Trang chủ Tủ sách VMI Nan Đề và Giải Pháp – Phần 1

Nan Đề và Giải Pháp – Phần 1

bởi admin

Xin chào bạn,

Thưa bạn,

Bạn có biết nan đề lớn nhất của loài người là gì không?

Tôi thấy đây là câu hỏi khó và người Việt có nhiều ý kiến khác nhau. Có người nói “đời là bể khổ” nên nan đề của loài người cũng nhiều như biển bao la không bờ không bến. Có người nói đã là người thì có nan đề, làm sao biết nan đề nào lớn nhất hay nhỏ nhất được? Có người nói nan đề phần lớn đến từ bên ngoài. Có người nói phần lớn nan đề đến từ bên trong. Người Việt có nhiều ý kiến khác nhau, “chín người mười ý” nhưng tôi thấy dù ở đâu người ta cũng đang tìm cách giải quyết các nan đề. Vấn đề là chúng ta cần biết nan đề lớn nhất của nhân loại là gì?

Ở Đông Phương từ Ấn Độ đến Việt Nam nhiều người cho rằng nan đề lớn nhất của loài người là lòng tham. Lòng tham gây ra đau khổ. Muốn hết khổ thì phải cố diệt lòng tham. Muốn diệt lòng tham thì hãy đi tu, cách ly, xuất gia, ở một mình trong núi sâu, bên bờ suối, hay lánh vào sa mạc hoang vu, xa lánh bụi trần, sống thanh tịnh, loại hết suy nghĩ xấu xa, tham lam, ngồi thiền, ăn chay, ép xác…

Từ xưa đến nay ở Đông Phương có biết bao nhiêu tôn giáo, phương pháp tu luyện, triết lý huyền bí nẩy sinh và những tu tập cố gắng thực hành. Nhưng Đông Phương vẫn nghèo, vẫn buồn, vẫn chán nản, vẫn bi quan… như vậy các phương pháp của Đông Phương vẫn chưa thấy hiệu quả, hay không có hiệu quả, dù đã trải qua hàng ngàn năm rồi. Dường như, người Đông Phương mới chỉ thấy hậu quả mà chưa tìm ra được ra nguyên nhân.

Chỉ cần tự tra vấn mình một chút, chúng ta sẽ thấy nan đề ở đâu và giải pháp ở đâu?

Chẳng hạn nếu nan đề lớn nhất của bạn là lòng tham thì câu hỏi sẽ là lòng tham nầy đến từ đâu? Từ bên trong hay bên ngoài? Làm sao để hết lòng tham? Một em bé lớn lên đã có tính tham lam rồi. Không tham làm sao sống? Chẳng hạn tham ăn, tham uống, tham sống…

Có ai tự mình chiến thắng lòng tham được không?

Chúng ta ai cũng đồng ý là mỗi người phải nhờ cậy một quyền phép từ trên, một ơn trên, để biến đổi con người cũ tham lam dơ dáy trở thành con người mới trong sạch, thanh khiết? Nhưng ơn trên ở đâu? Ở người hay ở Trời? Ở trong nước hay ở nước ngoài?

Tôi biết bạn đã chọn hướng đi của bạn rồi, nhưng câu hỏi là hướng đi nầy đã dẫn bạn về đâu. Hãy suy nghĩ để nhận thấy rằng nếu bạn tiếp tục đi theo đường xưa lối cũ, tôn giáo cũ, triết lý cũ, hướng đi cũ, truyền thống cũ theo kiểu “xưa bày nay bắt chước” thì đời sống của bạn sẽ chẳng bao giờ thay đổi được và đời sống ấy sẽ kết thúc trong bế tắc hoàn toàn.
Tôi luôn luôn có hy vọng là người Việt Nam có đủ khôn ngoan để điều chỉnh hướng đi của mình, mục đích sống của mình. Lý do là tôi thấy người Việt Nam có tinh thần cầu tiến, thông minh, cần mẫn, kiên trì, “thua keo nầy, ta bày keo khác”, “còn nước còn tát”, “anh phải sống”… Tôi tin người Việt Nam có tinh thần tìm kiếm, đổi mới, khát khao tiến bộ, và sẽ có tiến bộ nhanh chóng. Nếu người Việt có cố vấn tốt, có hướng đi tốt, có chỉ dẫn tốt, người Việt sẽ nhanh chóng thành đạt và có cuộc sống đầy ý nghĩa.

Điều quan trọng là chúng ta phải nhất trí, phải đồng ý, phải quyết tâm. Tập trung chú ý làm, chúng ta sẽ làm xong, khỏi phí thời gian.

Trong một đảng chính trị, tôi thấy người ta thường dùng hai chữ “đồng chí” (những chữ có nghĩa như là đồng tâm, đồng lòng, đồng ý) để tập trung chú ý vào việc giải quyết một nan đề trong thế giới vật chất nầy. Tại sao trong vấn đề tinh thần, tâm linh chúng ta không làm được như vậy? Trong lãnh vực tín ngưỡng, đức tin, tôi thấy thế giới có quá nhiều chia rẽ, có các phe phái khác nhau, chống đối nhau, nói xấu nhau, không chịu vâng phục nhau. Vì thế trong lãnh vực tâm linh, người Việt hay thả trôi, quên lãng, không muốn bàn tới. Trong tổ chức của Cơ-đốc giáo cũng không tránh khỏi sự chia rẽ nầy. Điều nầy đang làm cho nhiều người Việt phân tâm. Người Việt đang phân vân giữa nhân đạo và Thiên Đạo. Đạo của người và Đạo của Trời.

Chúa Giê-su là lãnh đạo tối cao của đạo Chúa đã thấy trước và đã cầu nguyện trước cho nhu cầu hiệp nhất nầy. Như một thân thể. Như một gia đình. Như một bầy chiên. Như một đất nước.

“Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa, để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến. Con đã ban cho họ sự vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để hiệp làm một cũng như chúng ta vẫn là một: Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để cho họ toàn vẹn hiệp làm một, và cho thế gian biết chính Cha đã sai Con đến, và Cha đã yêu thương họ cũng như Cha đã yêu thương Con.”(Giăng 17: 20-23).

Trong thế giới có đông người thêm, có tổ chức thêm, có khám phá thêm, việc tìm ra một hướng đi chung, một sự đồng tâm hiệp nhất là bước đầu quan trọng nhất để giải quyết nan đề và tìm ra giải pháp.

Trong thế giới có nhiều kiến thức, có nhiều phương tiện, có nhiều nguồn lực, có nhiều năng lượng, có nhiều sức mạnh, chúng ta cần khiêm nhường hơn và nhứt trí (hiệp ý với nhau) hơn, vì thế tôi thường tôn trọng ý kiến của người khác và bây giờ tôi xin khiêm tốn đề nghị những nền tảng chung mà tôi đang nhìn thấy để từ đó chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng.

NAN ĐỀ CHUNG CỦA LOÀI NGƯỜI

Nan đề chung của loài người là bản chất tội lỗi bên trong của mỗi người. Bên trong mỗi người có tính kiêu ngạo, tham lam, háo thắng, cố chấp, không chịu thay đổi. Kinh Thánh nhận định đây là tính phản loạn, tính tự cao, tự đại, tính cứng lòng. Kinh Thánh xác nhận đây là hậu quả của tội lỗi. Tội lỗi là nan đề căn bản. Hậu quả của tội lỗi là sự chết. Mọi người đều bị tuyên án chết. Giống như người đã bị nhiễm virus. Giống như tội nhân bị tuyên án tử hình. Giống như người con bỏ nhà cha đi xa…
Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy…

“Ngài lại phán rằng: Một người kia có hai con trai. Người em nói với cha rằng: Thưa cha, xin chia cho tôi phần của mà tôi sẽ được. Người cha liền chia của mình cho hai con. Cách ít ngày, người em tóm thâu hết, đi phương xa, ở đó, ăn chơi hoang đàng, tiêu sạch gia tài mình. Khi đã xài hết của rồi, trong xứ xảy có cơn đói lớn; nó mới bị nghèo thiếu, bèn đi làm mướn cho một người bổn xứ, thì họ sai ra đồng chăn heo. Nó muốn lấy vỏ đậu của heo ăn mà ăn cho no, nhưng chẳng ai cho…” (Lu-ca 15: 11-16).

“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

GIỐNG NHƯ HAI PHẠM NHÂN HAI BÊN THẬP TỰ GIÁ
“Chúng cũng đem hai người đi nữa, là kẻ trộm cướp, để giết cùng với Ngài.

Khi đến một chỗ gọi là chỗ Sọ, họ đóng đinh Ngài trên cây thập tự tại đó, cùng hai tên trộm cướp, một tên bên hữu Ngài, một tên bên tả. Song Đức Chúa Jêsus cầu rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì. Đoạn, họ bắt thăm chia nhau áo xống của Ngài. Dân chúng đứng đó mà ngó. Các người coi việc nhạo cười Ngài, rằng: Nó đã cứu kẻ khác; nếu nó là Đấng Christ, Đấng Đức Chúa Trời đã lựa, thì hãy cứu mình đi! Quân lính cũng giỡn cợt Ngài, lại gần đưa giấm cho Ngài uống, mà rằng: Nếu ngươi là Vua dân Giu-đa, hãy tự cứu lấy mình đi! 38 Phía trên đầu Ngài, có đề rằng: Người nầy là Vua dân Giu-đa.

Vả, một tên trộm cướp bị đóng đinh cũng mắng nhiếc Ngài rằng: Ngươi không phải là Đấng Christ sao? Hãy tự cứu lấy mình ngươi cùng chúng ta nữa! Nhưng tên kia trách nó rằng: Ngươi cũng chịu một hình phạt ấy, còn chẳng sợ Đức Chúa Trời sao? Về phần chúng ta, chỉ là sự công bình, vì hình ta chịu xứng với việc ta làm; nhưng người nầy không hề làm một điều gì ác. Đoạn lại nói rằng: Hỡi Jêsus, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.
Khi đó, ước giờ thứ sáu, khắp xứ đều tối tăm cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên tối, và màn trong đền thờ xé chính giữa ra làm hai. Đức Chúa Jêsus bèn kêu lớn rằng: Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha! Ngài vừa nói xong thì tắt hơi…” (Lu-ca 23: 32-46.)

Hãy đặt mình vào chỗ của hai tên tử tội đang bị đóng đinh. Hiện bạn đang là tên bên phải hay là tên bên trái? Tôi nghĩ đến tên bên trái thật cứng đầu, dù đến chết vẫn không chịu ăn năn. Số phận của người nầy chỉ là chết mất, là đi xuống. Còn tên tử tội bên phải là người khôn ngoan, anh ta đã nắm bắt ngay cơ hội cuối cùng. Có thể đây là cơ hội đầu tiên thấy được giải pháp và anh đã nắm lấy ngay. Anh đón nhận ân huệ cuối cùng. Anh đã mở miệng kêu cầu Chúa. Anh đã ăn năn. Anh đã được tha thứ. Anh đã được ơn Trời chấp nhận. Anh đã được ân xá hoàn toàn. Anh đã được thoát chết đời đời.

NHU CẦU CHUNG CỦA LOÀI NGƯỜI

Làm thể nào để vượt thoát được hình phạt tội lỗi, gánh nặng tội lỗi và sự hiện diện của tội lỗi. Mỗi người phải nhìn nhận tính bất năng bất lực của mình trước tội lỗi, trước hậu quả của tội lỗi. Mỗi người cần phải khiêm nhường chấp nhận giải pháp từ trên. Nghĩa là từ chối giải pháp từ người và hạ mình đón nhận giải pháp từ Trời. Mỗi người cần được Đức Chúa Trời tha tội.

“Chẳng có phân biệt chi hết, vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê-su Christ…” (Rô-ma 3:22-24).

“Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài…” (Ê-phê-sô 1:7).

“Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác. Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta.” (I Giăng 1:9-10).

Còn tiếp…

Mục sư Nguyễn Văn Huệ

Có thể bạn quan tâm