Trang chủ Tổng Hợp ÔNG THỢ MỘC

ÔNG THỢ MỘC

bởi

 

Lan trải xấp vải lên bàn hai tay vuốt thẳng nếp chuẩn bị cắt những tấm màn cửa sổ cho Hội Thánh. Màu sơn hồng nhạt lấp lánh kim tuyến trên móng tay, ánh lên dưới ánh nắng rọi vào từ bên ngoài, làm nổi bật làn da trắng mịn màng của bàn tay búp măng nhỏ nhắn trên nền vải màn đỏ thẳm. Cô bần thần ngồi xuống mép giường tre bên cạnh nhớ lại đêm định mệnh của hai năm trước. Đêm ấy, một ông thợ mộc đã dùng  kềm nhổ đinh, rút  mười móng tay Lan ra khỏi ngón, đánh dấu một bước ngoặc mới cho đời cô.

Lan quyết định học may khi vừa xong lớp mười. Đến năm mười tám, đã trở thành cô thợ may khéo của xã này giúp cha mẹ bớt được phần nào nhọc nhằn trong cuộc sống. Ba năm trước, bỗng dưng cô mắc phải một chứng  bệnh lạ lùng mà bác sĩ đều không biết tên gọi. Mười ngón tay sưng đỏ, móng thì mòn dần vào bên trong. Đau nhức kỳ lạ, như có từng con dòi bò lúc nhúc trong ngón tay chạy ra đến đầu móng. Tưởng bị dị ứng với thịt bò, đồ biển, Lan ngưng ăn thịt cá, chuyển qua ăn rau và tàu hủ, vẫn không thuyên giảm. Lan sợ hãi vì nghĩ đến bịnh phong cùi, nhưng thử máu không có vi trùng. Đi hết bệnh viện huyện rồi đến tỉnh, sau đó về Sài gòn, kết quả vẫn không tìm biết bệnh gì. Bác sĩ hay, thầy thuốc giỏi Lan đều tìm đến. Mỗi ông, Lan uống thuốc ba bốn tuần, không thuyên giảm đi tìm ông khác. Thuốc của Lan bấy giờ chứa một tủ đủ loại, đủ thứ. Uống hết thuốc này đến thuốc nọ, hết thuốc tây đến thuốc tàu, thuốc bắc đến thuốc nam, thuốc gia truyền đến những bài thuốc dân gian. Đi hết thầy bùa đến thầy pháp, cúng hết miễu này đến chùa kia cho đến khi hết tiền, hết tư trang dành dụm. Thuốc chất tới đâu, tiền chồng theo tới đó. Bệnh vẫn càng ngày càng nặng, mười móng tay khuyết dần đến gần phân nửa. Ban ngày cố gắng may vá cũng quên đau, tuy nhiên cầm cây kim để làm khuy, đơm nút hay luôn tà áo càng ngày càng khó khăn vì mười ngón tay sưng đỏ như bị ong chích. Ban đêm nằm lên giường, buông xuôi hai bàn tay cảm được cái đau tận xương tuỷ. Lan cắn răng chịu đựng, đôi khi một mình thao thức cô muốn chết cho xong đời nhưng nghĩ đến cha mẹ nên cố mà sống.

Cha Lan phải bán miếng đất canh tác cạnh phần đất nhà để lo chạy chữa cho cô. Sáu tháng sau, trên mảnh đất đó mọc lên căn nhà có nóc nhọn, gọi là Nhà Nguyện chi nhánh của Hội Thánh Tin Lành ngoài Thị Xã. Hai vợ chồng ông Mục sư ấy còn trẻ, tuổi độ bốn mươi, con trai họ mười tuổi, rất dễ thương. Họ đến ở đó và tổ chức thờ phượng vào mỗi ngày Chúa nhật, chỉ khoảng hơn mười người .

Vợ ông Mục sư tên Hằng, vóc người nhỏ nhắn, gương mặt sáng sủa, duyên dáng, lúc nào đi ngang nhà cũng nhìn vào cười với Lan. Có hôm chị ấy ghé biếu cha mẹ vài cái bánh tét nhân chuối, phần Lan bịch xương sâm mới mua ở chợ để  ăn cho mát. Thỉnh thoảng rỗi rảnh chị đến thăm, giúp Lan đơm nút hoặc làm khuy áo. Chị vừa làm vừa kể cho Lan nghe về ông Đức Chúa Trời  của chị. Cứ hé miệng ra là chị nói cám ơn Chúa về điều này, điều kia nghe hoài Lan cũng quen.

Chị còn đọc cho Lan nghe câu chuyện về sự giáng sinh của Chúa Giêsu là con một Đức Chúa Trời đã giáng xuống làm người và sống với con người. Chị kể rằng Ngài đã làm nghề thợ mộc để trả hiếu cho cha mẹ phần xác đến năm ba mươi tuổi thì ra đi hành đạo, cứu đời. Chúa Giêsu có quyền năng: chữa mọi bệnh tật, chữa lành kẻ què, đui, câm, điếc kể cả người chết cũng khiến cho sống lại được. Chúa còn làm cho bảo yên, sóng lặng, biến hai cái bánh và năm con cá cho hơn năm ngàn người ăn. Sau ba năm Chúa bị bắt đóng đinh trên thập tự giá, Chúa chết và ba ngày sau sống lại.

Lan nghe chị kể những chuyện ấy cô thích thú như nghe chuyện cổ tích hoặc chuyện thần thoại chứ không thắc mắc hay suy nghĩ gì. Chị trầm giọng:

– Hội Thánh Tin Lành là nơi thờ Đấng sống chứ không thờ người chết em à.

Một hôm, chị sang xin vải vụn để kết lại thành những chiếc mền nhỏ vừa đủ một người đắp. Chị giải thích:

– Mùa lạnh đến rồi. Chị chuẩn bị làm quà giáng sinh cho trẻ mồ côi.

Lan tiếc nuối:

– Lúc trước em may được nhiều nên có nhiều vải vụn, em đem đốt chứ đâu có chứa làm gì cho chật nhà.

Chị thắc mắc:

– Bây giờ ít khách hơn hả em?-.

Dạ,  một số khách tưởng em bị bệnh cùi, khi may đồ vi trùng cùi dính vào vải rồi họ bị lây. Còn một số khách hiểu biết thì vẫn đến đặt em may, nhưng tay em đau may không kịp nên không dám nhận hàng nhiều chị à.-  Lan tâm sự vì thấy chị thật lòng quan tâm.

Lan chìa tay cho chị xem và kể hết tình trạng bệnh cho chị nghe, chị cầm từng ngón xem xét tỉ mỉ hỏi thăm cặn kẻ. Trước khi ra về chị nói:

– Lâu nay chị thấy hai bàn tay em khác thường mà không dám hỏi. Hôm nay biết rõ bệnh như vầy chị sẽ cầu nguyện xin Đức Chúa Trời chữa bệnh cho em, em muốn không?

Lan e ngại lắc nhẹ đầu, nhìn ra sân tránh ánh mắt chị. Chị lắc tay Lan:

– Em tin có ông Trời không?

Lan gật đầu như cái máy:

Dạ tin. Trên Trời dưới Phật mà chị.

Chị nhìn sâu vào mắt Lan:

– Lan có hiểu rõ về ông Trời của em không?  Ông Trời đó như thế nào?

Lan lúng túng, thật sự cô không biết ông Trời của mình và ông Đức Chúa Trời của chị giống  hay khác nhau, Lan chỉ biết nhà mình cũng có bàn thờ ông Thiên mà mỗi tối cha hay cúng một chung nước vài hạt muối và cắm vào đó một cây nhang rồi van vái cho Lan. Lan không biết rõ ông Trời như thế nào, có một điều duy nhất cô biết là bệnh cô chỉ có Trời cứu thôi.

Chị giải thích cho Lan nghe về Đấng mà chị đang thờ phượng. Đấng đó là Đức Chúa Trời với bản tính yêu thương, nhân từ, chậm giận, đầy dẫy lòng thương xót. Đấng đó là Cha của nhân loại trong đó có Lan.

Thấy Lan ngần ngại, chị siết chặt tay Lan trước khi ra về:

– Chị sẽ cầu nguyện xin Chúa Giêsu đến thăm viếng em và chữa lành cho em.

Hôm ấy, sau khi nghe chị nói, từ trong thâm tâm Lan nghĩ, bác sĩ khám, máy móc xét nghiệm đủ thứ, vẽ bùa, đeo ngãi tùm lum còn không hết thì làm sao mà ông thần không hình, không dạng lại chữa được cho Lan. Do đó Lan làm thinh.

Lan tần ngần đứng nhìn chị ràng rịt bao vải vụn lên xe Honda, lòng thắc mắc. Từ ngày bị bệnh ít người dám nắm tay Lan, họ sợ lây nhiễm. Bạn trai cô cũng âm thầm xa lánh, Lan rất tủi lòng nhưng không trách. Vì anh ấy trình độ học thức thấp, sự hiểu biết nông cạn nên mới sợ như vậy. Chị Hằng lại không như thế, chị săm soi nhìn và sờ vào từng đầu ngón tay, từng cái móng tay đang biến màu nhợt nhạt gần giống như móng bằng nhựa, chúng không còn màu hồng của sự sống. Chị hỏi Lan có đau không? Lan trả lời trong lòng:  Đau thể xác thì ít mà đau tinh thần nhiều lắm chị ơi.

Đến ngày lễ Giáng sinh vợ chồng chị gửi thư mời và thiệp chúc mừng Giáng sinh cho cả xóm. Tận tay chị Hằng đưa thư mời đến gia đình Lan. Chị giải thích:

– Em và hai bác cố gắng thu xếp dự lễ cho biết, chỉ có mỗi Chúa Giêsu có ngày kỷ niệm này vì Ngài đã từ trời cao giáng xuống làm người đó em. Nhưng, gia đình Lan đã không đến, cha bảo, “nhà mình theo đạo Phật”. Hôm sau chị ghé. Chị cười tươi:

– Đêm qua không thấy gia đình em đến dự, chị chừa phần bánh kem này biếu hai bác và em.

Lan nhận đĩa bánh, chớp mắt cảm động.

– Trời lạnh, tay em đau nhức nhiều không?  Chị vẫn cầu nguyện cho em đó.  Chị vừa hỏi vừa vuốt nhè nhẹ lên mấy ngón tay Lan. Trước khi về chị căn dặn, ân cần:

– Khi nào em thấy đau đớn thì em cứ kêu Chúa Giêsu ơi cứu con Ngài sẽ chữa bệnh cho em.

Lan bồi hồi nhìn theo chị, lòng ấm áp lạ thường. Từ nơi chị toả ra tình yêu thương của một người thân. Lan không có chị em nên thầm xem chị Hằng như chị từ khi quen biết. Cô ngồi xuống máy may nhưng trí óc cứ lởn vởn câu dặn dò của chị. Chỉ đơn giản có vậy thôi sao? Không cần bao nhiêu nhang đèn, bao nhiêu bông hoa, bao nhiêu cái lạy sao? Chỉ cần kêu Chúa Giêsu ơi cứu con là đủ sao?

Đêm ấy, cơn đau thức Lan giữa khuya. Đau quá, làm sao bây giờ?  Lúc này cô hiểu thế nào là đau thấu xương, tận trong từng lóng xương nhức nhối, không thể dùng từ đau mà diễn tả đủ. Nói như một diễn viên hài là đau hơn chữ đau nữa.  Chợt nhớ lời chị Hằng cô bỗng thốt lên:  Ôi, nếu thật sự Chúa Giêsu có quyền năng chữa bệnh như chị Hằng kể và thực sự có Đức Chúa Trời yêu thương con, xin chữa lành căn bệnh mà y học đã bó tay, và tiền bán đất cũng đã hết. Ôi, Chúa Giêsu ơi, xin cứu con. Lan úp mặt vào gối nước mắt đầm đìa, tiếng nấc nghẹn tức tửi, rấm rức. Cô chập chờn đi vào giấc ngủ với nỗi tuyệt vọng trong lòng.

woman-sincere-prayer_si_0

Lan đi lạc vào khu xóm vắng, nhà cửa lưa thưa, đôi chân mõi nhừ, hai cánh tay tê buốt, cổ họng khô cháy. Cô lê bước đến một căn nhà gần nhất để xin nước uống. Khi đến nơi, Lan thấy bên hiên ngoài có một người đàn ông đang cặm cụi đục đục, bào bào, cưa cưa, vẽ vẽ, trên sân là một cái bàn dài đang ráp chưa xong. Lan dừng chân ngần ngại chưa dám bước vào sân, lúc ấy một người phụ nữ độ tuổi tứ tuần từ trong nhà xách ra một ấm nước có tiếng va chạm lanh canh của đá. Lan mừng rơn, chắc là bình trà đá. Lan cao giọng:

– Chị ơi, làm ơn cho em xin ly nước, em khát quá.

Người phụ nữ bước nhanh đến cổng rào, Lan cũng vừa bước vào, hai người đối diện nhau, cách khoảng một tầm tay. Mắt hoa, tai ù vì mệt và khát cô  không nhìn rõ mặt người phụ nữ, chỉ thấy phảng phất nét phúc hậu, hiền lành, dáng dấp quen lắm. Chị trao Lan cái ly đang cầm bên tay kia, đỡ ấm nước lên định rót cho Lan. Lan lễ phép đưa hai tay nhận ly nhưng lạ kìa, các ngón tay không còn cử động được. Bịch, cái ly rơi xuống nền cát nên không vỡ. Chị chụp hai bàn tay Lan lật qua , lật lại xem tới xem lui các đầu ngón tay đang sưng đỏ, sâm soi các móng tay giống tựa hành động của chị Hằng:

-Hãy theo chị.

Chị dẫn Lan đến chỗ người thợ mộc, lúc ấy, đang cầm trên tay chiếc kềm nhổ đinh. Lan vẫn còn hoa mắt nên nhìn mặt người đàn ông cũng bị nhập nhoè, hình như người ấy độ tuổi ba mươi. Bây giờ chị phụ nữ lên tiếng:

– Thầy ơi hãy nhìn hai bàn tay cô ấy. Hãy giúp cô ấy.

Người thợ mộc xem xét mười ngón tay Lan, ngước nhìn cô, ánh mắt hiền từ như muốn nói: Đừng sợ, hãy tin mà thôi. Lan nhận được sự bình an lạ lùng từ đôi mắt ấy, khiến nàng tin tưởng hơn tất cả các thầy thuốc và bác sĩ đã từng chữa trị cho nàng. Người nhẹ nhàng nâng lấy bàn tay Lan, dùng kềm đang cầm sẵn kẹp lấy móng tay của cô từ từ rút ra khỏi ngón. Lan hoảng hốt rụt tay lại nhưng có một sức mạnh vô hình nắm chặt khiến cô không cử động được. Lan há hốc miệng, trố mắt nhìn cuộn da mỏng như  miếng dăm bào đang theo từ những chiếc móng tay được rút ra. Từng nùi, từng nùi da được kéo ra theo móng, khi rớt xuống đất chúng biến thành những con sâu lông, nhúc nha, nhúc nhích. Một móng, hai móng, ba móng rồi lần lượt hết bàn tay này sang bàn tay kia, đến móng thứ mười. Tuyệt nhiên không hề đau đớn khi bị rút móng như vậy mà ngược lại mỗi móng  được rút ra xong Lan cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu. Lan rùng mình nhìn sững vào mười đầu ngón tay, chúng không có móng, không có máu, liền lặn, trụi như người cùi. Cô thảng thốt thét lên: “Á, Tôi bị phung cùi rồi sao”. Lan nhắm mắt, bậm môi, cố sức giật mạnh tay về nhưng người thợ mộc ấy cũng vừa vuốt nhẹ lên hai bàn tay cô. Một luồng nóng hừng hực chạy khắp châu thân khiến cô bị đẩy bật ra sau, nằm sóng xoài trên mặt cát.

Lan mở mắt, lồm cồm ngồi dậy, đưa hai bàn tay lên nhìn, định thần lại thấy mình đang ngồi trên giường ngủ, mồ hôi ướt đẫm. Lan chui ra khỏi mùng, vặn cao ngọn đèn ngủ xem xét, mười móng tay vẫn còn nguyên, thì ra là một giấc mơ. Tim vẫn còn đập thình thịch, thình thịch, cổ họng khát khô, Lan bưng ly nước ực một hơi. Đặt ly lên bàn Lan nhớ lại những chuyện vừa xảy ra, cô nhìn quanh quất, phòng Lan ấm áp lạ thường như có lò sưởi vậy. Cô nhớ lại người phụ nữ trong mơ, dáng dấp giống chị Hằng. Cô thử bưng lại ly nước, bình thường,  thử bóp nhè nhẹ vào từng ngón, quan sát thật kỹ từng móng tay thấy vẫn ửng đỏ nhưng dường như  không còn cảm giác đau đớn nữa. Lan bóp mạnh hơn, co ra, co vô liên tục mười ngón tay. Ố là la, cô như chưa từng bị đau, cô săm soi từng ngón tay dưới ánh đèn lòng mừng vui khôn tả. Không thể nào ngủ lại được. Lan nhớ chị Hằng kể rằng Chúa Giêsu làm nghề thợ mộc. Có phải đây là ông thợ mộc tên Giêsu của chị ấy không?  Đêm qua trong lúc đau nhức quá cô đã kêu đại tên Giêsu như người sắp chết đuối chụp đại bất cứ vật gì trôi quanh mình để thoát tay tử thần. Lan cố nhớ lại gương mặt người thợ mộc ấy nhưng không thể hình dung được, chỉ nhớ mỗi ánh mắt nhân từ, cương trực, ấm áp, nhìn cô thông cảm. Hướng ra cửa sở, Lan mong đợi ánh bình minh, để đến gặp chị Hằng hỏi về giấc mơ kỳ lạ nầy

Lắng nghe Lan kể, chị Hằng rươm rướm ngấn lệ, miệng nhoẻn cười sờ vào từng móng tay Lan, bóp nhè nhẹ:

– Cám ơn Chúa, Chúa chữa cho em rồi đó. Ông thợ mộc đó chính là Chúa Giêsu. Đêm qua chị cũng ngủ không được, nên giữa khuya thức dậy cầu nguyện cho em. Chúa đã nghe lời chị em mình kêu cầu. Chị tin chắc là em đã được chữa lành. Halêlugia.

Rồi chị giải thích, có thể có con vi trùng mới nào ăn móng tay mà khoa học chưa biết được, nhưng Chúa Giêsu biết và Ngài đã lấy những con vi trùng đó ra cho em rồi.

Lan ngạc nhiên, khó hiểu, dầu vậy cô vẫn nuôi hy vọng được lành bệnh. Chị Hằng tặng cho Lan quyển  Kinh Thánh Tân ước. Lan đọc và niềm hy vọng càng tăng. Hằng đêm cô vẫn cầu xin được gặp lại người thợ mộc trong mơ ấy. Người đã rút móng tay cô. Cô chắc rằng người thợ mộc ấy tên Giêsu là Đấng trong quyển Kinh Thánh kể lại các việc Ngài đã làm.

Ba tháng sau, các ngón tay thon nhỏ lại bình thường, các móng tay được hồi sinh, mọc ra dần và đỏ hồng. Lan biết chắc là Chúa đã chữa cho mình, bằng quyền năng cao cả của Ngài, cha mẹ Lan cũng vui mừng khôn xiết. Giáng sinh năm đó có thêm ba linh hồn trở về nhà Chúa: Cha, Mẹ và Lan. Năm nay là lần thứ hai Lan được góp phần trong ban trang trí, chuẩn bị dự lễ kỷ niệm Chúa Giáng sinh. Lan may những tấm màn cửa sổ mới để dâng Chúa, vừa cắt vải Lan vừa thầm nguyện: Chúa Giêsu kính yêu ơi. Xin Ngài cho đồng bào Việt Nam chúng con được gặp ông thợ mộc Giêsu một lần như con đã gặp, để họ cũng được cứu như gia đình con. Để họ cũng được lên nước Thiên Đàng như gia đình con vì Ngài đã hứa rằng: Trên nhà Cha có nhiều chỗ ở và Ngài đã đi sắm sẵn một chỗ cho chúng con. Xin Ngài sắm cho cả xã, cả nước chúng con được cùng về nhà Cha với Ngài. Amen.

 

HỮU CHANG

 

Có thể bạn quan tâm