Trang chủ Tổng Hợp Sống Nhờ Lời Chúa

Sống Nhờ Lời Chúa

bởi admin

 

So với mọi quyển sách khác trên thế giới, Kinh Thánh là ĐỘC NHẤT bởi vì những lời trong đó được nạp bằng sự sống và năng quyền của Đức Chúa Trời. Không phải người ta gắn Đức Chúa Trời vào giấy mực hay là cuộn giấy trong thời cổ đại. Nhưng sự hiện diện của Chúa được truyền đạt qua lẽ thật Lời Ngài. Năng quyền độc nhất của Lời Chúa được Cơ Đốc Nhân lẫn những người không tin Chúa kinh nghiệm như nhau. J. B. Phillips, người đầu tiên viết diễn giải Tân Ước, đã làm chứng về kinh nghiệm của chính ông trong việc cẩn thận nghiên cứu Kinh Thánh. Trong lời mở đầu của tác phẩm ông đã viết: “Người biên dịch… luôn bị choáng ngợp bởi phẩm chất hằng sống của tài liệu mà ông đang biên dịch. Chắc chắn một số người chỉ xem Kinh Thánh như là sự tôn sùng đầy mê tín đối với ‘Đức Thánh Linh,’ song hết lần này đến lần khác, tác giả cảm thấy mình như một người thợ điện đang mắc lại hệ thống điện của một căn nhà cổ xưa nhưng không thể ‘tắt lưới điện chính.’”[1]

Tương tự, nhà bác học người Pháp Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) với những triết lý mở đường cho chủ nghĩa giải phóng nhân loại, ông cũng đã cảm thấy choáng ngợp trước động lực độc nhất của Kinh Thánh. Ông viết: “Tôi thừa nhận rằng sự uy nghiêm của Kinh Thánh đã khiến tôi kinh ngạc; sự thánh khiết của các trước giả  Phúc Âm đã phán với lòng tôi và họ có những phẩm chất của lẽ thật đầy cuốn hút, và hơn thế nữa, thật không thể bắt chước được, rằng nếu Kinh Thánh là do con người sáng tác, thì các trước giả đó chắc hẳn phải vĩ đại hơn các anh hùng vĩ đại nhất.”[2] Ngày nay chúng ta không thể nghe được những lời như thế từ những triết gia hàng đầu, tuy nhiên chắc chắn việc này không phải do Kinh Thánh không còn tác động đến tấm lòng con người nhưng do người ta không còn đọc Kinh Thánh nhiều như trước nữa.

 

QUYỀN NĂNG CỦA LỜI CHÚA

Chúng ta đều nghe câu nói: “Gậy và đá có thể đập vỡ xương tôi, nhưng lời nói không thể làm tôi tổn thương.” Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy nhận định này không hoàn toàn chính xác. Lời nói gây tổn thương, nhưng chúng cũng có thể chữa lành. Thậm chí Kinh Thánh đã viết về lời nói của con người rằng: “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi” (Châm 18:21). “Lưỡi hiền lành giống như một cây sự sống; Song lưỡi gian tà làm cho hư nát tâm thần” (15:4). Lời nói con người có sức mạnh như chiếc bánh lái điều khiển được con tàu hoặc như một đám lửa nhỏ có thể làm cháy cả khu rừng (Gia 3:4-6; cũng xem Châm 25:15).

Nếu lời nói con người có sức mạnh như thế thì Lời Chúa lại càng có năng quyền gấp ngàn lần hơn! Dĩ nhiên, lời nói của con người có giới hạn do bản chất tạo vật của con người là hữu hạn. Tuy nhiên Đức Chúa Trời là vô hạn nên lời phán của Ngài có năng quyền vô song. Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ rằng: “Những lời ta phán cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống” (Giăng 6:63), nghĩa là Lời Chúa phán có năng quyền của Đức Thánh Linh và sự sống. Vào lúc phán ra điều này, nhiều người khi trước theo Chúa đã từ bỏ không còn theo Ngài nữa. Nhưng các môn đồ vì đã tiếp nhận Lời Chúa nên được kinh nghiệm năng quyền của Lời Ngài. Khi Chúa hỏi rằng liệu các môn đồ cũng sẽ thoái lui, Phi-e-rơ quả quyết thay mặt cho mười hai môn đồ mà đáp lại rằng: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời” (6:68).

Trước giả sách Hê-bơ-rơ công bố: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê 4:12). Điều thú vị đó là tác giả sách Hê-bơ-rơ cũng đã dùng từ “sống” để mô tả về chính Đức Chúa Trời (3:12; 9:14; 10:31; 12:22). Đức Chúa Trời hằng sống ban Lời có sự sống của Ngài. Và bởi vì Lời Chúa là lời “sống” nên lời Chúa cũng là lời “linh nghiệm.”

Trong một bản cáo trạng dài lên án các tiên tri giả đã nói những lời “không ích lợi gì” cho dân Ngài, Đức Chúa Trời công bố năng quyền trong lời chân thật của Ngài: “Lời ta há chẳng như lửa, như búa đập vỡ đá sao?” (Giê 23:29, 32). Đức Chúa Trời phán cùng tiên tri Giê-rê-mi rằng: “Nầy, ta sẽ khiến lời ta nên như lửa trong miệng ngươi, dân nầy sẽ như củi, và lửa ấy sẽ nuốt nó” (5:14). Có lúc vị tiên tri này trải nghiệm Lời mà Chúa đã truyền cho ông, ông cảm nhận lời Chúa như “lửa đốt cháy” trong lòng,  trong xương (20:9), và ông “mệt mỏi vì nín lặng, không chịu được nữa.”

Xuyên suốt Kinh Thánh, Đức Chúa Trời thực hiện ý muốn của Ngài bằng lời năng quyền. Tất cả sự bao la của vũ trụ được tạo nên nhờ lời phán của Chúa. Tám lần trong Sáng thế ký 1 viết rằng: “Đức Chúa Trời phán…” Trước giả sách Hê-bơ-rơ viết rằng: “Thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời” (Hê 11:3). Trước giả Thi thiên khẳng định: “Các từng trời được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va” (Thi 33:6). “Lời có quyền phép Ngài” tiếp tục nâng đỡ muôn vật để chúng được tồn tại (Hêb. 1:3).

Lời Chúa giống như những người đưa tin đầy năng quyền chạy đi khắp trái đất để hoàn thành ý muốn Chúa. “Ngài ra lịnh mình trên đất, Lời của Ngài chạy rất mau” (Thi. 147:15). Sứ đồ Phao-lô đã cầu nguyện rằng: “Vả lại, hỡi anh em, hãy cầu nguyện cho chúng tôi, hầu cho đạo Chúa được đồn ra và được sáng danh, như thể ở trong anh em vậy” (2 Tê. 3:1). Trong thời cổ đại, khi dân sự của Đức Chúa Trời kêu cầu Chúa giữa lúc gian truân (là hậu quả của những tội lỗi mà họ đã phạm), trước giả Thi Thiên đã nói rằng: “Ngài ra lệnh chữa họ lành, rút họ khỏi cái huyệt” (Thi 107: 19-20). Và khi Lời Chúa “chạy” thì chạy cách đầy năng quyền và hiệu quả. “Lời nói của ta… đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó” (Ê-sai 55:11).

Hội thánh đầu tiên gặp nhiều bắt bớ. Bắt đầu từ một nhóm nhỏ những con người tầm thường mà chẳng có ai là “vĩ nhân” theo chuẩn mực con người, mặc dầu vậy họ đã chiến thắng mọi thù địch. Việc hội thánh giảng đạo phúc âm là “lời” của Chúa đã ảnh hưởng đến cả thế giới thời bấy giờ. “Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra” (Công 6:7); “đạo Đức Chúa Trời tấn tới rất nhiều, càng ngày càng tràn thêm ra” (Công 12:24); “Ấy vậy, nhờ quyền phép của Chúa, đạo bèn đồn ra, càng ngày càng được thắng” (Công 19:20). Sứ đồ Phao-lô bị giam vào ngục vì đã làm chứng cho Đấng Christ, là điều mà rất nhiều tín hữu đã phải chịu xuyên suốt lịch sử hội thánh, nhưng Phao-lô viết rằng: “đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói đâu” (2 Ti. 2:9). Tù đày có thể tạm dừng chuyển động của người đưa tin, nhưng nó không thể ngăn cản quyền năng của sứ điệp của Chúa. Thực tế như trong trường hợp của Phao-lô, tù đày lại “giúp thêm sự tấn tới cho đạo Tin lành” (Phi-líp 1:12).

Đức Chúa Giê-su Christ chính là Lời của Đức Chúa Trời, đích thân Ngài đã đến với con người. “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời… Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta” (Giăng 1:1, 14). Ngôi Lời nhập thể, Con Đức Chúa Trời có sự hiện diện đầy năng quyền của Đức Chúa Trời, chính vì vậy những lời Đức Chúa Giê-su phán dầy dẫy năng quyền của Đức Chúa Trời. Đến lúc tận cùng của trái đất, trời sẽ mở ra và Đấng đắc thắng, tức là Vua muôn vua và Chúa các chúa, danh Ngài là “Lời của Đức Chúa Trời,” sẽ đến cưỡi trên một con ngựa trắng để hủy phá mọi nước bởi lưỡi gươm bén ra từ miệng Ngài (Khải 19:11-16). Cảnh tượng này không khác gì đích thân Ngôi Lời của Đức Chúa Trời thi hành quyền năng Ngài bởi lời thẩm quyền từ chính miệng của Ngài. Lời ra từ miệng Đức Chúa Trời có năng quyền được thể hiện qua Ngôi Lời nhập thể.

 

SỰ SỐNG QUA LỜI CỦA CHÚA

Đức Chúa Trời, tác giả đích thực của Kinh Thánh, chính là “Đức Chúa Trời hằng sống.” Duy Chúa là Đấng tự hữu, và mọi sự sống khác đều phụ thuộc vào Ngài.  Trước giả Thi Thiên đã nói rằng: “Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa” (Thi. 36:9). Mọi tạo vật đều do Chúa tạo tựng và ban cho sự sống. Chính vì vậy hễ ai quay khỏi Chúa thì chắc nhận lấy sự chết. Rất nhiều người đã quay khỏi Chúa và nhận lấy sự chết. Thay vì lấy lòng biết ơn mà nhận biết Chúa và sự sống tốt lành mà Chúa đã ban, những con người đầu tiên đã không vâng lời Chúa. Kể từ đó, cội nguồn sự sống bị cắt đứt khỏi con người, Kinh Thánh kể sự tồn tại của họ là “sự chết.”

Bất kỳ ai khi nhìn vào tình trạng nhân loại ngày nay đều nhận thấy sự thật này. Xung đột và đau khổ ngày một gia tăng. Còn ở những nơi không có xung đột hay đau khổ thì thẳm sâu trong tấm lòng con người không có sự yên ổn, một tấm lòng không thỏa lòng khiến người ta không ngừng theo đuổi khoái lạc, quyền lực, hoặc một hình thức tâm linh nào đó. Điều con người cần nhất chính là sự sống, sự sống mà Đức Chúa Trời đã định cho con người. Ngài ban sự sống ấy cho những ai nhận lấy, và Ngài thực hiện qua Lời Chúa.

Ở vùng Cận Đông thời cổ đại, người ta tìm kiếm những nguồn lực của sự sống, điều mà họ cho rằng có liên hệ với các thần linh, thông qua phép thuật bùa chú hoặc các nghi lễ tôn giáo. Ngược lại, tuyển dân của Đức Chúa Trời có được sự sống nhờ vào mối liên hệ phải lẽ với Đức Chúa Trời qua Lời Chúa. Môi-se lập ra hai con đường cho tuyển dân  Y-sơ-ra-ên, một là con đường sự sống và thịnh vượng, hai là con đường sự chết và đầy trắc trở. Kết quả hoặc hậu quả là do họ có làm theo hay là chối bỏ Lời Chúa (Phục. 30:15-20). Lời mà Môi-se nhận lấy từ Đức Chúa Trời “chẳng phải một lời nói vô giá trị… nhưng nó là sự sống” (32:47). Các tiên tri cũng đã tuyên bố rằng sự sống là do bước đi trung tín theo các luật lệ và mạng lệnh của Chúa (ví dụ, Êxê 18:9; 20:11). A-mốt nhìn thấy trước ngày phán xét của Đức Chúa Trời sẽ có đói kém, “chẳng phải là đói về bánh, cũng chẳng phải khát về nước, bèn là về nghe lời của Đức Giê-hô-va.” Hậu quả là con người sẽ “đi dông dài từ biển nầy đến biển khác” bởi vì nền tảng sự sống của họ đã bị cất đi (A-mốt 8:11-12).

Con người ngày nay cũng chịu những hậu quả tương tự khi quay khỏi Lời Chúa để làm theo ý riêng. Lẽ thật nền tảng xuyên suốt Kinh Thánh không hề thay đổi: Là những tạo vật của Đức Chúa Trời, chúng ta không tự có sự sống. Sự sống có được là bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Giê-su, Ngài vừa là Con người nhưng cũng là Đức Chúa Trời, đã áp dụng lời Môi-se cho chính Ngài: “Loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra” (Phục 8:3; Ma-thi-ơ 4:4).

Sự sống tìm được nơi Đức Chúa Trời và được ban cho qua Con Ngài. Đức Chúa Giê-su phán: “Ta là sự sống lại và sự sống,” và “Ta là… sự sống” (Giăng 11:25; 14:6). Vậy các môn đồ đầu tiên đã tin và nhận thấy lẽ thật này là đúng đắn, họ tuyên xưng rằng “trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người” (1:4). Đối với các môn đồ, Đức Chúa Giê-su chính là “Chúa [hoặc ‘Đấng sáng tạo’ hoặc ‘người tiên phong’] của sự sống” (Công. 3:15).

Nhưng chính Chúa, Đấng ban sự sống, đã phó chính Ngài thông qua Lời hằng sống của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Giăng đã viết rằng: “Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về Lời sự sống” (1 Giăng 1:1). “Lời sự sống” chính là Ngôi Lời nhập thể, Đấng mà các sứ đồ đã nhìn thấy và tay họ đã rờ đến Ngài. Nhưng đó cũng là điều mà họ đã “nghe” (1:3). Các sứ đồ công bố sứ điệp sự sống mà họ đã được nghe. Các tín hữu đầu tiên được khích lệ phải giữ vững “lời sự sống” (Phi-líp 2:16; cũng xem Công 5:20). Lời được truyền đạt bằng ngôn ngữ con người là “lời sự sống” khi những lời ấy công bố sứ điệp sự sống thật nơi Đấng Christ. Hơn thế nữa, khi lời sự sống được công bố, lời ấy tạo nên sự sống cho những ai tiếp nhận.

Lời Chúa có năng quyền “tái sanh,” là phép lạ biến đổi một con người khi họ đã chết về mặt tâm linh. Trong ngụ ngôn người ra đi gieo giống, Đức Chúa Giê-su ví sánh Lời Đức Chúa Trời như hạt giống (Lu-ca 8:11). Hạt lúa mì hoặc hạt ngô trông  bề ngoài như không có sự sống, nhưng khi được gieo xuống đất thì sản sinh thành một cây có sự sống. Cũng vậy, Kinh Thánh, Lời Chúa được viết thành sách, trông vẻ bề ngoài cũng giống như những quyển sách khác, nhưng khi được trồng trong lòng người thì có năng quyền kỳ diệu để sản sinh sự sống tâm linh. Cũng với hình ảnh hạt giống, Phi-e-rơ đã viết rằng: “Anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời” (1 Phi-e-rơ 1:23). Lẽ thật này được kinh nghiệm theo nhiều cách khác nhau: “Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng lời chân thật sanh chúng ta” (Gia-cơ 1:18). “Vừa lúc ban đầu, Ngài đã chọn anh em bởi sự nên thánh của Thánh Linh, và bởi tin lẽ thật, đặng ban sự cứu rỗi cho anh em” (2 Tê. 2:13). Đức Chúa Trời tiếp tục thu hút con người tiếp nhận Lời Ngài để được sự sống và sự cứu rỗi: “Hãy chăm chỉ nghe ta, hãy ăn của ngon… Hãy nghiêng tai, và đến cùng ta; hãy nghe ta, thì linh hồn các ngươi được sống” (Ê-sai 55:2-3).

Qua chức vụ, sứ đồ Phao-lô đã giảng dạy và trải nghiệm năng quyền Lời Chúa trong việc đem tha nhân đến với cuộc sống mới và sự cứu rỗi. Phao-lô nói rằng: “lời giảng về thập tự giá… là quyền phép của Đức Chúa Trời” (1 Côr. 1:18). “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin”  (Rô-ma 1:16).

Sự sống chỉ được tìm thấy trong sự gắn kết với Đấng Christ, và sự gắn kết ấy chỉ có được trong đức tin nhờ Lời năng quyền của Đức Chúa Trời. Như Phao-lô đã viết: “Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17). Nói cách khác, sứ điệp lời Chúa chính là năng quyền kích hoạt đức tin.

Giáo phụ Augustine (354 – 430) đã nói về năng quyền sản sinh sự sống của Lời Chúa qua chính trải nghiệm của ông. Sau khi kể về câu chuyện linh hồn của ông chịu đau đớn và giằng xé giữa một bên là bản ngã tội lỗi và một bên là Chúa, ông đã viết về những gì đã xảy ra:

Khóc lóc với tấm lòng đầy đau đớn và đắng cay, đột nhiên tôi nghe một giọng nói vang lên từ căn nhà gần đó, giọng của một bé trai hoặc gái (tôi không rõ) cứ lặp đi lặp lại câu nói: “Hãy cầm lấy và đọc, hãy cầm lấy và đọc”… Tôi nhìn dòng nước mắt và đứng lên. Tôi hiểu tiếng nói ấy là một mệnh lệnh từ Chúa dành cho tôi phải mở quyển sách và đọc chương đầu tiên mà tôi tìm thấy… Tôi cầm lấy quyển sách, mở ra và đọc thầm đoạn văn đầu tiên mà mắt tôi nhìn thấy: “Chớ nộp mình vào sự quá độ và say sưa, buông tuồng và bậy bạ, rầy rà và ghen ghét; nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Jêsus Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó” (Rô-ma 13:13-14)… Đột nhiên, đến chữ cuối cùng của câu Kinh Thánh này, một tia sáng thiên thượng chiếu soi vào tấm lòng đầy lo âu của tôi. Mọi bóng tối nghi ngờ đều bị xua tan.[3]

Năng quyền của lẽ thật được ghi lại trong Kinh Thánh cũng đem đến sự sống mới cho Martin Luther. Ông đã thực hiện tất cả mọi điều mà một “tu sĩ tốt” của Giáo hội Công Giáo La-mã thời bấy giờ cần phải làm để xoa dịu tấm lòng bất an của mình. Sau đó ông được phong làm giáo sư Kinh Thánh tại Đại học Wittenberg. Trong vai trò mới của mình, ông nghiên cứu và giảng dạy sách Rô-ma. Trong quá trình nghiên cứu Kinh Thánh, tấm lòng của ông bị thu hút bởi khái niệm “sự công bình của Đức Chúa Trời,” là điều mà sứ đồ Phao-lô tuyên bố đã được bày tỏ trong phúc âm (Rô-ma 1:16-17). “Tôi vô cùng khao khát được hiểu thư tín của Phao-lô dành cho người Rô-ma, tuy nhiên có một điều ngăn trở tôi đó là khái niệm ‘sự công bình của Đức Chúa Trời,’ bởi vì tôi hiểu rằng đó là sự công bình mà chính Đức Chúa Trời

là sự công bình và Ngài hành động trong sự công bình đó để hành phạt người không công bình… Tôi suy ngẫm ngày và đêm cho đến khi… tôi nhận ra lẽ thật đó là sự công bình của Đức Chúa Trời là sự công bình mà, chỉ nhờ ân điển và sự thương xót của Ngài. Chúa xưng công chính cho chúng ta bởi đức tin. Ngay sau đó tôi cảm thấy chính tôi được lại sanh và bước qua cánh cổng thiên đàng… Phần Kinh Thánh này của Phao-lô đối với tôi như mở ra cánh cổng vào thiên đàng.”[1]

Niềm tin vào năng quyền ban cho sự sống của Lời Chúa đã khiến việc công bố Lời Chúa trở nên nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với hội thánh đầu tiên. Phao-lô nhiều lần cầu nguyện để hội thánh được dạn dĩ rao giảng Lời Chúa (Ê-phê-sô 6:19-20; Cô-lô-se 4:3). Khao khát lớn nhất của Phao-lô đó là “đạo Chúa được đồn ra và được sáng danh” trong chức vụ của ông (2 Tê. 3:1). Sự công bố Lời Chúa và minh chứng về quyền năng ban cho sự sống của Lời Chúa trong thế gian đã giúp cho hội thánh đắc thắng và phát triển trong một thế giới bị bao trùm bởi sự tăm tối thuộc linh. Ngày nay cũng vậy.

Có một giáo sĩ  gần như chỉ dùng Kinh Thánh cho lời chứng cá nhân của mình từng được các bạn của ông hỏi rằng: “Ông sẽ làm gì khi một người chưa được cứu không chấp nhận thẩm quyền của Kinh Thánh?” Vị giáo sĩ đáp: “Nếu trong một trận chiến tôi có một thanh gươm Đa-mách loại tốt với hai lưỡi thật sắc bén, tôi sẽ không để thanh gươm ở yên trong vỏ chỉ vì đối thủ của tôi không tin rằng thanh gươm ấy sắc bén.”

Việc này không có nghĩa rằng những nghiên cứu về tính đáng tin cậy của Kinh Thánh là không có giá trị. Lý do để tin vào Kinh Thánh thường giúp người ta lắng nghe lẽ thật Kinh Thánh. Nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng “gươm Thánh Linh” không phải là lời nói của con người hay thậm chí là lý luận của chúng ta. Ngược lại, Kinh Thánh chính là Lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-su phán rằng Đức Thánh Linh cáo trách thế gian “về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét” (Giăng 16:8). Sự nhận biết về tội lỗi, và sự công chính của Đức Chúa Trời được tìm thấy nơi Đức Chúa Giê-su, và về sự phán xét sẽ đến là những lẽ thật mà con người cần nhận biết để tiếp nhận sự sống đời đời. Đó cũng là những lẽ thật đánh động đến tấm lòng chân thành của con người. Một tín hữu người Phi Châu đã nói rằng: “Kinh Thánh nói cho tôi biết về tấm lòng của tôi.” Đó cũng là những lẽ thật có năng quyền của Đức Thánh Linh.

Một nhà vật lý  tài năng đã khám phá điều này khi gặp gỡ D. L. Moody. Ông thừa nhận rằng ông chỉ đến nghe  Moody thuyết giảng để mua vui cho mình. “Tôi biết ngài ấy không phải là một học giả, và tôi cảm thấy chắc chắn rằng tôi có thể tìm thấy nhiều khiếm khuyết trong lập luận của ông. Nhưng tôi nhận ra rằng tôi không thể nhắm vào ông. Từ đầu đến cuối buổi diễn thuyết, ông ấy đã bắn vào tôi những câu Kinh Thánh như thể những viên đạn phát ra từ khẩu súng trường đi thẳng vào tim tôi. Tôi có thể nói rằng năng quyền của Moody đó là  ông ta có Kinh Thánh trong miệng.”[2]

Sự linh nghiệm của Lời Chúa để đem người khác đến với sự cứu rỗi đã lý giải tại sao nhiều kẻ thù của phúc âm đã thất bại trong việc xóa bỏ Kinh Thánh. Trong cuộc bắt bớ tàn khốc cuối cùng trước khi Cơ Đốc Giáo được hợp pháp hóa tại Đế quốc La-mã, chính quyền La-mã đã nghĩ cách để dẹp tan dứt điểm đạo Chúa. Khi một tín hữu đã bỏ đạo, ông này là thành viên  trong hội đồng của hoàng đế  nghe hội đồng này nói  về việc cần phải thiêu cháy mọi tín hữu Cơ Đốc, ông đáp lại rằng: “Thật vô ích khi thiêu đốt mọi Cơ Đốc Nhân, bởi nếu ngày nay quý vị tàn sát mọi Cơ Đốc Nhân nhưng vẫn để sót lại một bản sao Kinh Thánh thì ngày mai hội thánh Cơ Đốc sẽ trỗi dậy một lần nữa.” Chính vì vậy mà hoàng đế La-mã đã ra sắc lệnh tiêu hủy mọi bản sao Kinh Thánh.

 (còn nữa)

 admin

Có thể bạn quan tâm