sử, chứ không phải là thần thoại. Loại trừ lịch sử khỏi sự soi dẫn vì một số xác suất chưa được giải đáp là làm suy yếu lẽ thật này.

Thực tế quan trọng nhất là Kinh Thánh quan tâm đến nhu cầu tâm linh, nhưng cũng dạy chúng ta hiểu và sống trọn cuộc đời cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Nhân loại, thế giới, thiên nhiên, lịch sử, nguồn gốc và đích đến của con người được Kinh Thánh nói đều liên quan đến thông điệp cứu chuộc tổng thể của Lời Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.

admin                                                                                                     

Có thể bạn quan tâm