Trang chủ Tổng Hợp TÍNH KỶ LUẬT

TÍNH KỶ LUẬT

bởi admin
Năm 2016 tôi về thăm Việt Nam. Bạn tôi đưa tôi đi thăm một vài nơi. Hôm ấy, chúng tôi vào thăm một phân xưởng sản xuất đồ gỗ xuất khẩu rất lớn ở Bình Dương. Bạn tôi là một doanh nhân ngành gỗ, chuyên cung cấp gỗ sồi cho nhiều dây chuyền sản xuất đồ gỗ nội thất.
Hôm tôi đến, hơn 800 công nhân đang làm việc miệt mài; máy cưa, máy sấy, máy sơn, máy xếp hàng chạy ầm ầm. Không khí thật là náo nhiệt. Tôi được giám đốc sản xuất đưa đi thăm từng chuyền một. Tôi nghe tiếng của những công nhân văng tục loạn xạ. Tôi hơi ngạc nhiên.
Khi về phòng giám đốc, tôi hỏi cậu giám đốc, làm sao cậu có thể quản lý chừng ấy con người, mà chỉ nghe họ nói chuyện thôi, đã thấy họ dữ dằn rồi. Cậu ấy nói, đó là lý do em được tăng lương liên tục. Chỉ làm có 5 năm, lương em đã được tăng tới 20 lần! Lương em giờ hơn 10,000 USD một tháng. Nhưng em mệt mỏi vì công việc này, em xin nghỉ miết, ông chủ là chú em, năn nỉ em không cho nghỉ. Ông bảo mày mà nghỉ tao phá sản!
Tôi hỏi tại sao? Cậu ấy nói, tại vì ông làm chủ thì được, nhưng nói công nhân không nghe, em nói thì công nhân chịu nghe. Tất cả 800 công nhân ở đây đa phần đến từ Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, họ chịu khó, họ chịu cày, họ giỏi nghề mộc, nhưng họ lại… vô tổ chức! Họ mà không phục, họ đốt cả xưởng mộc cháy thành tro!
Tôi suy nhiều về câu chuyện trên. Ai đã tạo ra những người công nhân vô kỷ luật như vậy? Gia đình chăng? Xã hội chăng? Giáo dục chăng? Tôi nghe nhiều người nói kỷ luật quá sẽ giết chết tính sáng tạo; nhưng tôi e rằng, chưa sáng tạo ra được cái gì, mà đã vô kỷ luật thì làm sao có nề nếp, có quy cũ.
Tôi được học, được sống, được làm việc ở hai quốc gia, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, tôi thấy người Mỹ rất kỷ luật. Người ta dạy con trẻ kỷ luật từ nhỏ. Người ta dạy tụi nhỏ biết xếp hàng, biết tự giác, biết từ chối nhận cái gì không phải của mình, biết tôn trọng cảm giác của người khác. Biết kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình, không chen lấn, không xô đẩy, không nóng nảy bừa bãi. Người ta dạy con trẻ biết kiềm chế. Tất cả những điều tôi nói đều thuộc về phạm trù kỷ luật.
Khi tôi mở ra chương trình Nhịp Cầu Sinh Ngữ, điều tôi nghĩ đến đầu tiên là tính kỷ luật. Tôi làm việc với mỗi trưởng nhóm, tới nay đã là 54 trưởng nhóm. Mỗi trưởng nhóm mỗi tính cách, mỗi cách làm việc khác nhau. Tôi luôn luôn là người chủ động. Tôi tìm đến từng người. Tôi gõ cửa từng nhà thờ, từng mục sư. Tôi không ngồi chờ người ta tìm đến Nhịp Cầu Sinh Ngữ.
Tôi không hiểu từ đâu mà người Việt có tính lề mề; còn các lãnh đạo thì lại quan cách. Những người cộng sự của tôi chịu áp lực rất lớn. Khi mở một lớp học, chúng tôi phải họp lui họp tới nhiều lần với các trưởng nhóm, thì lớp học mới bắt đầu hình thành. Khi hình thành, ít có lớp nào suôn sẻ, vì giáo viên và trưởng nhóm “không hiểu ý nhau.” Tôi không nhìn vào con người, tôi đang nhìn vào công việc. Tôi thấy tính chủ động, và kỷ luật thật là quan trọng.
Tôi muốn đi xa hơn nữa chuyện dạy tiếng Anh. Tôi mong muốn dạy các cháu học tính kỷ luật. Biết rằng, ấy là chuyện rất khó, không phải ngày một ngày hai. Tôi thường xuyên nói với các bạn trong Ban Quản Trị: Hãy tập cho mình tính kỷ luật. Giờ nào việc nấy. Nhận việc phải xong việc. Đừng giao văn bản nháp cho người khác. Đừng đánh cắp thì giờ cam kết với các cháu.
Tôi không nghĩ đây là việc thiện nguyện. Tôi nghĩ chúng ta đang giáo dục và huấn luyện những con người. Tất cả người lớn chúng ta phải quy cũ, phải cam kết, phải rõ ràng, phải đúng giờ, phải nhanh nhẹn, phải quan sát, phải yêu thương, phải kiên nhẫn, phải cảm thông, phải gắn bó, phải hy sinh. Đó là lý do có người đã vì cảm xúc mà bước vào, rồi cũng vì không có tính kỷ luật rồi lại bước ra.
Mai đây tôi sẽ có buổi tiếp xúc với phụ huynh. Tôi biết phụ huynh sẽ đặt ra những câu hỏi liên quan đến tương lai của các cháu. Tôi mong muốn tất cả các bạn trẻ đang giúp điều hành Nhịp Cầu Sinh Ngữ, hơn 130 thầy cô giáo, đặc biệt là 54 trưởng nhóm, hãy vì các cháu mà gia tăng tính chủ động, và tính kỷ luật trong lúc dạy, lúc quản trị, lúc làm host các chương trình, lúc tiếp xúc với nhau, lúc điền tên tuổi từng em, hãy chính xác, hãy ngăn nắp, hãy quy cũ, hãy hệ thống ngay từ đầu.
Tôi không muốn công khó của chúng ta không mang lại kết quả cho các cháu. Hãy cùng nhau để tạo ra những đứa trẻ nhanh nhẹn, ngăn nắp, ngay thẳng, đúng giờ, tự giác, mạnh dạn, cầu thị. Tôi tin tuyệt đối vào tấm lòng yêu thương các cháu bé nghèo của quý thầy cô, các bạn trẻ; đó là lý do tại sao tôi mở chương trình này ra xa hơn, rộng hơn, lớn hơn.
Vậy thì, mỗi người hãy bắt đầu bằng tính chủ động, và tính kỷ luật, để dẫn con em chúng ta vào nề nếp ngay từ đầu. Mỗi người trong chúng ta đang là con sếu đầu đàn dẫn bầy sếu con bay theo mình. Cám ơn hết thảy những tấm lòng đóng góp để có được bước khởi đầu đầy hy vọng.
Mục sư Ân Điển

 

Có thể bạn quan tâm